TẬP ĐOÀN THACO HÂN HẠNH TÀI TRỢ CUỘC THI TRUYỆN NGẮN BÁO VĂN NGHỆ 2022-2024
1.
Trời lạnh. Những trận gió ào ạt thổi dọc con phố nghèo. Đất cát táp ràn rạt vào phên liếp chiếc lều xiêu vẹo dựng bên con đường lầm bụi. Đã tám giờ sáng, Tầm mới cậm cạch đánh được chiếc xe cà khổ ra đến ngã ba đường, nơi tập trung của những chiếc Công Nông chờ việc.
Thường thì vào giờ này, những tay thủ lái thứ xe chủ yếu chỉ chở vật liệu xây dựng đã hơn hớn trên ghế lái, sẵn sàng đánh xe ào đi khi có người thuê mướn. Sáng nay ngược lại, trên bãi đất trống, có đến hơn chục chiếc xe bỏ mặc cho gió và bụi đất hành hạ. Trong lều, cánh lái xe ngồi bên nhau im lặng, không một ai ngẩng đầu lên khi Tầm bước vào. Nhìn những bộ mặt hốc hác, những bàn tay chai sạn đang hơ trên đống lửa, có gì đó cứ dâng lên nghèn nghẹn nơi cổ họng Tầm. Anh quay ra mua bao thuốc lá trở vào đặt cạnh chiếc điếu cày rồi lầm lũi đánh xe đi nơi khác.
Minh họa: Đỗ Dũng |
2.
Trong lòng cái thị xã miền rừng bé bằng bàn tay này có đến vài chục chiếc xe như thế, chúng chở tất cả những thứ mà người ta thuê chở. Trọng tải chỉ chừng trên dưới một tấn, hình thù thì quái dị và đa dạng đến mức mỗi chiếc mang tên của một cơ sở sản xuất khác nhau. Đến bây giờ, thỉnh thoảng vẫn còn sót lại những chiếc xe gồm một thùng, bốn bánh, máy móc là một khối sắt đặt dọc và bộ phận lái là hai chiếc càng giương ra như hai chiếc càng cua kỳ dị. Đó là thế hệ đầu tiên của chiếc xe cơ giới vận tải Việt Nam mang một cái tên rất quan điểm là xe Công Nông. Do tính tiện dụng, Công Nông được các cơ sở gia công nhái lại để sản xuất liên tục và có mặt tại khắp chợ cùng quê. Công bằng mà nói, chúng đã có những đóng góp tích cực vào tiến trình cơ giới hoá nông nghiệp và phát triển kinh tế - xã hội của nông thôn Việt Nam mấy chục năm qua. Cách đây chừng mươi mười lăm năm, khi mà sản phẩm cơ khí thực dụng của Tàu tràn vào thì những chiếc xe Công Nông lắp máy Trung Quốc được gọi là xe “Đầu Ngang” dần lấn át những chiếc xe “Đầu Dọc” và trở thành cần câu cơm của không ít những người thất cơ lỡ vận như Tầm.
