Cách đây hơn ba mươi năm, khi bài thơ Làng tiến sỹ của nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn xuất hiện trên báo Văn nghệ, sớm thu hút được nhiều cảm tình của bạn đọc. Bài thơ anh viết ở làng Kim Đôi quê anh, cái làng nhỏ nằm ven bờ sông Cầu, ngoại ô thành phố Bắc Ninh. Người dân quê anh, vốn tự hào là người của làng khoa bảng. Từ triều Lê, kéo dài gần 300 năm với 13 đời nối tiếp, Kim Đôi đã có 25 vị tiến sĩ nho hoc, nhiều vị thượng thư, tỷ lệ đỗ đạt cao thứ nhì nước nhà, chỉ sau làng Mộ Trạch (Hải Dương). Một làng có truyền thống học hành thành đạt như thế, phía sau sự hào quang, thì cũng để lại không ít hệ lụy. Trải qua bao cuộc chiến tranh tàn phá, rồi cải cách ruộng đất, rồi đánh Mỹ đánh Tàu, rồi quan liêu bao cấp, rồi bão mưa lũ lụt… khiến cho làng quê trở nên xơ xác tiêu điều. Với một tâm hồn nhạy cảm, thương xót cho quê hương, Nguyễn Anh Thuấn sớm nhìn ra bao cái hệ lụy kia.
Làng ấy năm xưa nhiều tiến sỹ
|
Bây giờ tôi hỏi: mái đình đâu?
Hỏi gió?… Gió trốn vào khe núi
Hỏi trời?... Mây trắng bạc như nhau!
Từ những trải nghiệm ngay chính trên quê hương mình, xót xa vì sự đói nghèo và xơ xác như bao làng quê khác, Nguyễn Anh Thuấn đã có những câu thơ ám ảnh:
Một lũ dông dài inh ỏi xóm
Hoa rơi không có kẻ giật mình!
Ở đời, sống vô cảm là lối sống tồi tệ, đáng sợ nhất. Vô cảm còn dễ dẫn tới tội ác. Bài thơ Làng tiến sĩ, có sức nặng, bởi người viết dám nhìn thẳng vào sự thật với tấm lòng đầy trách nhiệm. Bài thơ có tính cảnh báo cao về thực trạng của nông thôn Việt Nam sau chiến tranh. Phẩm chất thi sĩ của Nguyễn Anh Thuấn phơi lộ ở đây. Để viết được bài thơ này,người đọc dễ hiểu tác giả phải là người gắn bó, sống hết mình với quê hương.
Thời trai trẻ, Nguyễn Anh Thuấn có may mắn được trải nghiệm, rèn luyện ở nhiều cơ sở công nghiệp lớn. Ấy là các nhà máy ở khu công nghiệp Hải Phòng, Hà Nội, Thái Nguyên. Anh làm thợ, rồi làm cán bộ kế hoạch, cán bộ điều hành sản xuất tại một cơ sở phụ tùng ô tô, chuyên phục vụ cho quốc phòng. Thơ anh bắt đầu xuất hiện trên báo Lao Động, tạp chí Văn hóa Hà Bắc, báo Tiền Phong, báo Thống Nhất… Bài thơ đầu tiên của anh in trên báo Văn nghệ năm 1971, có tên là: Bài thơ về chiếc mũi khoan. Chùm thơ đầu tiên in trên Văn nghệ Quân đội là: Trong hội chùa Thầy và Sông Đáy. Ngoài ba mươi tuổi, sau một khóa học ở trường Tuyên giáo Trung ương, anh chuyển vùng về làm cán bộ biên tập ở Đài phát thanh thị xã Bắc Ninh, tham gia hội VHNT tỉnh Hà Bắc ngay từ khóa đầu. Ban ngày ngoài thời gian đi các cơ sở lấy tài liệu viết bài, đêm xuống, khi thì anh ngủ tá túc tại cơ quan, khi thì đạp xe về quê làng Kim Đôi, ở đó có người mẹ già và cô vợ trẻ. Cái thực tế vô vị, ồn ào, nhạt nhẽo “Một đám dông dài inh ỏi xóm”… nhà thơ đã nhiều phen nếm đủ. Nếu làng xóm cứ mãi ỉ lại vào quá khứ vàng son, với lối làm ăn cũ, không chịu vận động và đổi mới, thì sao đổi thay được cảnh đời nghèo khó. Tồi tệ hơn, lối sống ỉ lại, vô cảm, vô vị, quay lưng lại với quá khứ, thật đáng cảnh báo và lên án. Châm ngôn phương Tây có nói “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đại bác!”