Diễn đàn lý luận

Đọc lại Xuân Diệu, nghĩ về thơ tình hiện nay

Lý luận phê bình
08:43 | 09/12/2023
Thi sỹ Xuân Diệu được coi là “Ông hoàng” thơ tình mà sinh thời trong Thi nhân Việt Nam nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh đã viết: “ Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết” (Tr.103 Thi Nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội 1988)
aa

Thi sỹ Xuân Diệu được coi là “Ông hoàng” thơ tình mà sinh thời trong Thi nhân Việt Nam nhà phê bình văn học nổi tiếng Hoài Thanh đã viết: “... Thơ Xuân Diệu là một nguồn sống rào rạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời, sống vội vàng, sống cuống quýt, muốn tận hưởng cuộc đời ngắn ngủi của mình. Khi vui cũng như khi buồn, người đều nồng nàn, tha thiết...” (Tr.103 Thi Nhân Việt Nam, NXB Văn học, Hà Nội 1988)

Tôi thuộc thế hệ mê thơ tình Xuân Diệu. Không chỉ những người làm thơ, yêu thơ mà thời tôi lúc còn là học sinh phổ thông, là sinh viên có nhiều người chép vào sổ tay, học thuộc lòng nhiều bài thơ tình Xuân Diệu. Tôi cũng có vài lần được gặp ông và nghe ông nói chuyện thơ say mê với sinh viên...

Mau với chứ, vội vàng lên với chứ

Em ơi em tình non sắp già rồi

Con tim hồng, trái tim nhỏ của tôi

Mau với chứ, thời gian không đứng đợi...

Nắng mọc chưa tin, hoa rụng không ngờ

Tình yêu đến, tình yêu đi ai biết

Trong gặp gỡ đã có mầm ly biệt...

(Giục giã)

Thơ tình Xuân Diệu có muôn điệu, muôn mầu, muôn vẻ... Nhưng điều dễ nhận thấy nhất là sự say đắm, nồng nàn, vội vàng, như muốn níu thời gian lại:

... Thôi hết rồi còn chi nữa đâu em

Thôi hết rồi gió gác với trăng thềm

Với sương lá rụng trên đầu gần gũi

Thôi đã hết hờn ghen và giận dỗi

(Được giận hờn nhau! sung sướng biết báo nhiêu!)

... Anh nhớ tiếng, anh nhớ hình, anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! em ơi

Anh nhớ anh của ngày tháng xa khơi

Nhớ đôi môi đang cười ở phương trời

Nhớ đôi mắt đương nhìn anh đăm đắm...

(Tương tư chiều)

Những câu thơ như:

... Thà một phút huy hoàng rồi chợt tối

Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm...

(Giục giã)

... Tháng giêng ngon như một cặp môi gần

Tôi sung sướng. Nhưng vội vàng một nửa...

... Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào người...

(Vội vàng)

Một thời chúng ta phê phán là “sống gấp” mà suy cho cùng đó là cái tình say đắm của thi sỹ Xuân Diệu.

Xuân Diệu để lại cho đời nhiều câu thơ mà khi gặp cảnh, gặp người ta như thấy thi nhân nói hộ lòng mình:

... Trăng sáng, trăng xa, trăng rộng quá!

Hai người nhưng chẳng bớt bơ vơ.

(Trăng)

... Sương nương theo trăng ngừng lưng trời

Tương tư nâng lòng lên chơi vơi...

(Nhị hồ)

... Những luồng run rẫy rung rinh lá

Đôi nhánh khô gầy xương mong manh...

... Đã nghe rét mướt luồn trong gió

Đã vắng người sang những chuyến đò...

(Đây mùa thu tới)

... Không gian như có dây tơ

Bước đi sẻ đứt, động hờ sẻ tiêu

Êm êm chiều ngẩn ngơ chiều

Lòng không sao cả, hưu hưu khẽ buồn...

(Chiều)

Trong bài viết này chủ yếu tôi nói đến tình yêu đôi lứa, từ “ông hoàng” thơ tình Xuân Diệu cho đến hiện nay thơ tình xứ ta có gì mới, có gì khác...?!

Thế hệ sau Xuân Diệu, nhiều nhà thơ làm thơ tình, như Xuân Quỳnh với Thơ tình cuối mùa thu được phổ nhạc, nhiều người yêu thích:

... Mùa thu ra biển cả

Với làn nước trong xanh

Mùa thu vào hoa cúc

Chỉ còn anh và em

Là của mùa thu cũ

Chỉ còn anh và em...

