Sáng tác

Điền Hương. Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân

Tống Ngọc Hân
Truyện
07:40 | 10/01/2025
Baovannghe.vn - Cô tôi giật mình nhìn ra phía cửa. Tất cả những người ở trong phòng đều nhận thấy ánh mắt cô tôi nhìn về phía cửa. Như thể cô đã đợi nó từ lâu.
aa
Cô tôi từ bệnh viện về nhà lúc nhâm nhẩm tối. Chiếc xe cứu thương không phải là không đi lọt qua khuôn cổng bằng gỗ cầu kỳ mà dượng tôi luôn lấy đó làm niềm tự hào. Nhưng dượng tôi không muốn chiếc xe lấm láp bụi bặm đi vào chiếc sân gạch đỏ au sạch sẽ. Thành ra, khi xe dừng ngoài cổng thì mấy nhà hàng xóm đều chạy ra, hòng nhìn cho vẹn cảnh thằng Sỹ bế mẹ đi qua cái sân gạch rộng rãi mênh mông để vào nhà. Người đi bên cạnh thằng Sỹ là một nữ điều dưỡng bịt khẩu trang kín mít không ai biết già hay trẻ.

Dượng tôi tầm hơn bảy mươi, mặc bộ pyjama có những sọc màu xanh da trời rất tươi, đứng trên thềm, người hơi ngả về phía sau. Thằng Sỹ bế cô tôi rất gọn, như anh bế em, vì cô tôi vốn đã bé nhỏ, lại thêm bệnh tật mấy năm, nên rúm ró trong mớ quần áo thùng thình. Nó chậm rãi bước lên thềm, đi qua dượng tôi và khẽ nhìn ông bằng cái nhìn kín đáo, quan trọng. Dượng tôi vội bước theo vào nhà, chỉ tay về căn phòng bên trái của phòng khách. Cử chỉ của dượng cũng không khác với lần người ta khiêng đến nhà một chiếc tủ lạnh cả. Chỉ khác, tủ thì hai người khiêng, khiêng đứng. Còn cô tôi thì thằng Sỹ bế, cô điều dưỡng cầm theo dây rợ, và cọc chai truyền cho đúng thủ tục thôi.

Vợ thằng Sỹ xách hai chiếc túi du lịch loại to đầy căng đồ đạc vào sân. Trong lúc nó phăm phăm đi về phía cửa nhà lớn thì dượng tôi đã từ trong nhà đi ra. Dượng chỉ tay xuống bếp. Đứa con dâu cả trạc bốn mươi, hiểu ý bố chồng khựng lại giây phút rồi quay trái một góc vuông như cảnh binh, lặc lè đi vào bếp. Đến tận lúc ấy, dượng tôi mới bước ra sân, thong dong đi ra cổng, dượng trỏ tay về phía xe cứu thương khiến cậu lái xe đang tranh thủ hút thuốc (dưới bóng cây trứng gà nhô lên sau bức tường có giăng dây thép gai) giật mình dụi thuốc vào tường. Dượng cũng không nói năng gì, ông tiếp tục chỉ tay xuống lòng đường. Ý là xe phải rời đi. Ngay lúc đó, nữ điều dưỡng vội vã đi ra. Cô ấy mở cửa xe phía sau, chui vào. Lái xe cũng đã trở về vị trí, xe lùi có một đỏ duy nhất là quay đầu chạy ra phía cổng làng một cách điêu luyện.

