Diễn đàn lý luận

Lý luận phê bình văn học hôm nay: Thực trạng và giải pháp

Nguyễn Thanh Tú
Lý luận phê bình
15:16 | 09/07/2024
Với tư cách một hình thái tiếp nhận, phê bình là thành tố tất yếu của gia đình văn học. Dấu ấn lý luận, nghiên cứu hằn rõ trong từng con chữ mang tính khái quát
aa

Với tư cách một hình thái tiếp nhận - điều kiện để tác phẩm tồn tại trong lịch sử văn chương, phê bình là một thành tố tất yếu của gia đình văn học.

Một bài phê bình chỉ dựa vào ấn tượng chủ quan cảm tính, thiếu lý luận, không nghiên cứu thì “nhạt” là đương nhiên. Nhưng tại sao phê bình của Hoài Thanh vẫn chinh phục người đọc? Vì đó là một tài năng đã vượt qua cái ngưỡng thông thường để “lạ thường”. Phải huy động hiểu biết lý luận đông tây xưa nay, phải hệ thống, khảo sát, đối sánh nghiên cứu hơn cả vạn bài thơ ông mới chọn ra được một Thi nhân Việt Nam. Dấu ấn lý luận, nghiên cứu hằn rõ trong từng con chữ mang tính khái quát cao, cô đọng, đậm chất thơ tài hoa để lấp lánh phát sáng. Điều này lý giải vì sao Hoài Thanh không có “truyền nhân” (!?)

Lý luận phê bình văn học hôm nay thực trạng và giải pháp
Dấu ấn lý luận, nghiên cứu hằn rõ trong từng con chữ mang tính khái quát

Nhờ công cuộc đổi mới mà sự tiếp xúc với văn chương thế giới cởi mở và đa dạng lên rất nhiều, là cơ hội lý luận phê bình văn học tiếp thu tinh hoa lý luận nước ngoài để tạo ra sự đa diện, đa sắc cần khẳng định. Trước 1986 lý luận hướng về các giá trị cổ điển (Nghệ thuật thi ca của Aristote, Văn tâm điêu long của Lưu Hiệp, mĩ học cổ điển Đức, triết học chủ nghĩa Mác…), những năm gần đây hầu hết các tên tuổi lớn đều được giới thiệu như V.I. Propp, M. Bakhtin, R. Jakovson, M. Lotman, M. Foucault, R. Barthes, J. Derrida, G. Genette, S. Freud, C.G. Jung, M. Heidegger... Nhìn chung cả 8 khuynh hướng, trường phái lí thuyết: Hình thức Nga, Phê bình Mác xít, Phê bình mới, Chủ nghĩa cấu trúc và kí hiệu học, Chủ nghĩa hậu cấu trúc, Chủ nghĩa hậu hiện đại, Phê bình phân tâm học, Phê bình hiện tượng luận đã có mặt ở nước ta và ảnh hưởng một cách cụ thể trong một số nghiên cứu, rõ nhất là ở các luận án tiến sĩ. Các hướng nghiên cứu ưu trội trên thế giới như thi pháp học, tự sự học, phân tâm học, mĩ học tiếp nhận, so sánh văn học, kí hiệu học và lí thuyết diễn ngôn, phê bình sinh thái… đang được ứng dụng rộng rãi. Đã có những thành tựu trong việc tiếp thu lý thuyết nước ngoài để nghiên cứu các hiện tượng văn học trong nước được đánh giá cao như thi pháp học với Đỗ Đức Hiểu, Phan Ngọc, Trần Đình Sử; phân tâm học với Đỗ Lai Thúy; ký hiệu học với Lã Nguyên… Cũng cần khẳng định, nhờ tài năng cá nhân nhà văn, kế thừa thành quả ngôn ngữ văn hóa dân tộc cùng với tiếp thu cách viết mới từ nước ngoài mà chúng ta có các tác phẩm xuất sắc như tiểu thuyết của Bảo Ninh, Hồ Anh Thái, truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp…

