Gồm 3 thành viên thuộc thế hệ GenZ: Huỳnh Anh Kiệt (hát chính, sinh năm 2001), Hồ Nguyễn Minh Phương (keyboard, sinh năm 2001) và Nguyễn Mạnh Toàn (nhà sản xuất, bass, sinh năm 2002), ban nhạc chủ yếu khai thác màu sắc J-Pop, J-Rock quen thuộc với khán giả châu Á qua các ca khúc cũng như phim ảnh, trò chơi điện tử, anime Nhật Bản. Album đầu tay Đều có cách của họ trung thành với màu sắc âm nhạc này, trong đó đa số đều có giai điệu tươi sáng, nhiều năng lượng, mang đậm hơi thở thành thị.
Album mở đầu bằng đoạn intro nhẹ nhàng có tên được lấy làm tiêu đề đĩa nhạc như một lời khuyên tình cảm: “Chúng ta đều có cách thôi mà!”. Là những người trẻ đang phải đối mặt với những vấn đề của thế hệ mình, không quá bất ngờ khi nhiều khán giả thấy đồng cảm với album này. Ở đó The Sans đã hát về những chướng ngại như áp lực thế hệ, áp lực cuộc sống và nhiều vấn đề phổ quát mà bất cứ người trẻ tuổi nào cũng sẽ trải qua. Thông điệp ban nhạc mang đến cũng đầy chữa lành, qua đó ca ngợi bản sắc cá nhân và sự kiên trì trong cuộc sống này. Điều đó có thể nghe thấy từ “Em hãy trông như chính em, đừng cuốn theo bao người/ Mà ra khỏi không gian” (Hành tinh của những phép màu) đến “Sau bao nhiêu lần tự do ngã giữa nhân gian/ Hãy cho mọi thứ tồn tại va vào nhau theo một cách thật ngẫu nhiên” (Ngôi sao đêm)...
|
Một mạch khác của đĩa nhạc cũng là những ca khúc hướng về tình yêu, viết về những mối tình không may mắn với cảm xúc bồi hồi nhưng không bi lụy. Có thể kể đến Hẹn gặp ở ngày mai (“Chỉ mong, mọi thứ trôi qua dễ dàng/ Ở nơi em sẽ đến/ Hẹn gặp em vào ngày mai/ Con đường cùng nhau sẽ không bước đi/ Vội vàng”), Điều tuyệt vời nhất (“Ngắt kết nối vô nghĩa nhưng đó là điều duy nhất tôi nghĩ ra/ Nó cũng chỉ như lần may mắn sau cùng để cứu lấy tôi trước khi gục ngã/ Hoàn toàn mong em quay đầu không nói”)... Trong khi đó bản Pháo hoa (đừng đau lớn) lại gợi nhớ đến bản hit Lần cuối (đi bên em xót xa người ơi) của ban nhạc Ngọt: “Đưa em một đoạn/ Còn tiếc nuối chắc tôi xin giữ lại”.
Càng về sau, đĩa nhạc lại càng bùng nổ với nhiều chất liệu ấn tượng. Đó là SOS kết hợp với synth và một chút psychedelic rock độc đáo. Cách triển khai giai điệu cũng rất bất ngờ khi không còn quá bị lệ thuộc vào màu sắc J-Rock, từ đó nhắc nhớ đến nhiều bản hit cá tính của Ngọt từ đĩa Ngbthg’ hay 3 (Tuyển tập nhạc trẻ sôi động). Tuy vậy việc kết hợp thêm một đoạn Rap không thể lường trước biến đây thành bản nhạc hay nhất và cá tính nhất của album này, khi kế thừa được những chất liệu độc đáo nhưng vẫn ẩn chứa được cá tính riêng.
Trong đa số bài hát, phần vocal của Sáo (Huỳnh Anh Kiệt) thiên về âm hưởng nhẹ nhàng, da diết, phù hợp với nội dung bài hát. Anh cũng khai thác hiệu quả nhiều quãng head voice (giọng gió). Ở các bản thu, guitar, bass, keyboard và trống cũng có thời lượng tỏa sáng phù hợp, mang đến một tổng thể hài hòa, không có yếu tố nào quá áp chế hoặc trội hẳn lên. Tuy vậy âm sắc của giọng ca chính đôi khi thiếu đi tính độc nhất, dẫn đến nghe từng single có thể đồng cảm nhưng nếu kéo dài suốt một đĩa nhạc thì cảm giác “nhàm” là không tránh khỏi.
Tuy nhiên ở ca khúc Bão, giọng ca bỗng dưng có lực hơn hẳn, mang đến một màu sắc mới. Đây có thể là hướng mà The Sans nên cân nhắc thêm trong tương lai gần, để âm nhạc đa sắc, đa màu hơn nữa.
Vì là album đầu tay nên Đều có cách cũng còn nhiều điểm yếu khác. Một trong số đó là thiếu hẳn dấu ấn cá nhân. Nếu SOS nổi bật với những sáng tạo mới mẻ, thì hầu hết album đều mang màu J-Rock, J-Pop gần như thuần nguyên, nghe vào là biết “Nhật Bản”. Câu hỏi đặt ra là vì sao khán giả phải nghe một ban nhạc Việt hát âm hưởng Nhật, thay vì nghe chính người Nhật tự mình trình diễn? Vì âm nhạc không có biên giới, nên nếu chỉ vì ngôn ngữ thì đó là một lý do không mấy thuyết phục. Thiết nghĩ để tiến xa hơn thì The Sans cần tìm ra được chất riêng, từ đó mang đến màu sắc lạ hơn, độc đáo hơn và không dễ bị thay thế. Một điểm khác cũng cần lưu ý là phần lớn bài hát đều đã xuất hiện trong các EP trước đó, nên sự bất ngờ với khán giả cũng bị giảm sút.
Việc một nhóm nhạc hoạt động bền bỉ trong suốt 4 năm với mô hình indie (độc lập) như The Sans, album cũng được thực hiện từ các chương trình gọi quỹ… cho thấy dòng Rock Indie vẫn có chỗ đứng trong làng nhạc Việt. Nếu nhiều năm trước sự tan rã đồng loạt của Cá Hồi Hoang và Ngọt để lại những tiếc nuối lớn (khi đây là 2 ban nhạc “cây đa cây đề” của indie Việt), thì với sự ra đời của những Meow Lạc, The Flob, Chú cá lơ, The Sans... có thể tin dòng Rock vẫn đang vươn lên một cách mạnh mẽ. Được giới trẻ đặc biệt yêu thích vì có cá tính riêng biệt, kể được câu chuyện của cùng thế hệ... thành công của những người trẻ nói trên nằm ở “bản nguyên” mà họ tạo ra.
Chẳng hạn Meow Lạc bằng việc giao thoa rất nhiều chất liệu như Pop, Jazz, Funk... vào Rock đã tạo nên một tổng thể vô cùng độc đáo. Ban nhạc từng có một ca khúc là Hikikomori cũng lấy cảm hứng từ Nhật Bản như The Sans, khi dùng khái niệm chỉ những người sống cô độc trong xã hội Nhật, nhưng thay vì dùng màu sắc đặc trưng của âm nhạc nước bạn, thì bằng nhiều chất liệu đan xen nên khi nghe, đây vẫn là một ca khúc có tính quốc tế, không bị gói gọn trong một dòng nhạc. Điều này ít nhiều lý giải cho việc với 2 album đã cho ra mắt, Meow Lạc vẫn là ban nhạc rất được đón nhận mỗi khi trở lại bởi luôn mang đến những bất ngờ mới.Trong khi đó The Flob trong năm qua cũng gây được dấu ấn lớn với album Trời đánh trúng ta, ta va trúng người. Với việc kết hợp các chất liệu dân gian truyền thống vào thể loại Rock “tưởng không hợp”, nhưng The Flob đã biến nó thành “hợp không tưởng”, từ đó tạo ra một chất rất riêng cho bản thân mình. Tại lễ trao giải thưởng Âm nhạc Việt Nam 2024 do Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, MV Nhất bái thiên địa cũng đã nhận được giải Sol Vàng vô cùng bất ngờ, không chỉ vì là một ban nhạc trẻ mà còn bởi trong “địa hạt” Rock, các MV thường ít khi được đầu tư, qua đó cho thấy cách tiếp cận mới của nhiều nghệ sĩ trẻ.
Những ví dụ về Meow Lạc, The Flob hay The Sans nói trên cho thấy Rock Việt đang được tiếp lửa bởi một thế hệ những nghệ sĩ trẻ vô cùng nhiệt huyết và đầy tài năng. Sống trong thời đại công nghệ ngày càng tiến đến trải nghiệm cá nhân hóa và các giao thoa, học hỏi toàn cầu hóa, cùng với thế hệ trẻ có gu thưởng thức đa dạng, họ đã biết cách tạo cá tính riêng bằng việc tận dụng những gì mà bản thân có, từ đó tạo nên ngôn ngữ âm nhạc khác biệt. Với The Sans, tuy âm nhạc cần trưởng thành hơn để có “chất riêng”, nhưng không thể phủ nhận họ đã nêu bật được câu chuyện của thế hệ mình, khiến âm nhạc của họ vẫn là một nơi trú ẩn cho những tâm hồn còn nhiều mỏi mệt.