Sự kiện & Bình luận

Cuộc thi truyện ngắn báo Văn nghệ 2022 – 2024: Khúc dạo đầu đáng để hy vọng

Bút ký phóng sự
08:22 | 13/05/2023
Đã ngót một năm trong cuộc thi hai năm trôi qua, đã có gần 100 truyện ngắn được chọn in từ gần ngàn truyện gửi; đó là con số khả quan về sức hút của cuộc thi
aa

HƯỚNG TỚI KỶ NIỆM 75 NĂM BÁO VĂN NGHỆ RA SỐ ĐẦU TIÊN

Đã ngót một năm trong cuộc thi hai năm trôi qua, đã có gần 100 truyện ngắn được chọn in từ gần ngàn truyện gửi; đó là con số khả quan về sức hút của cuộc thi.

Chúng ta đều biết rằng, để tránh cái bẫy của thu nhập trung bình, mọi cấp mọi ngành, từ nhà hoạch định chính sách đến những người lao động đều phải nỗ lực vượt thoát khỏi chính mình. Để thoát khỏi tình trạng làng nhàng trung bình, văn chương cũng cần nỗ lực như thế, hơn thế nữa. Đó cũng là động lực để Văn nghệ tổ chức cuộc thi khi phải đối diện khá lâu trước một thực trạng trung bình như là một cách để bứt phá.

Nhà văn Khuất Quang Thụy, Tổng biên tập báo Văn nghệ tại buổi lễ phát động Cuộc thi truyện ngắn 2022 – 2024

Trong râm ran khởi đầu, đáng kể nhất có lẽ là lão nhà văn Hà Đình Cẩn. Ông đã U 80 và đã in bốn truyện ngắn, truyện nào cũng ghê gớm và có nét mới: Tình yêu thủy chung với người lính ra trận vốn thiêng như một mặc định, nay chợt bị đặt trước cái xô bồ nhộn nhạo của thời thị trường (Gió mặn); cái motif xung quanh diocin tuy cũ, các chi tiết tình huống cũng cũ nhưng tình của những đồng đội cũ thì lại mởi mẻ, bao dung (Ga cuối); tuy chưa dứt khoát trong quan niệm thẩm mỹ, còn do dự giữa ý thức với tính nhân văn tự do, Tháp đèn do đó chưa đạt đến một tổng phổ cần thiết. Rất tiếc hoàn cảnh cô đơn của Hạnh khá đồng điệu với ông nhạc sĩ Saent Saens thời Côn Đảo còn hoang sơ, với nhân vật trong vở nhạc kịch nàng Fredegonde hoàng hậu đã chưa thật “gặp gỡ” để truyện ngắn thành một chỉnh thể nghệ thuật. Và gần đây nhất là Mađagui, một truyện ngắn cũng rất nhiều điều đáng để ngẫm nghĩ…