. Là nhà thơ, không phải nhà chính trị, nhà kinh tế, anh chỉ biết viết những câu thơ từ cõi sâu thẳm của tâm hồn mình để cảnh báo một thực tại rất đáng quan ngại khi đó. Tôi hình dung, bài thơ Làng tiến sĩ của Nguyễn Anh Thuấn khi công bố, hẳn có hai làn sóng dư luận. Có người sẽ quý anh hơn, vì dám viết thật về những khiếm khuyết của nông thôn Việt Nam sau chiến tranh, thông qua hình ảnh một làng tiến sỹ. Có người sẽ không bằng lòng, cho là nói xấu làng xóm. Trên thực tế, nhà thơ đã gặp phải sự phản ứng gay gắt từ quê nhà đến cả cơ quan quản lý văn hóa. Họ thẩm vấn anh, từ lý lịch cá nhân đến động cơ sáng tác. Anh rơi vào tình thế “đèn vàng” trong nhiều năm. Lủi thủi đi làm, lủi thủi làm thơ, cố kiếm tiền giúp vợ nuôi con ăn học. Và cũng thật kỳ lạ, những bài thơ khá nhất của anh đã ra đời trong giai đoạn này: Thương Người Quan họ, Với hội Cầu Lim, Thị xã đèn dầu, Ở cạnh nhà tôi, Giây lát trên tầu… chúng được tập hợp trong thi phẩm Cây hai bờ gió in năm 1998, đem lại cho anh giải B (không có giải A) của Liên hiệp VHNT Việt Nam, năm 1999. Trước đó, vào năm 1995, bài bình luận sâu sắc của nhà thơ Anh Vũ về bài thơ Làng Tiến sỹ, đăng trên báo của tỉnh Đảng bộ Hà Bắc, Nguyễn Anh Thuấn đã được chiêu tuyết, giải oan. Nhà thơ không phải là kẻ nói xấu làng quê của mình, mà anh muốn rung lên một hồi chuông cảnh tỉnh xã hội về sự xuống cấp nghiêm trọng của nông thôn Việt Nam sau chiến tranh, thông qua hình ảnh cụ thể của một làng văn hóa nổi tiếng. Anh được kết nạp Đảng năm 1996, sau bao năm chờ “đèn vàng”. Vui hơn nữa, năm 2003 anh được kết nạp vào Hội nhà văn Việt Nam.
Thị xã Bắc Ninh nhỏ bé này, có đến hàng chục anh em mê văn chương. Những người sớm nổi tiếng, như Đỗ Chu, Dương Thu Hương thì sớm rời xa thị xã. Còn lại Nguyễn Thanh Kim, Trần Anh Trang, Nguyễn Ngọc Ly thi thoảng lại đùm đúm đọc cho nhau nghe bài thơ, đoạn văn mới viết. Anh Vũ, Nguyễn Phan Hách, Trần Ninh Hồ thi thoảng từ Bắc Giang xuôi về, lại gặp gỡ, tụ bạ ở cái phòng làm việc Đài phát thanh của Thuấn. Khi hứng chí, châm lửa chiếc bếp dầu cháy lụt phụt, nấu xoong mì sợi xì xụp và chiêu đãi nhau chén rượu làng Vân nấu bằng sắn. Đời sống xã hội những năm đó nghèo khó, nhưng lòng yêu văn chương của mỗi người như giầu có vô cùng. Ai cũng ngỡ tác phẩm mình viết ra, đủ sức mạnh dời non lấp bể. Tâm hồn Nguyễn Anh Thuấn giàu có hơn, tri thức văn hóa được nâng cao, hiểu biết về nghề văn thêm đầy đặn, chính từ những ân tình đó. Rồi anh lại viết tiếp những bài thơ về quê hương, về những điều mà anh trăn trở, yêu thương. Bài thơ Bất ngờ hoa đỏ, như gửi cả niềm tin với làng tiến sĩ qua thời suy thoái, mong rồi sẽ có ngày phát lộ: “Hạt gì chim đánh rơi/ Nơi góc vườn nghèo khó/ Một cây non mồ côi/ Chả ai thèm nhòm ngó/ Góc vườn xưa hiu hắt/ Một sớm trời sương mơ/ Cây như đầy phép lạ/ Hoa đỏ lên bất ngờ”.
