Còn đúng 15 ngày nữa là Binh Nhất Hoàng Văn Chiến hoàn thành thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự để được trở về với bố, mẹ và người thân, trở về với cánh đồng, ruộng lúa quê hương Vĩnh Thành - Vĩnh Linh. Theo tâm lý chung thì đây là khoảng thời gian vui nhất trong cuộc đời người chiến sĩ bởi hai năm xa gia đình, hai năm xa bố, mẹ giờ ngày sum họp đã đến rất gần.
Thế nhưng với Hoàng Văn Chiến, người chiến sĩ này lại cảm thấy nỗi nhớ đồng chí, đồng đội, nhớ đơn vị, nhớ hòn đảo nhỏ cứ từng lúc, từng lúc dâng đầy trong trái tim của mình. Vậy là phải tạm biệt tất cả ư? Tạm biệt bộ quân phục màu xanh, đôi quân hàm màu xanh và… tiếng sóng biển tha thiết vỗ vào bờ đá. Nằm mãi mà vẫn không ngủ được, Chiến ngồi dậy, mặc bộ quân phục vào người rồi bước ra khỏi phòng. Người lính trẻ thả những bước chân thanh thản trên con đường đi xuống phía âu tàu. Đêm lặng gió, vầng trăng thả xuống trùng khơi luồng ánh sáng tựa đang phủ một lớp áo choàng cho biển, hắt lên màu sáng bạc, lấp lánh như tấm lưng con cá gắn vảy trắng lập lờ giữa biển. Chiến ngồi xuống một phiến đá và dõi đôi mắt nhìn xa ra biển, Chiến nhớ lại lúc chiều, trong bữa cơm, Thượng tá Nguyễn Duy Thoại - Chính trị viên nói với Chiến và mấy người chiến sĩ chuẩn bị ra quân là “Mai kia mấy cháu trở về nhà, nếu nhớ đơn vị, nhớ biển, nhớ đảo và muốn nghe tiếng biển hát thì hãy cứ úp hai bàn tay vào tai rồi hướng về phía biển”. Bất chợt, Chiến làm theo lời của Chính trị viên và anh nghe từ rất xa tiếng ầm ầm, ù ù của gió, của sóng. Chiến nở nụ cười và cảm nhận biển đang hát, bài hát muôn đời… ầm ầm, ù ù, lúc xa, lúc gần, lúc trầm, lúc bổng như muốn giữ trái tim của người lính trẻ Biên phòng mãi mãi ở lại với biển, với đảo, với đơn vị và Chiến thầm nghĩ “Sau này ra quân dẫu có đi đâu, làm gì, mỗi lần nhớ đơn vị, nhớ đảo, nhớ biển, mình sẽ làm như thế này để lắng nghe lời nhắn nhủ của biển, lời gửi gắm niềm tin của đồng chí, đồng đội đang vững lòng bám trụ nơi đảo xa chắc tay súng giữ cho biển mãi bình yên”. Rồi Chiến cất lên câu hát “Có một hòn đảo nhỏ, ở phía mặt trời lên, đảo mang tên Cồn Cỏ, giữ biển và giữ trời…”
Trong bút ký Cồn Cỏ ngày thường của mình, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã mô tả về hòn đảo này tuy chỉ bằng mấy câu ngắn gọn song đã khái quát khá đầy đủ về vị trí và khoảng cách của hòn đảo được mệnh danh là “Vọng gác tiền tiêu trên biển” trong lòng mỗi người ở đất liền. Ông viết rằng “Không quá xa bờ như Hoàng Sa, Trường Sa để vĩnh viễn nằm trong nỗi nhớ xa khơi của đất liền. Nhưng Cồn Cỏ cũng không đứng gần đến độ những con hải âu cũng đâm ra nhàm chán vì ngửi thấy quá ít cái phong vị sóng gió của hải đảo…”. Từ Cảng Cửa Việt, con tàu mang ký hiệu BP30-12-01 của đơn vị Hải đội 2 - Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị, cắm lá cờ công tác trước mũi, nhổ neo, kéo một hồi còi dài tạm biệt đất liền, xoay mình hướng ra phía biển, cưỡi trên những con sóng bạc đầu lao nhanh về phía trước. Tôi nhìn trên màn hình ra đa thu tín hiệu từ vệ tinh thấy hiện lên điểm đến của con tàu là tọa độ 17010’05’’ vĩ độ Bắc; 107020’40’’ kinh độ Đông với hải trình 17 hải lý. Và nơi đó chính là vị trí của đảo Cồn Cỏ.
