"Cho đến bây giờ tôi vẫn… chưa có dịp bước chân vào trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam”. Đó là chia sẻ của TS ngữ văn Hà Thanh Vân (TP Hồ Chí Minh), tân hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Chị là một trong số 60 cây bút được kết nạp vào Hội theo Quyết định số 102/QĐ-HV, ngày 30/12/2024 do Chủ tịch Nguyễn Quang Thiều ký.
|
Trước khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, TS Hà Thanh Vân đã có bề dày hoạt động trong lĩnh vực lý luận phê bình văn học nghệ thuật. Chị làm công việc nghiên cứu văn học nghệ thuật tại một viện nghiên cứu mang tính chất hàn lâm, tham gia giảng dạy ở một số trường đại học với các môn học về văn học, văn hóa và truyền thông. TS Hà Thanh Vân cũng là người đồng sáng lập và quản lý Trung tâm Xúc tiến văn hóa nghệ thuật Việt Nam (COPAC). Chị đã làm chủ nhiệm và tham gia 7 đề tài nghiên cứu về văn học, 7 đề tài nghiên cứu về văn hóa và truyền thông; in chung 29 cuốn sách nghiên cứu, xuất bản riêng 5 cuốn và dịch 2 cuốn sách. Hà Thanh Vân cũng là một tác giả quen thuộc trên báo chí với các bài viết phê bình văn học nghệ thuật.
Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam chưa bao giờ là điều dễ dàng. Có người làm đơn 20 năm mới được kết nạp vào Hội. Năm 2021, có hơn 800 đơn xin gia nhập Hội, nhưng chỉ 34 người trở thành hội viên. Nếu xét theo “tỉ lệ chọi” như tuyển sinh đại học, thì khoảng 100 người cầm bút muốn gia nhập Hội, chỉ 4 người được kết nạp.
Tỉ lệ gắt gao là vậy, song người muốn trở thành hội viên không phải làm gì khác (đồng thời không cần làm gì khác) ngoài hoạt động văn chương. “Tôi chỉ cần làm công việc chuyên môn thuần túy”, TS Hà Thanh Vân nói. Là người khá bận rộn, TS Vân làm công việc của mình và chưa nghĩ sẽ thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Vài năm nay, chị nhận được sự động viên của một số nhà lý luận phê bình, khuyên nên vào Hội để Hội có thêm những gương mặt mới, đồng thời là cơ hội để chị học hỏi, trao đổi thêm về nghề nghiệp chuyên môn. “Tháng 10/2024, tôi làm hồ sơ và thậm chí không có thời gian nên nhờ một người bạn ở Hà Nội mang đến Hội nộp giúp. Người bạn tôi còn không biết về Hội Nhà văn Việt Nam. Đầu tháng 1/2025, tôi nhận được giấy thông báo được kết nạp vào Hội. Tôi nghĩ nếu bản thân đủ tiêu chuẩn, có trình độ chuyên môn tốt, tác phẩm hay, thì việc kết nạp là hết sức bình thường”, TS Hà Thanh Vân nói.
|
Trong số các hội viên mới 2024, có một số gương mặt trẻ mang khát vọng văn chương và có quá trình trau dồi ngòi bút. Phùng Thị Hương Ly (sinh năm 1991, Bắc Kạn) bắt đầu sáng tác và có thơ, truyện ngắn in báo, tạp chí từ khi học phổ thông. Năm 2009, Phùng Thị Hương Ly thi đỗ vào Khoa Viết văn - Báo chí, Đại học Văn hoá Hà Nội, được học tập, sáng tạo và được tham gia nhiều hoạt động, sự kiện văn chương như: trại sáng tác, thực tế, dự các hội thảo văn học, ra mắt sách, ngày thơ Việt Nam. “Văn chương hấp dẫn tôi và đó như một thứ men say cho tôi đầy động lực”, Phùng Thị Hương Ly chia sẻ. Chất men ấy thúc đẩy Phùng Thị Hương Ly liên tục sáng tạo trên con đường chữ nghĩa đầy nhọc nhằn, đầy đam mê nhưng cũng đòi hỏi sự trau dồi vốn từ, vốn đọc, vốn trải nghiệm và vốn sống. Hiện, chị là biên tập viên Tạp chí Văn nghệ Ba Bể, đã xuất bản Đi qua tôi thật chậm (NXB Hội Nhà văn 2013); Dưới vòm hoa đại khải (NXB Hội Nhà văn 2024) cùng một số tập sách in chung khác.
“Tôi đã viết bằng sự nỗ lực không ngừng, và rồi văn chương đem lại cho tôi sự ngọt ngào quý giá, đó là sự yêu mến của bạn đọc dành cho tác phẩm của tôi, một số giải thưởng thơ và những người bạn viết ấm áp, chân thành. Đặc biệt là năm 2024, tôi nộp hồ sơ xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam và thật vinh dự khi được Hội đồng xét duyệt kết nạp hội viên ngay trong năm”, Phùng Thị Hương Ly kể về hành trình gia nhập Hội của mình. Cũng trong năm 2024, chị có thêm niềm vui khi được Giải thưởng Tác giả trẻ Hội Nhà văn Việt Nam.
|
Tương tự, tác giả Vân Phi (sinh năm 1990, Bình Định) cũng nuôi mộng văn chương từ khi ngồi trên ghế nhà trường. Đọc những bài thơ hay, trang văn đẹp là nguồn cảm hứng tích cực khích lệ Vân Phi cầm bút viết cảm xúc của riêng mình. Học về văn chương, rồi ra trường làm báo, con đường sáng tác của Vân Phi cứ thế nối dài. Viết đa mảng, nhưng với thơ, Vân Phi được là chính mình nhất. Hiện, Vân Phi là phóng viên Tạp chí Văn nghệ Bình Định, đã in hai tập thơ: Ngày mắc cạn (2020) và Gốm lưu lạc (2024). Trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam là một dấu mốc trên chặng đường văn chương của Vân Phi.
Vui và vinh dự là cảm xúc chung của người cầm bút khi trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Với Phùng Thị Hương Ly, đây là sự ghi nhận của tổ chức nghề nghiệp cao nhất trong lĩnh vực văn chương, là dấu mốc đẹp trong hành trình sáng tác đồng thời là nguồn động viên lớn đối với tôi trong thời gian qua. “Việc được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam và giải Tác giả trẻ lần này khiến tôi cảm thấy mình càng phải có ý thức sáng tạo hơn nữa để có những tác phẩm xứng đáng, thể hiện tinh thần nhập cuộc, ý thức về trách nhiệm của người cầm bút, con người của đam mê, sáng tạo trước cuộc sống để có những đóng góp tích cực hơn nữa cho sự phát triển văn học nước nhà”, tác giả Phùng Thị Hương Ly nói.
|
Với người hoạt động lâu năm như TS Hà Thanh Vân, việc kết nạp vào Hội cũng là một vinh dự, bởi Hội là một tổ chức nghề nghiệp quy tụ nhiều gương mặt văn chương trong cả nước. “Tôi hy vọng khi vào Hội, chuyên môn của tôi sẽ được nâng cao thông qua các hoạt động thiết thực, hữu ích, đồng thời có cơ hội được giao lưu, học hỏi với các đồng nghiệp, bạn bè văn chương”, TS Hà Thanh Vân kỳ vọng. Tác giả Vân Phi mong mỏi được hoạt động trong một môi trường văn chương lành mạnh, công bằng, và có lối ứng xử văn minh của người cầm bút. Còn nhà thơ Phùng Thị Hương Ly mong muốn Hội tiếp tục phát huy các chương trình, hoạt động sáng tác cho hội viên, quan tâm hơn nữa tới các tác phẩm về dân tộc miền núi, văn hóa truyền thống.
Trên hết, các hội viên mới đều cho rằng việc vào Hội không phải là một bảo chứng vĩnh viễn cho chất lượng tác phẩm. Việc vào Hội là một dấu mốc, ghi một chặng đường, đồng thời khích lệ, tạo môi trường để người viết tiếp tục sáng tạo, nghiên cứu. Điều quan trọng với mỗi người cầm bút vẫn là công trình, tác phẩm. TS Hà Thanh Vân nêu quan điểm: “Viết văn hay phê bình là một nghề nghiệp đặc thù, không có tuổi về hưu, không có thời gian biểu làm việc cố định và dĩ nhiên không cần phải tham gia một tổ chức. Nhưng tôi cho rằng không thể vin cớ vào Hội hay không vào Hội để giải thích cho chuyện mình viết hay không viết, viết hay hoặc viết dở. Đánh giá khả năng của nhà văn là tùy thuộc vào tác phẩm chứ không phải là chuyện vào Hội hay không”. Hay nói như tác giả Vân Phi, “điều cốt tủy, là anh viết được gì, tạo được bản sắc gì cho riêng anh”.