Sự kiện & Bình luận

Đất đai thầm kể

Lương Ngọc An
Bút ký phóng sự
08:00 | 02/09/2024
Baovannghe.vn - Gần mười năm trước, tôi bất ngờ nhận được lá thư của một cô gái Quảng Trị, lá thư mở đầu khá đặc biệt: “Vô tình đọc “Ghi nhanh ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn” (tên một bài thơ của tôi - LNA), tôi đã khá có cảm tình với anh...”.
aa

1

Gần mười năm trước, tôi bất ngờ nhận được lá thư của một cô gái Quảng Trị, lá thư mở đầu khá đặc biệt: “Vô tình đọc “Ghi nhanh ở Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn” (tên một bài thơ của tôi - LNA), tôi đã khá có cảm tình với anh...”. Rồi như chẳng cần biết điều đó đã gây ấn tượng thế nào với người nhận, bức thư kết thúc bằng một câu hỏi vừa có phần cả quyết, lại vừa như hờn dỗi: “... Anh có dám làm quen với một cô gái ở mảnh đất gió cát này không?...” Về sau, T, tên cô bạn nọ, giải thích lý do khiến mình viết lá thư trên: “Đó là vì bài thơ đã viết về quê em...”. Chúng tôi đã quen nhau như vậy, hay nói đúng hơn, lịch sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc cùng với những cảm nhận đầy tri kỷ và lòng biết ơn với đất đai, với đồng đội và với con người nơi đây đã giúp chúng tôi làm quen với nhau như vậy...

Ấy là chuyện mươi năm về trước. Nhưng ngày ấy hình như T. cũng không nhận thấy một điều, rằng với riêng mình, đã từ rất lâu rồi, không hiểu vì đâu mà lòng tôi vẫn cảm thấy có điều gì vừa như tò mò, lại vừa như mắc nợ với mảnh đất mà em tự gọi là gió cát này. Mãi sau rồi mới hiểu, thì ra những cảm giác ấy không phải bắt nguồn từ những gì chưa biết, mà thực sự bắt nguồn từ những gì đã biết, và biết rất mơ hồ, về một chiến trường với những tên gọi, những chiến công đã được ghi đậm vào sử sách: Gio Linh, Cam Lộ, Đường 9, Khe Sanh, Cồn Tiên, Dốc Miếu, Cửa Việt, Cửa Tùng, Thành Cổ... mà mình đã từng được đọc, được nghe từ thuở ấu thơ; để rồi bỗng một ngày kia, trước ngút ngàn của Nghĩa trang Liệt sỹ Trường Sơn, câu thơ vọng đến bất chợt như có ai đó thầm đọc bên tai: Nhấp nhô đến cạn cánh cò/ Nghiêm trang như dưới Quân kỳ điểm danh/ Hôm xưa với lá áo xanh/ Hôm nay với nắng áo thành tinh khôi...; và để rồi lòng tự hẹn lòng, rằng rồi sẽ một ngày mình trở lại nơi đây, sẽ một lần sống thật kỹ với mảnh đất này, để chiu chắt lại thật sâu, thật đậm một chút gì đó về Quảng Trị, cho bản thân, cho bè bạn, những người còn sống và cả những người đã khuất; mà bức thư của T. lại vừa như một lời nhắc gọi...

Nấn ná vậy mà cũng đã gần mười năm, một khoảng thời gian không dài đối với tuổi trẻ, khi mà mỗi ngày trôi qua đều có biết bao việc để lo, để tính, để dễ dàng lần khân với một lời hứa, nhất lại là lời hứa chỉ của riêng lòng mình... Trên con đường lang thang suốt dọc chiều dài đất nước, lắm lúc tưởng chừng như vô định, tôi đã bao lần qua nơi này, cũng đã từng dừng chân nghỉ lại; Miền Trung đã dần trở nên một điều gì rất khó phai nhạt trong cuộc sống mỗi ngày đang trôi qua của mình, từ vị cay của ớt đến hương nồng của men, từ giọng nói nằng nặng chân tình đến ánh mắt trầm ngâm lưu luyến, từ những câu chuyện ngang tàng, hóm hỉnh đến những lời ca ai oán dặt dìu; rồi nắng, rồi gió, rồi cả những cơn mưa dầm dề, dai dẳng não lòng... tất cả đều đã thành thân thiết, vấn vương đến vô cùng. Ấy vậy mà lời hứa với mảnh đất đau thương mà hiển hách, từng một thời là chiến trường ác liệt nhất của cả dân tộc, hơn thế nữa, có thể còn là ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh hiện đại của thế giới này, vẫn chưa thực hiện được. Vẫn biết dù vậy thì Quảng Trị vẫn từng ngày từng giờ thay da đổi thịt, vẫn trẻ trung, kiêu hãnh vượt qua bao nhiêu những nghiệt ngã của thiên nhiên, của hoàn cảnh, để trở nên bề thế và sức vóc như ngày hôm nay, như cây Bồ Đề ở Nghĩa trang Trường Sơn vẫn cứ lặng lẽ bám rễ, vươn cành, làm dịu lại cả một vùng trầm mặc, dịu lại bao nỗi lòng cả của người đi qua cũng như người nằm lại suốt bấy nhiêu năm qua... Thế nhưng rồi trong một lá thư gần đây, T. viết: “... Người dân quê em hiền lành, chân thật và cũng rất ân tình...” thì cái tình cảm lưu luyến âm thầm bấy lâu nay bỗng như chợt thức. Không còn lý do gì để chần chừ thêm được nữa. Đất đai ấy, tình nghĩa ấy thực sự đã trở thành quấn hút đến mê hoặc.

