Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 47% diện tích đất lúa của cả nước, không chỉ đảm bảo về an ninh lương thực mà còn đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của nước ta, và cũng là nguồn chủ lực xuất khẩu thủy sản và trái cây của cả nước. Từ ngàn đời nay, hàng năm con sông Mekong vẫn cần mẫn chuyên chở khoảng 500 tỷ mét khối nước, mang theo hàng triệu tấn phù sa màu mỡ bồi đắp tạo nên đồng bằng trù phú này. Nhưng nay Đồng bằng sông Cửu Long đang bị hạn, kiệt, nước biển xâm nhập mặn vào sâu trong nội đồng, tác động lớn đến cuộc sống sinh hoạt và sản xuất của người dân Nam bộ.
Báo Văn nghệ đã có cuộc trao đổi với tiến sĩ Tô Văn Trường, chuyên gia độc lập tài nguyên nước và môi trường, nguyên Viện trưởng Viện quy hoạch thủy lợi miền Nam xung quanh vấn đề nói trên.
* Ông đánh giá thế nào về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay? So với những năm trước, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn năm nay có gì khác?
- Hạn, kiệt, mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thường xuất hiện vào các năm có cực đoan về khí hậu, thời tiết. Minh chứng, một số mùa khô có mức độ hạn, kiệt, mặn nặng nề ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống ĐBSCL như 1977-1978, 1997-1998, 2015-2016 và nay là 2019-2020 đều do cực đoan khí hậu, thời tiết gây ra. Phân tích chuỗi số liệu quan trắc khí tượng thủy văn từ 1975 tới nay, cho thấy: thời gian, cường độ và tần suất hoạt động của các cực đoan khí hậu, thời tiết ở Việt Nam nói riêng và khu vực Đông Nam Á nói chung (trong đó có lưu vực sông Mekong) có xu thế gia tăng rõ rệt. Bởi vậy, mức độ hạn, kiệt, mặn trên ĐBSCL cũng ngày càng gia tăng cả về thời gian, không gian, cường độ, tần suất cùng với những thiệt hại kinh tế môi trường kèm theo do chúng gây ra.
Nước mặn trên các sông năm nay cho đến hiện tại cơ bản tương tự và cao hơn chút ít so với năm 2016. Tuy nhiên thiệt hại (tính đến đầu tháng 3) cho thấy năm nay thấp hơn rất nhiều so với đợt hạn mặn năm 2015-2016. Ví dụ lúa mùa và đông xuân (2019-2020) bị thiệt hại trên 30% chỉ là 39.000 ha, chiếm 1,2% so với tổng diện tích gieo trồng và 9,6% so với diện tích thiệt hại năm 2015-2016; Số hộ dân thiếu nước sinh hoạt khoảng trên 95 ngàn hộ so với 210 ngàn hộ năm 2016. Kết quả này nhờ sự chủ động thích ứng của người dân Nam bộ, bên cạnh việc sử dụng hiệu quả một số công trình thủy lợi (kể cả đẩy mạnh hòan thành sớm tiến độ một số cống kiểm soát mặn) thì yếu tố quan trọng nhất là sự chỉ đạo sát sao của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nôngthôn và các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long từ việc cung cấp thông tin cảnh báo sớm để điều chỉnh lịch gieo trồng, thậm chí hạn chế các diện tích lúa muộn để tránh mặn vv...
Đồng ruộng tại Đồng bằng sông Cửu Long nứt nẻ trong hạn mặn |
* Những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở ĐBSCL hiện nay là gì thưa ông?
