Chuyện vặt này mà muốn tỏ tường thì không khỏi chạm đến mỹ học phương Tây, triết học phương Đông, nhất là thi học cổ điển Trung Hoa.
Mỹ học phương Tây mà tiêu biểu là Hégel có phân biệt giác quan nghệ thuật với giác quan phi nghệ thuật: “Sự vật cảm tính của nghệ thuật chỉ liên quan đến cảm quan nghe nhìn mang tính nhận thức. Còn vị giác, khứu giác và xúc giác thì hoàn toàn không liên quan với việc thưởng thức nghệ thuật" (Mỹ học). Cần bổ sung vào các giác quan nghệ thuật bằng óc tưởng tượng với tư cách là giác quan tổng hợp thì đầy đủ hơn. Nghệ thuật chỉ là bóng dáng chứ không phải là bản thân cuộc đời, nó cốt thỏa mãn tâm hồn, chứ không đem lại quyền lợi gì thiết thực, sát sườn cho dù rất mực chính đáng. Tiếp nhận nó chỉ là thưởng thức, thưởng ngoạn, chiêm ngưỡng, chứ không cần mà cũng không thể chiếm lĩnh. Cho nên mũi, lưỡi, bàn tay là không cần thiết, còn tai, mắt, óc tưởng tượng luôn luôn mang tính chất “gián cách" với đối tượng thì lại rất phù hợp. Ở đây tuyệt nhiên không có chuyện xếp loại về phẩm chất của các giác quan. Không phải người ta không nghe, nhìn, tưởng tượng bậy bạ, nhưng chả chết ai, vì nó vẫn bảo đảm cho sự thưởng thức khỏi rơi vào vòng chiếm lĩnh! Mũi lưỡi, và nhất là bàn tay không phải không có được những cử chỉ và hành động cao cả, nhưng nhỡ có gì hơi bị sai, là rách việc ngay! Không phải ngẫu nhiên, mà như thiên định là nghệ thuật tuy có nhiều loại hình, nhưng nghệ thuật thính giác (âm nhạc), nghệ thuật thị giác (hội họa) và nghệ thuật ngôn từ mang tính tổng hợp gián tiếp (văn học) là cơ bản nhất. Cho nên việc phát hiện ra những giác quan phi nghệ thuật là đúng về cơ bản, nhưng có phần siêu hình tĩnh tại. Nguyên nhân sâu xa là vì quan niệm của Hégel bắt nguồn từ truyền thống phân tích lý tính của triết học phương Tây, nhưng “ngoài trời lại có trời", triết học cổ đại phương Đông thiên về trực cảm tổng hợp, cho nên lại hé mở ra được chân lý khác. Như Phật giáo cho rằng không phải chỉ là ngũ quan, mà là “lục căn” gồm tai, mắt, mũi, lưỡi, thân, ý. Hai cái sau tương ứng với thân xác và tâm hồn. Sáu cảm quan này tương giao với nhau, cho nên có thể “vô mục nhi kiến” (không mắt vẫn thấy) "vô nhĩ nhi thính" (không tai vẫn nghe), “phi tỵ văn hương" (không mũi vẫn ngửi được mùi hương), “dị thiệt tri vị" (không phải lưỡi cũng biết được vị), bởi vì “tỵ lý âm thanh" (trong mũi có âm thanh), “nhĩ trung hương vị” (trong tai có hương vị), “nhãn trung hàm đạm" (trong mắt có mặn nhạt), "thiệt thượng huyền hoàng" (trên lưỡi có đen tím vàng), v.v... Nghe hơi phi lý, nhưng có căn cứ, ngay ở phương Tây, Baudelaire chẳng đã rất nhấn mạnh: “Hương thơm, màu sắc, âm thanh tương giáo lẫn nhau". Như thế là có sự tương thông giữa khứu giác với thính giác và thị giác rồi! Không phải chỉ tương giao mà còn chuyển hoá nữa cơ! Mà điều này cũng chả cần viện dẫn đến triết gia và nghệ sĩ thế giới làm gì. Bởi vì nó quá ư phổ biến ngay trong lối nói thông thường của ta: "Nghe lạnh ghê", "Thấy ngọt quá", "Nghe thơm thật”, “Thấy sâu sắc lắm" v.v... nghĩa là có chuyển hóa rất tự nhiên, giác quan này có thể cảm thấy được đối tượng của giác quan kia. Cũng cần lưu ý thêm rằng văn học là loại hình nghệ thuật phi vật thể, chất liệu của nó là ngôn từ với tư cách là ký hiệu của vật chất, chứ không phải bản thân vật chất. Cho nên ngay đến các giác quan nghệ thuật chủ yếu như thị giác, thính giác cũng tỏ ra không đủ dùng với văn