Và tôi đã trở lại Quảng Trị trong một tâm thế như vậy. Tâm thế của một người vắng xa lâu ngày trở về, để vừa xa lạ lại vừa gần gụi, để vừa thân thuộc lại vừa không khỏi ngỡ ngàng...

Di tích Thành cổ Quảng Trị
Di tích Thành cổ Quảng Trị

2

Sử cũ ghi lại rằng năm xưa, trên đường hành phương Nam mở đất, thuyền chúa Nguyễn Hoàng ghé Cửa Việt rồi ngược dòng Thạch Hãn tới địa phận Ái Tử thuộc huyện Vũ Xương thì dừng lại. Ngắm nhìn địa thế bằng phẳng hai bên bờ sông, vừa không xa cửa biển là mấy, lại kề sát con đường Thiên lý, chúa quyết định lấy mảnh đất bên bờ Bắc con sông Thạch Hãn này dừng chân, vỗ về quân dân, thu phục nhân tài. Bởi xung quanh nơi chúa định đô toàn một màu trắng cát, nên về sau dinh thự của chúa được gọi tên là Dinh Cát. Trải 3 đời chúa, đất đai dần dần mở rộng thêm về phía Nam, dinh chúa cũng dời dần vào Trà Bát, tới Kim Long của xứ Thuận Quảng. Khi Gia Long lên ngôi (1802), kinh đô Huế được thành lập, mảnh đất ven bờ Thạch Hãn không những nghiễm nhiên trở thành tiền đồn quan trọng án ngữ phía Bắc kinh thành, mà còn là nơi “đất thiêng” của nghiệp đế. Chính vậy mà vua đã cho đắp thành Quảng Trị tại phường Tiến Kiên, huyện Đăng Xương, nơi bờ Bắc sông Thạch Hãn (Triệu Giang - Triệu Phong ngày nay), coi đây như một Tiền Cung, vừa để bảo vệ kinh đô, vừa là nơi hàng năm vua ra làm lễ cúng tổ tiên để nhớ về một thuở tiền nhân mang gươm đi mở cõi... Cho đến năm Gia Long thứ 8 (1809), thành được dời về xã Thạch Hãn, huyện Hải Lăng (nay là thị xã Quảng Trị) và tồn tại cho tới sau này...

Ấy là chuyện từ năm 1972 trở về trước, còn từ đó trở về nay thì toà thành cổ kính và uy nghi ấy chỉ còn phảng phất trong ký ức của những người luống tuổi, và tên gọi Thành cổ chỉ còn là dấu ấn của tự hào pha lẫn xót xa trong lòng người dân Quảng Trị quê em...

Thế hệ sinh ra sau năm 1972 hôm nay về Quảng Trị chỉ thấy hiển hiện trên mặt đất, giữa lòng Thị xã, một chứng tích hiên ngang như một tượng đài của sự quật cường được tạc nên từ bom đạn. Đó là một góc ngôi trường Bồ Đề trên đường Trần Hưng Đạo, ngôi trường đã từng một thời là niềm kiêu hãnh của người dân Quảng Trị về truyền thống hiếu học của quê hương mình, cũng là công trình kiến trúc duy nhất còn lại mang dấu tích của một Quảng Trị hào hoa xưa, sau khi Thị xã đã bị san phẳng trong 81 ngày đêm lửa đạn mùa hè năm 1972. Những thương tích in hằn trên mình ngôi trường còn lại tới hôn nay là một minh chứng thuyết phục về những gì mà chiến tranh từng đem đến nơi đây, dù chỉ là một phần rất nhỏ. Giữ lại nguyên vẹn ngôi trường này để làm di tích chiến tranh, như vết sẹo trên một cơ thể lành mạnh, Quảng Trị như muốn nói lại với muôn sau những ký ức không thể nhạt phai về một mùa hè đỏ lửa, và nhắc với mỗi người đang ung dung dạo bước trên hè phố kia, rằng mảnh đất mà họ đang vô tư đặt chân lên ấy, mỗi gốc cây, ngọn cỏ đều từng thấm đẫm máu đào...

Nếu như trường Bồ Đề là dấu tích còn lưu lại trên mặt đất một Quảng Trị những ngày oanh liệt, thì âm thầm trong lòng đất nơi đây là cả một kho tàng. Vào ngày 12 tháng 7 năm 1972, ngày thứ 15 của 81 ngày đêm rung chuyển toàn cầu, hãng tin Mỹ UPI đã đưa tin: Có tuần lễ Hoa Kỳ đã huy động máy bay chiến đấu của ba quân chủng ném tới 7.000 tấn bom và bắn 10 vạn quả đại bác vào Thị xã Quảng Trị... Nhiều báo chí phương Tây đã bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống Quảng Trị trong thời gian này vào khoảng 328 nghìn tấn, tương đương với sức nổ của 7 quả bom nguyên tử mà Mỹ đã ném xuống Hi-rô-si-ma (Nhật Bản) năm 1945, khiến cho khoảng hơn 1 vạn ngôi nhà ở Thị xã Quảng Trị khi đó bị phá huỷ hoàn toàn. Trong lịch sử chiến tranh, hầu như chưa có một cuộc hành quân nào mà mục tiêu chủ yếu chỉ là đánh chiếm một toà thành có chu vi hơn 2160 mét, người ta lại có thể huy động một lực lượng quân đông và sử dụng đến một lượng chất nổ khổng lồ đến như vậy. Sau chiến dịch mang tính huỷ diệt ấy, mỗi tấc đất ở đây đã vùi xác hàng trăm tên địch, và cũng đã hoà tan biết bao xương máu của đồng bào, chiến sĩ ta. Thành cổ cũng như toàn bộ Thị xã Quảng Trị trở thành một khối đổ nát, hoang tàn, “đến một viên gạch cũng không còn nguyên vẹn”, dòng Thạch Hãn từng có những ngày nước ngầu máu đỏ, phải thật lâu sau mới trở lại xanh trong...

