Có thể kể đến các tập thơ của Thuỵ Anh (Vui cùng tiếng Việt, Nhim nhỉm nhìm nhim, Mẹ hổ dịu dàng), Huỳnh Mai Liên (Biển là trẻ con, Nhà mình vui nhất, Bay qua Hồ Gươm), Mai Quyên (Dắt mẹ đi chơi, Chuyện bốn mùa trời đất, Bao giờ mặt trời lớn lên, Chú dế đêm trăng), Châu An Khôi (Khu vườn màu xanh, Bé tập làm người lớn), Hồ Huy Sơn (Những ngọn đèn thơm, Mùa hè ra biển, Trái tim của đảo), Hà mã đi bộ (Vương quốc nhỏ bí mật), Mai Đậu Hũ (Lá, Khu vườn của mẹ), Nguyễn Lãm Thắng (Giấc mơ buổi sáng, Mùa xuân em yêu), Trương Anh Tú (Trắng mây tóc mẹ)… Những tập thơ đến từ nhiều cây bút khác nhau tạo nên dàn hoà âm của thơ thiếu nhi đầu thế kỉ XXI hết sức phong phú và đa dạng.
Tuy nhiên, thiếu nhi luôn là một độc giả đặc biệt vì vừa ngây thơ, sáng trong, tươi mát nhưng đồng thời cũng là độc giả khó tính bởi sẵn sàng từ chối những gì tưởng viết cho thiếu nhi mà không xuất phát từ cái nhìn và tâm hồn trẻ thơ. Sự từ chối trong tiếp nhận của bạn đọc trẻ em khiến thơ thiếu nhi một mặt vẫn được xuất bản đều đặn, nhiều tập thơ được giải thưởng nhưng để thực sự đi vào việc đọc của trẻ em, được trẻ em thích, nhớ và yêu lại là một câu chuyện khác. Và ở đầu thế kỉ XXI này, trong số những cây bút thơ đi vào tầm đón đợi, đi vào việc đọc của trẻ em không thể không nhắc tới tác giả Nguyễn Quỳnh Mai. Với những vần thơ thơm hương hoa quỳnh và trong như sương mai, được viết từ cái nhìn trẻ thơ, tâm hồn trẻ thơ, Nguyễn Quỳnh Mai không chỉ mang đến món quà thơ quý giá cho trẻ em mà còn đánh thức đâu đó đứa trẻ hồn nhiên, sáng trong trong mỗi bạn đọc đã đi qua tuổi thơ.
![]() |
Nhà thơ Nguyễn Quỳnh Mai |
Mùa hè lấp lánh là tên một bài thơ của Nguyễn Quỳnh Mai được chọn in trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 3, bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” vào năm 2022. Bài thơ được viết vào một ngày mùa hè nào đó đã xa nhưng cảm xúc của ngày hè ấy vẫn còn đầy ắp và vẹn nguyên trong trái tim tác giả. Một ngày hè mà niềm hạnh phúc ngân nga như nắng vàng rải trên mỗi câu thơ: Mùa hè thật sung sướng/ Có nắng lại có kem/ Có những cơn gió êm/ Và ngày dài lấp lánh. Từ bài thơ được in trong sách giáo khoa này, cái tên Nguyễn Quỳnh Mai mỗi ngày thêm lấp lánh và đến với bạn đọc thiếu nhi cả nước.
Nguyễn Quỳnh Mai chia sẻ rằng chị viết những bài thơ đầu tiên vào năm 2016, khi đó chị có tham gia một số dự án dịch thơ cho trẻ em mầm non và tiểu học. Công việc này có lẽ đã trở thành cây cầu nối khiến những vần điệu thơ đến với chị một cách giản dị, tự nhiên. Từ những bài thơ đầu tiên viết cho trẻ em, đến năm 2018, chị đã xuất bản ba tập thơ thiếu nhi là: Khu rừng trong thành phố, Chốn thần tiên, Tớ sợ cái đồng hồ (do Nhà xuất bản Phụ nữ ấn hành). Ba tập thơ trong lành như sương mai, mang làn hương ngát thơm đặc biệt của hoa quỳnh riêng nở về đêm góp thêm vào khu vườn thơ thiếu nhi đương đại.
Nguyễn Quỳnh Mai tên thật là Nguyễn Thị Thu Chín, sinh ra và lớn lên tại thành phố Hà Giang, tỉnh Hà Giang, đến nay chị vẫn gắn bó với mảnh đất quê hương tươi đẹp này. Chị đã giành một số giải thưởng thơ như: Giải B - Giải thưởng văn học nghệ thuật Tây Côn Lĩnh tỉnh Hà Giang năm 2021; Giải B - Cuộc thi “Sáng tác thơ cho trẻ em Hà Giang” lần thứ nhất, năm 2022. Trong một bài trả lời phỏng vấn, Nguyễn Quỳnh Mai có chia sẻ rằng: “Chữ nghĩa luôn là một niềm an ủi. Tôi nói chuyện với giấy mực còn nhiều hơn là nói chuyện với người khác. Đọc và viết là một phần tự nhiên trong cuộc sống của tôi”(1). Có lẽ vì đọc và viết đã trở thành một phần tự nhiên trong cuộc sống nên sau ba tập thơ đã xuất bản, sau Mùa hè lấp lánh, Nguyễn Quỳnh Mai vẫn viết những bài thơ nhỏ xinh về trẻ em, cho trẻ em. Hai bài thơ mới nhất của chị là Nếu mình quá hạnh phúc và Nếu mình quá buồn chán như một cặp thơ song hành viết về những cảm xúc dâng trào của tuổi thơ và những gợi ý về việc tự quan sát để mỗi bạn nhỏ có thể hiểu và nên “cư xử” như thế nào với những cảm xúc dào dạt trong mình.
Chốn thần tiên là tên một tập thơ của Nguyễn Quỳnh Mai gồm 9 bài thơ, mỗi bài kể một câu chuyện nho nhỏ, thú vị bằng thơ. Nàng công chúa không ngủ là bài thơ viết về một nàng công chúa nhân hậu và dũng cảm, sống một mình trong rừng trong khi Vua, hoàng hậu ở xa/ Trong kinh thành náo nhiệt/ Vua cha muốn nàng biết/ Làm mọi việc trong rừng/ Nàng sẽ trở về cung/ Khi trở thành thiếu nữ. Một năm trời hạn hán, công chúa đã leo lên đỉnh núi chạm mây và Nàng nhặt một cành cây/ Khều cho mưa rơi xuống. Ông trời tức giận, phạt công chúa không được ngủ cho tới khi nào tìm được ba trái tim nhiệm màu. Chiếc lá bảy màu là bài thơ về một quốc vương sáu tuổi nhưng có sức mạnh phi thường Vẫy tay với đại dương/ Đại dương đầy hoa quả/ Vẫy tay với núi rừng/ Núi rừng đầy tôm cá. Quốc vương yêu những chiếc lá hơn bất cứ điều gì, vì thế ngài đã đi đến tận cùng trái đất để tìm cái cây duy nhất có những chiếc lá màu cầu vồng lấp lánh. Ngài muốn nhặt một chiếc lá ở cây đó để cài lên vương miện của mình. Bài thơ Cô bé mang mầm cây kể về một cô bé yêu cây, đi đâu cũng mang một mầm cây trên đầu khiến mọi người hỏi Chắc đầu đầy đất cát/ Nên cây mới mọc lên nhưng sự thật là vì cô bé yêu cây, sợ khi cây lớn lên, rễ cắm xuống đất sâu cây chẳng được đi đâu nên cô mang mầm cây trên tóc để mầm cây được đi chơi cùng cô. Bà nhện và nàng tiên viết về một bà nhện mộng mơ, thích dệt Những vòng tơ như hoa/ Trên cành cao tít tắp. Một hôm bà đã dệt lại đôi cánh bị rách cho một nàng tiên nhỏ không may sa vào lưới của bà, rồi Từ đó mỗi hoàng hôn/ Nàng tiên nhỏ lại đến/ Kể cho bà nhện biết/ Bao nhiêu chuyện thần tiên. Mỗi bài thơ trong tập Chốn thần tiên đều mang đến một câu chuyện bất ngờ, thú vị về cuộc sống giản dị, thường ngày quanh đời sống trẻ thơ.
Hai tập thơ Khu rừng trong thành phố và Tớ sợ cái đồng hồ cũng đưa bạn đọc du hành tới xứ sở thần tiên kì diệu. Không cần đi đâu xa, không cần nhiều điều kiện, chỉ cần một trái tim rộng mở và đôi mắt giàu phát hiện là mỗi bạn nhỏ có thể tìm thấy kho báu có trong thành phố, có trong khu vườn, trong mỗi ngôi nhà. Như trong thành phố vẫn có cả một khu rừng Khu rừng nhỏ kiêu hãnh/ Chứa cả chốn thần tiên/ Rừng tên là Công viên/ Nằm giữa thành phố nhỏ. Hay mặt trăng quen thuộc hoá ra làm bằng chất liệu thật đặc biệt Mặt trăng làm bằng bánh ngọt/ Phết bơ rồi nướng thật giòn/ Mỗi đêm gấu ăn một miếng/ Thế nên cuối tháng chẳng còn, Mặt trăng làm bằng quả thị/ Thơm lừng lơ lửng tít xa/ Hôm nào tìm trăng không thấy/ Là trăng đã rơi bị bà!
Bên cạnh cái nhìn đầy phát hiện, tươi mới, tinh khôi, thơ Nguyễn Quỳnh Mai còn chứa chan cái nhìn yêu thương, san sẻ, không phân biệt vốn là điều quý giá thường trực trong trái tim trẻ thơ mà bài thơ Vi khuẩn là một ví dụ: Mẹ ơi con vi khuẩn xấu/ Có quen vi khuẩn tốt không?, Mẹ ơi con vi khuẩn xấu/ Cũng thành tốt được phải không?/ Tại nó chưa có bạn tốt/ Nên mới xấu thôi đúng không? Những câu hỏi nối nhau trong bài thơ Vi khuẩn vừa bất ngờ, thú vị vừa cho thấy cái nhìn nhân hậu, ấm áp của chính người viết, một người lớn với trái tim thuần khiết trẻ thơ.
Trong dòng chảy ngày một hối hả, gấp gáp của xã hội hiện đại, trẻ em bị hối thúc bởi áp lực học tập và thành tích, buộc phải chín sớm, chín ép thì những vần thơ của Nguyễn Quỳnh Mai đã phần nào mang đến làn gió mát, dịu dàng vỗ về những tâm hồn trẻ thơ, chắp thêm những đôi cánh cho mộng mơ và tưởng tượng. Cùng với Trương Anh Tú, Hồ Huy Sơn, Nguyễn Lãm Thắng, Thuỵ Anh…, Nguyễn Quỳnh Mai đã góp thêm một giọng thơ trong trẻo, hồn hậu, tinh khôi như sương mai và thơm ngát hương hoa quỳnh dành tặng những bạn đọc thiếu nhi hôm nay.