Theo đó, các khoản chi tài trợ cho lĩnh vực văn hoá sẽ được tính là chi phí được trừ cho mục đích tính thuế TNDN, đồng nghĩa với việc giảm bớt áp lực thuế mà đơn vị doanh nghiệp phải chịu khi phát sinh những khoản tài trợ này.
|
Đây được xem như cơ hội khuyến khích xã hội hóa, là bệ đỡ củng cố cho sự sáng tạo, phát triển của lĩnh vực văn hoá. Thực chất, những ưu đãi tương tự cũng đã và đang được đề cập trong Luật thuế TNDN hiện hành, như: ưu đãi miễn, giảm thuế TNDN và thuế suất ưu đãi cho hoạt động xã hội hoá (bao gồm lĩnh vực văn hoá), hay miễn thuế TNDN cho thu nhập từ khoản tài trợ nhận được sử dụng cho hoạt động “văn hoá, nghệ thuật” (Khoản 7, Điều 1, Luật 32/2013/QH13 và Khoản 7, Điều 4, Luật 14/2008/QH12), dự kiến tiếp tục được duy trì trong dự thảo Luật thuế TNDN sửa đổi.
Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hoá và Xã hội của Quốc hội - các quy định miễn thuế đối với các khoản tài trợ cho hoạt động văn hóa, nghệ thuật, từ thiện, hay thu nhập không chia của các cơ sở xã hội hóa trong lĩnh vực văn hóa, là minh chứng rõ ràng cho việc luật pháp bắt đầu lắng nghe tiếng nói của đời sống văn hóa.
Tuy nhiên, khó có thể phủ nhận rằng vẫn còn tồn tại khoảng cách giữa chính sách đúng và việc thực thi hiệu quả. Dự thảo Luật đã khẳng định rõ các khoản tài trợ cho hoạt động văn hoá, giáo dục, nghệ thuật… nếu có chứng từ hợp lệ, mục đích rõ ràng thì được miễn thuế và tính vào chi phí được trừ. “Nhưng khi bước ra đời sống thực tế, nhiều doanh nghiệp vẫn còn dè dặt do họ không biết đi đường nào cho đúng”, ông Sơn nhận xét.
Đồng cảm với quan điểm trên, ông Lý Chánh Minh – đại diện phát ngôn Công ty Cổ phần Thiết bị y sinh BIOMEQ chia sẻ thực trạng từng trải qua khi doanh nghiệp này tiến hành tài trợ cho gánh xiếc nhỏ hay đội bóng trẻ em ở vùng sâu, vùng xa. “Hầu hết họ thường là những đơn vị tự phát, không có đầy đủ giấy tờ pháp lý nên không thể xuất hoá đơn, dẫn đến khoản tiền này không được trừ vào chi phí tính thuế”, ông Minh giãi bày. Ở chiều ngược lại, ngay cả khi tài trợ cho tổ chức hợp pháp như các hội từ thiện, ông Minh cho biết thủ tục kê khai thuế, bổ sung chứng từ vẫn còn rườm rà, gây mất nhiều thời gian công sức.
Trong khi đó, về phía được nhận tài trợ, một số đơn vị cũng tỏ ra lúng túng trong việc hoàn thiện thủ tục hoặc gặp khó ngay từ khâu kêu gọi tài trợ. Đạo diễn kiêm Nhà sản xuất phim Võ Thanh Hoà cho biết vẫn “đang đối mặt nhiều thách thức” khi đi kêu gọi tài trợ dù anh là gương mặt quen thuộc, gắn liền tên tuổi với những bom tấn điện ảnh đạt doanh thu trăm tỷ tại Việt Nam. Theo đạo diễn “Quỷ Cẩu”, nhiều doanh nghiệp - đặc biệt là ở quy mô vừa và nhỏ - chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích của các ưu đãi thuế hoặc lo ngại thủ tục hành chính phức tạp khi kê khai chi phí tài trợ. Cùng với đó, các dự án phim độc lập hoặc của các nhà làm phim trẻ thường khó chứng minh tiềm năng thương mại, dẫn đến sự e ngại của các doanh nghiệp trong quyết định tài trợ cho những dự án phim. Thêm lý do nữa là các quy định pháp lý liên quan đến tài trợ đôi khi chưa rõ ràng, gây khó khăn trong việc thuyết phục doanh nghiệp về tính hợp pháp và lợi ích tài chính, đạo diễn – nhà sản xuất Võ Thành Hoà bộc bạch.