Và từ những hoang tàn, đổ nát ấy, suốt một thời gian dài, chỉ còn lau trắng, phượng hồng tự khi nào bỗng vi vút cất lên những khúc ca tưởng niệm...

Và cho đến tận hôm nay, từ thẳm sâu trong lòng đất vẫn còn ẩn chứa biết bao điều bí mật mà thảng đôi khi vì một cơ duyên nào đó, với một vài ai đó, lại bất ngờ hé thêm chút ít những câu chuyện vừa cảm động lại vừa huyền bí đến lạnh người...

Một buổi chiều tháng 7, giữa cái nắng chói chang, gay gắt của mùa hè, thoảng chốc lại ào qua một cơn gió Lào hầm hập, lang thang giữa lòng Thị xã cùng Nhất Lân, một nhà văn quê gốc Quảng Trị “thứ thiệt”, lại thấy bâng khuâng nhớ câu thơ của một người bạn thuở còn trẻ trung và khát bỏng yêu thương, đã viết về Thị xã này: Thị xã nhỏ như bàn tay con gái/ Chiều xưa vuốt tóc kiêu kỳ... Thị xã nhỏ thật, mỗi chiều chỉ khoảng chừng 1,5 km, đạp xe chưa tàn một điếu thuốc là hết. Lâu lắm rồi mới lại có dịp được đạp xe trong bình yên và thư thái như thế này, và câu chuyện của Nhất Lâm thì như những thước phim cận cảnh, quay chậm rãi về một thuở nào xa lắc...

3

Năm 1973, khi mặt trận đã im tiếng súng, bà Nguyễn Thị Ngân trở về làng cũ tại thôn Thượng Phước, xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, một làng nhỏ ven bờ Bắc sông Thạch Hãn, làm ăn. Nơi đây trong những ngày chiến đấu ác liệt, là vùng căn cứ ém quân và tập kết hàng hoá của ta để đêm đêm vượt sông vào chi viện cho các đơn vị chiến đấu trong Thị xã. Thấy trong vườn nhà có 3 ngôi mộ liệt sỹ, có mộ chí khắc bằng tôn, bà Ngân cũng như bất kỳ người dân nào ở vùng này, vẫn dành công chăm sóc và khói hương chu đáo. Cái tình nghĩa của nhân dân đối với những người đã hy sinh cho đất nước, cho quê hương vẫn tự nhiên và chân thành như vậy. Bà có ngờ đâu rằng một trong những ngôi mộ mà mình đang gìn giữ ấy về sau này lại gắn với một câu chuyện tưởng chừng như huyền thoại, mang đầy vẻ bi tráng của chiến tranh mà mãi tới ba chục năm sau, mọi người chứng kiến vẫn còn thấy ngỡ ngàng...

Trong lịch sử triền miên những cuộc chiến tranh giữ nước của dân tộc, không hiếm những người con đã hiên ngang vào trận với tinh thần cảm tử. Cũng không ít những trường hợp đơn vị đã làm lễ truy điệu sống cho những chiến sĩ của mình trước khi bước vào một nhiệm vụ cầm chắc hy sinh. Tinh thần quả cảm ấy thực sự đã làm nên một truyền thống bất khuất, kiên cường rất đáng trân trọng, mà ngay trong những giờ phút ác liệt nhất của những ngày tháng ác liệt nhất tại Thành cổ Quảng Trị, một tờ báo phương Tây đã phải thốt lên: “Kỷ luật, lý tưởng và tinh thần coi thường cái chết đã kết hợp với nhau như thế nào mà khiến các chiến sĩ Việt cộng vẫn xông lên dưới mưa bom B52. Không có một nhà phân tích nào ở Mỹ đi đến một giải thích đầy đủ…”. Nhận định đó dù đã phần nào lý giải sự thất bại của Mỹ, không phải chỉ trên chiến trường Quảng Trị ngay từ những năm tháng ấy, mà còn chỉ ra viễn cảnh về một sự thảm bại trên toàn cục những năm sau này. Thế nhưng dù có như vậy đi chăng nữa thì mỗi góc khuất của tâm hồn Việt Nam đối với họ vẫn mãi mãi là một ẩn số. Có ai biết được rằng bên cạnh những chiến sỹ đang lạnh lùng xông lên dưới mưa bom B52 kia, vẫn còn có những con người âm thầm và bình thản đón nhận sự hy sinh đang nhích lại từng giây, không những thế, còn rất lạc quan về sự hy sinh đó, để ngồi viết thư từ biệt gia đình, người thân của mình. Ba mươi năm sau, kể từ ngày mà tờ báo nọ đưa ra lời bình luận bi đát trên, những dòng thư để lại của một liệt sỹ vừa được công bố còn thấm thía hơn bao nhiêu trang sách đã viết, bao nhiêu điều đã bàn luận về chiến tranh. Bức thư đó của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, một người lính quê ở Kiến Xương - Thái Bình, vào chiến trường Quảng Trị khi đang học năm thứ 4 trường Đại học Xây dựng Hà Nội. Thư được viết từ 10 trang sổ tay xé ra, giữa những giờ phút bình yên hiếm hoi của chiến trường, với những điều tiên cảm kỳ lạ mà cho đến tận bây giờ đọc lại những dòng thư ấy, người ta vẫn không khỏi kinh ngạc. Bức thư mở đầu: Quảng Trị, 11 - 9 - 72...