Khi khoảng cách giữa con tàu với đảo đủ tầm để mắt tôi nhìn rõ hơn toàn bộ hình hài của nó thì hòn đảo này giống như một chú rùa nghìn tuổi bình thản thả mình giữa biển khơi, gần thêm tý nữa thì tôi lại hình dung, đảo như một chiếc nón khổng lồ úp xuống biển. Lý giải về sự xuất hiện của hòn đảo kỳ thú này, không biết từ bao giờ trong dân gian lưu truyền câu chuyện đậm chất huyền thoại. Rằng từ ngày xửa, ngày xưa thuở khai thiên lập địa có một người đàn ông khổng lồ gánh đất đá đắp giải Trường Sơn để phân chi ranh giới các địa hạt. Một hôm không may đòn gánh bị gãy, một đầu đất văng lên thành hòn núi Lòi Ren thuộc xã Vĩnh Thủy bây giờ, đầu còn lại văng ra biển thành đảo Cồn Cỏ. Lại có truyền thuyết kể: Cồn Cỏ là do tâm phật từ bi bằng phép biến hóa đã tạo cho ngư dân hạ giới nơi đây có chỗ trú tránh bão mỗi khi gặp sóng to gió lớn, tính mạng bị tài sản bị đe dọa. Đó là khi biển Bắc, biển Đông dồn dập nổi song bạc đầu, mây đen, sấm chớp đinh tai, lóa mắt, báo hiệu cơn thịnh nộ của biển là thuyền cá của ngư dân ghé nôốc, neo thuyền tránh bão. Mặc dù hiện nay, các nhà khoa học đã chứng minh, đảo Cồn Cỏ được hình thành từ hoạt động kiến tạo của núi lửa giữa biển khơi nên trên đảo vẫn còn dấu tích của miệng núi lửa, dải đất đỏ Bazan và quanh đảo có rất nhiều bãi đá, sụn cát san hô. Tuy diện tích không lớn nhưng Cồn Cỏ có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng về mặt quân sự, án ngự một phần bờ biển Bắc Trung bộ, gần các tuyến đường hàng hải, hàng không trong nước và quốc tế. Do đó Cồn Cỏ có vai trò to lớn trong công tác phòng thủ bảo vệ an ninh quốc gia cũng như phát triển kinh tế xã hội vùng biển của tỉnh Quảng Trị.
Cũng như lúc rời cảng, trước khi vào âu cập mạn thì con tàu lại kéo một hồi còi rất dài như để báo cho đảo biết về sự có mặt của chúng tôi. Đặt chân lên đảo, nhìn từng lớp sóng vỗ vào gềnh đá, tôi cảm thấy tronng lòng mình sự gần gũi thân thương bắt đầu từ ánh mắt trìu mến dễ gần của những người chiến sỹ Biên phòng thuộc Trạm kiểm soát - Đồn Biên phòng Cồn Cỏ - Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Tôi nhìn xa phía ngoài khơi. Biển! Những con sóng bạc đầu vẫn căng tràn sức sống ầm ào đập vào bờ. Hùng mạnh là thế, oai phong là thế nhưng khi va vào ghềnh đá là ngã xoài, là vỡ tung tóe muôn phương rồi quay về nằm lại lòng biển mặn. Qua bao năm, bao chục năm, bao trăm năm, bao nghìn năm, sóng biển vẫn bạc đầu, vẫn hùng mạnh rồi lại yếu mềm, vẫn ầm ào vẫy vùng trong lòng mẹ biển bao la. Tôi không sinh ra từ biển nên không được là đứa con của biển. Lọt lòng mẹ, tôi không được gội sạch nhau thai bằng bọt biển. Có phải vậy không mà lúc này đây, đứng trước biển, được gặp gỡ những người lính Biên phòng giữ biển, tôi lại cảm thấy mình vừa khỏe khoắn, rắn rỏi song lại vừa yếu mềm như con sóng nghìn năm?
