Diễn đàn lý luận

Lời của một viên sỏi chỉ để lót đường

Hoài Nam
Tác phẩm và dư luận 20:39 | 07/06/2025
Baovannghe.vn - Nhà văn Bùi Việt Sỹ từng được độc giả biết đến rộng rãi nhờ những tác phẩm tiểu thuyết đã xuất bản trong vài chục năm cầm bút, cả tiểu thuyết thế sự và tiểu thuyết lịch sử: Dòng sông chối từ, Người đưa đường thọt chân, Chim bằng nghé hoa, Anh và hai người đàn bà, Trăng không in bóng.
aa

Gần đây nhất, ông đã cho ra mắt bạn đọc cuốn tiểu thuyết có tên Viên sỏi lót đường.

Đây là cuốn tiểu thuyết có lối viết hoàn toàn truyền thống: kể chuyện từ ngôi thứ ba, kể theo trật tự thời gian tuyến tính và quan hệ nhân quả giữa các sự kiện, thỉnh thoảng người kể chuyện mới chèn vào vài câu bình luận. Nhưng là một cuốn tiểu tiểu thuyết dày đặc chi tiết hấp dẫn, có thể cuốn người đọc đi một mạch theo dòng chảy mạnh của cốt truyện và số phận nhiều ngã rẽ bất ngờ của các nhân vật.

Lời của một viên sỏi chỉ để lót đường

Bìa cuốn tiểu thuyết Viên sỏi lót đường

Đọc Viên sỏi lót đường, người đọc sẽ có dịp dõi theo lịch sử của một gia đình Hà Nội, tức gia đình nhân vật Giáp Văn Dũng – “Cụ nội của Dũng là cụ Giáp Văn Thông, từng làm Phó tổng Thịnh Liệt” – từ thời trước cách mạng, qua kháng chiến chống Pháp, kháng chiến chống Mỹ, rồi thời hậu chiến và giai đoạn đất nước đổi mới mở cửa cho đến thời hiện tại. Gia đình ấy một lòng đi theo cách mạng. Ông nội của Dũng, do gia đình sa sút, rơi xuống thành một người thuộc giới cần lao Hà Nội, nhưng đã chăm chỉ thức hôm dậy sớm làm ăn, quyết chí nuôi các con ăn học thành tài. Ông bố của Dũng, tức ông Giáp Văn Sáng, là người được hưởng thành quả ấy đầu tiên: công chức thời Tây giỏi chuyên môn, tiếng Pháp thành thạo, lương cao “thừa sức nuôi mười tám người”. Song ông Sáng đã sớm vào hướng đạo sinh hoạt động yêu nước, tham gia khởi nghĩa cướp chính quyền năm 1945 ở Hà Nội, rồi đưa cả gia đình vợ con lên Việt Bắc theo chính phủ kháng chiến của Cụ Hồ, dẫu có gian khổ và phải chịu bao nhiêu thiệt thòi cũng nhất quyết không chịu “dinh tê”. Đến Giáp Văn Dũng, chàng trai giàu mơ mộng văn chương, đang là sinh viên Tổng hợp Văn thì chuyển sang công nhân đo đạc, tình nguyện đi vào chiến trường Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào thời chống Mỹ để khảo sát, mở các tuyến đường mới cho quân ta tiến vào giải phóng miền Nam, nguy hiểm khổ cực đến đâu cũng vượt qua với tâm nguyện: “tự hào làm một viên sỏi lót đường cho sự nghiệp chung”. Không chỉ Dũng, mà các chú của Dũng cũng như nhiều gia đình và cá nhân khác trong cuốn tiểu thuyết này, dù hoàn cảnh riêng mỗi nhà, mỗi người không giống nhau, cũng hành động như vậy. Điều đó chính là tinh thần của thời đại, và nó thực sự là yếu tố góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại của đất nước.

Đọc Viên sỏi lót đường, người đọc – nhất là những người đọc có tuổi và ở Hà Nội – cũng có dịp được sống lại thuở thanh niên sôi nổi và lãng mạn của mình giữa lòng thủ đô “một thời đạn bom một thời hòa bình”. Những cảm xúc tình yêu bồng bột đầu đời, niềm kiêu hãnh và sự nghịch ngợm của tuổi trẻ thành thị đều được nhà văn kể lại bằng một giọng kể rất hóm hỉnh. Từ những trải nghiệm cá nhân của nhà văn Bùi Việt Sỹ – nhân vật Giáp Văn Dũng mang nhiều nét thân thế cuộc đời ông, và vì vậy tác phẩm này có thể được đọc như một tự truyện – ông cũng kể nhiều chuyện đường rừng ly kỳ, hấp dẫn: chuyện sốt rét ác tính đến suýt mất mạng, chuyện hổ về bản bắt lợn, bắt người ở miền núi Tây Bắc và Quảng Trị giáp Lào, chuyện bị voi rừng tấn công, chuyện bị lũ cuốn bao vây mất mấy ngày, chuyện bộ đôi công binh bắt cáp treo cho xe vận tải vượt qua vực sâu giữa hai hẻm núi... Ở đây đôi lúc ngòi bút Bùi Việt Sỹ rất linh hoạt khi tạo ra (hoặc khai thác) những giai thoại thú vị (a-nếch-đốt), ví như khi ông kể chuyện hổ đói về bản kiếm ăn đã xơi gọn đôi dép râu bốc mùi mồ hôi chân nồng nặc của đồng chí phó chỉ huy đơn vị công binh, khiến cho anh em phải một phen xáo xác truy vấn lẫn nhau để tìm kẻ trộm dép đang trà trộn trong đội ngũ.

Đọc Viên sỏi lót đường, người đọc cũng có dịp được chạm đến suy nghĩ sâu kín, đau đáu của một nhà văn tuổi bát thập qua nhân vật Giáp Văn Dũng, một kỹ sư đo đạc đã bỏ máy trắc địa để chọn lấy nghề cầm bút viết văn: “Em phải chịu khó học. Khiêm tốn học. Cái nghề này nó có vẻ hào nhoáng bên ngoài. Nhưng bên trong thổ huyết ra đấy. Phải cố suốt đời. Cố mà học cho đến lúc chết”. Đó là câu mà tác giả Bùi Việt Sỹ để cho nhân vật nhà văn Đoàn Vũ Minh nói với Dũng ở buổi mới tấp tểnh vào đường viết lách. Câu nói nhẹ nhàng mà nặng trĩu, bởi ngay ở câu chuyện được kể lại trong cuốn tiểu thuyết, người đọc đã thấy được sự vật vã của Dũng với từng trang viết, cả sự ngỡ ngàng của một cây bút trẻ khi bước chân vào làng văn và phải đối mặt với những ngoắt ngoéo khôn lường trong cái nghề tưởng như người ta chỉ phân cao hạ bằng tài năng sáng tạo.

Có thể, nghĩa là cũng không chắc lắm, Viên sỏi lót đường sẽ là cuốn sách khép lại đời sáng tác của nhà văn Bùi Việt Sỹ (ông sinh năm 1946). Trong khoảng 270 trang in, ông dường như không quan tâm nhiều lắm đến các kỹ thuật của tiểu thuyết hiện đại – như thủ pháp đồng hiện trong Người đưa đường thọt chân chẳng hạn – mà chỉ quan tâm đến việc kể lại đời mình. Một cuộc đời đầy sóng gió, nổi nênh thăng trầm theo dòng lịch sử đất nước kể từ năm 1945 đến nay. Có thời thơ ấu ở chiến khu Việt Bắc, có tuổi thanh niên nghịch ngợm và mơ mộng yêu đương ở thủ đô Hà Nội, có những năm tháng lao động và chiến đấu gian khổ ở các tuyến lửa Thanh Hóa – Hà Tĩnh – Quảng Trị, có quãng thời gian nhập cuộc viết văn viết báo đầy say mê, có khoảng đời đi học nhưng thực chất là đi cải thiện kinh tế khá nhọc nhằn bên Liên Xô. “Tiểu thuyết ăn nhau là ở chi tiết”, nhà văn Bùi Việt Sỹ quan niệm và đã nhiều lần nói/ viết ra như vậy. Và điều đó đúng/ trúng với cuốn tiểu thuyết này: chi tiết ngập lên, bề bộn, ngồn ngộn. Để rồi cuối cùng, khi Dũng, nhân vật chính của truyện kể vào tuổi tám mươi, thì mọi sự kiện của cuộc đời sôi nổi ấy đều rụng hết, để chỉ tập trung vào tâm niệm này: “Sống khỏe – Chết nhanh”. Âu cũng là một cách nghĩ nhẹ nhàng hóa của một con người lão thực, xem đời mình rốt cuộc cũng chỉ như một viên sỏi, để lót đường mà thôi.

Quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế

Quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế

Baovannghe.vn - Mới đây, tại Trụ sở Liên Hợp Quốc, Thường trực phái đoàn Việt Nam tại Liên Hợp Quốc đã tổ chức triển lãm Việt Nam – Bản sắc, nhân văn và hội nhập. Sự kiện nhằm quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tới bạn bè quốc tế, đồng thời khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy quyền con người.
Những trải nghiệm mới mẻ về thị giác qua triển lãm "Ảo thị"

Những trải nghiệm mới mẻ về thị giác qua triển lãm "Ảo thị"

Baovannghe.vn - Mới đây, tại Hà Nội, Trung tâm giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức khai mạc Triển lãm Ảo thị. Sự kiện được tổ chức nhằm giúp khám phá thế giới thị giác đầy bất ngờ, thách thức mọi giới hạn của cảm nhận thông thường và khiến khán giả Việt Nam vô cùng hào hứng.
Đọc truyện: Dấu son trên đảo - Truyện ngắn của Nhụy Nguyên

Đọc truyện: Dấu son trên đảo - Truyện ngắn của Nhụy Nguyên

Baovannghe.vn - Giọng đọc và hậu kỳ: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Từ triển lãm "Nghệ thuật thiết kế bìa sách, báo, tạp chí Việt Nam 2025" - Đôi điều tản mạn

Từ triển lãm "Nghệ thuật thiết kế bìa sách, báo, tạp chí Việt Nam 2025" - Đôi điều tản mạn

Baovannghe.vn - Trong kỷ nguyên công nghệ số - thời đại 4.0, công nghệ in ấn phát triển mạnh, nghệ thuật thiết kế bìa sách báo, tạp chí ngày càng thuận lợi giúp các nhà thiết kế, họa sĩ tạo ra những bìa ấn phẩm đẹp, bắt mắt hấp dẫn bạn đọc, truyền tải thông điệp nội dung, tinh thần bên trong của ấn phẩm, nhất là đối với ấn phẩm văn chương, nghệ thuật.
Khai mạc "Tuần văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN"

Khai mạc "Tuần văn hóa sách Trung Quốc - ASEAN"

Baovan nghe- Công ty tập đoàn thương mại sách Quốc tế Trung Quốc (CIBTC) phối hợp cùng Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Sách báo Việt Nam - XUNHASABA vừa tổ chức lễ khai mạc “Tuần văn hoá sách Trung Quốc - ASEAN: Giới thiệu sách và giao lưu văn hóa”.