Nhập ngũ từ tháng 3 - 1972, lứa sinh viên Đại học năm ấy, trong đó có Lê Văn Huỳnh, cũng như bao lớp thanh niên khác, lên đường vào chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị. Anh Huỳnh được điều về một đơn vị vận tải, có nhiệm vụ chuyển hàng hoá, đạn dược qua sông Thạch Hãn cung cấp cho các đơn vị trong Thị xã và đưa thương binh ra ngoài. Tuy không trực tiếp đối mặt với kẻ thù, song sự ác liệt của chiến tranh được những người chiến sỹ vận tải đón nhận thông qua những trận bom huỷ diệt của B52 hằng ngày và số chiến sỹ thương vong được chuyển ra ngoài hằng đêm không phải là nhỏ. Trước tất cả những điều ấy, như một sự tiên cảm, và bằng một thái độ bình tĩnh đến lạ lùng, Lê Văn Huỳnh đã âm thầm viết một bức thư cho mẹ, cho vợ, cho anh chị và cho cả đứa cháu trai bé bỏng chưa đầy tuổi của mình những điều thiết tha mà cũng đầy khí phách. Xin được trích một đoạn trong bức thư ấy, phần viết cho vợ, người phụ nữ mới thực sự 7 ngày làm vợ và hơn 30 năm đằng đẵng chờ chồng:

“... Anh biết em sẽ không đọc nổi lá thư này vì biết bao nỗi buồn đè nặng lên tấm thân người con gái trẻ tuổi như em. Nhưng em ơi hãy bình tĩnh lại làm theo lời anh căn dặn. Còn ngày anh đi xa là ngày đề ở ngoài phong bì mà nhờ các bạn anh gửi giúp. Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khoẻ những người quen thuộc trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hoà bình có điều kiện vào Nam lấy hài cốt anh về. Đường đi như sau: đi tàu vào thị xã Quảng Trị, qua sông Thạch Hãn là nơi anh đã hy sinh khi đưa hàng qua sông. Từ thị xã qua cầu ngược trở lại hỏi thăm về Nhan Biều 1, nếu tính xuôi theo dòng nước thì ở cuối làng. Về đấy tìm sẽ thấy bia ghi dòng chữ tên anh đục trên mảnh tôn. Thôi nhé, đó là có điều kiện, còn không thì em hãy cứ làm tốt những điều anh dặn ở trên là tốt lắm rồi...”

Lạ kỳ thay khi những điều anh Huỳnh viết trước lúc hy sinh về sau đều đúng như một lời tiên tri. Điều khác duy nhất là ngôi mộ của anh sau này được tìm ra nằm ở thôn Thượng Phước, trong khu vườn của gia đình bà Ngân, chứ không phải ở Nhan Biều 1. Hai thôn này nằm... kề bên nhau...

Vẫn biết cuộc sống vốn có biết bao điều kỳ lạ. Nhưng những điều kỳ lạ như trong bức thư của Lê Văn Huỳnh thì thực sự khó có thể nào giải thích được. Làm sao có thể biết được mình sẽ được chôn ở đâu trong khi mặt trận trải dài suốt dọc bờ sông? Làm sao biết được đường tàu sẽ nối lại để chỉ đường cho vợ xuống ga Thị xã?... Và rồi cả chuyện đi tìm mộ của anh nữa... Mãi cho đến ngày tròn 30 năm anh ngã xuống, hài cốt anh mới được tìm thấy như một cơ duyên...

Sông Thạch Hãn
Sông Thạch Hãn

Để lý giải về những điều Lê Văn Huỳnh tiên cảm trong bức thư của mình, ông Trần Khánh Khư, người hiện đang phụ trách khu di tích Thành cổ Quảng Trị cho rằng bởi anh Huỳnh đã học hết năm thứ 4 Đại học, nên việc xác định được những điểm mốc, tạm gọi là “toạ độ vĩnh cửu”, một khái niệm không mấy xa lạ đối với những người làm công tác xây dựng, như nhà ga, bến sông, địa giới hành chính... là hoàn toàn có khả năng. Ý kiến này về sau được những người đồng đội đã trực tiếp an táng anh, cũng là những người bạn đã từng học cùng trường Đại học Xây dựng với anh trước đây, bổ xung thêm, rằng Lê Văn Huỳnh là người xưa nay học rất giỏi và tính tình lại rất cẩn thận. Có lẽ chính vì cẩn thận nên khi cảm nhận được mức độ ác liệt của cuộc chiến đấu này và biết rằng mình có thể hy sinh bất cứ lúc nào, nên ngoài lá thư viết cho gia đình, anh đã dùng tôn khắc sẵn cho mình tấm bia ghi rõ tên tuổi như đã dặn vợ trong thư. Chính nhờ có tấm bia này mà về sau chị Đặng Thị Xơ, vợ anh, đã xác định được chính xác hài cốt của chồng mình. Còn bức thư thì sau khi anh hy sinh (ngày 2 tháng 1 năm 1973) vẫn còn nằm trong balô và sau đó được đồng đội chuyển về cho gia đình, ngày mất mà anh để trống trong lá thư vẫn chưa có ai kịp điền vào…. Bao lâu nay lá thư vẫn được chị Xơ đặt trên bàn thờ anh như một kỷ vật mà anh để lại. Mãi đến khi tìm được mộ anh, người ta mới biết được câu chuyện về lá thư này và nó đã được trao lại cho Bảo tàng Thành cổ để trở thành một hiện vật đáng trân trọng. Bức thư hiện được ép plastic cẩn thận và những hướng dẫn viên của khu di tích vẫn vẫn thường đọc lại cho khách viếng thăm Thành cổ nghe. Mỗi lời trong bức thư đều như một tâm tình, một điều nhắn gửi từ một thế giới khác, thế giới của sự minh triết và độ lượng, thế giới của những người hiểu rõ hơn ai hết ý nghĩa của cuộc sống và của sự hy sinh... Bao nhiêu lần đọc là bấy nhiêu nước mắt. Nước mắt của lòng biết ơn, nước mắt của niềm khâm phục...