Tất cả diễn ra chỉ mươi phút là cùng. Tôi thậm chí chưa từng thấy một cuộc giao chuyển đồ nào diễn ra chóng vánh như thế. Thời dịch bệnh có khác. Thầy tôi từ cổng chạy vào sân, thấy tôi đứng lóng nhóng trên thềm thì ngứa mắt, quát. Không xem nước nôi thế nào mà tắm cho cô. Tôi líu ríu theo chân đứa em thím xuống bếp. Thầy tôi vội đi lên nhà lớn, ngôi nhà xây kiểu Thái đẹp bóng bẩy và nổi trội, chỉ nhìn qua cách bài trí là biết ngay chủ nhân thuộc tầng lớp nào. Thầy tôi ít tuổi hơn dượng đến dăm tuổi nên cái uy của ông anh vợ lúc này cũng hết sức hạn hẹp và cũng tùy lúc mà thể hiện. Bởi em gái nằm đó, cả núi tiền tiêu tốn vào em mình, thầy tôi, không mảy may dám ra oai gì cả. Con dâu của cô tôi thì tôi vẫn quen gọi là thím. Cho dù nó hơn tuổi tôi. Nó dí cái khăn bông sạch vào tay tôi mà bảo đem lên nhà, trải xuống dưới gối cho mẹ chồng nó. Tôi mừng quá, cầm cái khăn vung vảy đi lên, cố tình để mọi người biết rằng tôi có mặt ở đây là để góp phần đỡ đần mọi việc trong nhà cô tôi. Còn trong thâm tâm, tôi mừng vì được nhìn thấy cô trong giờ phút quan trọng này. Giờ mà theo như bố và dượng tôi cho biết là đã chọn để ngừng hoàn toàn việc cung cấp mọi thứ nuôi cơ thể, để cô tôi ra đi thanh thản. Cô tôi đã nằm im lìm như cái cọng khoai héo suốt sáu năm nay rồi. Cách đây một tháng, khi cô tôi không thể tự nhai nuốt được nữa thì dượng và thằng Sỹ đưa cô vào bệnh viện. Từ đó, cô được cho ăn, uống nhờ truyền thức ăn lỏng. Dượng tôi thuê người trông nom cô ở bệnh viện vì các em dâu rể trai gái con cô toàn người nhà nước. Và vừa rồi, ngay cái bà nhà quê vốn rất thương xót cô tôi, thì cũng từ bỏ công việc chăm sóc cô tôi để về quê vì diễn biến dịch trong các bệnh viện lớn rất phức tạp. Dượng tôi bảo ngay lúc này, khi tỉnh nhà vừa xóa bỏ chốt kiểm dịch và đơn giản hóa các thủ tục đi lại thì nên đưa cô tôi về. Đây là cơ hội tốt.Tôi không phải là người chứng kiến tai nạn khủng khiếp của cô tôi sáu năm về trước, nhưng theo những gì tôi đoán định thì đó là một sự thật kinh hoàng mà không ai muốn nhớ lại.

Tôi đi vào căn phòng khá rộng rãi. Cô tôi nằm ngửa, mắt mở nhìn vô định, đồng tử như không có bất cứ chuyển động nào. Nếu không vì thế, chắc tôi sẽ nghĩ cô đang choáng ngợp bởi căn phòng đẹp đẽ sang trọng và sực mùi dầu thơm mà dượng tôi đã thu xếp gọn gàng để đón cô tôi về một cách long trọng nhất. Vì trước đây, cô tôi ở ngay chiếc giường kê ngoài nhà cho con cháu về tiện chăm nom. Đây cũng là lần đầu tiên tôi bước vào căn phòng này, dù khi xưa, lúc chưa lấy chồng, tôi thân thiết với cô còn hơn cả với mẹ tôi. Và cô cũng rất mực quý tôi. Tôi ngạc nhiên vì chiếc màn trắng có đính những chiếc nơ nhỏ màu hồng giống như của một đôi uyên ương mới cưới vậy. Cô tôi sẽ được ra đi trên chiếc giường đẹp đẽ, thơm tho và ấm áp nhường này. Tôi thấy mãn nguyện thay cô và thầm dẹp bớt những ác cảm về dượng. Tôi nghiêng người lách qua thằng Sỹ và thầy tôi để tiến về phía đầu giường. Tôi bảo Sỹ nhấc đầu cô lên để tôi trải chiếc khăn màu vàng lên mặt gối. Lúc đó, tôi mới nhìn thấy mắt thằng Sỹ hoe đỏ còn thầy tôi thì nước mắt lấp lánh ở hõm cổ. Hình như đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy thầy tôi khóc. Hình như, chỉ cần những giọt nước mắt của thầy tôi và ánh mắt chua xót của thằng Sỹ, là đủ cho sự trở về của cô tôi. Ai đến nhà cô lúc này cũng chỉ lén quan sát thằng Sỹ, dượng và thầy tôi. Như thể họ muốn biết, rút cục, ai là người đưa ra cái quyết định độc ác nhất và cũng nhân đạo nhất như thế. Rồi họ mới nhìn đến cô tôi.