học. Đọc những câu thơ có thanh âm, cảnh sắc hẳn hoi như “Mục địch nhất thanh thiên nguyệt cao” của Nguyễn Trãi, thật ra có trực tiếp nghe thấy tiếng sáo của mục đồng và vầng trăng vươn lên trời cao gì đâu? Tất nhiên rồi cũng nghe thấy được cả, nhưng ít nhiều phải qua óc tưởng tượng. Đã tưởng tượng thì cái gì mà không hiện lên trong đầu óc được, còn hay dở, thiếu đủ là chuyện khác. Tưởng tượng là giác quan mang tính chất tổng hợp gián tiếp, rất tương thích với sáng tác và thưởng thức văn học. Cho nên hiện tượng cảm giác tương giao là tất yếu và phổ biến nhất trong sáng tác văn học cổ kim đông tây, xưa nay Tây Tàu đều thế cả.
Nhưng đây là đang bàn về thi học, nghĩa là không phải vấn đề nghệ thuật mà là vấn đề khoa học về nghệ thuật với những khái niệm phạm trù cơ bản của nó. Khác với phương Tây, các khái niệm, phạm trù thi học cổ điển Trung Hoa thiên về tư duy kinh nghiệm, rất chú ý đến vai trò của trực giác, trực cảm. Đã trực giác, trực cảm nghĩa là làm sao có thể cảm thấy ngay được cái điều cốt lõi của đối tượng, thì ắt hẳn phải huy động tổng hợp đến mức tối đa có thể được chức năng của tất cả các loại giác quan. Chính từ đây mới xuất hiện vai trò đáng kể của các giác quan “phi nghệ thuật” với những khái niệm có thể hình dung việc ngửi, nếm, sờ vào văn thơ theo một nghĩa nào đó. Tất nhiên khái niệm phạm trù lý thuyết gì rồi cũng phải có căn cứ trong sáng tác.
|
Trước hết, về chuyện ngửi văn thì khá phổ biến ở Trung Quốc, như truyện Ty văn lang của Bồ Tùng Linh kể về một hòa thượng mù có biệt tài ngửi các bài văn sau khi đốt đi, thì biết hay dở thế nào. Hai chàng nho sinh trước khi đi thi đều đến thỉnh giáo hòa thượng. Chàng Vương thông minh tuấn tú đốt văn của mình trước, hòa thượng liền bảo: “Văn của anh ban đầu là có học của các bậc đại gia, tuy không giống hẳn, nhưng cũng là tương tự... Có thể đỗ được đấy". Còn chàng Dư dốt nát mà khoác lác liền đốt theo, nhưng vừa châm lửa, thì hòa thượng lập tức ngăn lại: “Thôi đừng đốt nữa! Không ngửi được, bắt ngửi thì tắt thở mất, đốt nữa thì sẽ nôn ọe ra hết!”. Ấy thế, nhưng khi trường thi yết bảng thì Dư đỗ cao, còn Vương lại hỏng! Hòa thượng liền than thở mà rằng: “Ta tuy mắt mù, nhưng mũi không mù. Còn quan khảo thí thì mũi lại mù". Hẳn đây là điều cảnh báo cho muôn đời! Sáng tác sâu sắc như thế, mới mở đường cho việc khái quát lý thuyết được. Đọc câu thơ của Lý Bạch: “Thiên hương sinh hư không" (Hương trời bay ra từ hư không), người đời Tống cho rằng “Vì nghĩ trong thắng cảnh yên tĩnh có khí tự nhiên trong trẻo nên gọi là hương trời". Nói rộng ra cả thơ Thịnh Đường, thì Viên Trung Đạo đời Minh nhận xét chung là “Xem thì có màu sắc, thắt lại thì có thanh âm, ngửi thì có hương vị". Người đời Thanh lại mở rộng, nâng cao lên thành châm ngôn: “Học thơ của người xưa không phải ở câu chữ, mà là ở hương vị. Câu chữ chỉ là phách, hương vị mới là hồn". Nói chung đời Thanh có xu hướng đột xuất hương vị của thơ văn. Tiền Khiêm Ích lập luận rằng thơ ca "dồn tích thần minh, đào thải ô uế... là hương vị giữa đất trời". Chính vì thế ông đã nêu ra khái niệm Tỵ quan (quan sát bằng mũi) bởi vì “nhãn quan”, “mục quan" là quan sát bằng mắt thì không thấm được hương vị: “Tôi bỏ qua mắt mà dùng mũi, cốt để ngửi không cần nhìn. Phẩm cấp của thơ cũng giống với hương vị có thượng, trung, hạ... Cảm được thanh sắc, hương vị, mũi đều kiêm nhiệm được cả, đây là cách xem thơ tiện lợi nhất".