Khi chúng tôi tìm về khu vườn của gia đình bà Ngân, nơi anh Huỳnh và hai người đồng đội của anh đã nằm lại suốt 30 năm qua, thì việc quy tập hài cốt các anh đã hoàn tất. Sau chiến tranh, đã hai lần địa phương đến khu vườn này tìm kiếm để đưa các anh về nghĩa trang của tỉnh, nhưng đều không thấy. Chuyện về những ngôi mộ từ đó chìm dần vào quên lãng trước bao tất bật lo toan của cuộc sống đời thường. Tuy vậy, như có điều gì mách bảo, bà Ngân vẫn lặng lẽ gon 3 tấm mộ chí bằng tôn đó về một góc vườn để hương khói. Rồi đến một ngày cuối năm 2002, chị Xơ và những người đồng đội của anh tìm về. Lần này thì không mấy khó khăn, họ đã tìm được các anh ngay chính trên nền đất mà bao lâu nay ai cũng tưởng rằng vô vọng ấy... Câu chuyện đó rất khó chấp nhận được nếu cố đi tìm một cách giải thích rành rẽ. Có người bảo đó là do những thay đổi của nền đất tại khu vườn sau bao nhiêu năm tháng đạn bom, sau bao mùa mưa gió, lở bồi, nên những lần tìm kiếm trước đây không đúng vị trí… Nhưng cũng có người âm thầm tin rằng đấy là vì anh đã “hẹn” nên cố “chờ” chị đến đón về. Chỉ có ông Nguyễn Hậu, con trai cụ Ngân, người mà sau này đã thay mẹ gìn giữ phần mộ của các anh cho đến ngày ấy, là giải thích bằng một câu giản dị mà chân thật đến bất ngờ: “Ở đất Quảng Trị này nơi mô mà chẳng có máu xương của anh em mình gửi lại. Tôi đã thấy nhiều người tuy không tìm được hài cốt con em mình, nhưng biết họ đã hy sinh tại đây, thịt xương đã tan vào trong đất, thì chỉ cần một nắm đất đem về thờ phụng cũng là mãn nguyện lắm rồi, huống chi vườn nhà mình còn cả mộ chí thì phải ráng mà giữ... Tìm mộ liệt sỹ bằng ngoại cảm chi chi đi nữa cũng không bằng cái nội cảm của mỗi người, cái ấy là tình của đồng đội, tình của nhân dân và của gia đình với những người đã bỏ mình vì dân, vì nước...”. Điều này có lẽ chính anh Huỳnh cũng không ngờ tới, nhưng anh đã tiên cảm được, rằng anh sẽ bình yên an nghỉ trong lòng đất Việt Nam, giữa lòng người Việt Nam...

Còn tôi thì lại có thêm một lần để hiểu rõ hơn điều em từng kể với đầy đủ sự tự hào về những người dân quê mình... Dường như phảng phất đâu đó đằng sau nét mặt, bên trong giọng nói của những người như bà cụ Ngân, như ông Hậu, thấy có gì đó buồn buồn, đăm đắm như ánh mắt em chiều nay...

4

Nếu như bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh mang khí phách và tâm hồn của một người anh hùng khi bước vào trận chiến, thì bức thư mà những người làm công tác bảo tàng ở Thành cổ vừa tìm được mới gần đây lại là một thiên tình sử kết thúc có hậu trong chiến tranh, mà mới thoạt nghe, nhiều người sẽ tưởng rằng đây là một câu chuyện chỉ có trong tiểu thuyết… Mà ngay cả việc phát hiện ra bức thư này cũng có vẻ như một sự tình cờ...

Vào cuối năm 2000, trong quá trình thi công nâng cấp một số công trình tại khu di tích Thành cổ, có việc xây dựng lại hệ thống cống thoát nước tại đây. Khi mọi việc đã hoàn tất, chủ đầu tư phát hiện ra đoạn cống ở khu vực cổng phía Tây của thành cao hơn thiết kế một chút. Nếu xuề xoà thì vẫn có thể cho qua vì độ chênh lệch không ảnh hưởng nhiều tới chất lượng thoát nước của công trình. Song không hiểu vì sao bên thi công vẫn quyết định đào lên làm lại. Và đến khi khoét sâu thêm chỉ vài tấc đất, những người thợ đã phát hiện ra cả một căn hầm bị vùi lấp với 5 bộ hài cốt còn khá nguyên vẹn. Họ đã nằm đó hơn ba chục năm trời...

Trong số hài cốt vừa tìm được ấy, một bộ sau đó không lâu đã xác định được danh tính của liệt sỹ, căn cứ vào những di vật đi cùng. Anh là Lê Binh Chủng, thượng uý, phó chỉ huy chính trị của một tiểu đoàn chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị năm 1972, quê ở xã Quỳnh Mỹ, huyện Quỳnh Lưu - Nghệ An. Những di vật ấy sau đó được trưng bày trang trọng trong một chiếc tủ kính đặt ở tầng 2 Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị, bao gồm súng, đôi dép caosu, thắt lưng, cuốn nhật ký, lý lịch Đảng viên, bản tuyên bố của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam, cùng một số tài liệu tuyên truyền do Cục Chính trị B5 ban hành, và đặc biệt hơn cả là một bức thư gửi từ hậu phương đề ngày 15 tháng 5 năm 1972... Tất cả những tài liệu này được gói kỹ trong bao nilon nên mặc dù đã nằm trong lòng đất gần 30 năm, song nét mực vẫn chưa nhoè...

Anh Nguyễn Quang Tú, nhân viên tổ Di tích thành cổ Quảng Trị, người đã tham gia quy tập nhiều hài cốt liệt sỹ ở đây cho biết, việc tìm được những lá thư bên cạnh hài cốt liệt sỹ không phải là hiếm. Tuy nhiên nói lá thư tìm thấy trong di vật của liệt sỹ Lê Binh Chủng là một điều đặc biệt, là bởi cũng chính từ lá thư này, bao nhiêu uẩn khúc được mở ra, để bắt đầu đoạn kết của một câu chuyện tình thời chiến. Lá thư được gửi đi từ Quảng Bình, và người viết là chị Phan Thị Biển Khơi, vợ anh. Những dòng đầu của bức thư ấy, chị viết:

“Anh Binh Chủng thương yêu của mẹ con em.

Cầm bút biên thư cho anh trong lúc trên chiến trường Trị Thiên đang thắng to. Tin vui bay về nơi hậu phương làm cho mọi người dân cũng đầy sung sướng. Tự hào thay trong hàng ngũ những người chiến thắng ấy có anh, người mà em gửi gắm bao niềm thương nỗi nhớ...”

Một bức thư với tất cả yêu thương pha lẫn tự hào của một thời cả nước cùng ra trận. Nhưng điều đặc biệt không phải nằm ở chỗ đó. Bức thư gần 30 năm câm lặng kia còn là một lời mách bảo linh thiêng cho đứa con trai anh sau chừng ấy năm nhận mặt họ hàng...

Năm 1968, chị Phan Thị Biển Khơi và anh Lê Binh Chủng cùng là bộ đội, công tác ở phòng Quân nhu của Bộ tư lệnh B5, chiến trường Quảng Trị. Thời gian này anh chị đã bắt đầu yêu thương nhau, nhưng bởi đang là thời chiến, tất cả đều dành cho việc phục vụ chiến đấu, nên tình yêu của họ vẫn chỉ là một tình yêu thầm vụng. Năm 1970, anh Chủng được lệnh chuẩn bị xuống đơn vị chiến đấu. Mãi đến lúc này anh chị mới đưa nhau lên cơ quan báo cáo để làm lễ cưới. Cả đơn vị khi ấy mới biết về mối tình thầm kín của họ. Lễ cưới thời chiến diễn ra gọn gàng, đơn giản ngay trên quê chị ở xã Đồng Trạch, huyện Bố Trạch - Quảng Bình. Rồi anh vào chiến trường. Cuối năm ấy chị sinh con trai đặt tên là Lê Trường An. Việc có thai giữa lúc đạn bom ác liệt buộc chị phải chia tay đơn vị và sau đó rời chiến trường. Trong thời gian này chị cũng đã tìm về quê anh để tìm gặp họ hàng, song khi nhận thấy có chút nghi ngại trong gia đình, chị đã quyết định trở lại quê mình làm lụng nuôi con, hy vọng một ngày anh trở về mọi khúc mắc sẽ được cởi bỏ. Nhưng rồi anh đi mãi. Cu An lớn lên cùng mẹ trong cảnh mồ côi và thiếu vắng tình thương của ông bà nội... Đến năm 1975, chị Khơi đi bước nữa. Chồng chị, anh Hoàng Hữu Trạch, cũng là một người lính, nên rất thông cảm với chị và rất thương yêu An. Ông vẫn thường nói với mọi người: “Nó là con của đồng đội, nên cũng như là con đẻ của mình vậy”. Và cuộc sống cứ âm thầm trôi đi như vậy cho đến ngày căn hầm nọ được tìm ra...

Chị Biển Khơi năm nay đã trên 55 tuổi, hiện đang sống tại phường Bắc Lý, thị xã Đồng Hới - Quảng Bình. Di chứng của chiến tranh từ những trận sốt rét rừng ác tính, và một thời gian dài chịu đựng sức ép của bom B52 trong chiến trường đã khiến cho sức khoẻ của chị không được tốt. Thế nhưng ấn tượng về mối tình đầu trong sáng, đẹp đẽ nhưng đầy gian nan kia thì vẫn không hề phai nhạt. Vô cùng xúc động khi thấy lại bức thư do chính tay mình đã viết hơn ba chục năm về trước, chị Khơi đâu có ngờ rằng ngày ấy nó đã đến được tay anh, và lại càng không thể ngờ rằng anh đã gìn giữ nó bên mình cho đến tận... hôm nay...