Dượng tôi, thì khỏi phải nói. Nét mặt của dượng không hề thay đổi kể từ lúc cô tôi hiện diện trong căn phòng đến giờ. Nét mặt của người hoặc rất bình thản, hoặc rất giỏi che giấu cảm xúc. Tôi thi thoảng lại nhìn trộm dượng mà không tài nào đoán định được điều gì. Khi chiếc khăn trải dưới đầu cô đã khá ngay ngắn, thằng Sỹ đặt đầu mẹ xuống và rút điện thoại trong túi quần ra. Nó lùi xa hai mét và trịnh trọng chụp ảnh mẹ nó như thể khoảnh khắc này mới thật sự quan trọng. Sau khi chụp xong, nó liếc nhìn dượng tôi như thể chờ lệnh. Dượng gật đầu, thầy tôi thì quay mặt đi, kéo vạt áo lau nước mắt. Thằng Sỹ nhẹ nhàng khóa chiếc van nhỏ ở cổ tay cô tôi ra rồi mới tút bỏ kim truyền. Một giọt máu thẫm đen ứa ra ở chỗ cổ tay cũng bầm tím vì truyền lâu của cô tôi. Thằng Sỹ lấy bông thấm máu và dùng gạc băng chỗ đó lại. Dượng tôi nói nhỏ. Lát tắm lại gỡ ra, băng kỹ làm gì. Tôi hiểu, khi cơ thể không còn kết nối với cái bịch nước kia thì cô tôi sẽ dần kiệt sức. Nghe nói, từ sáng sớm, theo yêu cầu của gia đình, người ta đã dừng truyền thức ăn lỏng cho cô tôi. Giờ chắc cô đã đói lắm. Nhưng tôi cũng nghĩ, hẳn là cô tôi khi còn khỏe cũng không bao giờ muốn mình phải sống lay lắt như thế này.

Thằng Sỹ vừa làm xong bổn phận cũng là lúc đứa con gái của nó ở ngoài nhà chạy vào. Nó lanh lảnh gọi. Bà nội ơi!

Cô tôi giật mình nhìn ra phía cửa phòng. Tất cả những người đứng ở trong phòng đều nhận thấy ánh mắt cô tôi nhìn xéo về phía cửa. Như thể cô đã đợi nó từ lâu. Con bé Liên là con cả của vợ chồng Sỹ, là đứa cháu lớn nhất của cô tôi mà cô tôi chăm chút bế ẵm nó từ nhỏ. Nó đang học lớp 12 trường chuyên thành phố. Nó học rất giỏi và sống tình cảm. Chắc là bố nó đã gọi nó về nhìn bà lần cuối. Nó lôi ra từ trong cái ba lô nhỏ xíu ra mấy cái bánh trà xanh để xuống giường. Nó thoăn thoắt bóc một cái và quỳ xuống bên đầu giường, nói với cô tôi như người dỗ trẻ con. Bà ơi, bà ăn bánh nhé, cái bánh này bà từng ăn và khen ngon đấy. Nó vừa nhìn cô tôi vừa bóc bánh và bẻ ra một miếng nhỏ. Cô tôi ngoan ngoãn há miệng như một đứa trẻ trước sự ngạc nhiên tột cùng của cả dượng tôi và tất cả mọi người.

Cô chậm rãi ăn hết chiếc bánh. Sau đó lại uống từng thìa sữa nóng do chính cháu gái pha. Bố tôi òa khóc như đứa trẻ. Tiếng một cụ già trong làng lẩm bẩm ngoài cửa sổ. Ma ăn đấy, cứ để bà ấy ăn. Ai trước khi về bên kia cũng thế cả. Tôi vô cùng ngạc nhiên, vì thầy tôi từng kể, một tháng trước, cô tôi không tự nhai, nuốt được nên các em tôi phải đưa cô đi viện. Cô tôi cắn răng lại như người tuyệt thực ấy. Vào viện thì bác sỹ truyền thức ăn lỏng, đạm, dịch các kiểu. Giờ đây, cô tôi tự ăn hết ba cái bánh, uống nửa cốc sữa. Khi cái Liên hỏi bà uống nữa không thì cô còn lắc đầu. Cái lắc đầu dù rất nhẹ của cô khiến căn phòng như chao đảo. Lần lượt từng người từng người kéo vào phòng như thể họ chuẩn bị chứng kiến một phút giây trọng đại, để mà sau này, khi nhắc đến cô tôi, họ có thể nói “hôm ấy, tôi cũng có mặt”. Con bé Liên đỡ cô tôi ngồi dậy, nó chèn ga gối quanh người cô tôi rồi bảo mọi người ra ngoài hết đi. Cứ đi ăn tối đi, nó sẽ tắm cho cô.

Khi trong căn phòng chỉ còn tôi và hai bà cháu thì cái Liên mới nói. Bá ơi, không có muỗi đâu, bá tháo cái màn này ra hộ cháu được không, trông rực rỡ quá! Tôi ngần ngại giây lát rồi gật đầu. Tôi bắc ghế, kiễng chân lên, chỉ vài phút là tháo được cái màn rất diêm dúa xuống. Con bé Liên lại nhờ tôi. Bá đem cái lược trên bàn kia xuống bếp đi. Tôi làm theo như một cái máy. Chiếc lược của ai nhỉ, sao trông nó điệu đàng và rất đắt tiền. Những cái răng rất to và rất thưa, như những người uốn tóc xoăn vẫn dùng.

Tôi bố trí lại căn phòng theo như sự sai khiến rất nghề của con Liên. Nó ghé xuống tai cô tôi rồi hỏi. Được chưa bà? Cô tôi nhìn lên nóc chiếc tủ gỗ ba buồng rất lớn bằng gỗ đắt tiền. Ánh mắt cô rất lạ. Lúc đó tôi mới để ý, trên nóc tủ có một chiếc mũ rộng vành bằng cói khá điệu cho phụ nữ trung tuổi. Cô tôi thì suốt đời đội nón. Những người đàn bà làng tôi toàn đội nón. Tôi đem cái mũ xuống. Cái mũ mới tinh. Lúc này, trong đầu tôi đã bắt đầu lờ mờ nhận ra sự có mặt của một người đàn bà khác trong căn phòng của dượng. Mà những thứ đồ của người ấy, dượng cố tình không dọn đi, muốn cô tôi thấy. Chỉ cô tôi thấy. Còn những người khác sẽ không để ý. Cô ta là ai? Ai nỡ lòng nào đến đây mà vui vẻ trong khi cô tôi dở sống dở chết trong bệnh viện? Ai mà cô tôi biết nhưng không làm gì được nữa? Ai nói ánh mắt cô tôi ở khoảnh khắc này là vô hồn, vô định, nhưng tôi thì không. Tôi nhìn thấy ánh mắt ấy chứa đựng sự thanh thản khi những mong cầu đang được hứa hẹn trở thành sự thật. Cô muốn kết thúc mọi sự lụy phiền ở đây, thời điểm này, trong chính căn phòng này.

Điền Hương - Truyện ngắn của Tống Ngọc Hân
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest

Đến đây, tự dưng tôi bỗng muốn kể lại câu chuyện của thầy mẹ tôi trong ngày giỗ của bà nội tôi mà tôi vô tình nghe được. Lúc ấy, mẹ tôi đang đứng trên cái ghế con để tìm cái gì đó trên nóc chạn. Thầy tôi nhắc. Cẩn thận, lại như cái...Mẹ tôi, giọng khó chịu xén ngang. Ông không nói chuyện cũ thì không được à? Cứ mở miệng ra là rủa người ta. Hay gì cái chuyện ấy mà nhắc mãi. Đánh người ta được một cái, thì mình ngã, nằm luôn đến giờ. Có bõ không?

Từ lúc ấy, tôi cảm thấy ác cảm với dượng kinh khủng. Vì dượng gái gú nên cô tôi ghen tuông, giằng giật với tình địch rồi ngã xuống sân giếng đầy rêu trơn. Tất nhiên là tôi suy đoán thế. Và cũng chưa bao giờ tôi hỏi mẹ, cái “người ta” kia là ai, vì có hỏi thì mẹ tôi cũng chả nói. Năm ấy, lúc cô tôi bị nạn, đứa út nhà tôi đang ốm sốt, thấy vợ chồng tôi đôn đáo lo cho con nên thầy tôi còn giấu tôi ấy chứ. Tuyệt nhiên ở làng, không một ai biết chuyện cô tôi vì đánh ghen mà ra nông nỗi ấy. Tuổi sáu mươi, đàn bà, mấy ai còn mất công ghen chồng. Vợ của những đức ông trăng hoa, tầm tuổi ấy, phần lớn là buông tay, tháo khoán, thả rông chồng. Dượng tôi, vì thế mà nể mẹ tôi một bực, khi mẹ tôi chọn cách im lặng, giữ kín bí mật nhà dượng.

