Chuyên đề

Còn non còn nước còn trăng gió

Khuất Bình Nguyên
Văn học nhà trường
09:08 | 14/11/2024
Baovannghe.vn - Sự nghiệp văn chương lớn nhất Tản Đà để lại cho nền văn học chữ quốc ngữ là hồn thơ trong sáng bao la về nỗi buồn man mác tình yêu nước nước non non, vừa xa xôi phiêu lãng vừa tha thiết mặn nồng trong nhịp điệu dạt dào của thể thơ truyền thống lục bát (mà Thề non nước là điển hình) cùng với việc sáng tạo ra lối thơ tự do phóng khoáng, nhịp điệu uyển chuyển đầy mới lạ không chịu ràng buộc theo niêm luật của 900 năm trước.
aa
Còn non còn nước còn trăng gió
Ký họa chân dung Tản Đà

Tôi cứ đọc đi đọc lại cái phóng sự Chén rượu vĩnh biệt của Nguyễn Tuân viết cho cuộc phúng điếu ông Tản Đà(1) năm 1939. Mãi mà không thấy chán. Cái tình của hai vị nguyên soái trong làng văn nước Việt. Nửa đầu thế kỷ trước. Chẳng biết thế nào mà đâm mê lối thân thiết tặng nhau từng thanh đóm châm lửa hút thuốc lào, cùng sự vui vẻ ngang tàng đến mức sang trọng ngay trong lúc túng quẫn tiền bạc của hai ông. Trước khi mê văn của họ. Cuộc đời như một giấc mơ. Hai người hiệp khách trong chốn văn chương ấy đã lần lượt bầu rượu túi thơ về với ông giời ở nơi trời cao mây trắng có nhẽ đã vài chục năm rồi. Được tiếng thơm lây là người cùng quê xứ Đoài, nhiều lần cứ thắc thỏm về thăm làng Khê Thượng, quê Tản Đà một phen mà chưa thực hiện được bởi cách trở muôn nẻo đường trần trong cõi mưu sinh.

Ở giữa vùng châu thổ, ba dòng chỉ xanh đậm Hồng Hà, Đà giang và Đáy ngoằn ngoèo vẽ nên địa đồ tỉnh Sơn Tây cũ hình người ngồi như vị La Hán trong chùa. Hợp lưu của Hồng Hà và Đà giang làm thành hình cái đầu. Tức là vùng Phủ Quảng. Mặt hướng về phía đông. Đoạn Hồng Hà chảy từ thành Sơn Tây về Hà Nội đến Phùng giống như người bỏ xuôi tay ngay ngắn trên đầu gối. Phía dưới cùng là Phủ Quốc. Hình thế sông Đáy với núi Thầy làm nên một nếp áo Phật dài buông từ đầu gối xuống, phủ qua thị trấn Phùng trở xuôi, tựa như bức màn che kín cả hai chân. Sông Đà bắt đầu chảy vào đất Sơn Tây ngay dưới chân núi Ba Vì, chỗ Đá Chông, lượn hai nửa vòng tròn đến Phủ Quảng để gặp Hồng Hà, thành địa giới huyện Bát Bạt, trông như hình bả vai của cái người ngồi đó. Làng Khê Thượng quê hương Tản Đà, nằm sát bờ sông quanh năm gió dồng mây núi, ở chính giữa cái đường viền của bả vai ấy.

Có nhiều cách để đi lên Khê Thượng. Tôi chọn hướng thẳng từ chân núi Ba Vì, vùng Tản Lĩnh. Qua Ba Trại, những nếp đồi thấp trung du xen lẫn với dăm thung lũng nhỏ e ấp đây đó vườn chè lá xanh mướt như mắt ngọc đưa khách tới bờ sông Đà. Khê Thượng. Đi theo những lời kể rầm rì trong dân gian. Đấy là con đường hàng năm đức thánh Tản Viên về quê ngoại, ở núi Nghĩa Lĩnh. Phía xa bên kia sông. Lễ Tết bố vợ đâu đâu ai cũng biết là vua Hùng. Đúng vào trước một canh giờ thì giao thừa đêm 30 Tết năm nào cũng vậy. Ngài đến bến đò làng Khê Thượng để sang sông. Dân làng hối hả chuẩn bị cho đại lễ con đò gỗ tươm tất. Cắt cử một trang nam tử khỏe mạnh. Có hạnh kiểm tốt. Gia thế đề huề. Làm người lái đò đưa ngài và đoàn tùy tùng qua sông. Dứt khoát phải chở ba chuyến mới hết khách. Cứ nghĩ trong cái đêm trừ tịch trời đất sắp bước vào năm mới trên mặt nước Đà Giang ngăn ngắt thổi, đức thánh Tản lại đi thực hiện cái nghĩa vụ ngàn đời ấy mà cảm khái tới tấm lòng nhân hậu của trần gian.