Đến bây giờ thì An đã có hai người bố, cả hai đều đáng tự hào. Ngày tìm được hài cốt anh Chủng, An đã là một thanh niên 30 tuổi, vừa bằng khoảng thời gian bức thư của mẹ anh nằm lặng im trong lòng đất cùng với thi thể của cha anh. Đọc những dòng thư, những trang nhật ký tưởng như đã vĩnh viễn lặng câm như một điều bí mật bị chôn vùi, mọi người hiểu ra tất cả. Vậy là cho đến phút cuối cùng trước lúc ra đi, cái mà người lính chiu chắt lại cho cuộc đời không phải chỉ là niềm tin, là lý tưởng, mà còn là chút hạnh phúc, thanh thản cho những người thân yêu đang tiếp tục sống trên đời...

Và cả em, cả tôi, chúng mình cũng nhận được từ ở đó một chút gì để ngày hôm nay cùng bên nhau trong một hành trình đầy huyền thoại...

*

Kể lại câu chuyện về những bức thư Thành cổ, lòng tôi cứ day dứt mãi một câu hỏi, rằng không hiểu vì đâu mà cho đến phút cuối cùng đoạn cống nơi có căn hầm mà liệt sỹ Lê Binh Chủng và đồng đội của anh đang nằm lại vẫn được đào lên? Rằng không hiểu vì đâu mà bức thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh lại cặn kẽ đến từng chi tiết như vậy?... Câu trả lời mà ông Nguyễn Hậu vô tình gợi ý cũng mới chỉ góp một phần an ủi. Đất đai ở đây, con người ở đây lạ lắm. Lại nhớ đến câu chuyện mà một người bạn Quảng Trị, nhà báo Lê Đức Dục, tác giả của “Thành cổ Quảng Trị, khúc tưởng niệm của lau trắng và phượng hồng”, một trong những bài báo thậm hay và cảm động về khu di tích đầy máu xương và lửa đạn này, đã từng kể, rằng vào cái ngày khởi công xây dựng khu tượng đài trung tâm Thành cổ ấy, chiếc xe Bel chở đất đầu tiên đã không thể nào đổ được, buộc người ta phải dùng tay để xẻ đất xuống. Đoạn anh kết luận: “Những người đã nằm xuống, nhất là những người trẻ tuổi, thường linh lắm. Họ muốn nhắc nhở đấy...”. Và để rồi mới thấy câu thơ của một cựu binh đầu đã hoa râm, nghẹn ngào cất lên trong một lần về thắp hương cho đồng đội kia thực sự là một nỗi niềm:

“... Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ,

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi đôi mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi nghìn năm...”

Vâng. Tất cả những ai đã từng qua đây, đã từng gửi gắm, từng tri âm với nơi đây, dù chỉ một chút gì, cũng đều nhận thấy như vậy...

5

Tôi đã sống những ngày thật ý nghĩa với mảnh đất ân tình và duyên nợ này như vậy. Đúng là người dân Quảng Trị hiền lành, chân thật và cũng rất ân tình T ạ. Nhưng còn biết bao thiêng liêng và trĩu nặng yêu thương từ đất đai quê mình, sao em chưa nói... Tôi đã dừng rất lâu bên bờ Bến Hải, con sông đã từng như lưỡi dao xa xót trên bản đồ Tổ Quốc một thời, cây cầu Hiền Lương hôm nay vượt qua chỉ chưa đầy 2 phút đồng hồ, vậy mà dân tộc mình phải mất tới hơn 20 năm mới có ngày liền nhịp. Chính ở nơi đây tôi đã được nghe câu chuyện thoạt như đơn giản mà càng nghe lại càng xa xót đến quặn lòng, về những đám tang có đến... 4 đoàn người đưa. Một đoàn ở bên này sông, một đoàn bên kia sông, cùng đi dọc bờ sông để tiễn đưa người quá cố, và... bóng của họ cùng in xuống lòng sông... Nhớ lại mỗi lần mình chia tay nhau, trông mắt em buồn da diết, lòng đã thấy ngác ngơ như vừa mất một điều gì, giờ nghe câu chuyện nọ mới thấy mình sao quá ư vị kỷ. Mảnh đất nơi mình gặp nhau này thực đã có những cuộc tiễn đưa không thể hình dung... Tôi cũng đã từng bị ám ảnh rất nhiều về những giọt nước mắt ứa ra nơi khoé mắt của một nhà thơ nguyên là lính xe tăng, khi anh kể về những nắm cơm đã cháy thành than, tìm thấy trong một chiếc xe tăng sau trận chiến đấu ở Đắc Tô, Tân Cảnh năm nào, nên khi đến Khe Sanh, dừng thật lâu bên chiếc xe tăng từng tung hoành để làm nên chiến thắng Làng Vây lịch sử, lại một lần cảm thấy như đang mắc nợ… Để có được đất đai này, cuộc sống này, chúng mình đã phải chịu ơn biết bao người, phải không em... Rồi những lúc dầm mưa trên những con đường Huyền Thoại, rồi khi khoả chân dòng suối La La ở Đakrông, nơi năm xưa từ đó, những đoàn quân âm thầm xuất hiện, cũng như huyền thoại, để lập nên bao kỳ tích… Rồi những ngày sống giữa những con người bất khuất, kiên cường mà cả một dân tộc cùng thành kính lấy tên Bác Hồ làm họ của dân tộc mình để nói lên ý chí và quyết tâm đi theo Đảng, theo Cách mạng. Rồi Cồn Tiên, Dốc Miếu, rồi Đồng Trị, Tà Cơn... Mỗi cái tên đều là một chứng tích, mỗi đại danh trên mảnh đất quê em đều đã từng là một chiến trường, đều đã từng chiến đấu, đã từng hy sinh và đã từng chiến thắng. Thực sự lòng mình như vừa được đánh thức dậy một tình yêu, vừa thiết tha lại vừa gượng nhẹ. Từ những câu chuyện mà đất đai, sông núi vẫn âm thầm lặng kể, dường như tất cả đều thật mỏng manh. Vâng, tất cả những gì đáng quý đều thực sự rất mỏng manh.

