Văn hóa nghệ thuật

Điện ảnh Việt năm 2024: Những dấu ấn

Lê Thị Dương
Điện ảnh
10:00 | 01/01/2025
Baovannghe.vn - Lịch sử điện ảnh thế giới đã chứng minh, một bộ phim thành công phải là tác phẩm chạm đến được cảm xúc của khán giả, khiến cho họ trăn trở với nỗi bất an của đời sống, thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, và thấy trân trọng, yêu thương những gì mình đang có.
aa

Đến hẹn lại lên, kết thúc một năm cũng là thời điểm để nhìn lại bức tranh điện ảnh trong năm, qua đó có thể đánh giá được xu hướng phát triển của điện ảnh trong nước, đồng thời cũng tạo cơ sở để tổng kết lịch sử điện ảnh Việt Nam.

Với những khán giả quan tâm đến điện ảnh Việt, chắc chắn sẽ không thể quên năm 2023 dù nền kinh tế hậu đại dịch còn khó khăn, nhưng thị trường phim nội địa vẫn có dấu hiệu khởi sắc với sự xuất hiện của khá nhiều dự án được đánh giá là đã công phá các phòng chiếu và đem về doanh thu khổng lồ cho các nhà sản xuất như: Nhà bà Nữ, Chị chị em em 2, Lật mặt 6, Đất rừng phương Nam, Người vợ cuối cùng… Đây cũng là năm đánh dấu sự trở lại của dòng phim mang yếu tố lịch sử, cổ trang: như Đào, Phở, Piano (đạo diễn Phi Tiến Sơn) và Hồng Hà nữ sĩ (đạo diễn Nguyễn Đức Việt) (đều do Nhà nước đặt hàng), Đất rừng phương Nam (đạo diễn Nguyễn Quang Dũng), Người vợ cuối cùng (đạo diễn Victor Vũ).

Điện ảnh Việt năm 2024: Những dấu ấn
Hình ảnh trong phim Đào, Phở, Piano.

Trong số đó, dư âm của Đào, Phở, Piano tiếp tục lan rộng sang năm 2024 khi bộ phim này được trao giải Cánh Diều Bạc (tháng 7/2024) và tiếp tục được đề cập đến như một ví dụ điển hình cho sự thành công ít ỏi của phim do nhà nước đặt hàng. Còn hai bộ phim Đất rừng phương NamNgười vợ cuối cùng sau khi ra rạp đã vấp phải một số tranh cãi (đặc biệt là Đất rừng phương Nam) nhưng từ một góc độ khác, sự chú ý đối với các tác phẩm vừa nêu phần nào phản ánh mối quan tâm của khán giả đối với phim sản xuất trong nước.

Không khí của phim điện ảnh 2023 dường như “tiếp lửa” cho năm 2024, khi các nhà làm phim tiếp tục cho ra mắt những tác phẩm thu hút khán giả đến rạp. Về thể loại: có đầy đủ các thể loại từ phim tâm lý, hành động, kinh dị tới phim hài, hoặc có sự đan xen giữa các thể loại trong cùng một tác phẩm.

Trong năm 2024, thể loại phim tâm lý vẫn chiếm tỉ lệ nổi trội, với hai tác phẩm đã khuynh đảo các phòng vé và đạt được doanh thu khổng lồ từ nửa đầu năm là Mai Lật mặt 7: một điều ước. Đạo diễn Lý Hải với Lật mặt 7: một điều ước đã đem đến cho khán giả một tác phẩm tương đối trọn vẹn về cảm xúc. Chuyện phim kể về đại gia đình bà Hai, người mẹ đơn thân tự mình nuôi 5 người con khôn lớn. Khi trưởng thành, mỗi người con đều theo đuổi cuộc sống riêng. Nhưng rồi một ngày, biến cố ập đến, từ đây những câu chuyện gia đình phức tạp dần hé mở. Người xem không chỉ rung động bởi vẻ đẹp nhân văn sâu sắc của tình mẫu tử, mà còn bị lôi cuốn bởi những cảnh quay đẹp trải dài từ Bắc đến Nam.