Lại nói về đứa cháu gái nội giỏi giang của cô tôi. Sau khi dọn dẹp xong căn phòng của cô tôi thì nó bắt đầu lý lẽ bằng cái giọng điệu còn khá trẻ con. Bá ạ, cháu phải nghĩ cách phục hồi chức năng cho bà cháu. Cháu sẽ bảo bố mẹ thuê một bác sỹ có chuyên môn về giúp bà cháu vận động. Tôi ngạc nhiên. Có nhẽ con bé chưa hề biết gì về tình trạng của bà nội nó và kế hoạch của bố nó và ông nội. Nó giục tôi về ăn cơm rồi nghỉ để nó tắm cho bà.

Tôi cầm chiếc mũ cói, định trả về nóc tủ thì bất ngờ nhìn thấy trong lòng mũ một cái tên rất lạ, rất đẹp. Điền Hương. Nhất định đó là tên một người phụ nữ. Mọi suy đoán của tôi lúc trước càng trở nên có căn cứ. Tôi như người phát điên vì thương xót cô tôi. Cứ cùn cụt đi qua chiếc sân gạch lớn mà không chào hỏi bất kỳ ai. Ra đến cổng tôi thấy dượng đứng đó, đang trách mắng ai qua điện thoại. Cô quan liêu quá. Tôi và các cháu hết mực tin tưởng cô, thế mà cô lời phời, suýt nữa thì...

Thấy tôi, dượng không nói nữa. Tôi vùng vằng chạy về.

Thầy tôi đứng trên thềm, nét mặt rầu rĩ. Tôi bỗng trở nên thóc mách. Cái sự thóc mách mà bọn con gái đi lấy chồng thiên hạ hay phạm phải khi về nhà bố mẹ đẻ. Thầy! Điền Hương là ai hả thầy? Thầy tôi lắc đầu tỏ ý không hiểu gì. Tôi không cho là thầy đóng kịch với tôi. Tôi lặp lại lời nói dượng vừa trách ai đó. Thầy thật quan liêu. Đúng lúc ấy thì mẹ tôi từ trong buồng đi ra. Bà hắng giọng một cái là tôi im tịt. Xưa giờ, tôi chỉ quen “bắt nạt” thầy thôi. Còn với mẹ, đố dám.

Tôi một mình về nhà từ sáng để dự thôi nôi của cháu tôi, đứa con thứ hai của em trai. Xưa, làng tôi, tiệc mải đẻ, đầy tháng, thôi nôi đều ăn to lắm. Nhưng nay giản tiện đi rồi, có ba mâm cả nội ngoại hai bên thôi. Xong việc, tôi đã định về thì thầy tôi giữ lại và bảo tôi đợi cô, chiều nay gia đình đưa cô tôi từ bệnh viện về. Mẹ tôi thì đi dọn đồng cho nhà dì tôi. Nghĩa là nhà dì tôi thầu đồng thả cá, cuối năm thì tháo nước, gạn đồng, bắt cá bán. Mẹ tôi ra đồng không phải để kéo lưới, vì đấy là việc của đàn ông, thanh niên. Mẹ tôi chỉ làm những việc vặt như phân loại cá, dọn rác khỏi lưới, xem mã cân của những tay buôn rồi ghi lại. Hoặc đơn giản là ngồi canh những sọt cá trước khi thương lái đến. Thường sau những buổi dọn đồng của mẹ, nhà sẽ ăn cá nửa tháng, đến phát ớn. Tôi chỉ lạ là thầy không hề can mẹ tôi một câu, kiểu như “bà không nghỉ được lấy một buổi chiều à?”. Và mẹ tôi thì coi việc cô tôi về hay đi không liên quan gì đến bà. Làng tôi, những mối quan hệ chị dâu em chồng đều thế cả, chỉ là hình thức. Mẹ tôi với cô tôi thì cũng nhạt hơn nước ốc.