Khu lưu niệm thi sĩ Tản Đà ở làng Khê Thượng nhìn ra cái bến sông Đà huyền thoại ấy. Cách không xa bờ đê. Phía trước có hai hồ nước trong xanh. Xung quanh hồ xây tường bao. Cao độ ngang thắt lưng. Chính giữa hai hồ nước, cây cầu xi măng thanh mảnh đi qua hồ thẳng vào cửa chính. Một thủy đình nho nhỏ giữa cầu làm như đến đó khách bộ hành thanh tịnh bỏ lại tất cả bụi trần gian thế, trước khi bước vào gặp mặt nhà thơ. Ở chính giữa sân lát gạch là mộ Tản Đà. Trên mộ trồng một loài hoa dại đang dịp nở vào độ giêng hai. Li ti như những hạt gạo nhỏ phớt hồng.

Bây giờ, thời đại đã đủ một trăm năm để nhìn lại rõ hơn vị trí của Tản Đà trong lịch sử thi ca thế kỷ hai mươi. Thời gian đã cho phép gọi Tản Đà là ngôi sao sáng rực rỡ trên bầu trời thi ca nước Việt 30 năm đầu của thi ca thế kỷ vừa qua.

Bây giờ, thời đại đã đủ 100 năm để nhìn lại rõ hơn vị trí của Tản Đà trong lịch sử thi ca thế kỷ 20. Thời gian đã cho phép gọi Tản Đà là ngôi sao sáng rực rỡ trên bầu trời thi ca nước Việt 30 năm đầu của thi ca thế kỷ vừa qua.

Trước mộ dựng một bia đá bốn mặt. Mặt trước bia thấy có ghi mấy dòng chữ quốc ngữ. Nguyên văn như sau: Tản Đà - Nguyễn Khắc Hiếu. Thân phụ Nguyễn Danh Kế. Thân mẫu Nhữ thị Nghiêm. Quán: làng Khê Thượng - xã Sơn Đà - Ba Vì - Hà Tây. Nhà thơ lớn. Danh nhân văn hóa. Người mở đường thơ ca hiện đại. Bước ngoặt lịch sử văn học Việt Nam. Giữa khoảng sân rộng, hai bên là hai nhà ngói một tầng làm theo lối đình cổ phổ biến ở xứ Đoài. Mái ngói bốn góc vểnh lên. Mặt tiền hai nhà nhìn vào nhau có chạm hai chữ thọ ở hai bên. Còn lại toàn bộ là cửa gỗ. Nhà bên phải để thờ có ảnh Tản Đà trên hương án. Nhà bên trái để bình thơ. Tôi bảo anh em cho sửa một cái lễ nhỏ dâng lên bàn thờ. Thắp ba nén hương làm lễ. Thắp ba nén nữa cắm ngoài đầu mộ giữa trời xuân tĩnh mịch chao đi chao lại nắng ấm. Sau 70 năm tạ thế và hai lần rời mộ, thi sĩ Tản Đà đã về đến được quê hương nằm trên con đường huyền thoại của đức thánh Tản hằng năm xuống núi làm nghĩa vụ trần thế. Một đời thi sĩ, một đời văn chương Còn non còn nước còn trăng gió về đây đâu phải chỉ để tĩnh tại với chốn ngàn năm mà như để nhắc nhở cuộc chơi văn chương của đời ông vẫn còn tiếp tục với hậu thế như nhiều lần ông đã viết trong văn phẩm của mình. Còn chơi! Còn chơi! "Chơi văn" như chính chữ Tản Đà đã gọi.