Cũng về chủ đề tình cảm, gia đình, Hai muối là một trong những bộ phim lấy đi nước mắt của nhiều khán giả bởi câu chuyện gà trống nuôi con do nghệ sĩ Quyền Linh thủ vai chính. Mặc dù nhận được một số giải thưởng quan trọng do Ban Tổ chức giải Cánh Diều Vàng 2024 trao tặng: Nam diễn viên chính xuất sắc (Quyền Linh), Nữ diễn viên phụ xuất sắc (NSND Hồng Vân), Phim điện ảnh đầu tay xuất sắc nhất, nhưng trường hợp phim Hai Muối lại cho thấy một vấn đề đáng bàn trong khâu kịch bản của nhiều phim Việt, đó là phần sau thường bị đuối hơn so với mở đầu, các motif tương đối quen thuộc và kết thúc dễ đoán, do vậy không tạo ra sự đột phá.

Trong số các phim điện ảnh thuộc thể loại tâm lý năm 2024, phim Mai là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên các diễn đàn mạng xã hội. Như đã nói, Nhà bà Nữ của Trấn Thành là một trong những dự án thành công của năm 2023. Nửa đầu năm 2024, Trấn Thành trong vai trò đạo diễn kiêm nhà sản xuất một lần nữa đem lại không khí sống động cho các rạp chiếu với phim Mai. Đây được mệnh danh là bộ phim tiền tỷ, không chỉ đạt được doanh thu khổng lồ vốn là niềm mơ ước của các nhà làm phim chiếu rạp, mà ở phương diện chuyên môn, tác phẩm này cũng được đánh giá cao với giải thưởng Cánh Diều Vàng 2024 (cùng ba giải thưởng dành cho nữ diễn viên chính, biên kịch, và thiết kế mỹ thuật). Sự thành công từ Bố già, đến Nhà bà Nữ, Mai không chỉ đưa tên tuổi Trấn Thành thành một hiện tượng điện ảnh, hơn thế còn đặt ra vấn đề về xu hướng phát triển của một thể loại phim (phim chính kịch tâm lý xã hội). Nhiều ý kiến cho rằng, sở dĩ Trấn Thành thắng lớn là nhờ biết cách chọn đề tài làm phim, chọn cách kể chuyện trúng tâm lý, thị hiếu của số đông khán giả. Cụ thể, Trấn Thành không theo đuổi các vấn đề có tính vĩ mô, mà thường soi chiếu mối quan tâm của mình đến các ngóc ngách của đời sống xã hội và tái hiện một cách chân thực những khía cạnh tâm lý rất phức tạp nhưng cũng rất đời thường, từ đó khiến cho khán giả nhận ra giá trị của cuộc sống, của tình cảm gia đình, và giá trị của chính bản thân mỗi người.

Trấn Thành cũng đã bước đầu định hình được hệ nhân vật cho các phim của mình, đó là những con người bình dân, những người lao động nghèo: một người mẹ bán hủ tiếu, một ông bố chạy xe ôm, một cô gái làm nghề mát-xa, họ hoàn toàn nhỏ bé trong xã hội, nhưng trên phim của Trấn Thành, họ hiện diện với thế giới nội tâm đầy giằng xé, mỗi ngày phải vật lộn với cơm áo gạo tiền nhưng họ cũng sống với những khát khao tình yêu, hạnh phúc mãnh liệt. Chất đời thường trong phim Trấn Thành: câu chuyện đời thường, con người đời thường, những câu thoại đời thường lại làm nên sức hấp dẫn đặc trưng riêng biệt khi mà khán giả đã bắt đầu bão hòa với các “đại tự sự”.

Sự thành công của phim Trấn Thành còn liên quan đến vấn đề truyền thông. Trấn Thành đã có sự “tính toán” chặt chẽ và thông minh khi đã tổ chức các chiến lược truyền thông ngay từ khi bộ phim vẫn còn ở dạng kịch bản. Đây cũng là hướng đi đáng học hỏi đối với các nhà làm phim Việt hiện nay.

Điện ảnh Việt năm 2024: Những dấu ấn
Hình ảnh trong phim Mai.

Như vậy, qua thành công của ba bộ phim Mai, Lật mặt 7: một điều ước, Hai Muối, có thể thấy, đề tài gia đình dù đã quá quen thuộc nhưng không ngừng thu hút giới điện ảnh và luôn được khán giả đón nhận. Các nhà làm phim vẫn khai thác những câu chuyện muôn thuở hiện diện rõ ràng hoặc ngầm ẩn trong mỗi gia đình, nhưng đặt trong bối cảnh hiện tại và kể chuyện bằng một ngôn ngữ điện ảnh hiện đại. Sự kết hợp giữa tính kinh điển (về mặt đề tài) và tính cập nhật (về không-thời gian) khiến cho những câu chuyện muôn thuở ấy không trở nên cũ kĩ, mà vẫn gần gũi, sống động với mỗi người.

Ngoài các bộ phim đã chứng minh được sút hút phòng vé nói trên, đầu tháng 11, phim Ngày xưa có một chuyện tình (đạo diễn Trịnh Đình Lê Minh) chuyển thể từ truyện dài cùng tên của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh cũng là dự án được kì vọng đem lại một không khí mới cho phim truyện điện ảnh nửa cuối năm 2024. Bộ phim này quy tụ dàn diễn viên trẻ, trong đó Ngọc Xuân vai Miền đã được trao giải Diễn viên trẻ triển vọng tại LHP Quốc tế Hà Nội tháng 11/2024. Tương tự phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh từng gây tiếng vang năm 2015, Ngày xưa có một chuyện tình cũng chọn Phú Yên làm bối cảnh quay chính. Tiếp sau Ngày xưa có một chuyện tình, một tác phẩm khác của Nguyễn Nhật Ánh cũng được đạo diễn Võ Thanh Hòa đưa lên màn ảnh rộng là Kính vạn hoa. Tác phẩm này đã được chuyển thể thành phim truyền hình năm 2004 do Nguyễn Minh Chung và Đỗ Phú Hải làm đạo diễn (Hãng phim Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh). Trong mấy thập niên qua, tác phẩm của Nguyễn Nhật Ánh liên tiếp được chuyển thể thành phim, hầu hết đều gây tiếng vang như: phim truyền hình: Kính vạn hoa (2004-2008), Chú bé rắc rối (1998); phim điện ảnh: Áo trắng sân trường (1990), Bong bóng lên trời (1997), Nữ sinh (2008), Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh (2015), Cô gái đến từ hôm qua (2017), Mắt biếc (2019). Có thể nói, làm phim từ các truyện của Nguyễn Nhật Ánh cũng là một trong những hướng đi khá hiệu quả. Thứ nhất, vì tác phẩm của tác giả này thường có nội dung phù hợp với thị hiếu tiếp nhận của số đông khán giả trẻ tuổi; Thứ hai, bản thân tên tuổi Nguyễn Nhật Ánh cũng là một “thương hiệu” có thể phần nào đảm bảo cho thành công về mặt thị trường của bộ phim chuyển thể; Thứ ba, các phim chuyển thể từ truyện của Nguyễn Nhật Ánh gần đây thường lựa chọn bối cảnh đẹp, kĩ thuật quay trau chuốt, đầu tư chỉn chu về mặt truyền thông do vậy được chú ý ngay từ khi chuẩn bị công chiếu.

So với phim tâm lý xã hội, phim kinh dị vốn không phải là thế mạnh của điện ảnh Việt Nam, nhưng vài năm lại nay thể loại này bắt đầu chứng tỏ được sức hút đối với khán giả trong nước. Đầu năm 2024, bộ phim Quỷ cẩu của đạo diễn Lưu Thành Luân (bắt đầu công chiếu từ tháng 12/2023) đã trở thành một hiện tượng phòng vé với doanh thu thống kê hơn 100 tỉ đồng. Bộ phim này lấy cảm hứng từ truyền thuyết linh dị Chó đội nón mê của làng quê Bắc Bộ nhằm lên án nạn săn bắt, giết mổ chó. Trên đà thành công của Quỷ cẩu, cuối năm 2024, đạo diễn Lưu Thành Luân tiếp tục trình làng dự án Linh miêu: Quỷ nhập tràng dựa trên truyền thuyết về “quỷ nhập tràng”.

Khai thác các câu chuyện dân gian để tái hiện thành những phiên bản điện ảnh phù hợp với thị hiếu đương đại cũng là lựa chọn của đạo diễn Trần Hữu Tấn với phim Cám. Đây được nhận định là phim kinh dị đầu tư lớn nhất trong lịch sử điện ảnh Việt. Phim Cám dựa trên truyện cổ Tấm Cám quen thuộc, nhưng được xây dựng thành một kịch bản phim kinh dị, trong đó, bối cảnh được kéo về thế kỉ XIX và Cám được hoán đổi từ nhân vật phản diện trong truyện thành nhân vật đáng thương, bị ghẻ lạnh vì khuôn mặt dị dạng, chỉ có Tấm yêu thương cô. Diễn biến câu chuyện phát triển theo hướng kịch tính khi Cám trở thành vật tế thần, bị ác quỷ chế ngự. Ngôi làng vốn bình yên bỗng xáo trộn vì hàng loạt cái chết bí ẩn. Phiên bản này đã cải biên hoàn toàn so với nguyên tác, nhưng không được đánh giá cao về khâu kịch bản. Tuy nhiên, không thể không nhìn nhận nỗ lực của nhà làm phim khi thể hiện một cách tiếp nhận, một cách tái sáng tạo đối với các chất liệu tự sự truyền thống.