Nhận định chung về những ưu đãi thuế hiện hành và sắp ban hành, đạo diễn Trần Thanh Huy nhấn mạnh: “Đây là việc rất tốt và cần thiết, nhất là với mảng văn hoá nghệ thuật – vốn là lĩnh vực vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và kinh phí để thực hiện tác phẩm”. Theo đạo diễn phim Ròm, hiện nguồn tài trợ cho các dự án trong nước vẫn còn khá khiêm tốn, có thể xem là đã đủ tốt nhưng vẫn còn khó tiếp cận. Anh cũng bày tỏ thực tế rất khó để kêu gọi tài trợ từ những doanh nghiệp, nguồn vốn tài trợ hiện đa phần đến từ các quỹ trong nước hoặc quỹ phi chính phủ quốc tế. Mà ngay cả những quỹ này thì các nhà làm phim hoặc các nghệ sĩ lĩnh vực khác tiếp cận được cũng rất khó do tính cạnh tranh cao.
![]() |
Nhiều đơn vị doanh nghiệp khi ở vị thế nhà tài trợ hoặc nhận tài trợ vẫn bối rối dù đang được hưởng chính sách ưu đãi liên quan đến thuế. Ảnh: FB đạo diễn Trần Thanh Huy |
Để tháo gỡ, giúp giải quyết vướng mắc, hầu hết ý kiến đều đồng tình cần tập trung đẩy mạnh truyền thông, cũng như hoạt động tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn từ phía cơ quan thuế cho doanh nghiệp về những ưu đãi này cùng những điểm mới, đồng thời cũng cần quyết liệt thực hiện việc đơn giản hoá về thủ tục, quy trình thực hiện, và hoạt động thanh, kiểm tra thuế liên quan. PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng cần có bộ tiêu chí minh bạch, dễ hiểu về những gì được xem là tài trợ văn hoá hợp lệ và những loại chứng từ nào là cần thiết, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu, mỗi cán bộ lại yêu cầu một mẫu giấy tờ khác nhau. Ngoài ra, “nên có cơ chế xác nhận nhanh gọn, thậm chí trực tuyến, thông qua các cơ quan văn hoá địa phương hoặc các tổ chức được uỷ quyền. Đừng để những người muốn làm điều tốt phải đi qua mê cung thủ tục”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.
Chung quan điểm trên, đạo diễn – nhà sản xuất Võ Thanh Hoà chia sẻ thêm cần tăng cường truyền thông về chính sách, bày tỏ mong muốn các cơ quan Nhà nước cùng phối hợp các hiệp hội doanh nghiệp và ngành văn hoá để tổ chức các hội thảo, chương trình truyền thông giúp doanh nghiệp hiểu rõ lợi ích của việc tài trợ và các ưu đãi thuế liên quan. Không chỉ vậy, việc hỗ trợ kết nối giữa doanh nghiệp và các nhà làm phim hay thiết lập những quỹ hỗ trợ tài năng trẻ cũng là điều cần thiết. “Tôi mong muốn có một quỹ hỗ trợ điện ảnh quốc gia, sử dụng một phần nguồn lực từ ngân sách hoặc đóng góp của doanh nghiệp để tài trợ trực tiếp cho các dự án phim của các nhà làm phim trẻ, đồng thời kết hợp với các ưu đãi thuế để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đồng tài trợ”, Võ Thanh Hoà nói.
Trong khi đó, với mong muốn được đóng góp nhiều hơn cho cộng đồng và sớm được gỡ bỏ những rào cản vô hình, đại diện phát ngôn Công ty Cổ phần Thiết bị y sinh BIOMEQ – ông Lý Chánh Minh – đề xuất thêm ý tưởng đơn giản hoá thủ tục, giấy tờ, cho phép doanh nghiệp có thể dùng biên bản bàn giao, hình ảnh hoạt động hoặc xác nhận của UBND xã để chứng minh khoản tài trợ đã được thực hiện đúng mục đích. Ngoài ra, ông Minh cũng bày tỏ mong muốn được ưu đãi thuế theo mức độ, ví dụ tài trợ cho vùng sâu vùng xa có thể được giảm thuế nhiều hơn để trở thành động lực khuyến khích doanh nghiệp. Một ý tưởng nữa là lập sàn kết nối trực tuyến, giúp doanh nghiệp dễ tìm kiếm và xác minh các tổ chức cần tài trợ, đồng thời tự động hoá thủ tục kê khai, ông Minh cho biết.