Hay như Lâm Thị Mỹ Dạ với bài Anh dừng khen em: “... Em sợ lời khen của anh/ Như sợ đêm về trời tối/ Nhiều khi em ngồi một mình/ Trách anh sao mà nông nổi/ Hãy chỉ cho em cái xấu/ Để em nên người tốt lành... Tình yêu khắt khe biết mấy/ Anh ơi, anh đừng khen em”. Nhà thơ Lê Thị Mây in rất nhiều thơ, có những câu thơ tình tôi đã thuộc lòng: “... Anh khoác ba lô về/ Đất trời dồn chật lại/ Em tái nhợt niềm vui/ Như trăng mọc ban ngày...”; “... Lỡ hẹn bóng chảng thành đôi/ Em như con dế không rời cỏ xanh...”.

Đinh Thị Thu Vân và Lý Phương Liên một dạo được nhiều người thích một số bài thơ tình. Khi Lý Phương Liên viết: “... Nhà em chạy tới nhà anh/ Vừa ra khỏi cửa đã thành ngã ba...” ý tứ rất gợi mở, còn Đinh Thu Vân: “... Trái tim đã đập chân thành/ Xin yêu ngày tháng chưa dành cho nhau...” lại rất nhân văn!

Tôi là người yêu thơ nên hàng ngày vẫn đọc thơ trên các báo, trên Facebook, những câu thơ hay theo ý mình tôi chép lại để bổ sung vào cuốn Những câu thơ hay Đông – Tây – Kim - Cổ (NXB Giáo dục 2013).

Khi đọc bài thơ Con thú của Như Bình, tôi rất thích, tác giả đã trung thực hết mình, đi dến tận cùng cảm xúc: “... Đừng dày vò em, đừng đánh thức em/ Ta đã không thuộc về nhau một ngàn năm trước/ thì hãy để một ngàn năm sau nữa vẫn lạc nhau/ Em sợ những ngày trên thế gian thảm sầu...”. Sáng nay lướt Facebook thấy Như Bình có bài Sự im lặng biếc xanh cảm xúc cũng thật sâu lắng:

Giữa anh và em

Như đáy biển không ánh sáng

Như loài san hô câm điếc

Như ngọc trai khóc bóng tối mịt mùng...

Một nhà thơ khác có nhiều bài thơ tình tôi thích là Bùi Sim Sim:

Em ngược đường, ngược nắng để yêu anh

Ngược phố tan tầm, ngược chiều gió thổi

Ngược lòng mình để tìm về nông nổi

Lãng du vô định cánh chim trời...

(Một chiều ngược gió)

Còn nhà thơ Lương Ngọc An có hai câu thơ tôi đã thuộc lòng vì rất gợi: “... Cái ngày vừa mới đây thôi/ Em mang về tận cuối trời còn đâu...”. Hay đấy chứ!

Tình yêu như ngọn lửa sưởi ấm trái tim, cuộc đời ta, những nó cũng là ngọn lửa có thể thiêu cháy tất cả nói như nhà thơ Phạm Hồ Thu: “... Xin đừng lý giải lời yêu/ Tình yêu mãi là ngọn lửa” (Xứ Chăm - Báo Văn nghệ số ra ngày 30/10/2023)… Còn nhà thơ Nguyễn Thị Hồng Ngát thường đưa những bài thơ làm tự ngày xưa, luôn mong: “... Tan dược vào nhau như muối hòa trong biển” (Ngày xưa)

Trên Facebook Hồng Nguyên Lê vừa xuất hiện bài thơ của nhà thơ Lê Hồng Nguyên với nhiều câu thơ rất ấn tượng:

Gió heo may

Thổi bong làn da con gái

Bợt bạt môi

Rụng tóc khóc xuân thì...