Nhưng nhìn chung lý luận phê bình vẫn còn như là một cái ao nhà bình lặng. Trên mặt báo chủ yếu là phê bình điểm sách, giới thiệu, bình tán, khen một tí, chê một tí... vì mục đích quảng cáo lại bị khống chế lượng con chữ nên không thể chuyên sâu. Nhiều nhà phê bình trẻ tài năng nhưng ít có “đất dụng võ”. Lại cũng có “nhà phê bình” không phân biệt được câu thơ nào hay câu văn nào dở, càng không biết đến lý luận, nghiên cứu nhưng vẫn được giải này giải nọ... Một vài công trình tâm huyết nhưng hàm lượng khoa học chưa cao vì hoặc đơn giản là sự cụ thể hóa đường lối hoặc do lý thuyết không tương ứng nên nhàn nhạt, chung chung. Có tập sách viết hay như được “thơ hóa” chỉ ra được thực trạng nhưng giải pháp chưa có hoặc thiếu thuyết phục vì không có nền móng nghiên cứu...

Một quan niệm phiến diện có ở ta từ lâu coi đối tượng của phê bình hướng đến là văn chương đương đại, thời sự (còn gọi là “phê bình trực chiến”). Hội Nhà văn Việt Nam chỉ trao giải thường niên cho tác phẩm xuất sắc trong năm nếu làm tốt nhiệm vụ này. Trong khi đó văn học là một dòng chảy, những phù sa tinh hoa ở mạch nguồn văn học dân gian, văn học cổ trung đại không được chào đón nên không lắng đọng nơi hạ nguồn đương đại. Hẳn nhiên “phê bình trực chiến” là cần nhưng không cần những bài phê bình nói lại (tác phẩm) nói dựa (dư luận). Chúng ta đang thiếu những chuyên gia văn học dân gian và văn học cổ trung đại. Đó là những người nắm giữ chìa khóa mở ra kho tàng văn hóa truyền thống. Văn học là quá trình kiến tạo mã và giải mã. Có những hạt cổ mẫu từ cây văn hóa ngàn xưa rơi vào miền văn chương đương đại rồi “nở” ra mã mới. Nhiều giải Nobel thế giới cho thấy rất rõ điều này. Thiếu vốn cổ không thể tạo mã và giải được mã.

Chúng ta đã và đang tiếp thu các lý thuyết nước ngoài hiện đại, phù hợp để làm giàu có thêm gia tài văn hóa. Các hướng nghiên cứu tiến bộ, phù hợp, do tương thích với cơ sở xã hội và văn học đã tạo ra những dấu ấn mới mẻ, tích cực ở cả sáng tác và nghiên cứu. Nhưng cũng có những khuynh hướng không lành mạnh thiếu kiểm chứng chặt chẽ nên tạo ra những hiệu ứng không như mong đợi. Ví như khuynh hướng hậu hiện đại ảnh hưởng vào ta đã mấy chục năm, tạo ra nhiều cuộc tranh luận nhưng vẫn chưa có kết luận rốt ráo nhất về tích cực và hạn chế, cái được và chưa được trong sáng tác, nghiên cứu và tiếp nhận. Hậu hiện đại không phải là một “thành tựu” (như một quan niệm) mà chỉ là một đặc điểm của văn học phương Tây hiện đại. Đó là một thế giới đa cực, phi trung tâm, bế tắc, mất phương hướng nên tất nhiên dẫn tới quan niệm “cái chết của chủ thể”, “cái chết của hiện thực”, “cái chết của đại tự sự” (vì phân mảnh mất rồi), “cái chết của văn học”... Do vậy hậu hiện đại hay đi vào những “dị biệt” với điên dại, hoang tưởng, vô thức, dục tính, đồng tính, trầm cảm, tự hành xác... Đóng góp của hậu hiện đại chỉ nên tiếp thu ở phía những thành quả nghệ thuật như thủ pháp giễu nhại, phi tuyến tính hóa không gian, thời gian, lối trần thuật ghép mảnh... tạo cho văn bản tính chất đa điểm nhìn, nhiều tầng nghĩa... Nhưng nghệ thuật như một sinh mệnh thống nhất hữu cơ nội dung và hình thức, tiếp thu hình thức cũng đã bao hàm tính nội dung rồi. Thế nên có những văn bản mới mẻ về hình thức nhưng lại mang một nội dung thiếu lành mạnh.