Đáng kể nữa là các nhà văn đều nặng lòng với trái đất tổn thương, môi trường thiên nhiên bị hủy hoại; mùi thuốc sâu độc hại phục kích trong mọi thứ đồ ăn non tươi mơn mởn, phảng phất trong trong không gian sống của con người: Vàng đau (Nguyễn Thu Hằng) khiến ám ảnh với màu vàng chuối chín được Xoan rấm bằng thuốc diệt cỏ rồi chính nó gây ngộ độc cho đứa con trai ốm o duy nhất của Xoan; Xe đêm (Đặng Chương Ngạn) kể câu chuyện thằng con trai muốn ném bom xăng vào kho chứa thuốc sâu, để báo thù cho cái chết của cha, của đứa bạn gái mà nó phải lòng nhưng ông chủ xe đã quát vào mặt nó rằng liệu nó phải ném bao nhiêu quả bom xăng thì mới xử lý tiệt nọc thuốc sâu – tiếng quát của ông chủ xe cứ ám ảnh mãi bạn đọc, như một câu hỏi lớn thời đại mà chúng ta đang sống. Miền xa ngái (Phạm Xuân Hùng) kể câu chuyện giết nhau ở bãi vàng về vì nghi kỵ ăn chia cứ diễn ra, đơn giản và vô lý đến kỳ quặc; Hồn rừng (Đinh Thành Trung) kể câu chuyện kinh hoàng vụ đốt rừng, chữa cháy rừng đặt ra một vấn đề ghê gớm: Chúng ta đốt đi cái ngàn năm ông cha để lại rồi ngồi hy vọng cỏ cây nhú lên từng vạt từng vạt mà thành rừng cho mai sau. Lời ru trên núi Chù Khèo (Đặng Thùy Tiên) thật xót xa, bản Mông tít mù trên núi xa đã không còn trong lành nữa, thói đời ô mạt, văn minh xa xôi đã len lỏi vào núi vắng, đánh bật một truyền thống xe lanh dệt vải thêu váy lộng lẫy một thời, cái xấu cái ác đã len lỏi vào tình ruột thịt để rồi cái đẹp – em dâu Dể của Dua tự vẫn, Dua – nạn nhân của cái xấu ác lại gánh thêm việc nuôi lũ con thơ dại, của vợ chồng em dâu để lại, trong đó có đứa con lẽ ra là của chị! Một thế giới khác (Vũ Thị Huyền Trang) lại kể một chuyện ác khác, vợ chồng anh con cả làm quan, đưa bằng được ông bố - nguyên là chủ tịch xã, sống một đời vô tư lự, làm tốt cho dân làng việc gì thì cố làm và cố tranh những lần gặp gỡ quà cáp lằng nhằng. Anh ta đứa bố lên thị trấn, danh nghĩa là để vật lý trị liệu, phục hồi chức năng cho ông bố vừa bị tai biến não, nhưng thực là nhằm nhận phong bì của các cấp các ngành thăm bố quan ốm. Cứ như thể vợ chồng anh con cả vít cổ bằng được cái thanh cao còn sót lại ở cha mình xuống vũng bùn ô danh hiện là môi trường sống của họ. Vũ Thị Huyền Trang còn một truyện nữa, truyện Đất chùa, cũng thật chua chát. Xưa Nguyễn Huy Thiệp viết Thương nhớ đồng quê, văn minh mới về đến đầu làng đã gây tai nạn chết người; nay Trang lại viết về cái văn minh ấy, nó chưa hề đến, nó còn ở đâu đâu, mới là tin đồn nhưng văn minh đã kịp “đánh” tan tác tình người xung quanh nạn tranh giành đất đai. Tình mẹ con xói mòn, một mẹ nuôi được mười con, mười con không nuôi nổi một mẹ vốn là chuyện đã thành điển cố, nhưng làm sống lại như trong Phận ngải (Nguyễn Thị Mai Phương) khiến đánh thức cái hiện hữu thì nỗi đau chợt nhói lên: Hóa ra nó không cũ bao giờ. Truyện trở nên ám ảnh và đầy ẩn dụ khi nhân nghĩa cưu mang như đồi hoang nơi bà Thảo nằm chết trong bạc bẽo bỗng mọc đầy ngải cứu, đủ làm nhẹ bớt nỗi đau và xoa dịu niềm phẫn nộ.

Tuy không phải là dòng chủ lưu, nhưng những truyện đang diễn ra, đang gây nhức nhối tâm can thế sự vẫn khiến bạn đọc tin rằng nhà văn không nguôi quên tâm thế xã hội. Vợ người anh hùng (Nguyễn Trọng Luân) kể lại thời đã qua, hay nỗi mất mát lớn nhất đời người vợ góa trẻ đã qua nhưng khi nhà văn kể lại, một niềm ngan ngát buồn thương trở lại và không thể tan biến nữa về một thời người vợ liệt sĩ đã chịu đựng. Truyện không kêu gọi hay chê trách ai về cái thiếu hụt không sao bù đắp nổi kia, nhưng nó ám ảnh và ngan ngát buồn thương. Tù nhân đặc biệt (Hồ Ngọc Quang xoáy vào các “tù nhân cao cấp”, ở bên ngoài thì họ sống trên pháp luật, ở trong tù thì họ tạo ra một kiểu tù chả giống ai, không giống ở đâu; thật đáng ghê tởm. Trần Hợp in liền ba truyện và đều gây ấn tượng. Ân nhân bùn đỏ điển hình cho một kiểu làm khoa học bằng “vốn tự có” kiêm thói lưu manh giả danh trí thức của một người trẻ; “Anh đứng cho chú vững chưng” lại điển hình cho một kiểu cướp công nghiên cứu của học trò, của cấp dưới của những “ông thày” chuyên cho mượn chức danh hàm vị; “Trưởng phòng đang gọi đến” là tên truyện, cũng là dòng tên ghi trong danh bạ điện thoại của một cấp dưới chuyên xu nịnh, nhưng rồi anh ta thức tỉnh. Có thể nói, tác giả Trần Hợp đã cất tiếng giùm lớp trẻ trước lớp cha chú biến chất đã dần trở nên quan liêu xơ cứng, một thái độ dứt khoát, rõ ràng, đanh thép rất đáng để tin cậy. Cuộc chiến sinh tử (Hải Đăng) và Về một người đã ra đi (Phạm Quốc Toàn) như là viết về các nhân vật tiêu biểu nhưng chân thực, sống động, đặt ra một vấn đề đạo lý kinh doanh, đạo lý làm người. Linh mã (Nguyệt Chu) viết về cái gốc của chân linh – cái trinh vẹn Người, sự thành kính trước anh hùng lịch sử dân tộc đã bị đốn ngã; chân linh không ở trong đền, linh mã bơ vơ tìm chân chủ tướng; trong đền chỉ còn là những giá đồng ma giả làm thần thánh và như một mong muốn của tác giả hơn là hiện thực diễn ra, nạn buôn thần bán ma phải được thiêu rụi. Truyện Làng Ba (Nguyễn Thị Minh Hoa) viết thật tài tình về một đời sống tâm linh u mê, nó khiến vừa buồn cười sự ngô ngọng, về cái “nguồn cơn” rất đỗi mờ mịt được dựng thành nhà thánh để thờ phụng, để phát triển hẳn thành một “làng tấu sớ” sầm uất trù phú. Ở một tầm khái quát cao hơn, Lễ đặt tên cho những linh hồn (Y Ban) đụng vào nỗi đau nhức nhối chưa bao giờ vợi giảm, ấy là nạn nạo phá thai do u tối, do sinh hoạt bừa bãi nhân danh cách mạng tình dục và cả cái ác tiềm ẩn kề cận ngay cạnh thói đạo đức giả đã thành căn bệnh trầm kha. Vấn nạn ấy chưa qua, giờ là lúc làm ăn sinh ra thói tật cầu cúng, sinh ra lòng trắc ẩn mong sám hối để được thanh thản, để “các vong” chưa đủ hình hài khỏi đeo bám những ác tâm được mang danh các “tín chủ.” Y Ban có lẽ là nhà văn lần đầu tiên đặt tên cho các linh hồn chưa có đủ hình hài, đưa khái niệm linh hồn đi thêm một bước đến nhân văn?

Dòng tìm tòi lối viết (chuyển đổi thi pháp) được nhiều tác giả thử sức. Mưa cổ thành (Bùi Việt Phương) là một áng văn lạ, trong những cơn mưa của hiện thời, quá khứ nhiều thời sống dậy, đan xen trong mưa, trong tâm tưởng một nữ sinh mơ mộng mường tượng về lịch sử thấm máu cha ông; nữ sinh bỗng thấy mình trở thành là một phần không thể thiếu của thực thể mơ mộng đang diễn ra trong hồn cô. Mặt trời đắng (Phát Dương) sắp đặt công phu, diễn ngôn ấn tượng và hẳn để hàm chứa tư tưởng nghệ thuật không đơn giản: Hãy để cho đời sống gần với thuần phong mĩ tục, với tập quán ngàn đời chứ không thể khiên cưỡng áp đặt nhân danh nhiều thứ hay ho sẽ chỉ khiến con người lâm vào cảnh khốn cùng. Những cư dân xóm nghèo nhất loạt xin trả lại mặt trời đắng cho các thần linh và đòi lại mặt trời quen thuộc cũ là một tiếng nói nhiều thông tin. Rất tiếc, kiểu diễn đạt hơi cầu kỳ; đành rằng trúc trắc khúc khắc là một phép diễn ngôn nhưng làm dụng quá thì thành ra ... làm văn! Thực ra, truyện của Y Ban và Nguyệt Chu thân nằm ở thực tại nhưng hồn đã phiêu bồng sang một hiện thực khác – hiện thực tâm linh. Nói chung, mỗi tác giả đều đã tìm cho truyện của mình một thi pháp mới; nó khiến diện mạo chung là phong phú đa dạng và cái nó mang đến nhiều nhất là... không nhạt!

Ở trên, tôi mới chỉ nói được một phần trong cảm nhận tích cực từ cả trăm truyện ngắn. Xin chỉ coi đây như một cách đọc của riêng một người. Rất đáng mừng là ngoài đa dạng cái viết, lối viết; các tác giả đều đã và đang tự trỗi vượt khỏi mình. Ấy là tiền đề cho truyện ngắn nhúc nhích từng bước về phía mới, lạ, hay. Ấy cũng là cơ sở cho hy vọng cuộc thi sẽ bứt tốc để về đích ngoạn mục.

Văn Chinh

Nguồn Văn nghệ số 19/2023


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.