Có thể thấy, các đạo diễn trẻ gần đây đặc biệt quan tâm đến chất liệu dân gian. Chỉ riêng truyện Tấm Cám trong một thời gian ngắn đã có các phim: Tấm Cám - Chuyện chưa kể (Tam Cam: the Untold Story, 2016) do Ngô Thanh Vân đạo diễn, Cám (Trần Hữu Tấn, 2024). Những bộ phim được lấy cảm hứng hoặc được cải biên từ các truyền thuyết, tích truyện cổ không chỉ gây chú ý ở phương diện các chuyện cũ được làm mới, mà còn gợi dẫn đến vấn đề chuyển thể văn hóa - vốn là một trong những mối quan tâm của các nhà nghiên cứu chuyển thể văn học - điện ảnh. Bên cạnh đó, các phim chuyển thể/cải biên từ văn học thường không tránh khỏi tranh cãi không chỉ trong công chúng mà trong giới phê bình lẫn nghiên cứu bởi mỗi cộng đồng diễn giải sẽ cho những kết quả đọc và giải mã tác phẩm không giống nhau. Đây cũng là một trong những khía cạnh phức tạp và hấp dẫn nhất của mĩ học tiếp nhận.

Về thể loại phim hành động của Việt Nam năm 2024, dù ít ỏi về số lượng nhưng vẫn có tác phẩm đáng được nhắc tên, đó là Domino: Lối thoát cuối cùng của đạo diễn Nguyễn Phúc Huy Cương với motif chuyện kể gần với The Godfather. Sau khi cha bị kẻ ác sát hại, An (Thuận Nguyễn thủ vai) từ một người ngoài cuộc dần bị đẩy vào cuộc chiến khốc liệt giữa các băng phái xã hội đen. Tuy là phim hành động, nhưng bộ phim này vẫn chứng tỏ được thế mạnh trong khai thác tâm lý nhân vật, đặc biệt là thể hiện được quá trình thay đổi và trưởng thành của nhân vật chính một cách khá thuyết phục.

Domino: Lối thoát cuối cùng lấy cảm hứng từ một câu chuyện có thật. Rõ ràng, việc được nghe kể một câu chuyện có thật bao giờ cũng kích thích khán giả hơn là một câu chuyện hư cấu. Cũng trong năm 2024, một bộ phim tâm lý dựa trên giai thoại có thật Công tử Bạc Liêu sẽ ra mắt khán giả, hứa hẹn đem đến một cái nhìn đầy đủ, đa chiều về nhân vật tiếng tăm một thời này.

Về thể loại hài, phim Làm giàu với ma của đạo diễn Nguyễn Nhật Trung có thể coi là phim hài thành công nhất năm 2024. Khai thác câu chuyện về tình cha con dưới góc nhìn hài hước đan xen yếu tố tâm linh, bộ phim mang đậm màu sắc giải trí với nhiều tình tiết thú vị, nhưng đằng sau tiếng cười vẫn đọng lại một thông điệp sâu lắng về giá trị của gia đình cũng như trách nhiệm của cha mẹ với con cái. Phim Nhà gia tiên của đạo diễn Huỳnh Lập dự kiến ra mắt cuối năm 2024 cũng được thực hiện theo hướng hài-linh dị cho thấy khả năng tiếp cận khán giả ngày càng mạnh mẽ của dòng phim này.

Nhìn chung, phần lớn các bộ phim được dự đoán là làm bùng nổ phòng vé thường được “để dành” ra mắt vào các dịp lễ hoặc những tháng cuối năm. Việc chọn thời điểm ra mắt phim cũng đã âm thầm tạo nên một “cuộc đua” giữa các nhà làm phim. Đây có thể xem là một yếu tố kích thích khả năng sáng tạo cũng như các chiến lược truyền thông nhằm hướng tới một thị trường điện ảnh ngày càng đa dạng và chuyên nghiệp. Đối với khán giả, sự cạnh tranh nói trên sẽ mang đến cho họ nhiều cơ hội để lựa chọn.

Thay lời kết

Năm 2024, lộ trình phát triển của phim truyện điện ảnh Việt Nam nhìn một cách khái quát, không có nhiều điểm đột phá, nhưng đáng ghi nhận là sự đa dạng hóa về mặt thể loại, trong đó có sự trở lại khá ngoạn mục của dòng phim lấy cảm hứng từ chất liệu dân gian.

