Sẽ không toàn diện nếu như đề cập đến đời sống con người trong văn học hiện đại Việt Nam sau 1975 mà không nói đến đời sống tâm linh. Đời sống hàng ngày thường xảy ra hiện tượng: người đang sống trong cõi dương gian nghĩ về kiếp sau của mình, giao cảm với thế giới bên kia. Trong giấc mơ, có người gặp gỡ nói chuyện với người đã khuất. Hoặc, khi gặp những việc nan giải đòi hỏi phải có những quyết định quan trọng liên quan đến cuộc đời, số phận của mình hay của nhiều người; trước những tình huống căng thẳng, phải lựa chọn, phải cân nhắc, ta như nghe được tiếng nói từ bên trong của chính mình.
Đó là những hiện tượng có thật, mỗi người tự chứng nghiệm. Khi đề cập đến vấn đề này có ý kiến cho là mê tín dị đoan. Vì rằng, đây là những điều khoa học không chấp nhận, hoặc chưa giải thích được về mặt khoa học. Nhưng đây là bí ẩn, thuộc về đời sống tâm linh mà truyện Việt Nam sau 1975 đề cập nhiều, và trong thực tế đời sống ta vẫn thường hay bắt gặp.
![]() |
Sẽ không toàn diện nếu như đề cập đến đời sống con người trong văn học hiện đại Việt Nam sau 1975 mà không nói đến đời sống tâm linh. Ảnh minh họa. Nguồn TT |
Đọc Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành của Nguyễn Minh Châu, người đọc bị ám ảnh bởi chi tiết: chị Quỳ- người nữ quân y, trong một lần đi kiểm tra hành trang của các tử sĩ được cất giấu trong hang đá, tình cờ chị gặp những trang nhật ký của các chiến sĩ trẻ đã hy sinh. Đọc vào trang nào, chị cũng gặp tên mình. Quỳ đã xúc động áp những dòng nhật ký vào ngực mình và gọi lên những từ thiêng liêng như Tổ quốc, Đất nước: “Tôi chợt nghĩ đến những chữ vô cùng trừu tượng và thiêng liêng như Đất nước, Tổ quốc... Tôi lại còn hình dung đến làng quê của từng anh với những người thân sống chung dưới một mái nhà, những bờ đê một khúc sông ngầu phù sa chảy qua làng, một lối ngõ, tiếng tre kẽo kẹt và màu hoa xoan tím rắc li ti trên vạt đất ẩm, và chiếc gầu sắt tây chạm vào thành giếng thơi kêu lanh canh"
(...)
Trong truyện ngắn Hoa hồng độc dược, Trầm Hương mô tả tình cảm của nhân vật dì Tư dành cho chồng con đã khuất: “Ngôi nhà nhỏ bé dù rách nát nhưng dì còn có một không gian dành cho linh hồn những người thân trở về trú ngụ. Đó là cha mẹ, anh em, chồng con dì đã ngã xuống. Đối với dì, những người ấy không chết đi, linh hồn những người thân hòa trong cơn gió chướng thổi liên hồi vào ngôi nhà không cửa, lẩn quẩn đâu đây"
(...)
Thế giới tâm linh xuất hiện khi con người đối diện với chính mình, đôi khi là sám hối. Trong Mảnh đất lắm người nhiều ma, nhân vật Hàm sau khi cùng với em trai là một bí thư đảng ủy xã bày ra mưu kế giành giật quyền lực, đã đẩy vợ (bà Son) đến chỗ uất ức mà tự tử. Đêm đêm, ông Hàm thường thấy hồn ma bà hiện về, như có ánh sáng rọi vào những vùng u tối của tâm can lão. Khi thì: "Bà ấy ghé sát vào màn nhìn vào tận mắt mà hỏi: Vậy cuối cùng ông được những gì? Hả? Tôi chết đi để xem ông được những gì?”
(...)
Đi vào những ngõ ngách sâu kín của đời sống tinh thần con người, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Hoàng Văn Bổn, Dương Hướng, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Nguyễn Trí Huân, Bảo Ninh, Chu Lai, Lê Minh Khuê, Khuất Quang Thụy, Xuân Thiều, Trung Trung Đỉnh, Hoàng Lại Giang, Khôi Vũ, Nguyễn Quang Lập, Võ Phi Hùng., đã chạm đến vết thương sâu nhất mà cuộc chiến tranh hôm qua còn để lại trên đất nước này. Đó chính là những khắc khoải, đau đớn của các nhân vật chính trong Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành, Cỏ lau, Nỗi buồn chiến tranh, Chim én bay, Ăn mày dĩ vãng, Tiếng lục lạc, v.v... được thể hiện nổi bật ở phương diện tâm linh. Ý thức được sự phức tạp trong đời sống tinh thần con người Việt Nam, thông cảm với những dằn vặt tận nơi sâu kín nhất của những người bị thất thế, bị hàm oan, những người không gặp thời, không gặp may, bất kể trước đó họ là ai, đã từng làm những việc gì, nhà văn Nguyễn Khải trong bài tham luận đọc nhân kỷ niệm 50 năm ngày thành lập nước (1945-1995) có viết: “Những khắc khoải đau đớn trong lựa chọn, trong thất bại và cô đơn không hiểu sao lại rất quen thuộc và thân thiết với tôi, giúp tôi xây dựng các tính cách được tự nhiên và chân thật”.
(...)
Có những sự việc, bằng lý trí, không thể nắm bắt, không thể giải thích hết được. Trong Chim én bay, Nguyễn Trí Huân kể chuyện một đội viên du kích trên đường đi làm nhiệm vụ đã xuống biển tắm và bảo bạn: “Nóng quá, phải tắm một cái kẻo chẳng bao giờ được tắm nữa”. Chỉ mấy phút sau, Dũng (người du kích ) chết vì đạn pháo kích. Và Quy, người bạn chứng kiến: “Sau này nhớ lại cứ ngạc nhiên mãi. Hình như lúc đó, Dũng đã linh cảm một điều gì và việc Dũng đột ngột bỏ xuống tắm giống như một sự từ giã".
(...)
Khảo sát truyện Việt Nam giai đoạn sau 1975 cho thấy rằng, phương diện đời sống tâm linh con người được khám phá ở một chiều sâu mà ngay truyện trước đó (giai đoạn 1945-1975) chưa đạt được. Nó làm phong phú cho quán niệm về con người và đưa lại những biến đổi quan trọng về mặt thủ pháp biểu hiện. Ý thức được ý nghĩa của đời sống tâm linh, các nhà văn như Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khắc Trường, Ma Văn Kháng, Duy Khán, Nguyễn Dậu, Nguyễn Huy Thiệp, Bảo Ninh, Lý Lan..., coi làng quê, đồng quê, sông núi, biển, hồ, v.v... là nơi lưu giữ những giá trị cội nguồn, nơi tâm hồn con người được thanh lọc, nơi con người thật sự có một thế giới tâm linh. Các nhân vật của Nguyễn Huy Thiệp, khi đến với thiên nhiên, có thêm một đời sống khác, bí ẩn nhưng mãnh liệt vô cùng: “Sấm nổ vang trời...Chớp lóe sáng. Vũ trụ mở ra vô cùng tận.... Tôi tin chắc ở lực lượng siêu việt bên trên tôi kia, đang chuyển vận rầm rộ kia, thấu hiểu tất cả, phân minh lắm, rạch ròi lắm, chắc chắn bảo dưỡng tính thiện trong tâm linh con người, có khả năng an ủi, âu yếm đến từng số phận”
(...)
Đi vào đời sống tâm linh, người nghệ sĩ cùng nhân vật của mình “tìm kiếm cái chân trời của những giá trị tuyệt đối hoàn mỹ, những con người tuyệt đối hoàn mỹ.