“Hoàn cảnh hậu hiện đại” ở phương Tây khác hẳn so với cơ sở xã hội nước ta chưa nói tới sự không phù hợp với bản sắc Việt từ ngàn năm nay với chủ nghĩa yêu nước “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”, tình thương, trân trọng, quý mến con người “Một mặt người bằng mười mặt của”, tinh thần lạc quan “Còn da lông mọc còn chồi nảy cây”. Không phù hợp với tính cách Việt ý nhị, tinh tế, kín đáo... Do vậy ứng dụng không chọn lọc dứt khoát sẽ có sự khập khiễng. Không phủ nhận khuynh hướng này đã làm “lạ hóa” (nhưng có thể chưa mới) và đa dạng sắc màu của bức tranh văn học. Đến hôm nay nhìn lại quả là “hậu hiện đại” hay cũng có mà dở cũng nhiều. Tiếp thu để làm giàu văn hóa nước mình chứ không thể chạy theo thiên hạ. Ở phương Tây hậu hiện đại đã lạc hậu nhường chỗ cho siêu hiện đại (metamodernism), hay còn gọi là hậu-hậu hiện đại (post-post modernism). Chạy theo thì mãi đi sau, phải có cái gì của riêng mình. Tiếp thu bên ngoài chỉ là cành lá, bản sắc dân tộc mới là gốc. Gốc vững thì cành lá mới có điều kiện quang hợp ánh sáng của bầu trời văn hóa nhân loại để kết trái thơm tác phẩm.

Lý giải sự trầm lắng thiếu những cuộc tranh luận học thuật, người này cho rằng các nhà phê bình ngại va chạm, người kia nói họ thiếu kiến thức, lại có người mỉa “đốt đuốc” tìm người còn chả thấy, nói gì đến tranh luận... Đó mới chỉ nhìn ở bề nổi, sâu xa hơn là do chúng ta chưa có những trường phái phê bình. Mà trường phái bao giờ cũng chỉ có được chủ yếu từ sức mạnh nội sinh, trong khi đó chúng ta còn dựa nhiều vào lý thuyết bên ngoài!

Tự thân vấn đề trình bày đã bật ra các giải pháp sau:

1. Đề cao hơn nữa vai trò người nghệ sĩ nói chung - những chủ thể sáng tạo văn hóa. Sứ mệnh cao cả nhất của các nhà văn hóa là kiến tạo những nhân cách văn hóa. Qua sự tiếp thu những tác phẩm văn hóa của họ, bạn đọc sẽ tự hình thành cho mình những giá trị văn hóa. Cụ Nguyễn Du viết: Ngổn ngang trăm mối bên lòng/ Nên câu tuyệt diệu ngụ trong tính tình. Không “ngổn ngang trăm mối” không thể có “câu tuyệt diệu”. Người nghệ sĩ phải “đau đớn lòng” (rung động) trước “những điều trông thấy” (trải nghiệm) mới có thể làm người khác “đau đớn” được! Chàng Trương Chi phải “thậm xấu” tức phải sống trong bi kịch mới có thể có tiếng sáo hay. Gặp bi kịch tiếng sáo càng có hồn hơn... Thế nên, bên cạnh sự tôn trọng tự do sáng tạo cần đặc biệt quan tâm việc bồi dưỡng tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường cho văn nghệ sĩ. Văn học nghệ thuật là vấn đề tư tưởng. Lá cành của cây xanh nhà văn phải luôn quang hợp ánh sáng lý tưởng cách mạng, nếu không cây sẽ bị héo và quả sẽ sài đẹn. Tình cảm đúng đắn nhất, chân lý nhất là tự do sáng tạo vì mục đích vì nước vì dân, độc lập dân tộc, dân chủ, giàu mạnh. Tư tưởng sẽ chuyển hóa để rồi trở thành máu thịt tác phẩm. Để có tư tưởng phải là quá trình lâu dài từ thấu hiểu (nhận thức) sâu sắc cuộc sống đến thấu cảm (đồng điệu, hòa nhập) vào hình tượng, cộng cảm (tiếp nhận, chia sẻ, lan tỏa) với cõi nhân sinh để có một mẫu sỗ văn hóa chung mới có thể truyền cảm một cách sâu xa (nghệ thuật) tới đối tượng tiếp nhận.

