Sự kiện & Bình luận

Doanh nghiệp "sốc" trước đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng đối với sản phẩm hoạt động văn hóa, thể thao

Hồng Hà
Chính trị xã hội
10:56 | 29/10/2024
Baovannghe.vn - Việc tăng thuế giá trị gia tăng (GTGT) với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân đối với các sản phẩm, hàng hóa và dịch vụ mang tính công cộng này đồng thời sẽ khiến các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa vốn đã khó khăn sau đại dịch Covid-19 này lại "chồng thêm khó".
aa

Tại Kỳ họp thứ 8, dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi) dự kiến được Quốc hội thảo luận hội trường vào ngày 29/10, dự kiến bấm nút thông qua ngày 26/11. Trong đó, một số quy định tại dự thảo Luật liên quan đến thuế về lĩnh vực Văn hóa đang được các đại biểu Quốc hội, văn nghệ sĩ, người thực hành sáng tạo, doanh nghiệp và dư luận quan tâm, cho ý kiến. Đáng quan tâm là việc dự thảo lần này đã bỏ quy định các hàng hóa, dịch vụ của hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5%, tăng lên mức 10%.

Việc tăng thuế GTGT với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân đồng thời là một "đòn" giáng vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa khi đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 - bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD - một trong những công ty tư nhân đầu tiên tại Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực truyền thông, phân phối, và hợp tác sản xuất các chương trình truyền hình và điện ảnh đã có chia sẻ.

Doanh nghiệp "sốc" trước đề xuất tăng thuế GTGT đối với sản phẩm hoạt động văn hóa, thể thao
Việc tăng thuế GTGT với hoạt động văn hóa, thể thao sẽ hạn chế khả năng tiếp cận của nhân dân đồng thời là một "đòn" giáng vào các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực văn hóa khi đang gặp nhiều khó khăn sau đại dịch Covid- 19 (Ảnh minh họa)

Thưa bà, các hoạt động văn hóa, triển lãm, thể dục, thể thao, biểu diễn nghệ thuật, sản xuất phim, nhập khẩu, phát hành phim và chiếu phim đang được hưởng thuế suất thuế giá trị gia tăng 5% theo Điểm n, Khoản 2, Điều 8 của Luật Thuế giá trị gia tăng năm 2008. Vậy nhưng trong dự thảo Luật Thuế giá trị gia tăng (sửa đổi), các hàng hóa, dịch vụ này lại bị đưa ra khỏi danh mục được hưởng thuế suất 5%, tức là sẽ phải chịu mức thuế 10% (Khoản 3, Điều 9, dự thảo Luật). Quan điểm của bà về vấn đề này như thế nào?

- Thời gian vừa qua, rất nhiều chủ trương, Nghị quyết của Đảng, Nhà nước về phát triển văn hóa được ban hành trong đó nhấn mạnh sẽ có chính sách hỗ trợ phát triển văn hóa, đưa văn hóa ngang hàng với kinh tế, chính trị. Các doanh nghiệp làm văn hóa rất vui vì đã nhận được sự quan tâm. Tuy nhiên, không hiểu tại sao sau rất nhiều nghị quyết của Đảng, chính sách của Nhà nước, ý kiến của các Lãnh đạo Đảng và Nhà nước là cần ưu tiên phát triển văn hóa, thì khi đi vào thực tiễn lại thực hiện ngược lại là tăng thuế lên 10%.

Các chủ trương, nghị quyết của Đảng, Nhà nước khi đi vào thực tiễn được thể hiện ở trên các Luật. Tôi lấy ví dụ Luật Điện ảnh (sửa đổi, có hiệu lực ngày 1/1/2023) là Nhà nước hỗ trợ phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, hỗ trợ như thế nào thì phải trên cơ sở thực tiễn là Luật Thuế. Khi doanh nghiệp chúng tôi nhận được thông tin về Luật Thuế GTGT thì rất sốc, thay vì cần giảm thuế để hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa thì lại tăng. Mà mức tăng từ 5% lên 10% là rất cao.

Chúng tôi rất mong Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp văn hóa từ chính sách cụ thể thì doanh nghiệp mới phát triển được.

Doanh nghiệp "sốc" trước đề xuất tăng thuế GTGT đối với sản phẩm hoạt động văn hóa, thể thao
Bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD

Sau giai đoạn khó khăn bởi Covid-19, các doanh nghiệp nói chung đặc biệt là doanh nghiệp trong lĩnh vực văn hóa đang gặp khó khăn. Chính sách này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến doanh nghiệp và người dân thưa bà?

- Sau Covid-19 doanh thu phòng vé mới đạt hơn 80% so với giai đoạn trước dịch bệnh. Các doanh nghiệp điện ảnh, văn hóa đều rất khó khăn. Thực tiễn, sau Covid-19 các doanh nghiệp kinh tế được giảm và hoàn thuế, nhưng doanh nghiệp văn hóa thì không được hưởng bất cứ 1 chính sách ưu đãi nào. Nếu Quốc hội thông qua chính sách tăng thuế này sẽ tác động rất lớn đến tốc độ phát triển công nghiệp văn hóa, sẽ rất khó khăn để phát triển văn hóa.

Giai đoạn dịch bệnh, chúng tôi vẫn chịu lãi suất ngân hàng, vẫn phải chi lương nhân viên, rạp, và nhiều chi phí khác tạo ra khoản lỗ khổng lồ của các doanh nghiệp. Đối với BHD nói riêng, các doanh nghiệp điện ảnh nói chung, lỗ ròng, nợ của 3-4 năm Covid-19 phải chục năm nữa chưa chắc đã bù lại được.