Về phương diện nội dung, chiếm vị trí chủ đạo vẫn là đề tài gia đình, tình cảm cha mẹ - con cái. Đề tài này hiện diện trong khắp các thể loại và đem đến những thành công đáng kể cho các nhà làm phim với Mai, Lật mặt 7: Một điều ước...

Về xu hướng, qua một vài khảo sát nêu trên có thể nhận diện được 3 xu hướng làm phim trong năm 2024:

Một là, làm phim dựa trên các chất liệu sẵn có: truyền thuyết, truyện cổ, tác phẩm văn học viết nổi tiếng (như trường hợp Nguyễn Nhật Ánh). Xu hướng làm phim này hoàn toàn không mới, nhưng ở thời điểm hiện tại, một lần nữa, cho thấy vai trò của văn học trong việc cung cấp nguồn kịch bản dồi dào cho điện ảnh.

Hai là, xu hướng “giải thiêng” các “đại tự sự”, tức thay vì thể hiện các câu chuyện ở tầm vĩ mô, nhiều nhà làm phim lựa chọn khai thác những câu chuyện gần gũi, đời thường nhưng lại có sức lay động tuyệt vời đến cảm xúc của người xem.

Ba là, phim điện ảnh Việt ngày càng hướng đến tính đa dạng về thể loại, đề tài cũng như phong cách làm phim.

Các xu hướng này phần nào phản ánh được hiện trạng của nền điện ảnh trong một năm qua. Sự quan tâm của khán giả Việt đối với tác phẩm của các nhà làm phim trong nước là những tín hiệu vui cho thấy khả năng cạnh tranh của phim nội địa với phim ngoại nhập. Đó cũng là năng lượng nội tại để thúc đẩy sự phát triển thị trường điện ảnh Việt.

Cũng cần nói thêm rằng, những năm gần đây, thành công của một bộ phim điện ảnh thường được đánh giá thông qua con số doanh thu, hay những thảo luận (thậm chí là tranh luận trái chiều trên các diễn đàn mạng xã hội). Tuy vậy, đây chỉ là những tiêu chí ở bề nổi. Trên thực tế, lịch sử điện ảnh thế giới đã chứng minh, một bộ phim thành công phải là tác phẩm chạm đến được cảm xúc của khán giả, khiến cho họ trăn trở với nỗi bất an của đời sống, thổn thức trước nỗi đau của đồng loại, và thấy trân trọng, yêu thương những gì mình đang có. Đó cũng là vẻ đẹp của một tác phẩm điện ảnh mà bất cứ đạo diễn nào, bất cứ nền điện ảnh nào cũng mong muốn đạt tới.

Bốc thăm  - Thơ Hoàng Việt Hằng

Bốc thăm - Thơ Hoàng Việt Hằng

Baovannghe.vn- Thời bao cấp bốc thăm từ cái kim cuộn chỉ/ lốp xe đạp thống nhất, phích Rạng đông
Tiếng chiêng và Ngọn lửa. Tản văn của Uông Thái Biểu

Tiếng chiêng và Ngọn lửa. Tản văn của Uông Thái Biểu

Baovannghe.vn - Trong tín ngưỡng dân gian của nhiều dân tộc, lửa đã thắp sáng tâm linh của họ. Họ hướng về ngọn lửa như hướng về một thế giới huyền bí.
Những khát vọng đổi mới trong xung đột kịch giai đoạn 1975 - 1985 dưới góc nhìn đương đại

Những khát vọng đổi mới trong xung đột kịch giai đoạn 1975 - 1985 dưới góc nhìn đương đại

Baovannghe.vn - Từ những xung đột nội tâm trên sân khấu kịch nói, có thể thấy văn học nghệ thuật 1975-1985 đã chuyển hướng khám phá chiều sâu tâm hồn con người
Dây chỉ buộc vía - Thơ Vương Anh

Dây chỉ buộc vía - Thơ Vương Anh

Baovannghe.vn- Lần lần cổ tay con cháu/ Bà tìm vòng chỉ ... còn đâu!
Thời tiết ngày 4/1/2025: Bắc Bộ nắng hanh. Nam Bộ có giông vài nơi

Thời tiết ngày 4/1/2025: Bắc Bộ nắng hanh. Nam Bộ có giông vài nơi

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, thời tiết ngày 4/1: Bắc Bộ trời rét. Bắc Bộ nắng hanh. Nam Bộ có giông vài nơi.