Nhà chỉ còn có tôi và thầy là không làm gì ngoài việc đi ra đi vào, chờ chuyến xe trả người của bệnh viện.

Bữa tối ắng lặng, chỉ có tiếng nhai nuốt. Thầy tôi không ăn. Cứ đứng ngoài thềm. Ông bà nội tôi có ba người con trai, và duy nhất cô tôi là gái, cũng là út trong nhà. Xưa, “tam nam bất phú”. Vì phú sao được khi ba lần cưới vợ, ba lần làm nhà cho con trai. Mẹ tôi kể, khi tôi lên mười, thì món nợ ngày cưới của thầy mẹ tôi mới được trả xong. Mẹ tôi cũng nói, thầy tôi thương cô tôi có khi còn hơn cả vợ con. Vì ông nội tôi mất khi cô tôi mới ba tuổi. Chính cái sự bù trì của tất cả các anh trong nhà dành cho em gái, mà cô tôi may mắn được học nhiều hơn những người cùng trang lứa. Học hành tử tế, tương lai sáng lạn, thế mà cô tôi như người ăn phải bùa mê thuốc lú khi phải lòng dượng, người hơn cô đến chục tuổi và đã qua một đời vợ. Bạn bè cô tôi khi ấy phản đối ghê lắm. Họ bảo cô tôi điên thì mới lấy dượng. Tất nhiên là tôi nghe thầy kể thôi. Chứ họ lấy nhau từ lúc thầy mẹ tôi chưa cưới nhau. Thằng Sỹ con cô còn hơn tôi ba tuổi cơ mà. Dượng tôi là cán bộ ở một ty thời ấy, quyền lực lắm. Cả làng tôi, duy nhất có gia đình dượng tôi là giàu sang một cách mẫu mực. Dượng tôi là người đàn ông hào hoa, đẹp trai phong độ và có khiếu hài hước. Trong khi cả làng còn cháo sắn cơm khoai và chạy ăn từng bữa thì nhà dượng tôi vẫn cơm trắng, thịt thính, cá kho. Tôi còn nhớ, khi tôi năm, sáu tuổi, nhà tôi ăn cơm trên cái mẹt cũ. Cô tôi thương tình đã đem về biếu thầy tôi chiếc mâm gỗ có ba chân còn mới. Cô bảo, dù ăn khoai sắn mà xếp ra cái mâm thì vẫn dễ nuốt hơn là để dưới cái mẹt, nom tạ tệt sao ấy. Một lần dượng sang nhà tôi, thấy cái mâm gỗ thì dượng không hài lòng với cô tôi lắm, liền bảo cô tôi đem cho nhà tôi cái mâm nhôm còn mới nguyên, dượng đi công tác Hải Phòng mua về. Chiếc mâm ấy giờ thầy tôi cũng vẫn dùng để kháp đỗ nấu canh. Một thời gian, chị em tôi toàn mặc lại đồ con nhà cô. Nồi niêu, bát đĩa đến cái đài bán dẫn, sau này là cái ti vi đen trắng cũng của nhà cô. Nhà cô thải ra món đồ nào thì gia đình tôi và hai chú tôi cũng dùng hết. Đi xa về gần, có quà cáp gì, dượng cũng bảo cô tôi đem biếu nhà tôi và các chú. Nói như thế để thấy tình cảm của gia đình cô với nhà tôi ngày xưa là rất thật tình. Thầy tôi và cô quý nhau lắm. Anh cả và em út hợp nhau kỳ lạ. Cứ rủ rỉ trò chuyện suốt được. Nên tôi hiểu, thầy tôi không thể nuốt trôi thứ gì lúc này, khi cô tôi nằm đó, chờ giờ. Tôi chợt ân hận vì mình đã căn vặn thầy, bắt thầy trả lời câu hỏi thầy không hề muốn nghe lúc này.

