Với 4 album là 4 màu sắc khác nhau, từ Soul, Jazz cho đến Pop và nhiều chất liệu trộn lẫn, Đinh Hương luôn không hài lòng với những gì đã làm mà luôn vươn đến những điều mới mẻ, mê hoặc người nghe như một “black magic woman” mà cô đặt tên cho album của mình.
Cũng đã khá lâu kể từ bộ đôi Đinh Hương Sings The Golden Oldies và Love Đinh Hương chị mới ra mắt album Black Magic Woman. Chị có thể chia sẻ vì sao lại có khoảng cách quá dài này không?
Đúng là phải 8 năm sau bộ đôi album gần nhất tôi mới trở lại với Black Magic Woman. Lý do ư? Nếu âm nhạc phản ánh chính bạn, thì mọi thứ chắc chắn không thể vội vàng! Tôi nghĩ bất kỳ ai trong chúng ta cũng cần thời gian để nuôi dưỡng trải nghiệm và thấu hiểu mình. Với tôi âm nhạc là điều không thể làm giả - nếu trải nghiệm còn ít, âm nhạc sẽ thiếu chiều sâu! Đó là lý do tôi chọn chờ đợi để bản thân trưởng thành hơn trong nhiều khía cạnh.
Liệu có cực đoan không khi tôi luôn nhắc bản thân rằng hãy để những ai đang chờ đợi sự trở lại của Đinh Hương cảm thấy xứng đáng? Nhưng rồi tôi rút ra rằng nếu không thể cống hiến điều gì đó mới mẻ cho nghệ thuật, tốt nhất là không nên bước lên sân khấu - thánh đường thiêng liêng nhất của người nghệ sĩ.
Mất đến 8 năm để “thai nghén” một dự án, liệu có thể nói sự chờ đợi ấy chỉ là để con người bên trong Đinh Hương được trưởng thành hơn?
Đúng là để thực hiện một dự án lớn ở cấp độ album thì chỉ sự trưởng thành nội tại thôi là chưa đủ. Trên cương vị nhà sản xuất âm nhạc và người định hình tổng thể âm thanh, tôi cùng ekip cũng cần thời gian để nghiên cứu, thử nghiệm và tìm ra hướng đi phù hợp nhất, rằng phải làm sao lột tả một cách trọn vẹn tầm nhìn của người nghệ sĩ. Black Magic Woman không chỉ là một album, mà là kết tinh của tất cả những điều đó - một hành trình dài để tạo nên âm nhạc thực sự xứng đáng với đam mê và khán giả của tôi.
|
Trong thời gian đó chị cảm nhận bản thân đã đổi khác ra sao?
Tôi không cố gắng để thay đổi khác đi mà là trở thành phiên bản chân thật nhất của chính mình ở thời điểm hiện tại. Nếu The Voice 2012 là cánh cửa mở ra hành trình của Đinh Hương, thì Black Magic Woman chính là dấu mốc trưởng thành, nơi tôi thực sự làm chủ nghệ thuật của mình.
Hành trình này không phải là sự “rũ bỏ” hình ảnh cũ, mà là một sự phát triển tự nhiên. Nếu trước đây, âm nhạc của tôi gắn liền với soul-pop hay blues-rock, thì giờ đây, tôi đã mở rộng biên giới sáng tạo, hòa quyện những yếu tố của dark-pop, space-rock, disco-funk… hoặc bất cứ thể loại nào có thanh âm quyến rũ mà mình thấy phù hợp và có thể tìm được, vì Black Magic Woman là người đàn bà sở hữu những thanh âm quyến rũ bậc nhất cơ mà! Đây là sự chuyển mình từ cảm xúc đến tư duy nghệ thuật - một cách thể hiện mà tôi tin rằng sẽ mang đến trải nghiệm mới mẻ hơn cho khán giả nhưng vẫn giữ nguyên linh hồn và chất riêng của bản thân.
“Trải nghiệm mới nhưng vẫn giữ nguyên chất riêng” được thể hiện thế nào, thưa chị?
Từ The Voice 2012 cho đến album SOUL, tôi luôn theo đuổi một cá tính âm nhạc riêng biệt, đặt trọng tâm vào cảm xúc và chiều sâu nội tâm. Ngày ấy tôi là một cô gái trẻ đầy đam mê, mang trong mình tình yêu mãnh liệt với soul-pop, blues-rock và những thanh âm cổ điển. SOUL là một tuyên ngôn về cá tính âm nhạc lúc bấy giờ: mộc mạc, chân thành nhưng không kém phần dữ dội.
Với Black Magic Woman giờ đây, tôi vẫn là chính mình, nhưng ở một phiên bản táo bạo, từng trải và có chiều sâu hơn. Nếu trước đây âm nhạc của tôi mang đậm sự hoài niệm, chất chứa sự khắc khoải trong từng giai điệu và đôi khi tự giới hạn trong một không gian âm nhạc nhất định, thì giờ đây tôi đã phá bỏ mọi ranh giới, tự do khám phá những miền thanh âm mới. Đi đến đâu không quan trọng, miễn là mỗi giai điệu đều hướng đến sự quyến rũ, bí ẩn và mê hoặc nhất có thể.