Vậy là, thấm thoắt cũng đã có đến hơn sáu năm trời rồi. Tầm nhớ lại. Những ngày đầu, khi cầm hơn chục triệu đồng với tờ quyết định nghỉ “một cục” trên tay, anh thật sự hoang mang. Ban đầu là sự chống chếnh của việc thay đổi thói quen sống và làm việc. Sau là ngấm nỗi buồn của một anh trí thức quèn mỗi khi suy tư về sự nghiệp. Cái sự nghiệp và hoài bão được cống hiến của tuổi trẻ, dù có bị thực tế phang cho những đòn chí tử song không hẳn đã nguội lạnh. Vậy mà bây giờ, mới chỉ sau mấy tháng trời nằm nhà ăn bám vợ, thân phận Tầm chỉ còn được đặt ngang hàng với hai đứa con, một lớn, một bé đang hằng ngày cắp sách tới trường. Và cũng chỉ mấy tháng trời thôi, cuộc sống đã đủ để cải tạo một chàng giáo viên văn trung học phổ thông sau giờ ở trường về nhà chỉ quen đọc sách, đọc báo thành một một chàng Ô Sin thực thụ. Tầm cố phấn đấu để mỗi chiều, trong bữa ăn cuối ngày - bữa ăn duy nhất có đông đủ cả bốn người trong gia đình - không phải chiêm ngưỡng vẻ mặt nặng như chì của bà vợ ngày càng thích dùng những câu không có chủ ngữ khi sắp đặt công việc ngày hôm sau cho bố con Tầm. Và cũng chẳng hiểu sao sau ngày Tầm nghỉ việc, vợ Tầm lại trở nên kém mắt đến thế không biết, hễ ngồi một chỗ thì không sao, mà cứ đứng lên là lại đá phải thúng, đụng phải nia như người cận thị nặng bị rơi mất kính. Cho đến một buổi chiều, lúc Tầm đang ngồi rửa bát ngoài sân, anh giật mình đánh thót khi nghe vợ tru lên:
- Giời ơi là giời! Cũng là đàn bà mà sao người ta nhà cao cửa rộng, trơn lông đỏ da, ngồi mát ăn bát vàng còn tôi thì nhục nhã thế này hở giời? Chồng với chả con. Cứ phá đi, cứ ngồi đấy mà ăn! Thằng Hà đâu, mày mà không tìm được cái xe cho bà thì ngày mai dậy từ nửa đêm mà đi học nhá! Rồi có bát gạo mà cũng không biết nấu lấy hạt cơm mà ăn. Giời ơi là giời...
Tầm thấy da mặt mình sượng sần cả lên. Nhà thì ở giữa khu tập thể mà bà chủ hộ lại hét hơi bị to khiến Tầm chỉ muốn độn thổ cho đỡ nhục. Hôm ấy là ngày nhà Tầm gặp lắm chuyện không may. Vợ tầm bị ban quản lý chợ thu mất mấy đôi gà do ngồi lấn ra hành lang giao thông ngoài cổng chợ. Thằng con lớn đi học bị mất chiếc xe đạp. Còn Tầm, suốt buổi chiều Tầm bận tiếp mấy ông bạn về hưu vô công rồi nghề, cứ nhè lúc vợ Tầm ra khỏi nhà là lại đến uống ké ấm trà và đem mấy bài thơ tuyệt bút mới viết đè ra bắt thưởng thức... Mải ngồi “thôi, sao” mấy con chữ nên nồi cơm Tầm nấu mới nửa khê nửa sống đến mức… chó cũng không thèm nhá.
Cực chẳng đã, đêm ấy Tầm nhỏ nhẹ cùng vợ về việc anh phải kiếm một công việc gì đó để làm. Vợ Tầm bảo: “Hay ông ra chợ phụ tôi ngồi bán hàng để tôi có thì giờ ra ngã ba đón con gà, cân lạc kiếm thêm mỗi ngày vài đồng!”. Giời ơi là giời! Tầm nghĩ, rồi cũng đến lúc mình phải kiếm việc gì để làm chứ chẳng lẽ cứ ngồi không ăn bám mãi như thế này thì coi sao được. Thôi thì phu hồ, xúc đất, lấy củi, nuôi lợn... việc gì cũng được, nhưng anh không thể nghĩ sẽ có lúc mình phải chường mặt ra chợ, ngồi lẫn với mấy bà hàng tôm hàng cá để kiếm ngày dăm chục ngàn bù vào khoản thu eo hẹp của gia đình... Ừ thì việc ấy đâu có gì là xấu. Nhưng thể diện của một anh cử nhân sư phạm được đào tạo chính quy, đã từng có hàng ngàn học sinh, hàng trăm phụ huynh biết tên biết mặt. Rồi thì ông đi qua, bà đi lại. Rồi thì mấy thằng học trò con nhà quan hỗn láo luôn bị anh cho điểm đúng với lực học của chúng sẽ nghĩ gì, sẽ làm gì khi thấy ông thày lê la đầu đường xó chợ? Không! Có chết Tầm cũng không bao giờ ngồi chợ.