Sao em chưa kể?...

Lần đầu tiên tôi đến quê em, chúng mình chưa biết nhau. Nhưng cũng như em, tôi yêu mảnh đất này như chính mình đã sinh ra ở đây vậy. Thật lạ lùng, nhưng chẳng ngạc nhiên chút nào cả, phải không em. Có ở nơi nào trên đất nước này mà đất với người lại nặng nợ, nặng tình với nhau như ở đây không...!

Và cả với em cũng thế...

Đêm! Một đêm nghỉ lại giữa lòng Thị xã, bên chân thành cổ, tại Tố Linh Đường, tên hiệu thuốc Bắc của Võ Thìn, một người bạn vốn từng là giáo viên, từng phiêu bạt nhiều nơi, nay về quê sống bằng nghề bốc thuốc. Thường thì ở những nơi làm những việc “cứu nhân độ thế ” như thế này, lẽ ra “dương khí ” phải “vượng” lắm, vậy mà không hiểu sao cứ trằn trọc mãi. Có gì đó như là tiếng vọng lên từ đất, từ xa xăm những ngày qua... Phải rồi, mình đang nằm áp lưng vào đất, mà ở mảnh đất Quảng Trị này không phải chỉ có những tuổi đôi mươi thành sóng nước như lời người lính già kia vừa nhắc nhủ, mà còn biết bao nhiêu nữa những tuổi đôi mươi đã thành đất đai, bờ bãi, thành hoa thắm lá xanh, thành tiếng chim ca trong những buổi bình minh yên bình mà mỗi ngày ta đón nhận, và thành cả những câu chuyện âm thầm, bi tráng mà đất đai đã kể và sẽ còn mãi kể, để rồi từ ấy, mỗi bước chân ta trên đường cứ rụt rè gượng nhẹ, để rồi lòng ta với mảnh đất này từ ấy cứ nâng niu... . /.

Quảng Trị 7/ 2003

Bút ký của Lương Ngọc An

---------

Bài viết cùng chuyên mục

Nhật ký Quảng Trị 1972 Quảng Trị, sông, cỏ và hoa Dựng trường quay 50 hecta ở Quảng Trị làm phim chiến tranh “Mưa đỏ” , bộ phim điện ảnh tái hiện khúc tráng ca Thành cổ Quảng Trị Miên man thành cổ Quảng Trị: Người trẻ lấy quá khứ rọi vào tương lai
Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Bản tin Văn nghệ: Tự hào về Thủ đô anh hùng qua “Hà Nội – Bản hùng ca phố”

Baovannghe.vn - “Hà Nội – Bản hùng ca phố”, cho chúng ta thấy một Hà Nội xứng với danh hiệu Thành phố Vì hòa bình, Thành phố đang phát triển trong thời đại mới.
Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Chuyển đổi số tại BSR: Thay đổi tư duy, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy công việc

Baovannghe.vn - Đổi mới tư duy, thay đổi cách làm việc và ứng dụng công nghệ được Công ty cổ phần Lọc hoá dầu Bình Sơn đã có những kết quả vượt trội, góp phần vào kết quả sản xuất kinh doanh của Công ty
Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Nhà không có đàn ông. Truyện ngắn của Đào Phong Lan

Baovannghe.vn - Tôi sinh ra trong một ngôi nhà to lớn với những cột kèo nâu bóng cũ kỹ, nham nhở những vết khắc vụng dại. Mảnh sân rộng đầy rêu và khu vườn tối tăm đầy bí mật. Sau này mẹ tôi kể lại, ngày tôi ra đời, hàng trăm con bướm bay về đậu rợp cả sân. Bà nội tôi bỏ vào buồng, không ra nữa. Bà ốm ba tuần lễ. Bà chỉ ốm ba tuần lễ khi quá tuyệt vọng vì một điều gì đó. Bà đã hy vọng quá nhiều về một đứa cháu trai.
Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Hoa Anh Đào trong tâm thức người Nhật

Baovannghe.vn- Người Nhật luôn dành cho thiên nhiên một tình cảm đặc biệt. Với những đổi thay đa dạng phong phú và bốn mùa khác biệt được gọi là “siêu thị thời tiết”, người Nhật luôn ý thức đang sống ở một trong những nơi đẹp nhất hoàn vũ.
Bộ Giáo dục & Đào tạo: Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Bộ Giáo dục & Đào tạo: Đề xuất miễn học phí cho con giáo viên

Baovannghe - Trong dự thảo Luật Nhà giáo đang được Bộ Giáo dục & Đào tạo ( GD&ĐT) xin ý kiến Quốc hội có nội dung đề xuất Nhà nước sẽ trả tiền học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo.