Đầu phiên họp sáng ngày 25/10, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Quốc hội cũng thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn. Sau đó, Quốc hội sẽ họp riêng về công tác nhân sự.
Đại biểu tham dự phiên họp |
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình |
Theo đó, trong buổi sáng, quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (QHĐTNT).
Về lấy ý kiến đối với nhiệm vụ quy hoạch, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng thiết kế lại Điều 35 và Điều 36, phân biệt giữa việc lấy ý kiến đối với nhiệm vụ quy hoạch và việc lấy ý kiến đối với quy hoạch đô thị và nông thôn về trách nhiệm, đối tượng, nội dung, hình thức, thời gian lấy ý kiến, và việc chỉ lấy ý kiến cộng đồng dân cư đối với QHĐTNT.
Trình tự, thủ tục lấy ý kiến cộng đồng dân cư được thực hiện theo quy định pháp luật về thực hiện dân chủ; cơ quan tổ chức lập QHĐTNT có trách nhiệm tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến cộng đồng dân cư và phải công bố công khai và bảo đảm quy chế dân chủ.
Về phạm vi đối tượng lấy ý kiến, vấn đề này được xác định rõ tại nhiệm vụ QHĐTNT. Để rút ngắn thời gian tổ chức lập nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch, thời gian lấy ý kiến đã được điều chỉnh, đối với nhiệm vụ quy hoạch, các cơ quan được yêu cầu cho ý kiến trong vòng 7 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ.
Đối với QHĐTNT, các cơ quan, tổ chức và chuyên gia được yêu cầu cho ý kiến trong vòng 15 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ, cộng đồng dân cư cho ý kiến trong vòng 30 ngày, bảo đảm phù hợp với tính chất và yêu cầu, mục đích của việc lấy ý kiến.
Điểm mới của Dự thảo Luật - Chuyển quy định tại Điều 40 về lấy ý kiến Bộ Xây dựng và ý kiến của cơ quan chuyên môn về QHĐTNT sang Điều 36 và chỉnh lý theo hướng làm rõ nội dung, giá trị pháp lý và thời hạn cho ý kiến của các cơ quan này và phù hợp với thực tiễn lập QHĐTNT ở nước ta. - Xác định rõ về thẩm quyền phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và quy hoạch đô thị và nông thôn được chỉnh lý theo hướng tiếp tục phân cấp thẩm quyền phê duyệt từ Thủ tướng Chính phủ xuống cho UBND cấp tỉnh đối với các quy hoạch có tính chất cụ thể hóa quy hoạch tỉnh và quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhằm tăng cường vai trò, tính chủ động và trách nhiệm của chính quyền địa phương. - Đồng thời, làm rõ thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết của khu vực có ý nghĩa quan trọng quốc gia về chính trị, văn hóa, lịch sử, an ninh, quốc phòng được xác định trong quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch chung thành phố trực thuộc Trung ương. - Ngoài ra, dự thảo Luật sửa đổi cũng đã bổ sung quy định đối với QHĐTNT thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND cấp tỉnh mà do UBND cấp huyện tổ chức lập thì UBND cấp huyện tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch theo trình tự, thủ tục do UBND cấp tỉnh quy định. - Dự thảo Luật tiếp tục quy định thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch, quy hoạch chung thành phố thuộc tỉnh là đô thị loại I, phù hợp với vị trí, chức năng, vai trò của đô thị loại I cần được kiểm soát chặt chẽ về mặt không gian. |
Chiều 25/10, Quốc hội tiếp tục họp công tác nhân sự. Đồng thời, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi); thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).
------------
Bài viết cùng chuyên mục: