Diễn đàn lý luận

Để trở thành tiếng gọi của non sông

Chân dung văn học
07:58 | 21/12/2021
Nhạc sĩ Xuân Cửu quê ở Nghi Lộc - Nghệ An. Xuất thân từ một người lính, ông vào quân ngũ tháng 4/1962. Sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan Pháo phòng không ở Sơn Tây, ông được điều về thành lập Trung đoàn 270, với phiên hiệu Đoàn Tam Giang, bảo vệ thành phố Công nghiệp Việt Trì, và chính ông cũng là người trực tiếp chỉ huy đơn vị Pháo trên đỉnh cầu Việt trì đối mặt với máy bay của địch trong những ngày đạn bom ác liệt.
aa

Nhạc sĩ Xuân Cửu quê ở Nghi Lộc - Nghệ An. Xuất thân từ một người lính, ông vào quân ngũ tháng 4/1962. Sau khi tốt nghiệp trường Sỹ quan Pháo phòng không ở Sơn Tây, ông được điều về thành lập Trung đoàn 270, với phiên hiệu Đoàn Tam Giang, bảo vệ thành phố Công nghiệp Việt Trì, và chính ông cũng là người trực tiếp chỉ huy đơn vị Pháo trên đỉnh cầu Việt trì đối mặt với máy bay của địch trong những ngày đạn bom ác liệt.

Tài năng âm nhạc của Xuân Cửu được bộc lộ cùng với chiến công của đoàn Tam Giang. Sau khi hạ gục máy bay Thần Sấm của địch ngay trên quê hương Đất Tổ vào tháng 6 năm 1966, tác phẩm Tam Giang hành khúc ra đời sau đó 2 ngày có thể xem là sự phát lộ đầu tiên. Song suốt một thời gian dài, nó được “cất kỹ” phía dưới những công việc của một người lính

Là một cán bộ chỉ huy chiến đấu, nhưng ông lại rất ham thích nghệ thuật. Từ làm thơ, viết văn, viết nhạc. Ông có nhiều tác phẩm phục vụ cho phong trào Đoàn thanh niên và đăng báo địa phương. Đến tháng 6 năm 1976, ông được chuyển về xây dựng Đài Truyền hình Việt Nam với vai trò là Nhạc sĩ sáng tác - Biên tập và đạo diễn Âm nhạc của ban Văn Nghệ Đài Truyền hình Việt Nam.

Các ca khúc đáng chú ý của Xuân Cửu gồm có: Nha Trang biển nhớ, Sau cơn mưa rừng, Mùa xuân, Không em, Đêm Côn Sơn, Đà Lạt bốn mùa... Ngoài ra ông còn viết một số tác phẩm khí nhạc và là biên kịch và đạo diễn một số phim truyền hình, như: Những bức tranh quê hương, Nhớ về bến xưa, Dòng sông âm vang...

Nguyên Thứ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Thiện Luân nhớ lại một số kỷ niệm về ông

Đạo diễn Xuân Cửu thực hiện bộ phim Dòng sông âm vang (1994)

Tôi và nhạc sĩ Xuân Cửu quen nhau rất sớm, đấy là vào khoảng năm 1965, khi giặc Mỹ mở rộng chiến tranh mang máy bay đánh phá miền Bắc. Tôi và Xuân Cửu khi đó chỉ mới ngoài hai mươi, đang là những thanh niên hăng hái, nhiệt tình công tác, lúc nào cũng muốn mang hết sức mình phục vụ cho tổ quốc và nhân dân

Lúc ấy tôi đang là Phó Bí thư đoàn, công tác ở nhà máy mì chính Việt Trì. Việt Trì được mệnh danh là thành phố công nghiệp nhẹ, và cũng là một trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Một hôm, có chiếc xe jeep quân sự từ ngoài đường lao thẳng vào sân nhà máy, bước xuống xe là một người đứng tuổi và một thanh niên rất trẻ, cả hai đều mặc quân phục. Người đứng tuổi thì chúng tôi nhận ra ngay là tướng Phùng Thế Tài, Tư lệnh Phòng không - Không quân, còn người trẻ tuổi thì sau đó mới được biết, là thiếu tá Xuân Cửu, một người vui vẻ, nhiệt tình, dễ gần và dễ mến.

Tôi được Bí thư và giám đốc nhà máy mời lên làm việc với hai vị khách. Câu chuyện bắt đầu bằng việc Bộ tư lệnh Phòng không - Không quân cử một tiểu đoàn pháo cao xạ đến để bảo vệ thành phố. Tướng Phùng Thế Tài nói dõng dạc: “Đường lối chiến tranh của chúng ta là chiến tranh nhân dân, một tiểu đoàn pháo đưa về đây là không bõ bèn gì, nhưng lực lượng ta còn ít mà địa bàn quân sự lại rộng lớn, cho nên chúng tôi tạm thời đưa về đây một tiểu đoàn. Để phối hợp tác chiến, chúng tôi mong rằng các đơn vị dân quân tự vệ sẽ là lực lượng bổ sung cho các đơn vị pháo phòng không”

Tướng Phùng Thế Tài chỉ ra phía trước nói: “Ngay trước mặt nhà máy sẽ có một trận địa pháo 12,7 ly án ngữ nhằm mục đích theo dõi và tiêu diệt những máy bay địch lợi dụng dòng sông Hồng bay thấp, ngóc lên ở ngã ba Việt Trì đột kích vào thành phố để ném bom. Do vậy, chúng tôi cũng cần có ở đây một trung đội dân quân tự vệ, trước mắt làm nhiệm vụ tiếp đạn, tải thương và khi cần thì tham gia chiến đấu”.

Anh em bên nhà máy chúng tôi tập trung lắng nghe.

Tướng Tài quay sang Xuân Cửu nói: “Thiếu tá Xuân Cửu sẽ là người phụ trách trực tiếp tiểu đoàn pháo cao xạ ở thành phố, nên sẽ liên lạc trực tiếp với lực lượng dân quân tự vệ của các nhà máy và các xã. Bây giờ xin mời Thiếu tá Xuân Cửu có ý kiến”.

Xuân Cửu đứng lên nói: “Tôi đã có thời gian đi quan sát các trận địa pháo phòng không của tất cả các đơn vị, từ xí nghiệp đến các xã của Thành Phố Việt Trì. Tôi thấy nhà máy mì chính Việt Trì đã có một trung đội súng đại liên thường trực trên sân thượng của nhà máy. Ở vị trí cao, các đồng chí có khả năng quan sát địch nhanh hơn và từ xa hơn, nên việc đầu tiên là chúng ta phối hợp báo động. Việc thứ hai là khẩu đội đại liên của các đồng chí trên sân thượng tuy đã được xếp xung quanh bằng những bao cát, nhưng còn quá sơ sài, chúng tôi sẽ cử người lên phối hợp sửa chữa lại cho hoàn chỉnh. Việc thứ ba là đêm nay chúng tôi cần xây dựng công sự để sáng mai kéo pháo tới, nên muốn nhà máy cử đủ lực lượng để hoàn thành ngay trong đêm”.

Tôi hỏi: “Cần độ bao nhiêu người?”

Xuân Cửu nói: “khoảng trên dưới một trăm”

Ông Bí thư Đảng ủy quay sang tôi nhắc: “Có thể huy động tổng lực, nhưng vẫn phải đảm bảo sản xuất, những người có vị trí sản xuất đêm nay thì không tham gia làm công sự”

Chắc Xuân Cửu thấy hai ông lãnh đạo của tôi đều chu đáo nên cười nói: “Cái đó là tất nhiên rồi, các anh cứ để tôi với anh Luân bàn với nhau giải quyết”

Ngoài đơn vị pháo cao xạ trước cửa nhà máy, chúng tôi còn có đơn vị ở cầu Việt Trì, đơn vị ở đồi Trưng Vương, đơn vị ở đồi Tiên Cát. Vậy mà đêm ấy Xuân Cửu vẫn đến công sự và cùng chúng tôi miệng nói tay làm, và công việc đã hoàn thành xong lúc ba giờ sáng.

Lúc giải lao, qua câu chuyện tôi mới biết Xuân Cửu quê Nghệ An, vào bộ đội từ năm 17 tuổi, đến khi đó đã được 8 năm quân ngũ. Anh kể: “Gọi là tám năm nhưng tôi cũng quần nhau với tụi nó đủ mọi trận, từ những ngày đầu tiên ở Hàm Rồng đến Thái Nguyên, đến Hạ Long, đến Hà Nội, rồi bây giờ lên đây…”

Bỗng nhiên Xuân Cửu hỏi tôi: “Dân ở đây có sợ máy bay Mỹ không?”

Tôi nói: “Cũng có lúc có, bởi vì giữa cái sống và cái chết ai chẳng sợ chết và ai cũng sợ bom đạn tàn khốc của máy bay Mỹ. Nhưng không ai sợ ra chiến trường và trận địa pháo”

Từ hôm đó trở đi chúng tôi luôn có ba trung đội thay nhau đi ba ca, túc trực suốt 24 giờ. Anh em mắc luôn võng cạnh bụi tre và trong vườn nhà dân gần đấy để trực. Xuân Cửu thường xuyên đến trận địa và nơi trực chiến kiểm tra hết sức trách nhiệm. Có lần máy bay địch ném bom vào trận địa pháo của chúng tôi, các nam nữ dân quân không chỉ làm nhiệm vụ tải thương tiếp đạn mà còn nhảy lên mâm pháo để thay thế các pháo thủ đã bị thương. Đến kiểm tra trận địa, thấy tôi đang lóng ngóng ở vị trí số một, Xuân Cửu nhảy lên hất tôi ra ngoài và đứng điều khiển pháo như một pháo thủ chuyên nghiệp… Hôm ấy, khẩu đội chúng tôi bắn rơi một chiếc F105. Xuân Cửu công bố trên đài phát thanh: “Đây là thành tích của dân quân tự vệ nhà máy”. Còn tôi, khi các phóng viên đến hỏi, tôi nói rằng: “Đấy là thành tích của bộ đội pháo cao xạ”. Hai anh em chúng tôi không ai chịu nhận chiến công về mình. Xuân Cửu ít hơn tôi hai tuổi, nhưng to tiếng: “Đồng chí làm gì có quyền công bố, việc công bố là trách nhiệm của chúng tôi”.

Một thời gian sau, đơn vị của Xuân Cửu chuyển đi nơi khác. Tôi mất tin Xuân Cửu từ đó. Mãi đến những thập niên 90, khi trở về Hà Nội, tôi mới gặp lại Xuân Cửu, nhưng lúc này anh đã ở cương vị khác, đấy là Nhạc sỹ Xuân Cửu. Vẫn tác phong vui vẻ, cởi mở, thậm chí có phần say mê mơ màng hơn trước, Xuân Cửu nói: “Ngày ấy các ông giỏi thật, vừa sản xuất vừa chiến đấu mà vẫn chiến đấu thắng lợi…”. Tôi đùa: “Làm sao chúng tôi bằng Xuân Cửu được, vừa chiến đấu vừa sáng tác. Những bản nhạc cứ như những viên đạn phóng lên không trung, bay khắp đất nước để trở thành tiếng gọi của non sông”.

Nguồn Văn nghệ số 51/2021


Việt Nam mong muốn đóng góp vì sự phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ

Việt Nam mong muốn đóng góp vì sự phát triển bền vững trong không gian Pháp ngữ

Baovannghe.vn - Sáng 4/10, tại Paris, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Pháp ngữ về đổi mới, sáng tạo (FrancoTech).
Hội thảo khoa học quốc tế “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”

Hội thảo khoa học quốc tế “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”

Baovannghe,vn - Sáng 4/10, tại Hà Nội, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội phối hợp với Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức Hội thảo khoa học quốc tế với tên gọi “Viết về đề tài chiến tranh cách mạng và hình tượng Bộ đội Cụ Hồ”
Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Đọc truyện: Hương xưa. Truyện ngắn dự thi của Hiệu Constant

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Mưa bão năm Nhâm Thìn. Truyện ký của Nguyễn Văn Niên - Nguyễn Tri Nha

Mưa bão năm Nhâm Thìn. Truyện ký của Nguyễn Văn Niên - Nguyễn Tri Nha

Baovannghe.vn - Tính vậy mà không được vậy… Mới đặt tấm vạt tre đã thấy nước xâm xấp rồi. Lại ngồi dậy, lại chuyển… Riết chuyển 4-5 đám chân ruộng cao hơn mà nước vẫn dâng theo
Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Thương con chiền chiện. Tản văn của Việt Tâm

Baovannghe.vn - Cả một đồi cây sau làng là thế giới của các loài chim, nhiều lắm, chúng bay thành từng nhóm, từng bầy, có khi từng đôi, cũng có khi riêng lẻ…