Ở tận vùng sông nước Cửu Long nhà thơ Trần Thị Ngọc Hồng thương xuyên đưa thơ tình lên Facebook: “... Không em ta phía đìu hưu/ Về nghe hoang lạnh nói điều biệt ly... (Thu) Nhà báo, nhà thơ Lê Quang Vinh với bài Ngày xa vừa đưa lên Facebook có mấy câu tưởng không mới nhưng lại mới với ý tứ rất thơ: “Má hồng tự má hồng thôi/ Trái tim trao gửi những lời trái tim...”. Người thơ Hằng Thu gần như có thơ tình thường xuyên trên Facebook: “... Và hãy thả nụ hôn đầu yêu dấu/ Giữa bầu trời thăm thẳm những vì sao...”. Phạm Hồng Oanh nhà thơ từng có bài thơ Muối dưa nhiều người thích, nay cũng thường xuất hiên nhiều thơ tình: “… Cháy cong tóc bạc đa đoan/ Hồn thơ còn sợ người ngoan đau lòng...” (Nhớ)

Trần Anh Thư là một tác giả thơ phương Nam, gần như ngày nào cũng có ảnh, có thơ trên Facebook. Nhiều câu thơ tôi thấy thích: “... Gió lùa động cửa phòng the/ Bàn tay trên mảnh vai nhè nhẹ run/ Ru tình khoảng khắc mông lung...” (Ru tình 3)

Có lẽ tôi chưa từng được biết người thơ nào trong chưa đầy 10 năm đã in 8 tập thơ như người thơ Trần Thanh Bình. Trần Thanh Bình vừa gửi cho tôi hai tập thơ từ TP Hồ Chí Minh. Hầu hết các bài thơ trong các tập thơ của Trần Thanh Bình mà tôi đọc đều là thơ tình, tình yêu đôi lứa:

... Anh và em lệch nhau

Cân bằng bí ẩn...

(Bí ẩn anh và em)

Lối đi vào khổ đau

Cửa mở ra hạnh phúc

Có ai nhìn thấy?

(Tơ tình)

Trên trang thơ báo Văn nghệ số 31, ra ngày 5/8/2023 có đăng chùm thơ của một cô học trò 17 tuổi Vũ Ngọc Đan Linh có một bài thơ chỉ hai câu tôi thấy thật hay:

Ngả đầu vào tuyệt vọng

Tôi tìm người trong những giấc chiêm bao

(Không đề)

Từ thơ tình của “Ông hoàng” thơ tình Xuân Diệu soi chiếu với thơ tình hiện nay, sau thời Xuân Diệu có những bài, những câu cũng say đắm, nồng nàn, cũng nhiều sức gợi, sức cảm, sức mở khá đa dạng, phong phú. Thế nhưng chưa có những “hiện tượng” để có thể nói là một “ông Hoàng”, hay “Bà chúa” thơ tình, giống như kiểu “Bà chúa thơ nôm” Hồ Xuân Hương trước kia… Đó là điều mà tôi muốn nói, và có lẽ cũng là điều mà những người yêu thơ mong đợi chăng?...

Dương Kỳ Anh

Nguồn Văn nghệ số 49/2023


Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 50/2024

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 50/2024 ra ngày 14/12/2024 có các nội dung sau đây:
Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Thơ Lê Vĩnh Thái và những cuộc đi hoang

Baovannghe.vn - Lê Vĩnh Thái luôn mang tâm thế là một thầy giáo nghèo vùng ngoại ô của Huế. Sự vất vả, lam lũ, khung cảnh nông thôn chính vì thế luôn là không gian nghệ thuật nổi bật trong thơ anh.
Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Ngôn ngữ mỹ thuật trong tranh Trương Đình Hào

Baovannghe.vn - Trong tranh của Trương Đình Hào, ta thường bắt gặp nón quai thao, một cặp nam nữ đang hát quan họ, các con vật và vật dụng thường ngày… Thoạt nhìn, rất dễ để xem tranh Hào dưới góc nhìn văn hoá, di sản: các tác phẩm ghi lại các hoạt động bình dị hằng ngày của đời sống nông thôn ở miền Bắc Việt Nam giai đoạn trước Đổi mới.
Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trông đám đông hỏi lấy một người: Phỏng vấn một cái cây ở sân 51 Trần Hưng Đạo

Trong đáBaovannghe.vn - 51 Trần Hưng Đạo - Hà Nội là trụ sở của Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Việt Nam, Tòa nhà bình dị này mang một ý nghĩa rất lớn.
Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Ở trong tôi - Thơ Kim Chuông

Baovannghe.vn- Tôi gặp mùa thu trên mặt sông đầy/ nhịp cầu giống chiếc đòn gánh lớn