Tôi nghĩ, Đảng, Nhà nước vẫn luôn kêu gọi hỗ trợ văn hóa. Nhưng công nghiệp văn hóa đang bị điều khiển bởi kinh tế thị trường mà chưa có chính sách riêng cho văn hóa. Việc tăng thuế sẽ làm khó cho các doanh nghiệp đã rất vất vả làm văn hóa, còn làm hạn chế, làm chậm lại sự đầu tư vào văn hóa, sẽ rất khó khăn trong tiến trình phát triển văn hóa nói chung, công nghiệp văn hóa nói riêng.

Miễn, giảm thuế giá trị gia tăng cho các sản phẩm và dịch vụ văn hóa không chỉ là một chính sách tài chính, mà còn là một bước tiến quan trọng thúc đẩy phát triển văn hóa đất nước. Bằng cách hỗ trợ văn hóa qua các chính sách thuế hợp lý, chúng ta đang đầu tư vào nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng một cộng đồng văn hóa mạnh mẽ, đa dạng và phát triển bền vững, góp phần xây dựng đất nước giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Vì vậy, nếu không hỗ trợ thì giữ nguyên mức thuế chứ không nên tăng.

Đối với doanh nghiệp văn hóa, việc tăng thuế GTGT khiến chúng tôi hoang mang, thất vọng. Còn đối với người tiêu dùng, tôi nghĩ chính sách này sẽ hạn chế người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm văn hóa, thể thao.

Người tiêu dùng rất nhạy cảm với giá cả. Hiện nay, dù tăng lương nhưng trước mặt bằng chung nhiều thứ tăng giá theo nên trên thực tế, với mức lương tăng, người tiêu dùng vẫn mua được ít sản phẩm hơn. Vì giải trí là thứ cắt giảm dễ nhất, mà người dân chỉ lưu ý cơm ăn áo mặc nên nếu tăng giá vé lên 5% nữa thì tổng doanh thu sẽ giảm chứ không tăng trưởng. Thêm "đòn" nữa giáng rất mạnh lên doanh nghiệp trong thời điểm đang khó khăn.

Theo bà, chúng ta cần chính sách hỗ trợ như thế nào đối với sự phát triển của văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng?

- Rất nhiều quốc gia trên thế giới có chính sách miễn, giảm thuế cho phát triển văn hóa nói chung và các lĩnh vực cụ thể của văn hóa nói riêng. Pháp, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Trung Quốc... các nước làm từ thời kỳ đầu của công nghiệp văn hóa. Họ hỗ trợ tầm 30-40 năm rồi, cho đến bây giờ đang ở đỉnh cao của công nghiệp văn hóa và có thể dừng và tăng thuế. Nhưng chúng ta không thể áp dụng các chính sách hiện nay ở các nước đã phát triển công nghiệp văn hóa mà phải vận dụng các chính sách hỗ trợ phát triển công nghiệp văn hóa ở giai đoạn đầu.

Xin trân trọng cảm ơn bà!

Hồng Hà (thực hiện) / Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên: hướng đến nhân văn và tiến bộ Cần cơ chế riêng cho Di sản đặc thù, Di sản thế giới Sửa Luật BHYT: Thông tuyến và đảm bảo công bằng cho người bệnh Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn: Thực hiện phân cấp tránh chồng chéo Họp Quốc hội: Các đại biểu thảo luận về dự án Luật Đầu tư công sửa đổi
bvhttdl.gov.vn
Mắt lá - Thơ Nguyễn Thế Nhân

Mắt lá - Thơ Nguyễn Thế Nhân

Baovannghe.vn- Anh tạo cây thác đổ/ Dòng sông chảy ngược lên trời/ Thác đổ / Cây lớn xuống
Chùm thơ của Bùi Minh Quốc

Chùm thơ của Bùi Minh Quốc

Baovannghe.vn- Mẹ đứng bên con dáng mẹ lưng còng/ Mái tóc bạc tới vai con vừa chạm/ Con lại nhớ ngày tản cư những dặm đường lửa đạn
Quyền lực khán giả và “cái chết” của thần tượng

Quyền lực khán giả và “cái chết” của thần tượng

Baovannghe.vn - Khán giả kết nối với thần tượng (ca sĩ, diễn viên, người nổi tiếng…) thông qua các sản phẩm văn hoá nghệ thuật, giải trí. Bản chất của sự kết nối này luôn đến từ sự hâm mộ, tức những tưởng tượng, vốn có tính hướng thượng (hướng đến giá trị chân thiện mỹ). Điều gì sẽ xảy ra khi một thần tượng sụp đổ hình tượng?
Hàng rong trên đường phố Hà Nội xưa

Hàng rong trên đường phố Hà Nội xưa

Baovannghe.vn - Hàng rong không chỉ ở Hà Nội mới có nhưng hàng rong trên đường phố Hà Nội đã tạo nên nét đẹp riêng trong văn hóa của phố thị.
Phim tài liệu "Thư gửi mẹ" giành giải thưởng Silvana S Film tại Liên hoan phim LENScape

Phim tài liệu "Thư gửi mẹ" giành giải thưởng Silvana S Film tại Liên hoan phim LENScape

Baovannghe.vn - Phim tài liệu ngắn Thư gửi Mẹ (Dear Mom) do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam đồng sản xuất cùng đạo diễn Hà Lệ Diễm đã xuất sắc giành giải Silvana S Film - giải thưởng cao nhất tại Liên hoan phim tài liệu ngắn Đông Nam Á LENScape.