Xét cho cùng thì cũng vì sĩ diện, vì danh dự nhà giáo mà Tầm nghỉ việc. Anh đã kiên quyết yêu cầu nhà trường phải đuổi học thằng học trò dám nhổ bọt vào mặt đồng nghiệp của anh trong giờ học. Buồn thay, thằng học trò cá biệt nọ lại là con một vị chức sắc trong vùng. Mấy ngày sau, một cán bộ dưới quyền ông bố cậu học trò hư đến yêu cầu nhà trường không kỷ luật cậu ta. Cả hội đồng giáo chức không ai nói gì. Riêng Tầm, anh phản ứng bằng việc đưa ra ý kiến: Hoặc cậu ta bị kỷ luật hoặc Tầm sẽ ra khỏi ngành. Và cái gì phải đến đã đến. Khi bị trù dập, bị gợi ý chuyển đi nơi khác và cuối cùng là “mất dạy”. Rồi đến khi được xếp làm chân thủ thư thì Tầm thấy mình không còn sức chịu đựng thêm nữa. Anh đã xin nghỉ “một cục” để bảo toàn khí tiết.
Ai dè, cơ sự của Tầm đã đến nông nỗi này. Nhìn bà vợ ngày một gày mòn, mới ngoài bốn mươi mà mái tóc nàng đã nhiều sợi bạc. Nàng đã vì bố con Tầm mà đầu tắt mặt tối, buôn đầu chợ bán cuối chợ kiếm miếng cơm manh áo cho cả nhà, anh đành lảng chuyện, để đến mấy hôm sau mới rụt rè đề xuất việc đầu tư mấy triệu bạc còn lại và vay nợ lãi mua một chiếc Công Nông để Tầm có việc làm. Không ngờ kế hoạch ấy được duyệt ngay tức khắc và lại mau chóng trở thành hiện thực đến vậy.
Mấy tháng đầu Tầm phát hoảng vì cái hiện thực khách quan để có thể thành một anh chàng lái Công Nông thực thụ. Nào là việc phải vừa học vừa chạy cho ra tấm bằng lái để được phép đánh xe ra đường. Phải cò kè bớt một thêm hai khi mặc cả giá và nhất là phải tranh giành khách để có việc hằng ngày. Anh không ngờ trong thế giới của những kẻ cầm lái cái thứ xe được gọi là “quái vật trên đường phố” này có nhiều chuyện đến thế. Lấy đắt hoặc lấy rẻ anh đều bị chửi, đắt thì bị khách chửi, rẻ thì bị đồng nghiệp chửi. Rồi thì bị giữ xe, bị phạt vì đi vào đường cấm trong giờ cao điểm, vì chở hàng cồng kềnh, còi xe không đủ lớn, bộ phận hãm không được ngon lành cho lắm... Có đến hàng trăm lý do để có thể bị phạt. Và cả khi chẳng cần có lý do gì anh vẫn có thể bị đè ra “làm luật” như chơi. Bù lại, từ ngày lăn ra đường kiếm được ngày vài trăm ngàn về nộp cho vợ, vị thế trong gia đình của Tầm đã được cải thiện rõ rệt. Hai thằng con ra chiều ngoan ngoãn hơn. Còn vợ Tầm, nàng đã giảm chất chợ búa khi nói năng đã đành, cuối tuần lại còn biết tạt qua bưu điện mua cho Tầm tờ Văn nghệ để Tầm ghếch chân lên đệm xe đọc khi chờ việc. Thì ra cái luận đề “Vật chất quyết định tinh thần” luôn luôn đúng trong mọi trường hợp. Vậy là mọi việc đều có thể quen song riêng việc phải tranh giành khách thì Tầm không thể nào quen cho được. Anh đã mấy lần bị đồng nghiệp giơ nắm đấm vào tận mặt chỉ vì nhận mấy chuyến hàng mà họ không chở. Theo họ, chủ hàng đã trả giá quá bèo. Trong cái đám hỗn độn gồm những chàng lái Công Nông này không hề có khái niệm nhường nhịn và đoàn kết.
Rồi mọi việc bỗng có cơ xoay chiều.
3.