So với hương thơm từ khứu giác, thì mùi vị từ vị giác lại càng phổ biến trong thi học cổ điển Trung Hoa. Tất nhiên cũng như hương thơm, mùi vị ở đây không phải theo nghĩa thông thường, nó đã chuyển nghĩa, nhằm chỉ cái gì hay ho, hấp dẫn, diệu kỳ toát ra từ phẩm chất thẩm mỹ với nhiều sắc thái khác nhau của tác phẩm. Chúng ta bắt gặp ở đây hàng loạt khái niệm: tư vị, phong vị, vận vị, thiền vị, tinh vị, thanh vị, chí vị, dật vị, di vị, dư vị, thậm chí cả vị ngoại chi vị (vị ở ngoài vị).v.v... Nó tồn tại đấy, nhưng rất khó giải thích rạch ròi. Nói như Vương Sĩ Trinh đời Thanh, nó nằm giữa “khả giải và bất khả giải... không giải thích được thì vô vị. Mà giải thích được thì hết vị”. Đặc biệt là khái niệm vô vị chi vị (mùi vị của cái vô vị). Nó tổng hợp mọi vị, cho nên không còn (vô) mang một mùi vị cụ thể nào, nhưng lại làm nên được một mùi vị mới. Diêu Xuân có giải thích: “Trong thức ăn vốn có các thứ chua, mặn, ngọt, đắng, mỗi thứ đều không thể vượt qua được mùi vị của mình, nhưng người giỏi chế biến đều làm cho các mùi vị ấy không còn nữa (vô vị). Các loại thuốc nóng, lạnh, lành, dữ, đều không thể tự mất đi cái tính chất của nó, nhưng thầy thuốc giỏi có thể làm cho chúng mất đi những tính chất đó (vô tính). Mây gió trăng sương, cá, sâu, cây, cỏ đến nhân tình thế thái gửi gắm trong các vật ấy đều không vượt qua gốc tích của nó, nhưng người hay thơ dùng đến đều có thể làm cho chúng trở nên vô tăm tích. Ba việc khác nhau này đều kỳ diệu là vì sao? Nấu được thức ăn vô vị, chế được bài thuốc vô tính như thế là rất quý, rất hiếm, và làm được loại thơ vô tăm tích là thần vậy. Thi học cổ điển Trung Hoa thường đề cao cái mùi vô vị này, cho nó là chân vị hay đạm vị (vị nhạt): “Đạm trung hữu vị, vị chân vị (Trong nhạt cũng có mùi vị, đó là chân vị vậy). Tất nhiên vị nhạt cũng có nhiều loại: bình đạm, xung đạm, giản đạm, cổ đạm, đạm phác, đạm viễn.v.v... Nhưng cái chung nhất của đạm (nhạt) là ôn hòa thanh nhã, chứ không phải nhạt nhẽo. Ở đây có mối quan hệ biện chứng giữa đạm (nhạt) với nồng (đậm, mặn) như Viên Mai có nói: “Thơ thích nhạt, chứ không thích đậm, nhưng là cái nhạt sau khi đã đậm”. Như thế nhạt ở đây không phải là hời hợt, dễ dãi, mà là thâm trầm sâu sắc. Cho nên Hứa Tử Tôn mới tổng kết: “Thơ cố làm mặn nồng quá lại rất mong manh, mà nhạt lại dày dặn hơn".