Với dòng sông quê, Nguyễn Anh Thuấn nhìn ra số phận riêng của nó. Đó là dòng sông một bờ, một dòng sông thiếu hụt và thiệt thòi:
Có dòng sông một bờ
Phải cố tìm ra bể
Phải vật vã một đời
Sóng vẫn còn chưa nguôi…
(Dòng sông một bờ)
Bài thơ viết về dòng sông, mà như viết về chính anh. Một chàng trai sinh ra đúng thời loạn lạc, bị thiếu hụt bao nhiêu thứ, bị ngộ nhận nhiều điều, nhưng vẫn phải cố gắng hết mình để tới được bến bờ, để trở thành người có ích cho gia đình và xã hội. Trong một bài thơ tặng người vợ của mình, anh viết: “Mùi cỏ cháy cồn lên từ đêm ấy/ Gửi vào lòng cơn gió nỗi niềm đau/ Chim vịt kêu nơi đầm xưa khô cạn/ May đời mình còn có được bên nhau” (Gió)
Cứ tưởng tâm hồn tung tảy chân trời góc bể đẩu đâu, ấy rồi vẫn phải bám vào cái mùi cỏ cháy góc quê từ đêm ấy. Câu thơ như nỗi niềm sám hối về những nhạt nhòa với quê hương, với người thân. Nhưng rồi, con tim không ngủ yên lại kéo anh phiêu diêu tới những miền quê xa vời, đầy kỷ niệm: “Sông Công ơi! Ta vẫn nhớ mình luôn/ Ta là sỏi đầy rêu… mình đã rửa/ Ta là cát sạch tinh. Là vôi vữa/ Xây ngôi đền ơn nghĩa với sông Công!” (Nhớ sông Công)
Tự nhận mình là hòn sỏi bám đầy rêu, nhờ tình yêu gột rửa, làm sạch tinh. Ấy rồi, lại dễ xốn xang với những miền đất mới lạ khác: “Gần thì… em thật là xinh/ Dịu thơm như chỉ là mình với ta/ Mà xa… xa đến rườm rà/ Em như giọt lệ vỡ òa vào đêm” (Yên Bái, gần và xa)
Có người bảo rằng đó là tâm hồn đa cảm. Nhưng xem ra, tâm hồn nhà thơ nào chả dễ đa mang, đa cảm.
Từ năm 2008, Nguyễn Anh Thuấn được phân công phụ trách biên tập tạp chí Người Kinh Bắc của Hội văn nghệ Bắc Ninh. Cánh cửa thực tế như mở rộng cho anh hơn, đúng với lòng ham mê và sở thích của anh. Tập hợp, quy tụ, đánh giá lực lượng viết trong tỉnh. Rồi các phân chi hội, các câu lạc bộ thơ ca ở các huyện mời anh về hỗ trợ phong trào. Nguyễn Anh Thuấn bận rộn vì những cuộc giao lưu với các câu lạc bộ này. Vốn cả nể, quý bạn, anh đã dành khá nhiều thời gian và công sức để giới thiệu những bài thơ, những tập thơ có chất lượng với độc giả trong tỉnh. Với người viết, đó là niềm vui và vinh dự. Nhưng tôi đồ rằng, Nguyễn Anh Thuấn cũng sớm mệt phờ vì những “fan” hâm mộ dành cho mình. Bởi sau những cuộc vui ồn ã đó, những câu thơ vẫn nhoi nhói trong tâm thức anh. Nó đòi hỏi anh phải ưu tiên cho những đứa con đẻ của mình. Anh là một chủ thể sáng tạo chứ không phải một cán bộ phong trào. Khéo giã từ và thưa dần những cuộc đón rước, những cuộc nhậu nhẹt tưng bừng, anh dành thời gian và sức lực để viết những câu thơ gan ruột của mình. Thơ vẫn cần những khoảng khắc tĩnh lặng và cô đơn nhất.
Đôi khi, Nguyễn Anh Thuấn cảm thấy thiệt thòi so với bạn bè viết cùng quê, cùng trang lứa. Lại nhớ cái thuở ban đầu hăm hở, đắm say đeo đuổi thi ca, mấy chục năm trước. Một lứa anh em viết ở cái thị xã nhỏ bé, cùng chung sức trình làng tập thơ đầu tiên, có tên sách Gặp lại mùa xuân. Cuốn sách có bìa in tranh gà Đông Hồ, rạo rực báo một mùa tưng bừng của thi ca miền Kinh Bắc. Đội ngũ ấy, nay người tiến gần, tiến xa. Nguyễn Anh Thuấn có lúc đã tâm sự “Nếu có điều kiện làm việc ở Thủ đô như các bạn, được thụ hưởng những tinh hoa của văn hóa kinh kỳ, có thể tôi cũng làm thêm được nhiều việc khác. Viết được nhiều thể loại hơn, viết hay hơn những gì đang có!”…
Thấy có chút gì như tự thán. Có cảm giác như anh chưa bằng lòng với chính mình. Tôi muốn nói rằng, Nguyễn Anh Thuấn ơi, đã là người cầm bút, ai chả có những giây phút chán chường. Nhưng chẳng có gì phải tự ti cả. Vì anh là nhà thơ, tác giả của gần mười đầu sách, với câu thơ ám ảnh Hoa rơi không có kẻ giật mình, thì hẳn chính anh cũng giật mình khi biết bao bạn đọc đã nhớ câu thơ đó.
Đấy là phần thưởng vô giá của người viết, phải không anh?!
Nhà thơ Nguyễn Anh Thuấn sinh năm 1948, quê Bắc Ninh, trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2003, các tập thơ đã xuất bản: Bàn tay năm tháng (1982); Bất ngờ hoa đỏ (1990); Lạnh quá láng giềng ơi (1991); Cây hai bờ gió (1998); Gió vẫn thổi ngang chiều (2005); Buông gió vào chiều (2013); Không chỉ là giấc mơ (2019). |
Vũ Từ Trang | Báo Văn Nghệ