Mùa hè năm ấy, khi cơ quan Thể dục Thể thao thị xã thông báo sẽ tổ chức giải bóng đá nghiệp dư toàn thị xã thì cái anh chàng Tuất, vốn là cựu tuyển thủ của đội bóng quân đội đã đề xuất việc thành lập đội bóng của cánh lái Công Nông tham gia thi đấu để “dân biết mặt, chúa biết tên”. Ý tưởng đó được mọi người nhất trí và hưởng ứng nhiệt liệt. Theo anh em, Tầm vừa biết đá bóng lại là người có chữ nên được giao làm lãnh đạo đội và kiêm luôn chức huấn luyện viên cho tiện. Nể anh em, Tầm đành nhận lời. Và khi nhận được thông báo nhất trí của ban tổ chức giải thì đám lái Công Nông phấn khởi ra mặt.
Như có phép thần, từ hôm đó, đám lái Công Nông trong thị xã bỗng trở thành một khối thống nhất và đoàn kết như một tập thể thực thụ. Anh em không còn tranh giành nhau việc làm đã đành mà còn cử hẳn một người đứng ra tìm và nhận việc để phân phối cho mọi người một cách hết sức công bằng. Mười sáu chàng lái có sức khoẻ và năng khiếu được chọn vào đội bóng và được tập trung luyện tập vào buổi tối dưới sự cổ vũ của toàn thể mọi người. Mọi khó khăn được anh em đồng lòng tháo gỡ rất chóng vánh. Để giải quyết vấn đề kinh phí anh em có sáng kiến mỗi người một ngày trích nộp hai mươi ngàn đồng để mua, in quần áo, bồi dưỡng vận động viên, đóng lệ phí giải. Vấn đề sân tập được cơ động liên tục từ sân trường tiểu học đến sân bãi của thị xã. Duy có điều, phải tập tranh thủ nên vấn đề ánh sáng không được chuẩn cho lắm, nhất là những đêm không trăng thì ánh sáng hắt ra của những ngọn đèn đường tất nhiên là không đủ. Bù lại, lòng nhiệt tình và sức vóc của những chàng trai lái thứ xe luôn phải kiêm luôn vai trò cửu vạn đã giúp đội bóng tiến bộ trông thấy.
Trước ngày khai mạc giải, đội bóng tổ chức hội ý và khao quân. Tất cả dường như đã sẵn sàng, duy chỉ có tên đội là chưa thống nhất được. Đội bóng của những chàng lái Công Nông tất nhiên không thể mang tên một địa phương vì các thành viên của đội không cùng nơi cư trú đã đành mà còn vì chẳng địa phương nào đồng ý cho đội bóng của cánh lái Công Nông mang danh địa phương họ đi thi đấu. Suy cho cùng thì đội cũng không thể mang tên một doanh nghiệp nào đó vì, chẳng có ma nào lại đi tài trợ cho một đội bóng mà thành phần cầu thủ lại tạp nham như đội bóng của Tầm. Ban đầu Tầm định đặt tên đội là đội “Công Nông” nhưng ban tổ chức giải không đồng ý. Nhãn quan chính trị thường trực khiến họ hoàn toàn có lý khi bắt bẻ rằng, đội bóng của những anh chàng làm ăn cá thể, thành phần lại phức tạp như vậy mà lại mang một cái tên “hoành tráng” đến như thế là không thể được. Vả lại, nếu mang một cái tên đầy tính giai cấp như vậy mà thi đấu không ra gì thì rõ ràng là mất quan điểm quá. Mà cứ theo thông lệ thì đội bóng nào mà chẳng có tên, xấu đẹp gì cũng phải có tên, không có tên thì không thể đăng ký dự giải. Chuyện đang bí thì anh chàng Tuất reo lên:
- Đội Đầu Ngang. Các ông ơi!. Tôi nghĩ ra rồi. Đội Đầu Ngang. Được chưa?
Và trong lúc mọi người đang còn ngẩn cả ra thì cái anh chàng Tuất ấy lý sự:
- Tôi đố ông nào tìm cho ra cái tên khác vừa mang bản chất nghề nghiệp lại đầy cá tính hơn cái tên mà tôi đề xuất!.
“Đội Đầu Ngang”?. “Đội Đầu Ngang”!. Thôi thì đành vậy, nhưng Tầm vẫn thấy đặt tên đội bóng như vậy có gì điều gì đó không thật ổn, song đó cũng chỉ là cảm giác, vì anh chịu không cắt nghĩa được cái tên ấy không ổn ở chỗ nào. Trong một cuộc hội ý, một lần nữa Tầm lại được cử thay mặt anh em kiêm luôn cả phần đối ngoại để đội có đủ tư cách pháp nhân dự giải. Tầm biết, vị trí huấn luyện viên của anh nặng ở cái nhiệm vụ thứ hai là chính. Vì đội Đầu Ngang đâu có cần đến huấn luyện viên. Mọi vấn đề chuyên môn đã có anh chàng Tuất lo cả. Vả lại, ngoài mấy chàng sinh hoạt trong hội Cựu chiến binh đã từng tham gia thi đấu bóng đá nghiệp dư ngày còn tại ngũ, trong đội bóng của cánh lái Công Nông này còn có cả một chàng tiến sĩ Ngôn ngữ học, một cậu kĩ sư giao thông và một anh chàng họa sĩ tốt nghiệp khoa Đồ họa tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp. Chàng kĩ sư Giao thông, sau khi ra trường không có tiền lo lót nên không có việc làm. Chàng tiến sĩ Ngôn ngữ học mất việc vì cái tội hay phát ngôn không đúng nghị quyết tập thể. Giọt nước tràn ly, trong một cuộc họp, chàng tiến sỹĩphát biểu, đại ý: “Đã cơ cấu thì khỏi phải đưa ra bầu bán làm gì cho mất việc. Việc tập thể bỏ phiếu khi chỉ có một ứng viên như cơ cấu thực chất là dân chủ giả hiệu!”.
Không lâu sau, người ta phát hiện ra rằng, cái bằng Ngôn ngữ học của anh chàng tiến sĩ chẳng liên quan gì đến công việc chuyên môn của cái cơ quan mà anh đang công tác. Chàng tiến sĩ bị xếp vào diện dôi dư do chuyên môn không phù hợp và cuối cùng là mất việc. Còn việc bị thôi việc của anh chàng họa sĩ mới vì một lý do thật không đâu vào đâu và rất khó rút ra được bài học kinh nghiệm. Là người phụ trách công việc trang trí tờ báo tỉnh, trong một lần, sau khi dàn trang số đặc biệt đăng toàn văn nghị quyết đai hội tỉnh, thấy cuối trang còn một khoảng đất trống, chàng họa sĩ, sau một hồi loay hoay đã đặt ngay chiếc vi nhét hình con hươu rất đáng yêu vào khoảng trống đó. Số báo vừa ra thì bị phản ứng dữ dội. Bắt đầu là từ những ý kiến gọi đến ban Tuyên giáo của các vị cán bộ lão thành (đối tượng rất chăm đọc báo), sau đó là ý kiến của các cơ quan làm công tác chính trị, tư tưởng. Công an vào cuộc. Chàng họa sĩ bị triệu tới phòng Công tác Chính trị để trả lời không biết bao nhiêu câu hỏi về động cơ khi dám ám chỉ nghị quyết đại hội tỉnh là hươu vượn. Và lý lịch ba đời anh họa sĩ được đem ra xăm soi…. Kết quả cuối cùng là, kèm theo những khuyết điểm không nhớ có từ bao giờ như: số buổi đi làm muộn trong ba năm gần đây, hai lần để lọt lỗi chính tả khi phụ trách công tác mo rát của báo... Anh họa sĩ chính thức bị buộc thôi việc. Sau sự cố trên, cán bộ của tờ báo tỉnh đã được quán triệt: “mọi người, dù làm ở bộ phận nào cũng phải nâng cao nhãn quan chính trị, tự kiểm duyệt, tuyệt đối không để xảy ra những điều tương tự”. Bài học kinh nghiệm sâu sắc trên, khiến những người làm cái nghề liên quan đến văn chương báo chí (vốn là thành phần nhút nhát nhất thiên hạ) ở địa phương này, mỗi khi viết và nói đều dò dẫm như người mù ra đường bị văng mất gậy.