- Có thể nói nguyên nhân chính đủ sức gây ra hạn-kiệt-mặn ở ĐBSCL là vào các năm có cực đoan khí hậu, thời tiết; cường độ cực đoan càng mạnh, thời gian cực đoan càng kéo dài, không gian cực đoan càng mở rộng thì thiệt hại kinh tế - môi trường càng lớn. Ngoài nguyên nhân chính thống, còn có các nguyên khác phụ trợ khác tham gia tạo ra hạn, kiệt, mặn trên ĐBSCL như tác động của thượng nguồn, biến động môi trường mặt đệm lưu vực, mức độ gia tăng dùng nước trong sản xuất và đời sống…
Như vậy: Có nhiều nguyên nhân, tuy nhiên các nguyên nhân chính bao gồm: 1/ Lượng nước vào ĐBSCL các tháng cuối mùa mưa năm 2019 và các tháng đầu năm 2020 thấp hơn bình quân nhiều năm; 2/ Lượng mưa các tháng cuối mùa mưa năm 2019 cũng thấp hơn trung bình nhiều năm làm cho thế cân bằng giữa nước mặn và nước ngọt có xu hướng dịch vào sâu trong đất liền (đó là quy luật tất yếu); và 3/ Nguyên nhân chủ quan vẫn là việc sản xuất nông nghiệp chưa chuyển đổi đáng kể cho nên lượng nước sử dụng vẫn còn lớn gây áp lực lên nguồn nước.
* Có phải Trung Quốc đã xây dựng 8 đập thủy điện trên thượng nguồn sông Mekong, cùng với Lào, Thái Lan, và Campuchia cũng xây đập thủy điện là nguyên nhân đang làm cạn kiệt dòng nước và phù sa đổ về Đồng bằng sông Cửu Long?
- Hệ thống đập thủy điện phía Trung Quốc cho dù có là mấy đập, tổng dung tích có là bao nhiêu đi nữa, thì dòng chảy năm nguyên trạng qua mặt cắt Chiang Sian trở lên đến thượng nguồn sông Mekong chỉ chiếm khoảng 18% dòng chảy năm nguyên trạng sông Mekong qua mặt cắt cửa đổ Kratie, song lượng phù sa sông Mekong qua mặt cắt Chiang Sian chiếm bao nhiêu so với lượng phù sa của sông Mekong qua mặt cắt đỉnh châu thổ sông Mekong (Kratie) thì không có chuỗi số liệu thống kê để phân tích đánh giá, kể cả lúc nguyên trạng lẫn sau khi đã lần lượt có các đập thủy điện phía Trung Quốc.
Phù sa sông Mekong được sản sinh nhiều nhất và tập trung nhất là trong hai đoạn sông tích lũ liên hợp lớn nhất của sông Mekong, đó là Vientiane-Pakse và Pakse-Kratie. Hai đoạn sông này nằm trọn vẹn trong trung tâm mưa sinh lũ của lưu vực sông Mekong, là khu vực mà tổng cả tả ngạn và hữu ngạn của hai đoạn sông này có tới 21 phụ lưu lớn được bao phủ bởi nhiều cánh rừng già rộng lớn, nhiều cao nguyên và thung lũng mênh mông, đây chính là quê hương của phù sa sông Mekong cung cấp nguồn phù sa chủ yếu nhất cho ĐBSCL.
Lũ xẩy ra lớn tại một trong hai đoạn sông này đều có khả năng gây ra lũ ĐBSCL, nếu cùng xẩy ra lũ lớn trên hai đoạn sông này thì lũ ĐBSCL cũng sẽ lớn, thậm chí là rất lớn. Do vậy, cần theo dõi quá trình Lào phát triển hệ thống đập thủy điện trên hệ thống sông nhánh và trên sông chính Mekong thuộc khu vực hai đoạn sông liên hợp vừa nêu, chúng sẽ chi phối nhiều hơn đến dòng chảy và phù sa sông Mekong về ĐBSCL. Đấy là chưa kể nguy cơ lớn nhất cho đồng bằng sông Cửu Long là Campuchia xây công trình kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ và đập thủy điện Sambo sát nách Việt Nam.
Số liệu thủy văn các trạm chính dọc sông Mekong nhất là các trạm chủ chốt (Chiangsian, Vientiane, Pakse, Kratie,..) chỉ có mực nước là khá đồng bộ, còn lưu lượng và phù sa thì quá lỗ chỗ, trạm có, trạm không, lúc có, lúc không, vì vậy phân tích tính toán chúng có hệ thống, có logic theo thời gian và không gian là vô cùng khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Vì vậy, hệ thống đập thủy điện đã có tại Trung Quốc và Lào giữ lại bao nhiêu phù sa, còn bao nhiêu phù sa chảy về ĐBSCL so với nguyên trạng là vấn đề khó khăn. Đó là chưa kể phù sa sông ngày càng giảm sút khi rừng bị khai thác kiệt quệ dần trên bề mặt lưu vực sông Mekong.
Chúng ta lo lắng hệ thống thủy điện thượng nguồn sông Mekong phát triển vượt quá sức chịu đựng của “hệ thông sinh thái sông ngòi” là rất có trách nhiệm. Song lo đến mức sông Cửu Long cạn kiệt nước trong mùa khô, chỉ còn tí ít phù sa vào mùa lũ qua mặt ngang Tân Châu (sông Tiền) và Châu Đốc (sông Hậu) là cái lo thái quá, dẫn đến có tác giả viết với ngôn từ “căng như dây đàn” về vấn đề thủy điện thượng nguồn sông Mekong thì không có lợi cho ta làm việc một cách khoa học, chân lý, thuyết phục... các nước bạn trong lưu vực Mekong cùng có trách nhiệm chia sẽ quyền lợi về tài nguyên nước, phù sa và thủy sản để cùng nhau phát triển theo nguyên tắc quản lý lưu vực sông.
* Dự báo tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn thời gian tới ở ĐBSCL như thế nào? Theo ông, đâu là những giải pháp tốt nhất cho ĐBSCL?
- Hiện nay ngành khí tượng thủy văn và ngành thủy lợi có đủ cơ sở nhân lực, vật lực, trí lực (mạng lưới trạm quan trắc, máy móc quan trắc, đội ngũ cán bộ khoa học, hợp tác quốc tế, các phương pháp dự báo,..) đảm bảo làm tốt công tác dự báo lũ lụt, hạn, kiệt, mặn ở ĐBSCL. Quy luật khí hậu nhiệt đới gió mùa xứ sở châu Á đã ấn định quy luật mùa khô-kiệt trùng mùa gió Đông Bắc (từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau), mùa mưa lũ trùng mùa gió Tây Nam (tháng 5 đến tháng 11) diễn ra trên ĐBSCL hàng năm. Trong mùa khô- kiệt, thường tổ hợp hạn, kiệt, mặn tác động mạnh nhất đến sản xuất và đời sống vào khoảng thời gian từ 15/2 đến cuối 15/4 (tùy từng năm). Vậy trong hơn hai tháng đó, ĐBSCL sẽ phòng chống hạn-kiệt-mặn căn cơ như thế nào khi có cực đoan thời tiết, khí hậu kết hợp với các tác động phụ khác xẩy ra?
Trước hết, phải làm thật tốt chuyền đổi một cách căn cơ lâu dài cơ cấu mùa vụ, cây trồng, vật nuôi theo phương châm tiết kiệm nước, ít dùng nước, thích hợp trên cả ba vùng ngọt, lợ, mặn của ĐBSCL. Phát động phong trào toàn dân tham gia chống hạn, kiệt, mặn ĐBSCL bằng phương pháp tích trữ nước hợp lý như bồn chứa, bể chứa, ao hồ và đầm lầy nhỏ gần nhà hoặc trong thôn xã. Các tỉnh trọng điểm mặn ĐBSCL có thể làm việc với Tổng công ty cấp nước Cần Thơ là đơn vị có thể cấp nước sạch với khối lượng lớn bằng đường ống dẫn đến các điểm trung tâm hạn, mặn, kiệt ở miền Tây. Từ các điểm trung tâm này, dùng các phương tiện xe bồn vận chuyển nước đến các cụm cộng đồng dân cư tiếp nhận. Về lâu dài, nếu thấy hiệu quả. Chính phủ cần hình thành dự án mang tính chiến lược mở rộng quy mô nói trên đủ khả năng tham gia phòng chống hạn, kiệt, mặn cực đoan ở một số tỉnh trọng điểm ĐBSCL.
Xây dựng hệ thống cống điều khiển dòng mặn, ngọt thích hợp cả đầu ra và đầu vào trên hệ thống kênh trục, sông nhánh phụ, sông cụt... biến lòng dẫn của chúng thành hệ thống hồ chứa nước hoạt động “lưu động theo thời gian và nhịp điệu của từng con triều” để bẫy triều, kiểm soát mặn, tích ngọt. Hệ thống này chỉ hoạt động trong thời gian cao điểm mùa khô nói trên, mùa mưa mở toang hết các cửa cống điều khiển cả đầu ra và đầu vào trở lại thông thương bình thường.
Không nên đào hồ tích nước quy mô lớn trên ĐBSCL, vì hồ miền Bắc và miền Trung xây đắp tích nước ở khu vực cao rồi làm kênh dẫn nước về vùng hạn-kiệt-mặn. ĐBSCL địa hình thấp, bằng phẳng, đất chua phèn, đào hồ siêu lớn có cao trình dưới – (3-4m) để tích nước sẽ bốc hơi, thấm dọc và thấm ngang theo quy luật rút dần đến kiệt của dòng chảy hệ thống sông kênh, vả lại quỹ đất ĐBSCL là không thể lãng phí thêm vì đã có hệ thống sông kênh dầy đặc, vì địa chất ĐBSCL là trầm tích dy nhiều lớp sẽ làm nước hồ nhiễm mặn, chua phèn và tích tụ chất độc của sản xuất và đời sống dồn vào.
Về dự báo cụ thể năm 2020, xu hướng ranh mặn/ ngọt dịch sâu hơn vào đất liền sẽ còn tiếp tục trong tháng 3 nhưng sang tháng 4 tình hình này có thể giảm. So sánh tình hình mặn năm 2016 và 2020 thì thấy các giải pháp “phi công trình” có hiệu quả đặc biệt, vì vậy cần một lần nữa nhìn nhận việc phát triển “dựa vào tự nhiên” theo tinh thần nghị quyết 120/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ là rất quan trọng.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng với các tỉnh cần mạnh dạn rà soát quy hoạch các hệ thống thủy lợi để điều chỉnh theo hướng “tận dụng lợi thế của thiên nhiên” hơn là “chế ngự thiên nhiên”. Các dự án nào đúng trong quá khứ nhưng không còn phù hợp với tiếp cận mới cần phải điều chỉnh hoặc hủy bỏ nếu cần thiết. Cân đối diện tích lúa có nhu cầu sử dụng nước cao.
Cần theo dõi diễn biến nguồn nước cuối mùa mưa (từ tháng 9 và 10) hàng năm để có kể hoạch sản xuất và trữ nước ngọt. Lâu dài để phục vụ dân sinh nên có kế hoạch xây dựng hệ thống dẫn nước ngọt từ An Giang - Đồng Tháp về cung cấp cho các nhà máy nước ở vùng mặn.
Quản lý khai thác sử dụng nước ngầm hiện nay cần cải thiện. Nước mặn cần được thực sự là tài nguyên chứ không phải là nguy cơ và thuật ngữ “xâm nhập mặn” cũng cần sử dụng một cách cân nhắc như là sự ứng xử công bằng với nước mặn. Khái niệm kiểm soát mặn thay cho ngăn mặn cần phải biến thành hành động thực tế. Ngay cả nuôi tôm nước mặn, tùy theo thời kỳ sinh trưởng vẫn cần có ngước ngọt để pha loãng đạt độ mặn thích hợp. Nước ngọt ngày càng khan hiếm, suy cho cùng vẫn là tài nguyên quý giá nhất cho cả sinh hoạt và sản xuất.
Các ngành kinh tế dựa trên nền nước mặn (hoặc mặn/ngọt luân phiên) đang tạo cho người dân nhiều cơ hội hơn. Nhà nước ưu tiên hỗ trợ người dân trước hết về nguồn nước phục vụ sinh hoạt đồng thời hỗ trợ phát triển sinh kế giúp cho người dân được tham gia vào chuỗi giá trị mộ cách công bằng và hiệu quả.
* Xin cảm ơn ông.
Nguồn Văn nghệ số 13/2020