Về mặt xúc giác, thì trong thi học cổ điển Trung Hoa thường xuất hiện những khái niệm như cứng với mềm, thô với tinh, nhất là nóng với lạnh như Lưu Hy Tải nói “Trong câu lạnh có chữ nóng, trong câu nóng có chữ lạnh" (Lãnh cú trung hữu nhiệt tự, nhiệt cú trung hữu lãnh tự).vv... Nhưng nhìn chung nếu những khái niệm mang tính chất khứu giác và vị giác xuất hiện nhiều hơn trong lý luận thơ, thì những khái niệm mang tính chất xúc giác lại xuất hiện nhiều hơn trong lý luận kịch và tiểu thuyết, vì cái trước thiên về việc bộc lộ tình cảm chủ thể tương đối trừu tượng dễ hình dung bằng hương thơm mùi vị, còn cái sau thiên về tái hiện khách thể mới tạo ra môi trường cho cảm xúc trực tiếp. Ngay về các khái niệm nóng với lạnh cũng được dùng nhiều trong lý luận kịch và tiểu thuyết. Nhà lý luận kịch Lý Ngư có nhận xét rằng vì bản tính con người thích vui nhộn ồn ào náo nhiệt cho nên “kịch bản mà lạnh quá, thì sẽ làm cho người ta sinh chán.., làm sao bên ngoài có vẻ lạnh, nhưng bên trong phải cực nóng... nóng trong lạnh hơn hẳn lạnh trong nóng”. Về tiểu thuyết, thì có ý kiến phân loại thành hai loại lạnh và nóng: "Tiểu thuyết lạnh với những ấn tượng khó luận bàn làm cho người ta nghi hoặc; tiểu thuyết nóng làm cho con người trở nên trang nghiêm túc mà khoái chí có thể khẳng khái tuốt kiếm chém đất" (Độc mẫu đại trùng tiểu thuyết).
Thế nào là hương, là vị, là nhạt đậm, là nóng lạnh.v.v... trong văn thơ chỉ có thể phải bàn thấu đáo trong rất nhiều dịp khác, ở đây chỉ cốt nêu lên vai trò của các giác quan" phi nghệ thuật “trong việc hình thành một số khái niệm trong thi học cổ điển Trung Hoa. Mà điều này nói đến cùng cũng là vì để hiểu thêm văn học cổ Việt Nam từ hai mặt sáng tác và lý luận. Về mặt sáng tác, thì hiện tượng này quá phong phú, chỉ cần nhắc đến một câu thơ của Nguyễn Trãi: “Câu thơ hay có hương thơm của hoa chỉ, hoa lan" (Giai cú chỉ lan hương). Đó là thơ, còn làm sao quên được truyện Ngửi văn kể một anh mù mà mới cầm sách lên đã biết ngay đây là Tây sương ký vì ngửi thấy có mùi phấn son, còn kia là Tam quốc, vì có mùi binh đao. Nhưng khi thầy tú nọ đưa văn của mình ra, anh ta liền bảo: “Văn của thầy chứ gì?". Thầy tú hỏi: “Sao biết?". Anh ta liền đáp: “Nghe có mùi thum thủm!"...V.. Nhưng có phần đáng quý hơn là về mặt lý luận, ông cha ta dường như vô tình mà cũng đã ý thức được điều này, song không cực đoan mà đều coi trọng cả hai loại giác quan nghệ thuật với phi nghệ thuật trong việc bình luận cái hay, cái đẹp của thơ văn. Hoàng Đức Lương viết: “Về thơ, người xưa hoặc ví như giò chả, như gấm thêu. Giò chả là vị ngon nhất trên đời, gấm thêu là sắc đẹp nhất trên đời, hễ ai có miệng có mắt đều quý trọng, không dám khinh thường. Nhưng với thơ, thì lại là sắc ở ngoài mọi sắc, mắt thường không thể nhìn được, là vị ở ngoài mọi vị, miệng thường không thể nếm được"
(Tựa Trích diễm thi tập).