Tầm nhẩm tính, vậy là ngoài mấy cậu học sinh không đỗ đại học, còn lại, có đến 2/3 thành viên của đội Đầu Ngang có bằng đại học và sau đại học.
4.
Điều không thể ngờ đã xảy ra. Vào giải, đội Đầu Ngang thắng liền mấy trận và vượt qua vòng loại một cách ngoạn mục. Cũng từ hôm đó, trận nào có đội Đầu Ngang thi đấu là khán đài chật cứng khán giả. Cả thị xã nóng như trong mùa FiFa Wold Cup. Cho đến khi khả năng vào chung kết của đội Đầu Ngang trở thành hiện thực thì giải đấu bắt đầu có vấn đề.
Nghe đâu, trong một cuộc họp khẩn cấp của cơ quan chủ quản, ông trưởng giải đã bị ông đại diện lãnh đạo UBND thị xã chỉ trích gay gắt về việc đã cho phép một đội bóng có tên là đội Đầu Ngang thi đấu:
- Đó không chỉ biểu hiện non kém về chuyên môn, mà nghiêm trọng hơn - Ông lãnh đạo dừng lại nhìn khắp phòng họp - còn là biểu hiện lệch lạc về quan điểm chính trị của ban tổ chức giải.
Đến đây thì vấn đề đã trở nên nghiêm trọng. Hội trường im như thóc. Ông lãnh đạo tiếp tục đặt câu hỏi:
- Các đồng chí thử trả lời tôi xem. Mọi việc sẽ ra sao nếu hôm tổng kết giải, đồng chí phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân thị sẽ ôm hoa và bằng khen ra tặng đội có thành tích cao là đội… Đầu Ngang (?). Và cũng không thể loại trừ, với khả năng chuyên môn như hiện tại, vô địch giải đấu năm nay hoàn toàn có thể là đội… Đầu Ngang. Trong khi những đội bóng khác, trong đó có đội liên quân Văn phòng tỉnh, được đầu tư rất bài bản lại … không có giải?.
Trước khi ra về, ông đại diện lãnh đạo UBND thị xã đã không quên chuyển đến ban tổ chức giải lời phê bình và ý kiến nhắc nhở của ông trưởng ban Tuyên giáo tỉnh. Ông trưởng giải có đủ thông minh để hiểu được chỉ thị của cấp trên qua những lời nhắc nhở. Ông biết việc mà ông phải làm là gì.
Buổi chiều diễn ra trận bán kết có đội Đầu Ngang tham dự, không khí trong và ngoài sân bãi đều nóng như nhau.
Vào trận, đội Liên quân cậy sức trẻ và được đầu tư bài bản ào lên tấn công như muốn ăn tươi nuốt sống đối phương. Ngược lại, đội Đầu Ngang, dưới sự chỉ đạo của anh chàng Tuất tài hoa kiên trì chiến thuật phòng ngự phản công biết mình biết ta, kiên quyết giữ vững thế trận. Hiệp 1 khép lại không tỷ số.
Hiệp hai bắt đầu chưa lâu thì thế trận dần đổi chiều. Sức vóc của những người từng trải, phải hằng ngày lăn lộn với công việc nặng nhọc đã giúp đội Đầu Ngang duy trì được nền tảng thể lực. Thế trận từ cân bằng dần nghiêng về phía đội Đầu Ngang. Và cũng từ đấy, trận đấu bắt đầu xuất hiện lối chơi tiểu xảo đầy tính bạo lực của đội Liên quân. Những pha vào bóng triệt hạ đối thủ bằng gầm giầy, bằng cùi chỏ… đã khiến hai cầu thủ, một tiền đạo, một chạy cánh của đội Đầu Ngang phải ra sân bằng cáng.
Có điều, thay bằng việc phải rút đến hai thẻ đỏ cho các cầu thủ đội Liên quân thì, người ta thấy ông trọng tài chỉ thổi như những lỗi phạt trực tiếp. Và đó chính là lý do, từ phút thứ 65 của trận cầu, hầu hết khán giả chỉ tập trung cổ vũ cho đội Đầu Ngang. Mỗi khi cầu thủ Đầu Ngang có bóng, cầu trường lại rung lên bởi những tiếng thét đến lạc giọng:
- Đầu Ngang cố lên! Đầu Ngang phang chết Liên quân! Đầu ngang chiến thắng!
- Đả đảo Liên quân! Đầu Ngang vô địch!
Và đúng như dự cảm của những người hiểu chuyện. Trong một lần đội Liên quân lên bóng, các cầu thủ Đầu Ngang đã dừng cả lại khi thấy tiền đạo đối thủ đứng dưới cầu thủ cuối cùng của đội mình có đến dăm bảy mét. Đúng lúc đó thì anh chàng tiền vệ ở thế việt vị rõ ràng của đôi Liên quân nhận được bóng. Một mình một bóng, anh ta uyển chuyển dẫn và lừa bóng qua cả thủ môn đối phương. Thay bằng việc gẩy bóng vào lưới, anh ta điệu nghệ dẫn bóng qua cả vạch ngang cầu môn đội bạn. Trọng tài làm động tác chỉ lên vạch vôi giữa sân, chính thức xác nhận kết quả ghi bàn của đội Liên quân. Bất chấp tiếng la ó phản đối của hàng nghìn khán giả.
Nhìn cả đội thất thần trước bàn thua không đáng có, Tuất ôm bóng đặt vào chấm xuất phát giữa sân và ra hiệu cho anh em tiếp tục thi đấu.
Cũng từ sau bàn thắng đó, đội Liên quân áp dụng chiến thuật đổ bê tông tử thủ nhằm duy trì điểm số. Phút thứ 85, trong một lần lên bóng, sau khi lạng người tránh pha vào bóng triệt hạ đối phương của số 9 đội bạn, anh chàng Tuất tài hoa, nhận ra vị trí đứng hơi cao của thủ môn đội Liên quân, từ khoảng cách có dễ đến chừng 25m đã tung cú sút cháy lưới đối thủ trong tiếng hô như sấm của cả cầu trường. Trọng tài không công nhận bàn thắng. Ông vua áo đen này tiến đến vị trí cầu thủ số 9 của đội Liên quân, vì mất đà, đang còn nằm trên sân, chỉ tay ra dấu phạt cầu thủ đội Đầu Ngang. Theo ông ta, cầu thủ đội Đầu Ngang đã phạm lỗi với số 9 của đội Liên quân.
Kết quả trận đấu: Đội Liên quân 1 – 0 Đội Đầu Ngang.
Trận đấu tiếp theo, trên khán đài, người ta chỉ còn thấy các thành viên của ban tổ chức giải ngồi cổ vũ.
5.
Sáng hôm sau, Tầm dẫn hơn chục anh em lái xe Công Nông vào bệnh viện tỉnh thăm và động viên một đồng đội bị gẫy chân trong trận cầu đáng nhớ hôm trước. Chàng tiến sĩ Ngôn ngữ thủng thẳng bảo Tầm:
- Nghĩ cho cùng thì cũng không trách được họ ông ạ. Sống ở nơi từng có đến cả một nửa nước, những người họ Hoàng phải đổi thành họ Huỳnh, một cái chợ ở kinh thành phải gọi chệch thành chợ Đông Ba, tỉnh Thanh Hoa đang yên đang lành phải đổi thành Thanh Hóa… Thậm chí, một cái châu xa lắc tận tít mù trên đất Tây bắc có tên là Phù Hoa phải đổi thành Phù Yên mà chúng mình chưa sáng mắt ra thì tệ thật.
Câu nói của chàng tiến sĩ Ngôn ngữ ám ảnh Tầm cho đến tận sáng nay, khi Tầm gặp lại anh em trong căn lều chờ việc..
Truyện ngắn dự thi của Mai Văn Tý
Nguồn Văn nghệ số 45/2023