Sau bữa tối, lúc đang cùng em mợ rửa bát, tôi hỏi thầm: “Dượng có bồ à?”. Em mợ nhìn tôi như thăm dò độ tin cậy, nó nhảo ra cửa bếp trông chừng xem có ai không, rồi quay vào mới nói nhỏ. “Ngày trước thì có, vẫn thậm thụt với bà vợ cũ, từ độ cô ngã phải đi viện thì thôi rồi”. Tôi thấy bở, hỏi dấn. Thế mợ có biết Điền Hương là ai không? Em dâu ngơ ngác. Em chịu. Có thể Điền Hương là cái bà mà dượng đi gặp về rồi hai người cãi nhau to lắm, giữa đêm. Mẹ biết đấy, mẹ còn sang can hai người mà. Cũng đêm ấy, cô gặp nạn. Tôi như người vừa thoát khỏi khu rừng này lại lạc vào khu rừng khác. Tóm lại cũng vẫn do dượng cả. Ăn ở không ra gì cô tôi mới thế. Số cô tôi khổ, khổ đến lúc nhắm mắt cho mà xem.

Khuya lắm, thầy tôi mới từ nhà cô tôi về. Tiếng kẹt cửa do cánh cửa gỗ mùa hanh bị vênh như đánh thức cả nhà. Mẹ tôi hỏi luôn không cần phải kín đáo. Sao rồi ông? Giọng thầy phấn chấn: “Vừa tự ăn hết cả bát con cháo. Cái Liên đút đến đâu ăn đến đó. Cả nhà mừng lắm. Có nhẽ, trời giữ nó lại”. Tiếng mẹ tôi rất tỉnh. “Thì vưỡn. Giời định hết”.

Tôi thở phào. Thế là yên tâm một mối. Nhẽ ra, tôi phải ngủ một giấc đẫy thì cả đêm tôi lại trằn trọc, vật lộn với hai chữ “Điền Hương”. Tôi ghét dượng bao nhiêu thì căm cái người đàn bà tên là Điền Hương bấy nhiêu. Họ đã làm gì để cô tôi đến nỗi ấy. Theo như em dâu nói thì mẹ tôi biết mọi chuyện. Vậy mà mẹ tôi lại im lặng để cho dượng tôi không phải chịu bất kỳ phán xét nào trong lúc cô tôi nằm một chỗ như thế. Có khi nào mẹ tôi vì ghen ghét cô tôi mà tiếp tay cho kẻ thứ ba khốn kiếp ấy? Không thể như thế. Mẹ tôi là người đanh đá đáo để nhưng lại là người sống biết điều và tử tế. Làng này, cứ như là nết đất, từ gái đến dâu, ai cũng đanh đá đáo để cả. Nhưng họ vẫn sống yên hòa với nhau đấy thôi. Thời nay, con người đừng bao giờ cố tìm cách mà so với ngày xưa. Cuộc sống của con người bây giờ khác rồi. Khi xưa nhà cách nhà có một bờ dậu cúc tần, có gì ngon ngọt, nóng hổi, nhảng qua rào cho nhau, mời nhau ăn. Giờ khấm khá, nhà nào cũng tường cao vút cắm mảnh chai hoặc giăng thép gai như lô cốt, miếng ăn cũng không còn quan trọng. Bà nội tôi ốm nằm bệnh viện, các chú thím tôi và các cháu thay phiên nhau trông nom săn sóc bà, nhồi nhét đủ thứ mà lúc bà khỏe không có để ăn. Đâu như cô tôi bây giờ, nằm hiu hắt từ sáng đến tối, chỉ đến giờ ăn, giờ uống, giờ tắm mới có người bên cạnh. Vào bệnh viện thì chỉ còn một cô người làng thấy bảo dượng thuê một tháng cả chục triệu. Thế mà thoắt cái cô ấy đã chạy ra ngoài mua nọ sắm kia, điều dưỡng cần gọi mãi chả được... Mắt cay xè, tôi mở cửa đi ra thềm.

Mẹ tôi đã ngồi chải tóc trên chiếc ghế nhựa con. Tóc mẹ tôi rụng rất nhiều nên mẹ không chải bằng lược mà bằng những ngón tay xương gầy. Có lẽ mẹ tôi cũng không ngủ được. Nhìn những ngón tay mẹ, tôi nhớ đến cái lược thưa răng để ở phòng dượng. Nhẽ nào dượng đã sắm nó để cô tôi về chải cho đỡ rụng. Và khi cô tôi về, tóc đã bị cạo hết thì cái Liên bảo tôi cất lược đi cho cô đỡ tủi. Thế còn chiếc mũ có chữ Điền Hương thì sao? Trong lúc tâm trạng tôi bị xáo động mạnh mẽ thì hai chữ “Điền Hương” cũng bị lật ngược lại, thành “Hường Điên”. Tôi rùng mình. Chả phải tên cúng cơm của cô tôi là Hường đó sao?

Tôi như người bừng tỉnh sau một giấc mộng dài, dụi mắt, thấy mẹ tôi vẫn ngồi đó, xe xe tết tết. Tôi lại gần mẹ, ngồi xuống phía sau. Mẹ để con tết tóc cho. Mẹ nguýt tôi. Có khéo bão to. Tôi vòng tay ôm mẹ và mái tóc hao hụt rất nhiều của mẹ vào lòng, bật cười. Sắp tết đến nơi rồi, làm gì có bão. Mẹ này, mẹ có thấy cái mũ cói trong phòng cô Út không? Mẹ tôi thở dài. Dượng mày lãng mạn quá cũng gây họa. Hôm ấy dượng cùng đồng nghiệp cũ đi du lịch mang về cái mũ và một số món quà nữa đều ghi tên cô, nhưng lại không tặng luôn, mà giấu vào trong tủ, đợi ngày hôm sau, đúng vào kỷ niệm ba lăm năm ngày cưới thì tặng. Đêm ấy cô thấy, chưa xem kỹ, đã vội nổi cơn ghen tanh bành. Tính cô con thế, ai lạ gì. Nên nghe thằng Sỹ gọi, thầy mẹ chạy sang ngay. Nhưng mới đến sân thì đã nhìn thấy cô Út nhảy lên để đánh vào mặt dượng và ngã. Mẹ nghĩ, cô con đã phục hồi từ cách đây hơn một tháng, thậm chí cả năm, nhưng không muốn ai biết và không ai hay biết. Tại sao cô lại không muốn mọi người biết? Sao giăng gì, để còn đong đo lòng dạ chồng con chứ. Mẹ có chắc là cô Út đã phục hồi không? Ô, thế người sống thực vật hoàn toàn thì làm gì biết tuyệt thực?

Ký ức là kho báu ẩn phía sau một cánh cửa kỳ lạ. Khi được mở ra, nó lập tức cuốn con người ta vào không thể cưỡng được. Tôi bỗng nhớ hồi tôi còn bé, trong một lần ăn cơm ở nhà cô. Mà tôi rất hay ăn chực cơm nhà cô mỗi khi có thức ăn ngon. Hôm ấy, cô mổ gà, đầu bữa ăn, dượng tôi ân cần gắp quả tim gà vào bát của cô tôi và nói bằng tất cả sự âu yếm pha với hài hước. “Xin phép cả nhà nhé. Đây là phần của Điền Hương.” Giờ thì tôi tin, cánh cửa ấy, đã mở ra với cô tôi.

Văn nghệ, số 1+2/2022
Hội Nhà văn Việt Nam: Trao Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2024

Hội Nhà văn Việt Nam: Trao Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2024

Baovannghe.vn - Giải thưởng Nhà văn nữ ấn tượng năm 2024 đã được trao cho Nhà văn Đỗ Thị Tấc – Lai Châu và nhà văn Phương Huyền – Thành phố Hồ Chí Minh.
Loanh quanh - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Loanh quanh - Thơ Nguyễn Đăng Khương

Baovannghe.vn- Mặt ghềnh khát giọt mưa khô/ Chìm trong tuổi cũ cá rô lên đồng
Mađagui. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

Mađagui. Truyện ngắn dự thi của Hà Đình Cẩn

Baovannghe.vn - Tôi nói, anh sẽ về. Anh lúc nào cũng nhớ đến Mađagui, vì Mađagui có một người con gái như Nụ. Nụ không nói mà nhẹ áp má lên vai tôi ngủ tiếp
Không đề - Thơ Lê Nguyệt Minh

Không đề - Thơ Lê Nguyệt Minh

Baovannghe.vn- Không kịp nhìn sương mù/ khi sương tan đi mặt vẫn cúi gằm
Võ Đăng Khoa và Phùng Thị Hương Ly, nhận Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2024

Võ Đăng Khoa và Phùng Thị Hương Ly, nhận Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2024

Baovannghe.vn - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam - Nguyễn Quang Thiều vừa có Quyết định số 99/QD-HV, giành 60 triệu đồng trao Giải thưởng Tác giả trẻ năm 2024