Ngày 20 tháng 11 năm 1997, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ra Quyết định số 1590/QĐ về việc thành lập các đồn Biên phòng mới trong toàn quốc, trong đó có đồn Biên phòng đảo Cồn Cỏ, phiên hiệu đồn 214 trực thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Trị. Ngày 12/9/1998, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh đã tiến hành tổ chức Lễ thành lập đồn Biên phòng Cồn Cỏ (Đồn 214) và giao nhiệm vụ cho đồn gồm: Tuần tra, bảo vệ, quản lý chủ quyền anh ninh vùng biển của đảo (bao gồm vùng nước nội thủy và lãnh hải); Thực hiện kiểm tra, kiểm soát hoặc phối hợp với các lực lượng chức năng xử lý các vi phạm về hoạt động đi lại, neo đậu, khai thác, đánh bắt tài nguyên hải sản, buôn lậu của tàu thuyền trong và ngoài nước, bảo vệ giữ gìn an ninh trật tự trên vùng biển cảu đảo; Phối hợp các lực lượng chức năng quán lý an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên đảo; Là lực lượng thành viên trong phòng thủ bảo vệ đảo. Như vậy, từ thời điểm quan trọng này, trên hòn đảo nhỏ có thêm một đơn vị, một thành viên là những người chiến sĩ Biên phòng hợp sức, hợp lòng cùng nhau bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia trên biển.
Thượng tá Nguyễn Duy Thoại, Chính trị viên của đồn kể cho tôi nghe những câu chuyện về hòn đảo này và cả bao câu chuyện của những người chiến sĩ Biên phòng nặng lòng với biển trong nỗi nhớ đất liền da diết. Vầng trăng trên nền trời nghiêng dần theo cung bậc của con sóng thủy triều, và anh bắt đầu kể:
Lúc Hiệp định Giơ Ne Vơ được ký kết vào tháng 7 năm 1954 thì trên hòn đảo này chưa có người ở, mùa thu năm 1959 khi biết Mỹ, Ngụy có ý định sẽ đưa quân đổ bộ cướp đảo. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư lệnh Quân Khu IV và Bộ chỉ huy Trung đoàn 270 bảo vệ giới tuyến đã gấp rút xây dựng kế hoạch đưa quân ra giữ đảo. Đúng 1 giờ sáng ngày 8/8/1959, Đại đội 6 thuộc Tiểu đoàn bộ binh 2 - Trung đoàn bộ binh 270, do Thiếu úy Dương Đức Thiện chỉ huy đã vượt qua sóng gió đổ bộ lên đảo và cắm trên vị trí cao nhất của đảo lá cờ đỏ sao vàng khẳng định Cồn Cỏ là chủ quyền thiêng liêng bất khả xâm phạm của tổ quốc Việt Nam. Hai ngày sau chính quyền Ngô Đình Diệm đưa tàu chiến đến vây đảo song bọn chúng đã bị quân ta nổ súng đánh trả buộc chúng phải rút lui, từ đó Cồn Cỏ mới thực sự có chủ. Về tên gọi, truyền khẩu trong dân gian thì ngoài tên Cồn Cỏ như hiện nay, hòn đảo này còn có nhiều tên gọi khác, đó là : “Hòn Cỏ”, “Hòn gió”, “Thảo Phù”, “Con Hổ”, hay “Hòn Mệ”…trong những năm kháng chiến cống Mỹ ác liệt, đảo lại có thêm một số tên khác như “Đảo thép”, “Chiến hạm nổi” và được cả nước thân thương mệnh danh là “Chiến hạm không bao giờ chìm” là “Pháo đài bất khả xâm phạm” giữa biển đông sóng gió, giữa đạn bom quân thù….
