Thực ra, đu idol cũng là cả một “nghệ thuật”, có người không ngại chơi lớn bằng việc bỏ ra cả đống tiền bạc, thời gian; có người sang tận nước ngoài chỉ để “đu” thần tượng. Xu hướng đu idol đang dịch chuyển sang quốc nội, tức những thần tượng trong nước. Đu anh trai, đu chị đẹp, đu concert hòa nhạc, đu cặp đôi nổi tiếng trên mạng... nói chung là đủ cả.
Đu idol là hiện tượng rõ nhất của văn hoá thần tượng ngày nay, tức là hâm mộ và ủng hộ một ca sĩ, diễn viên, nhóm nhạc, vận động viên... Tất nhiên, hâm mộ người nổi tiếng không phải là hiện tượng gì mới mẻ và đu idol cũng thế. Văn hoá đu idol vốn dĩ xuất phát từ một số nền công nghiệp giải trí phát triển mạnh trong khoảng hai thập niên trở lại đây tại châu Á. Nó phổ biến ở Hàn Quốc, nơi khởi đầu làn sóng Hallyu (Hàn Lưu) phát triển mạnh mẽ kể từ 20 năm về trước. Hay ở đất nước tỷ dân Trung Quốc, người hâm mộ “đu” những ngôi sao được cho là “đỉnh lưu” trên nhiều phương diện khác nhau. Tại Việt Nam, văn hoá hâm mộ người nổi tiếng cũng sống động không kém ngay từ những lứa ca sĩ pop đầu tiên cách đây 20 năm như Mỹ Tâm, Lam Trường, Đan Trường, Thanh Thảo…
Ngược về nhiều năm trước, có thể nhiều người, đặc biệt là lớp trung niên không hiểu được khái niệm “đu idol” là gì. Họ có thể liên tưởng hình ảnh giới trẻ lao tâm khổ tứ trong văn hoá thần tượng, bằng việc tiêu thụ sản phẩm nghệ thuật giải trí của nghệ sĩ như đĩa nhạc, phim ảnh, hoà nhạc. Đó là một cuộc “đầu tư” lớn cả mặt thời gian, tiền bạc, tâm sức. Từ việc dành hàng giờ đồng hồ “cày view”, thảo luận tương tác nhằm đẩy danh tiếng của thần tượng lên cao cho đến việc ủng hộ về mặt tiền bạc (mua đĩa nhạc, mua vé xem hoà nhạc, tham gia gặp mặt fan - fan meeting)... trở nên thịnh hành trong hoạt động của người hâm mộ.
Tuy nhiên, văn hoá “đu idol” thì mới chỉ xuất hiện gần đây. Dường như “đu idol” đang là mốt bây giờ. Hở ra là thấy người ta đi “đu”. Không chỉ có người trẻ (Gen Z, Gen Alpha) mà cả người trưởng thành U30, U40 đều thích đu. Mà đu idol thực ra cũng là cả một “nghệ thuật”, có người không ngại chơi lớn bằng việc bỏ ra cả đống tiền bạc, thời gian; có người sang tận nước ngoài để “đu” thần tượng. Xu hướng đu idol đang dịch chuyển sang quốc nội, tức là những thần tượng trong nước. Từ đu idol Hàn, Trung, Thái Lan, người hâm mộ Việt đang chuyển qua đu anh trai, đu chị đẹp, đu concert hoà nhạc, đu cặp đôi nổi tiếng trên mạng…, nói chung là đủ cả.
Ngay cả những khán giả trước đó chỉ hâm mộ nghệ sĩ nước ngoài, nay cũng “quay xe” ủng hộ thần tượng trong nước. Nhờ kinh nghiệm đu idol quốc tế, họ đã phát triển văn hoá đu idol quốc nội một cách bài bản hơn, chuyên nghiệp hơn. Không chỉ đơn thuần là kêu gọi khán giả bình luận trên mạng, các ngôi sao thần tượng Việt Nam ngày nay được nhận những đãi ngộ trọn gói từ người hâm mộ, từ xe tải đồ ăn, đồ lưu niệm, hay “đập tiền” không tiếc tay để mua sản phẩm nghệ sĩ làm đại diện.
Hiện tượng “đu idol” quốc nội chỉ được nâng lên tầng cao mới chỉ từ sau thành công vang dội của hai chương trình thực tế Anh Trai Say Hi và Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai. Nhờ áp dụng mô típ nhóm nhạc nam giống KPop, không drama cấu xé, màn trình diễn chất lượng và kỹ thuật trong biên tập truyền hình thực tế “xào couple” (ghép cặp thành viên này với thành viên khác), cả hai nhanh chóng nhận được sự chú ý của khán giả ở tất cả lứa tuổi.
Việc đu idol vốn chỉ tưởng dành cho thế hệ trẻ như Gen Z, Gen Alpha, nay còn mở rộng ra cho Gen Y và các bậc phụ huynh Gen X. Đặc biệt, số lượng phụ huynh theo dõi Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai đặc biệt nhiều, bởi có sự góp mặt của các nhân vật lão làng như NSND Tự Long, Phan Đinh Tùng, Bằng Kiều, Tuấn Hưng…, cùng các ca khúc dân tộc như Trống cơm được phối lại theo nhịp điệu bắt tai, cuốn hút hơn.
Để trở thành ngành công nghiệp hái ra tiền, nền âm nhạc Việt Nam cũng đã trải qua nhiều thập kỷ biến đổi, với những phát triển và thành công đáng kể. “Cơ sở vật chất, công nghệ của Việt Nam hiện nay có thể tự tin đã bằng 60-80% so với nước ngoài” - Giám đốc Sân khấu của Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai chia sẻ trong một podcast gần đây. Anh cho rằng những MV, màn trình diễn hay buổi hòa nhạc nội địa đang có quy mô và chất lượng ngang ngửa so với quốc tế.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của công chúng, các nghệ sĩ cũng như các công ty giải trí cũng ngày càng đầu tư tiền bạc và chất xám nhiều hơn để ra mắt những sản phẩm âm nhạc ấn tượng. Nó tạo ra một mô hình sản xuất và phát hành các sản phẩm giải trí một cách chuyên nghiệp, bài bản hơn. Đầu tư lớn, lợi nhuận cao. Ngành công nghiệp âm nhạc Việt Nam đang có những dấu hiệu tăng trưởng rõ rệt. Lợi nhuận của đơn vị tổ chức chương trình Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Ngành công nghiệp giải trí được dự đoán sẽ chạm mốc 1000 tỷ trong vòng 5 năm.
Ở phía ngược lại, đu idol cũng tạo ra nguồn lợi nhuận đáng kể. Các đơn vị quản lý nghệ sĩ ngày càng chiều lòng người hâm mộ với những hoạt động “đắt xắt ra miếng”, khi fan được trò chuyện, tặng quà cho thần tượng ở khoảng cách gần trong những buổi fan meeting, vé hoà nhạc VIP giá 10 triệu còn có quyền lợi được chụp hình chung cùng các anh trai, hay các anh đến tận chỗ ngồi để biểu diễn. Sự thành công của các đại nhạc hội của các ngôi sao quốc tế như BlackPink, đến các hoà nhạc của nghệ sĩ trong nước như Concert Anh Trai Vượt Ngàn Chông Gai, Anh Trai Say Hi… đều đến từ một “động lực” không nhỏ từ văn hoá đu idol này.
Đu idol không phải là một xu hướng nhất thời, mà được dự đoán sẽ tăng trưởng trong thời gian tới. Đây là một tín hiệu cho thấy giải trí Việt Nam có tiềm năng phát triển. Nhưng làm thế nào để người hâm mộ có thể đu idol lành mạnh vẫn còn nhiều thời gian để quan sát.
Đồng tiền đi liền khúc ruột, càng đập tiền nhiều vào thần tượng, công chúng càng có yêu cầu khắt khe hơn đối với hành vi, phát ngôn hay đời sống cá nhân của idol. Một nghệ sĩ đúng chuẩn được yêu cầu xuất hiện hào nhoáng nhất có thể và hoàn hảo đến từng chân tơ kẽ tóc, tuyệt đối không được phạm phải bất cứ sai sót nào. Việc tiêu thụ sản phẩm của thần tượng là hết sức bình thường, nhưng sẽ phản tác dụng nếu người hâm mộ quá “mải mê”, lệ thuộc.
Dù có nhiều tín hiệu tích cực cho ngành công nghiệp giải trí nội địa, nhưng đu idol cũng gắn nhiều hơn với các hiện tượng văn hoá tẩy chay (cancel culture), “thoát fan” (công chúng ngừng việc hâm mộ một thần tượng cụ thể), fan war (các nhóm người hâm mộ của hai hoặc nhiều nghệ sĩ khác nhau tranh cãi, hạ bệ nhau).
Người hâm mộ “đu idol” không mù quáng như nhiều người vẫn tưởng. Trong những năm gần đây, cùng với hiện tượng đu idol phát triển rộng rãi, công chúng cũng ngày càng thể hiện thái độ khắt khe, yêu cầu cao hơn đối với nghệ sĩ. Văn hoá tẩy chay đối với idol “lệch chuẩn” đang diễn ra một cách đầy mạnh mẽ. Khi một năm ca sĩ nổi tiếng bỏ rơi con; hay một rapper mới nổi có những phát ngôn không phù hợp... đều ngay lập tức bị công chúng chỉ trích và quay lưng. Không cần phải đợi các cơ quan chức năng vào cuộc khi một nghệ sĩ gặp bê bối, chính công chúng là người đầu tiên lên tiếng mạnh mẽ và có những hành động tẩy chay ngay lập tức.
Nhưng chính khán giả đu idol cũng cần phải nhớ rằng, các thần tượng chỉ đang bày ra hình ảnh trước mắt họ (persona). Sự sụp đổ của một thần tượng, về bản chất, là sụp đổ về mặt hình ảnh khác xa tưởng tượng của công chúng. Vì thế, đu idol cũng cần có ý thức.
Các nghệ sĩ tham gia hoà nhạc Anh Trai Say Hi. Ảnh: BTC |