Bây giờ, thời đại đã đủ 100 năm để nhìn lại rõ hơn vị trí của Tản Đà trong lịch sử thi ca thế kỷ 20. Thời gian đã cho phép gọi Tản Đà là ngôi sao sáng rực rỡ trên bầu trời thi ca nước Việt 30 năm đầu của thi ca thế kỷ vừa qua.

Lịch sử văn học thành văn của Việt Nam sau công nguyên mất đi 1.000 năm không có thi ca bằng văn tự. Dùng từ "đêm trường" để chỉ 1.000 năm Bắc thuộc chưa đủ nói hết sự kéo dài man rợ của bóng tối mà ở đó người Việt không có văn học viết. Một nghìn năm tiếp theo có một sự phân chia kỳ lạ. 900 năm đầu vẫn dùng văn tự của nước ngoài - chữ Hán hoặc dùng chữ Nôm, một thứ chữ ông bà ta dùng ký tự của chữ Hán để định nghĩa xác âm làm công cụ đánh giặc, trị nước và sáng tác thi ca. Cái thứ chữ không gắn gì với tiếng nói hằng ngày của nhân gian, ngọn nguồn sáng tạo của văn học. Khi sáng tác thi ca còn thực hiện nghiêm cẩn các lối thơ theo niêm luật của người phương Bắc. Mặc dầu vậy, nhờ sức sống của cốt cách và tâm hồn Việt, giai đoạn 9 thế kỷ đó đã tạo nên vững chắc nền văn học đặc sắc của một quốc gia văn hiến mà Lê Quý Đôn trong Kiến văn tiểu lục cho rằng không thua kém gì văn chương của xứ đã tạo ra thứ chữ đó.

Đến thế kỷ 20, giai đoạn này chỉ trong vòng 100 năm, đã hình thành và phát triển nền văn học hoàn toàn mới, văn học chữ quốc ngữ, với truyền thống sáng tạo mới mà Tản Đà là một trong những người lính tiên phong thành công nhất ở giai đoạn đầu tiên của sự chuyển đổi kỳ diệu ấy. 100 năm cuối cùng của thiên niên kỷ thứ hai, người Việt đã kịp sản sinh ra một nền thi ca, nền thi ca Quốc văn như Tản Đà nói, ngang tầm với bước đi của lịch sử, một nền thi ca theo cốt cách và niêm luật của riêng mình. Không phụ thuộc vào những khuôn mẫu có trước ở bên ngoài. Tản Đà là một trong số người đầu tiên mở cánh cửa của thời đại mới trong thi ca.

Chữ quốc ngữ lúc đầu hình thành bởi giáo sĩ dòng Tên[(2) cùng với giáo dân Việt Nam ê a đánh vần tiếng Việt theo người Việt trong các giáo đường lợp cỏ tranh. Năm 1651, từ điển Việt - Bồ - La tinh được xuất bản. 200 năm sau, Gia Định báo, tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên được phát hành. Năm 1865 ở Sài gòn. Và thế là tiếng đánh vần ê a của các con dân chúa bất chấp mọi âm mưu của người nước ngòai dùng thứ chữ này làm mục đích gì đã từ trong các giáo đường vang xa ra khỏi vòng tròn của tiếng chuông nhà thờ bước vào cuộc sống trần thế của nó từ những năm cuối thế kỷ 19. Đến thế kỷ 20, người Việt Nam chỉ mất có 30 năm (1900-1930) để tập dượt và chuẩn bị cho sự thử thách sức chuyển tải văn chương và cảm xúc thi ca bằng chữ quốc ngữ. Thơ ca Việt Nam bước vào kỷ nguyên phát triển mới, mà một trong số ít người mở đầu là Tản Đà, một sự mở đầu cho những cuộc đi xa.

Thực ra, sự khai mở một nền văn học mới ấy ở giai đoạn đầu không phải chỉ là vấn đề chữ viết mà còn dựa trên nền tảng sự chuyển đổi nền kinh tế xã hội dẫn đến những thay đổi trong đời sống tinh thần. Xã hội Việt Nam hồi đầu thế kỷ 20 đã chịu sự tác động lớn của cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp lần 1 (1897-1914) và lần 2 (1919-1929) với mục đích vơ vét tài nguyên bản xứ đã có một tác động vô thức tới tiến trình kinh tế xã hội Việt Nam. Trong vòng 50 năm 1880-1930, hệ thống đường sắt và đường bộ hiện đại cho những cỗ máy chạy không cần ăn cỏ ngang dọc trên mảnh đất "dấu xưa xe ngựa hồn thu thảo" của thế kỷ trước để lại. Những ngọn đèn không có ngọn lửa chổng ngược thắp sáng các đô thị phố xưa vốn chỉ le lói những ngọn lửa nến và tàn đèn dầu lạc. Cầu Long Biên (1901-1904) là một trong những cây cầu sắt lớn nhất được bắc khi ấy. Nhà hát opera Hà Nội (1911) như là một thánh đường nghệ thuật lộng lẫy, v.v... Có một đời sống của tầng lớp thị dân hình thành ở nhiều đô thị theo phong cách châu Âu "sớm rượu sâm banh tối sữa bò". Vào thời gian đó, có khoảng 30 nghìn người Việt Nam làm công nhân trong các xí nghiệp của tư bản Pháp cùng nhiều nghìn người trong các xí nghiệp người Việt hình thành một lực lượng lao động trong sản xuất công nghiệp. Điều mà các nhà kinh điển của triết học Mác gọi là chủ nghĩa Tư bản tự đào mồ chôn nó. Các sĩ phu thoát thai từ nho học ở điểm nối thời gian giữa hai thế kỷ. Họ đọc Tân thư của người Thái Tây, nhận thức mới lý thuyết về cải biến xã hội, ráo riết tìm đường cho độc lập và chấn hưng đất nước. Cuộc đời và sự nghiệp của nhiều người trong số họ để lại cho hậu thế những trang huyền thoại đến bây giờ vẫn chưa hết nguôi ngoai. Có ai đi qua sông Tiền Đường ở Triết Giang năm ấy để thấy bụi tro tàn hỏa thiêu Nguyễn Thượng Hiền sau khi Quang Phục Hội thất bại. Có ai đi cùng Tăng Bạt Hổ(3) làm người lính chiến dũng cảm của hải quân hoàng gia Nhật trong trận thủy chiến 1905, người sau này đưa cụ Phan sang Đông kinh làm quen với giới chức Nhật Bản, tìm đường cứu nước, v.v...

Sự nghiệp văn chương lớn nhất Tản Đà để lại cho nền văn học chữ quốc ngữ là hồn thơ trong sáng bao la về nỗi buồn man mác tình yêu nước nước non non, vừa xa xôi phiêu lãng vừa tha thiết mặn nồng trong nhịp điệu dạt dào của thể thơ truyền thống lục bát (mà Thề non nước là điển hình) cùng với việc sáng tạo ra lối thơ tự do phóng khoáng, nhịp điệu uyển chuyển đầy mới lạ không chịu ràng buộc theo niêm luật của 900 năm trước.

Thời đại đã đặt nền tảng cho sự đổi mới thi ca của thi sĩ Tản Đà; và xem thế ông không hề đơn độc để bước vào một thế kỷ canh tân giữa buổi "mưa Âu gió Á". Cái đặc sắc trong văn nghiệp của Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu ở chỗ ông là người am hiểu sâu sắc Hán học; Cậu ấm Hiếu đã từng lều chõng đi thi vào năm 1912 với hy vọng đỗ đạt làm quan theo ước nguyện của người đẹp bán hàng tạp hóa tại số nhà hơn hai mươi về dãy bên lẻ phố Hàng Bồ mà không đặng. Cứ xem 84 bài Đường Thi của các nhà thơ nổi tiếng nhất từ Vương Bột, Trần Tử Ngang đến Thôi Hiệu, Lý Bạch, Đỗ Phủ, Bạch Cư Dị... cũng như việc ông phiên âm, dịch và chú giải Kinh Thi đủ thấy con người ấy có khả năng lớn lao như thế nào để viết tiếp những vần thơ hay uyên bác theo truyền thống 900 năm trước như các bậc tiền nhân Nguyễn Khuyến, Trần Tế Xương... Những người đã nhìn thấy ánh sáng chói lòa của thế kỷ mới. Tản Đà đã không làm như vậy. Mặc dù dấu ấn của Hồ Xuân Hương và Tú Xương thấp thoáng trong một số bài thơ khi Tản Đà mới cầm bút được dăm năm như Vịnh cảnh hoa đào, Nhớ chị hàng cau, Hoa sen nở trước nhất đầm, Xem cô chài đánh cá...

Sự nghiệp văn chương lớn nhất Tản Đà để lại cho nền văn học chữ quốc ngữ là hồn thơ trong sáng bao la về nỗi buồn man mác tình yêu nước nước non non, vừa xa xôi phiêu lãng vừa tha thiết mặn nồng trong nhịp điệu dạt dào của thể thơ truyền thống lục bát (mà Thề non nước là điển hình) cùng với việc sáng tạo ra lối thơ tự do phóng khoáng, nhịp điệu uyển chuyển đầy mới lạ không chịu ràng buộc theo niêm luật của 900 năm trước. Cảm thu tiễn thu, Tống biệt, Tâm sự nàng Mỵ Ê... là những ví dụ điển hình. Mặc dù số bài thơ làm theo thể Thơ tự do không phải là nhiều trong toàn bộ sự nghiệp sáng tác của ông nhưng cũng đủ để cho người đời xếp ông vào vị trí mở đầu của một thời đại thi ca không chỉ cho giai đoạn 1930-1945 mà cho cả thế kỷ 20. Chỉ trong vòng 30 năm đầu thi ca chữ quốc ngữ đã có một Tản Đà bước ra với dáng vẻ khác lạ, dù bộ dạng ông vẫn áo the khăn gõ.

Khi bước vào nghiệp cầm bút làm thơ, Tản Đà lấy cảm hứng nước non và thể loại thơ lục bát truyền thống làm chủ đạo. Viết nên những câu thơ huyền diệu, nhuần nhuyễn. Thuyết phục lòng người đến mức thơ ông như có lần ông nói phổ cập rộn ràng theo nhịp tom chát ở chốn bình khang. Để rồi đến năm 1916 trong tập Khối tình con 2, ông mới viết những bài thơ tự do như Tâm sự nàng Mỵ Ê, Tống biệt... Đến tập Còn chơi (1920-1925) mới có Cảm thu tiễn thu... Tản Đà trong bài Cùng các bạn làm thơ viết năm 1934 đã nhún nhường tự nhận mình "vì chút Hán học xin đứng về đám người cũ" nhưng dứt khoát khẳng định lối thơ gọi là mới lúc này, cách đây gần hai mươi năm ông đã làm ra "không theo niêm luật ở đâu hết, chỉ không gọi nó là thơ mới mà thôi". Tản Đà với tư cách là gạch nối của hai thời đại thi ca đã đi từ truyền thống, nhuần nhuyễn trong truyền thống để đến với cách tân. Thực hiện việc đổi mới thi ca không phải bằng cách du nhập những lối cảm, lối nghĩ, cách nói hoặc những hình thức có sẵn từ bên ngoài. Phải chăng đó là điều để cho hậu thế phải suy ngẫm?

Tháng 11 năm 1941, Hoài Thanh công bố quyển Thi nhân Việt Nam, đã trân trọng Tản Đà đến mức có hẳn mục riêng: Cung chiêu anh hồn Tản Đà (1888-1939) ngay ở đầu quyển sách, trước cả lời giới thiệu, xếp ngồi chiếu trên tất cả 44 nhà thơ của phong trào Thơ mới. Ông thật có lý khi viết về Tản Đà: "Chỉ tiên sinh là người của hai thế kỷ. Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một nỗi khát vọng thoát ly ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo... Tiên sinh đã dạo những bản nhạc mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa".

Chỉ tiên sinh là người của hai thế kỷ. Tiên sinh đã cùng chúng tôi chia sẻ một nỗi khát vọng thoát ly ra ngoài cái tù túng, cái giả dối, cái khô khan của khuôn sáo... Tiên sinh đã dạo những bản nhạc mở đầu cho một cuộc hòa nhạc tân kỳ đang sắp sửa (Hoài Thanh).

Có người hỏi Tản Đà, trong khoảng hai mươi năm làm vận văn, bài thơ nào hay hơn hết? Tản Đà cho rằng bài làm cho Dương Quý Phi, Tây Thi... ở Bồng lai trong tập văn xuôi Giấc mộng con:

Non xanh xanh

Nước xanh xanh

Nước non như vẽ bức tranh tình

Non nước tan tành

Giọt lụy tràn năm canh...

Nhưng người đời chỉ đồng ý với ông khi ông chọn đoạn mở đầu của Cảm thu tiễn thu như lời tuyên ngôn về nhịp điệu thơ mới đặc biệt nhuần nhụy, uyển chuyển trong cái thế phóng túng mà kỳ diệu ở chỗ nó vẫn sử dụng những hình tượng quen dùng của thơ cũ:

Từ vào thu đến nay

Gió thu hiu hắt

Sương thu lạnh

Trăng thu bạch

Khói thu xây thành

Lá thu rơi rụng đầu ghềnh

Sóng thu đưa lá bao ngành biệt ly...

Tuy nhiên, nếu phải chọn một đoạn thơ nào đó để khắc lên bia mộ Tản Đà, tôi không chọn thơ làm theo lối mới của ông mà chọn câu lục bát phóng túng nghĩ sẽ phù hợp với thần thái và khí phách nổi tiếng là phiêu bạt, mơ màng mà nặng lòng trong cốt cách của hồn thơ thề non nước:

Nước non nặng một lời thề

Nước đi đi mãi không về cùng non

Nhớ lời nguyện ước thề non

Nước đi chưa lại non còn đứng trông

Non cao những ngóng cùng trông

Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày.

Năm 1982, khi cùng Nguyễn Khắc Xương làm tuyển tập Tản Đà, Xuân Diệu bảo nhà thơ xứ Đoài là cái nắp xả hơi cho tâm hồn xã hội(4). Người tiêu biểu nhất đưa ra cái buồn, cái sầu của cái tôi lãng mạn chủ nghĩa bằng những vần thơ buồn mơ màng, chơi vơi, vô định mà thi sĩ cùng thời không ai bì nổi. Mặc dù mơ màng như Xuân Diệu nói, nhưng thiên hạ cho rằng Tản Đà rất tỉnh. Bằng chứng ngay cả khi Tản Đà thích nói đến say, chưa say, còn say, lại say về cá nhân mình mà dường như chưa lúc nào say được bởi Cơn men dốc cả giang hà chưa say. Vì chưa say ông còn giấc mộng lớn, giấc mộng con... Và ngay cả khi thơ ông lọt vào chốn bình khang nghẹn ngào trong giọng hát ả đào vẫn ứa đầy cảm khái: Gió hỡi gió phong trần ta đã chán/ Cánh chim bằng chín vạn chờ mong. Có đọc những đoạn cắt đi của chế độ kiểm duyệt Pháp trong Giấc mộng lớn của ông thời đó mới hiểu ông đau đớn như thế nào khi phải viết về tình yêu quê hương, nỗi buồn non nước và sự chia ly chỉ được xa xôi và man mác thế thôi. Càng thông cảm với ông phải mượn cảnh thăm thằng bù nhìn để giãi bày cơ sự: "Lâu nay thiên hạ văn minh cả. Bác mấy ngàn năm vẫn thế ư!" Vì vậy lọt lưới được hai câu thơ dưới đây trong tập văn xuôi ấy là một dịp may hiếm có với ông để bày tỏ nỗi lòng của thi sĩ với đồng bào mình:

Dân hai nhăm triệu ai người lớn

Nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con.

Nhưng không ai trong chúng ta lại ép thơ văn của Tản Đà theo những tư tưởng mà văn học công khai thời đó người ta ngăn cấm không cho tồn tại. Hãy để ông còn non còn nước còn trăng gió cho thỏa cái chí tang bồng của người thi sĩ mà việc làm thơ tuyệt nhiên không phải chỉ vì bầu rượu gió trăng mà ngoảnh mặt với đời. Cũng như không bắt ông phải đóng vai trò như các sĩ phu yêu nước cùng thời đại với ông.

Câu chuyện của Tản Đà và thời đại của ông tưởng như đã khép lại từ bảy mươi năm trước. Không ngờ đến những năm cuối cùng của thế kỷ 20, các thi sĩ Việt Nam giống như Tản Đà lại cũng bắt đầu một cuộc canh tân mới trên nền tảng của công cuộc đổi mới đất nước và nhất là xét về khía cạnh sự đồng điệu của yêu cầu mở cửa đối với thế giới bên ngoài và sự thôi thúc của chính sách Việt Nam muốn là bạn của tất cả các nước. Quy mô của cuộc "mưa Âu gió Á" lần này có một sự khác biệt lớn về tính chất, tầm vóc, phạm vi và sức mạnh gấp bội so với hồi đầu thế kỷ 20. Thế kỷ 20 không biết có nơi nào trên thế giới như người Việt Nam phải cầm súng trong nhiều trận chiến lâu dài đến thế, vinh quang và mất mát lớn lao đến thế. Nếu tính từ lúc hàng nghìn người Việt Nam phải xuống tàu đi qua ba đại dương sang tận châu Âu đánh trận hồi 1914 đến năm 1995, khi các cường quốc lần lượt phải bình thường hóa với Việt Nam là bao nhiêu năm chiến tranh, bao vây cấm vận? Chỉ biết rằng thế kỷ 20 vỏn vẹn còn năm năm nữa! Khát vọng hòa bình hỏi có nơi nào khẩn thiết và bi tráng như ở nơi này? Những đám mây nhơ bẩn của cái ác, của kẻ xâm lược còn vần vũ trên bầu trời mặt đất và biển cả. Nhưng tất cả đều không át được những hồi trống ngũ liên náo nức cho sự đổi mới và chấn hưng đất nước. Các thi sĩ làm sao có thể đứng ngoài cuộc được? Chỉ còn lại vài năm của thế kỷ, một đội ngũ thi sĩ trẻ tài năng đã và đang xuất hiện. Ai là người trong số họ làm được như Tản Đà là mở ra một thời đại mới của thi ca? Có lẽ đọc lại Tản Đà để đi tìm họ cũng là một điều cần thiết. Dù rằng không lặp lại đúng như bậc tiền nhân ấy.

Còn non còn nước còn trăng gió
Tranh của họa sĩ Nam Anh

Trở về nhà số 71 đường Cầu Mới nay là nhà số 47 đường Nguyễn Trãi. Một thế kỷ vui buồn tưởng đã ra đi mà vẫn còn vương vấn đâu đây. Nơi Tản Đà sống, trước khi thở hơi cuối cùng thuở ấy. Nếu từ gò Đống Đa đi vào, dãy số lẻ ở bên trái đường, ngay sát ngã tư. Con đường nhựa nhỏ bé ngày xưa còn tồn tại đến cuối những năm 80. Có cả dường xe điện bánh sắt quanh năm rồng rắn với mấy toa tàu sơn màu đỏ cũ kỹ leng keng chạy từ Bờ Hồ vào thị xã Hà Đông. Cả tiếng leng keng ấy với những bãi cỏ bên kia đường bất chấp thời gian cứ đêm đêm lại cần mẫn hiện về trong ký ức của ánh đèn điện nhạt nhòa vàng nắng mưa.

Nhà số 47 ở mặt tiền giờ vẫn một tầng còn đó. Chỉ khác sau khi Tản Đà chết, là cửa hàng bán thuốc phiện giờ cho thuê bán đồ thiếp cưới, thiệp mời đỏ màu rực rỡ. Cách đấy không xa, bên kia cầu Mới (gọi là cầu cho sang nhưng khách bộ hành đi qua 100 người chắc gì có dăm ba người nhận ra cầu) cái sản phẩm vĩ đại của nền kinh tế bao cấp - nhà máy Trung quy mô đã lặn đi rồi. Để lại cho khu đô thị cao tầng dáng vẻ hiện đại kiểu châu Âu đang hoàn thiện. Ba con người trong vở diễn Chén rượu vĩnh biệt (1939) lại tái hiện trong ngôi nhà 47. Tản Đà của chúng ta đang ngồi kia xem số tử vi hà lạc. Chừng như vắng khách. Ông Nguyễn Tuân lững thững từ phía làng Mọc đi ra. Chú Lai ngấp nghé đâu đây nơi góc tối phía trong. Lại nghe ông Tản Đà: "Này Lai, con chạy ra đầu phố xem có cái gì mua về uống rượu, con tùy tiện lấy!" Đó là câu nói cuối cùng của Tản Đà tôi nghe được trong văn chương. Chuyện, còn non còn nước còn trăng gió mà. Tôi nhìn rõ nét cười tủm tỉm và cái ý nghĩ của ông Nguyễn Tuân: "Nghe mà thấy sang quá. Ai dám bảo ông Tản Đà luôn luôn túng quẫn". Vâng, sự túng quẫn đâu còn nữa với người thiên cổ. Chuyện thế mà đã ngót tám mươi năm rồi.

Chú thích

1. Tản Đà (1889-1939), tên thật là Nguyễn Khắc Hiếu, sinh tại làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây - nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, thành phố Hà Nội. Tản Đà được coi là thi sĩ đầu tiên mở đường cho thơ Việt Nam hiện đại thế kỷ 20.

2. Giáo sĩ dòng Tên, còn gọi là dòng chúa Jesu, được thành lập năm 1535 ở Paris. Dòng Tên mau chóng phát triển mạnh công việc truyền giáo đến Á, Phi, Mỹ. Có mặt trên 100 quốc gia. Dòng Tên nguyên văn tiếng La tinh Societas Jesu có nghĩa là Đoàn Jesu, người công giáo Việt Nam kiêng gọi tên chúa Jesu nên gọi là dòng Tên.

3. Quá trình chuyển biến tư tưởng của nho sĩ Việt Nam trong 30 năm đầu thế kỷ XX, TS Trần Thị Hạnh, NXB Chính trị quốc gia, 2012, tr.280-284.

4. Tuyển tập Tản Đà, Nguyễn Khắc Xương sưu tầm chú thích, NXB Hội Nhà văn, 2002, tr.18 (Xuân Diệu viết giới thiệu, 1982).

Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An
Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Công chiếu 3 bộ phim đặc sắc của điện ảnh Việt Nam

Baovannghe.vn - Ba bộ phim đặc sắc được công chiếu "Dòng sông hoa trắng" ngày 11/12; "Cây bạch đàn vô danh" ngày 12/12 và "Người đàn bà mộng du" ngày 13/12
“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

“Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh

Baovannghe.vn - Vượt qua hai vòng chấm Sơ khảo và Chung khảo “Bài văn về trứng vịt lộn” đoạt giải Nhất Cuộc thi sáng tác truyện tranh do Nxb Kim Đồng tổ chức
Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Gió phương xa. Truyện ngắn dự thi của Trần Thủy

Baovannghe.vn- Ngơ ngác, bấn loạn, tôi loanh quanh ở nhà chờ, nơi nhận hành lí để thoát ra ngoài. Cả ba tiếng đồng hồ trôi qua tôi chưa thấy gã. Gã lặn mất tăm với chiếc vali
Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Han Kang: “Tôi vô cùng sốc khi thiết quân luật một lần nữa lặp lại”

Baovannghe.vn - Nhà văn Han Kang vừa có buổi gặp gỡ với báo chí tại Viện Hàn Lâm Thụy Điển trong thời gian chuẩn bị cho buổi nhận giải Nobel Văn chương.
Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Tờ lịch - Thơ Nguyễn Ngọc Tung

Baovannghe.vn- Bóc tờ lịch cuối năm/ Mùa Đông còn chút lá