Khi những người chiến sĩ của Đại đội 6, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 270 (Quân khu IV) đặt chân lên đảo cũng là lúc đảo trở thành vọng gác tiền tiêu của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, án ngữ cửa ngõ phía Nam vịnh Bắc Bộ, là trạm gác cho “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển” vì thế Cồn Cỏ trở thành mục tiêu đánh phá bằng bom của không lực, bằng pháo của hạm đội, của tàu khu trục và bằng các loại tàu biệt kích để hủy diệt mọi sự sống trên đảo, kẻ địch đã trút xuống hòn đảo chỉ rộng hơn hai cây số vuông này trên 13.000 quả bom các loại, hàng vạn quả rốc-két; 172 lần tàu chiến pháo kích trên 4.000 quả đạn, chia bình quân mỗi người chiến sỹ sống trên đảo vào thời điểm này phải hứng chịu đến 39,3 tấn bom đạn của kẻ thù song Cồn Cỏ vẫn kiên gan đứng vững suốt cuộc chiến tranh cứu nước trường kỳ của dân tộc. Gần hai ngàn ngày đêm đối mặt với kẻ thù, chiến đấu hàng nghìn trận, bắn rơi 48 máy bay Mỹ, bắn chìm 17 tàu chiến và hải thuyền của địch để làm nên một tượng đài Cồn Cỏ anh hùng tồn hằng mãi mãi cùng lịch sử của dân tộc Việt Nam.
Còn những người chiến sĩ Biên phòng giữ đảo, giữ biển, tuy họ ra đồn trú muộn hơn các lực lượng khác song nhiệm vụ cũng vô cùng nặng nề. Kể từ ngày Trung tá Nguyễn Văn Lương chỉ huy 17 cán bộ, chiến sĩ ra lập đồn, không một phút giây nào các anh buông lơi tay súng, buông lơi cảnh giác trong quá trình canh biển. Tôi cùng Đại úy Hoàng Minh Dũng - Đội trưởng đội Tham mưu hành chính đi bách bộ trên con đường bê tông bao quanh đảo để lẫn trong hơi gió mang vị mặn của biển tôi nghe những lời tâm sự của anh. Nhận nhiệm vụ tại đồn vào tháng 3 năm 2016, cũng đã ngót nghét gần 3 năm bám trụ nơi hòn đảo tiền duyên anh đã cùng với đồng đội luôn ghi sâu trong tâm niệm lòng mình “Trong chiến tranh, đạn bom ác liệt như vậy mà thế hệ cha, anh vẫn quả cảm, kiên trung bám trụ giữ đảo, bây giờ chỉ có chút sóng, chút gió thì có nghĩa lý gì”. Anh nói vậy chứ tôi hiểu, ai xa gia đình, bố, mẹ, vợ, con giữa trùng khơi, đảo vắng khi biển động, sóng gầm mà không nhớ nhung, không chạnh lòng, song các anh đã biết vượt lên tất cả để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của người chiến sĩ Biên phòng. Lúc này tôi chợt nghĩ: Nếu như trên hòn đảo này không có lực lượng Bộ đội Biên phòng hiện diện thì công tác tuần tra và cứu hộ, cứu nạn trên biển sẽ như thế nào, bởi tôi biết được chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị đã khá nhiều lần triển khai lực lượng, phương tiện thực hiện nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn, cứu được nhiều tàu thuyền và ngư dân.
Con đường nhỏ vòng quanh đảo đưa tôi qua các địa danh với tên gọi bến Tranh, bến Nghè, “Trung tâm Hà Nội”, “đồi Hải Phòng”, “bãi Hà Đông”, “đồi Hà Nam”… do bộ đội lấy tên quê hương mình đặt cho những vị trí quan trọng trên đảo Cồn Cỏ. Chỉ tay lên một ngọn đồi nhỏ Đại úy Hoàng Minh Dũng giới thiệu: Đây cao điểm 63,4m, nơi ngày trước là chòi quan sát của anh hùng Thái Văn A nay là vị trí của Trạm ra đa 540 với tính năng có thể quan sát, phát hiện những mục tiêu trên biển xa cả trăm hải lý và biết được mọi hành động của mục tiêu đó rồi đưa ra nhận định là cơ sở cho chỉ huy, lãnh đạo các cấp xây dựng phương án, kế hoạch đối phó trước tình hình diễn biến phức tạp trên Biển đông. Sau khi giới thiệu hết các địa danh trên đảo, anh lại quay về với những lời tâm sự của mình. Giọng anh trầm xuống trong lớp lớp luồng sóng va đập vào vách đá, anh thật lòng: Nói thế thôi chứ sau mỗi ngày làm việc, lúc mặt trời thả ánh hoàng hôn xuống biển là lúc anh em chúng tôi lại rủ nhau ra ngồi trên những hòn đá phía Tây đưa đôi mắt mình nhìn về đất liền trong nỗi nhớ nhà da diết và có cả đôi chút chạnh lòng. Tết năm ngoái, tý nữa là em không thể vào vui tết cùng với vợ con vì không khí lạnh liên tiếp tăng cường nên biển động, may sao đến gần ngày cuối cùng của năm, gió mùa đông Bắc ngừng thổi, biển lặng, vì thế những người công tác ở đảo mới được vui tết cùng gia đình. Thời tiết ngày càng chẳng theo bất cứ một qy luật nào, cứ đỏng đảnh đến khó lường.
Buổi sáng, tôi thả bàn chân mình dọc theo con đường quanh đảo, những cây Phong ba nở ra chùm hoa màu trắng nhỏ ly ti nhưng không bao giờ bị rụng dẫu gió biển thét gào, trên mặt biển xanh ngắt, một đàn chim Hải âu đang đùa dỡn với sóng và tôi nghe trong làn sương sớm có pha lẫn vị mặn của muối lành lạnh, phản phất, mơn man khắp cơ thể, làm cho làn da của tôi cũng mằn mặn nước biển. Tôi hít thật sâu vào vòm ngực mình làn gió ban mai của biển, nghe âm thanh mỗi con sóng đùa nghịch từ ngoài khơi xa vỗ nhẹ vào chân đảo rồi vội biến tan như cơn gió kia lưng lửng mùi biển. Lúc này đây, tôi có cảm giác biển thật yên bình, yên bình đến nỗi tôi không muốn đánh rơi hay phá vỡ những gì đang hiện diện trong trái tim mình và tôi cảm nhận được rằng: Biển dẫu mặn, nhưng những gì của biển cũng đều ngọt ngào cả. Các chiến sĩ Biên phòng nói với tôi, ai đã ăn sản vật của biển 1 lần là sẽ nhớ biển, ăn 2 lần thì yêu biển, ăn 3 lần sẽ muốn sống cùng biển trọn đời. Tôi đã ăn những sản vật của biển không biết bao nhiêu lần, phải chăng vì thế mà tình yêu biển, yêu hòn đảo bé nhỏ này trong tôi cứ lớn dần, lớn đến nỗi khi xa biển, xa đảo, xa những người chiến sĩ Biên phòng nơi đây dẫu thời gian có trôi đi như thế nào, mỗi khi nhớ lại, bất chợt có những giọt nước nóng hổi, mằn mặn từ đôi mắt lăn dài xuống khóe môi.
Cũng vào một buổi sáng, khi tôi vừa thức dậy thì nghe từ chiếc loa truyền thanh vang lên câu hát “Có một hòn đảo nhỏ, ở phía mặt trời lên, đảo mang tên Cồn Cỏ, giữ biển và giữ trời….”. Từ đất liền, tôi đưa mắt nhìn về phía mặt trời mọc, nơi ấy có biển, có đảo Cồn Cỏ, có những người chiến sĩ Biên phòng đang ngày đêm dõi mắt nhìn khơi xa, chắc tay súng giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng cho Tổ quốc. Và tôi bỗng thấy không còn nỗi sợ hãi dẫu mỗi khi biển động./.
Nguồn Văn nghệ số 17+18/2-19