2. Bên cạnh việc tiếp thu lý luận văn nghệ nước ngoài, cơ bản hơn cần có chiến lược nghiên cứu tiếp thu, kế thừa, phát triển lý luận văn nghệ của cha ông. Xin nhắc lại lời Bác Hồ, sáng suốt, sâu sắc, tinh tế vô cùng: “Muốn thấy hết cái hay, cái đẹp của nghệ thuật dân tộc ta, thì phải đừng bị trói buộc bởi những tiêu chuẩn này nọ của nghệ thuật phương Tây… phải dựa trên tiêu chuẩn của ta. Tiêu chuẩn ấy là gì? Đó là nền mỹ học ẩn chứa trong thực tiễn truyền thống nghệ thuật dân gian, dân tộc.”(1) Lý thuyết nước ngoài bao giờ cũng có độ vênh lệch, chưa nói đến có sự áp đặt, khiên cưỡng. Mỹ học của cả một nền văn học dân gian rồi văn học cổ trung đại là cả một kho vàng tư tưởng, theo phong tục và tư duy truyền thống của nước “thi ca chi bang” (đất nước của thơ) nên còn chìm ẩn trong các sáng tác văn chương. Phải bỏ công sức, phải học chữ Hán Nôm, suy ngẫm tìm tòi chất vàng ấy còn đang ẩn sâu trong các hình tượng thẩm mỹ. Chỉ với một Nguyễn Trãi nhưng đã cho thấy ở nhà tư tưởng lớn này có hẳn một hệ mỹ học riêng với: tư tưởng mỹ học về con người văn hóa; về thiên nhiên; về phạm trù cái đẹp; một quan niệm sứ mệnh nghệ thuật vì con người; quan niệm hiện đại về quy luật vận động đặc thù của nghệ thuật; một mỹ học chủ thể; một mỹ học tiếp nhận. Có cả một nền mỹ học mà cha ông ta, theo con đường “liên văn hóa” (intercultural) đã học tập, tiếp thu, kế thừa, kết tinh, phát triển và nâng cao một cách tuyệt vời còn đang nằm trong nhiều trước tác. Truyền thống lý luận của ta ít khi hiển ngôn mà thường thể hiện dưới dạng tác phẩm, ở thời hiện đại cũng nhiều, như một câu thơ của Phạm Tiến Duật: Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay. Đó là quan niệm về chủ thể: nghệ sĩ phải quên mình, làm mới mình để sáng tạo cái đẹp. Tác phẩm nghệ thuật phải có chức năng làm đẹp và nuôi dưỡng sự sống…!?

Bác Hồ nói: “Phải mở rộng kiến thức của mình về văn hóa thế giới,... nhưng đồng thời lại phải tránh nguy cơ trở thành những kẻ bắt chước. Văn hóa của các dân tộc khác cần phải nghiên cứu toàn diện, chỉ trong trường hợp đó mới có thể tiếp thu được nhiều hơn cho văn hóa của chính mình.”(2) Ở đây toát lên mấy vấn đề lý luận: cần tiếp thu đa dạng các nền văn hoá khác nhau, nhưng là tiếp thu cái tiến bộ; phải chủ động, không bắt chước, biết tiếp thu cái gì là đặc sắc mà mình còn thiếu. Muốn thế phải nghiên cứu nền văn hoá mình cần tiếp thu một cách toàn diện, hệ thống. Cần thấm thía hơn lời dạy của Người về tính chỉnh thể của văn hoá, phải nắm bắt cái chỉnh thể tìm ra cái đặc sắc cá thể để tiếp nhận.

3. Vai trò tổ chức của hội chuyên ngành rất quan trọng, cơ bản nhất là tổ chức ra các khuynh hướng, các trường phái sáng tạo phù hợp với sự phát triển, từ đó mới có thể tạo ra các tranh luận học thuật làm nảy ra các tư tưởng nghệ thuật mới. Các nền văn học lớn đều có nhiều trường phái vừa thống nhất, kế thừa, giao thoa vừa tranh biện, bổ sung, loại trừ để cùng phát triển. Các tổ chức hội phải vừa là cánh tay nối dài của Đảng vừa là ngôi nhà chung, là điểm tựa về tư tưởng, tình cảm, nghiệp vụ đồng thời là sự khẳng định có trọng lượng học thuật cao nhất về các hiện tượng. Ví dụ về lý thuyết “hậu hiện đại” mới manh nha ở nước ta thì có ngay một hội thảo quốc gia làm rõ cái hay cái dở, tích cực, hạn chế. Trách nhiệm định hướng của các hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật cần được đề cao hơn nữa. Quyền lực thẩm định của các viện nghiên cứu cần được coi trọng.

4. Là một mỹ học vận động, là sự tự ý thức của văn học, của thời đại, lý luận phê bình càng cần đến tư tưởng. Ngôi lầu tư tưởng của nhà phê bình có nền móng là kiến thức triết mỹ đông tây kim cổ, có cửa chính đón độc giả chiêm ngưỡng, có nhiều cửa sổ ngoại ngữ để đón gió và ánh sáng văn hóa từ khắp nơi. Không chỉ đọc để tiếp thu, nhà phê bình phải viết bằng nhiều ngoại ngữ để giới thiệu văn chương nước mình ra với thế giới, mà nếu đối sánh sòng phẳng, chúng ta không thua kém họ!

5. Các nhà nghiên cứu văn học dân gian có tổ chức của họ là Hội Văn nghệ dân gian nhưng các nhà nghiên cứu văn học cổ trung đại thì chưa có tổ chức riêng và họ cũng ít thiết tha với hội đoàn vì không được quan tâm. Hội Nhà văn Việt Nam nên mở rộng đối tượng trao giải về phía mảng văn học cổ trung đại và mời các chuyên gia vào Hội.

Báo Văn nghệ số 17/2024

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

(1). Mịch Quang - Khơi nguồn mĩ học dân tộc. Nxb Chính trị Quốc gia 2004, tr 8-9.

(2). Nhiều tác giả - Hồ Chí Minh với văn nghệ sĩ, văn nghệ sĩ với Hồ Chí Minh tập 3. Nxb Hội Nhà văn, 2011, tr 56.

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2004

Hội Nhà văn Việt Nam: Tổ chức Hội nghị tổng kết công tác Văn học năm 2004

Baovannghe.vn - Sáng 12/12, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác văn học năm 2024, thông qua phương hướng hoạt động của năm 2025. Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội.
Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Viết ở Đồng Đậu - Thơ Trần Khoái

Baovannghe.vn- Con ngồi thiền/ Để về lại thiên thu
Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Ru ca - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Em ru ca/ Em ru nỗi người
Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Ủy ban thường vụ Quốc hội: Sẽ tổ chức kỳ họp bất thường lần thứ 9

Baovannghe.vn - Tháng 2/2025 dự kiến sẽ diễn ra kỳ họp bất thường lần thứ 9 của Quốc hội để sửa luật, phục vụ triển khai sắp xếp tổ chức, tinh gọn bộ máy
Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Canh sắn - món ăn đậm tình người và đất Trung du

Baovannghe.vn - Ai từng đến Phú Thọ, ngoài chiêm bái đền Hùng và quần thể di tích Lạc Long Quân - Âu Cơ thì đều được giới thiệu món canh rau sắn, đặc sản của người trung du.