Điểm chung giữa hai hành trình là sự trung thành với bản năng nghệ thuật của chính mình, luôn đặt cảm xúc làm “kim chỉ nam”. Còn điểm khác biệt lớn nhất chính là sự trưởng thành trong cách kể chuyện và sự táo bạo trong sáng tạo. Nếu SOUL là một cô gái yêu âm nhạc bằng cả trái tim non trẻ, thì Black Magic Woman là một người đàn bà làm chủ âm nhạc bằng toàn bộ linh hồn và trải nghiệm của mình.
Với khoảng thời gian chờ đợi lâu như thế, chị có sợ khán giả lãng quên mình không?
Tôi tin âm nhạc không chỉ đơn thuần là những sản phẩm phát hành liên tục để giữ sự hiện diện cho người nghệ sĩ. Với tôi, âm nhạc là sự kết nối sâu sắc giữa nghệ sĩ và khán giả, để một khi đã chạm đến trái tim nhau, sự đồng điệu ấy sẽ không dễ dàng mất đi.
Phải khẳng định là tôi không lo lắng về việc bị lãng quên mà quan tâm hơn bản thân sẽ trở lại với điều gì và như thế nào. Black Magic Woman là một dự án mà tôi đã dành trọn tâm huyết, không chỉ để xuất hiện mà còn là để cống hiến một cách xứng đáng. Nếu sự chờ đợi có thể mang lại một sản phẩm đủ chất lượng và giá trị thì tôi tin rằng khán giả sẽ thấu hiểu và đón nhận nó.
Trong thời gian đó không chỉ chị mà khán giả và thị hiếu cũng thay đổi. Chị cảm nhận điều này thế nào?
Năm 2012, khi album SOUL phát hành, giám đốc âm nhạc - nhạc sĩ Phương Uyên từng chia sẻ với tôi rằng: “Album này tương đối đi trước thị hiếu đại chúng của thị trường Việt Nam nên sẽ khó tiếp cận khán giả đại chúng. Tuy nhiên, đĩa nhạc sẽ có giá trị dài lâu, vì nhiều năm sau nghe lại vẫn sẽ không cũ.”
Sau hơn một thập kỷ, gu thưởng thức âm nhạc của khán giả đã thay đổi rất nhiều. Nếu như năm 2012, người nghe vẫn quen với việc thưởng thức nhạc qua CD, radio hay chờ đợi sản phẩm được phát hành chính thức trên truyền hình, thì ngày nay, nhờ các nền tảng số, mọi thứ diễn ra nhanh hơn, đa dạng hơn và cá nhân hóa hơn. Tuy nhiên, dù thời gian có thể thay đổi cách nghe nhạc, giá trị cốt lõi của một sản phẩm âm nhạc chất lượng vẫn không đổi.
Khán giả hiện tại có thể dễ bị thu hút bởi xu hướng, nhưng đồng thời, thế hệ GenZ cũng lớn lên với khả năng tiếp nhận dòng chảy âm nhạc thế giới một cách nhạy bén. Điều đó khiến họ không chỉ khó tính hơn, mà còn chủ động tìm kiếm những màu sắc âm nhạc thực sự khác biệt, có cá tính và chiều sâu.
Với Black Magic Woman, tôi không cố gắng chạy theo thị hiếu mà chọn cách kể câu chuyện sao cho cuốn hút nhất. Đây là một album mang tinh thần quốc tế, được xây dựng trên những chất liệu âm nhạc hiện đại, phá vỡ mọi giới hạn nhưng vẫn giữ trọn vẹn linh hồn của tôi trong đó. Và tôi tin rằng khi thị hiếu khán giả ngày càng có sự giao thoa mạnh mẽ với âm nhạc thế giới, sẽ đến một ngày những thanh âm mà tôi tạo ra sẽ được lắng nghe - theo cách đúng người, đúng thời điểm.
Album mới của chị ra mắt cùng thời điểm với sản phẩm của nhiều gương mặt trưởng thành từ cuộc thi tìm kiếm tài năng khác, chị thấy bệ phóng ấy có vai trò thế nào trong sự nghiệp của một người nghệ sĩ?
Các cuộc thi tìm kiếm tài năng là bệ phóng giúp nghệ sĩ đến gần hơn với khán giả, nhưng để đi đường dài, điều quan trọng nhất vẫn là nội lực của người nghệ sĩ và chiến lược phát triển phù hợp. The Voice 2012 đã chắp cánh cho tôi bước vào con đường nghệ thuật chuyên nghiệp, và đó là một hành trình mà tôi luôn trân trọng.
Suốt thời gian qua tôi đã nhận được nhiều lời mời quay trở lại các chương trình âm nhạc thực tế, nhưng chưa thể nhận lời. Bởi hơn ai hết tôi hiểu rằng điều quan trọng nhất với mình lúc này không phải là xuất hiện để nhắc nhớ về hào quang cũ, mà là dốc toàn tâm toàn ý để sáng tạo, để âm nhạc của mình ngày càng có chiều sâu và giá trị hơn.
Tôi tin rằng đã là sân khấu - dù là một gameshow hay một tour diễn riêng - thì trách nhiệm của người nghệ sĩ vẫn là cống hiến những gì tinh túy nhất. Và để có thể truyền cảm hứng thông qua âm nhạc, trước tiên, thứ âm nhạc ấy phải thực sự có giá trị. Khi mọi thứ đủ đầy, tôi sẽ không ngần ngại mang những thanh âm của mình đến bất cứ đâu.
Xin cám ơn chị đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn!