Văn hóa nghệ thuật

Giữa một dòng văn chương sinh thái còn thưa thớt…

Sách
08:39 | 11/06/2023
Những cánh rừng lim xanh ngàn năm đã biến mất, những rừng tre tự sát đồng loạt nổ bung và gãy đổ hoang tàn
aa

Những cánh rừng lim xanh ngàn năm đã biến mất, những rừng tre tự sát đồng loạt nổ bung và gãy đổ hoang tàn, cây cỏ ngoại lai có hại xâm lấn khắp nơi, động vật hoang dã đánh mất tập tính của loài, rồi cháy rừng, lở núi, lũ lụt huỷ diệt… tất cả những thảm hoạ tự nhiên liên tục xuất hiện khiến tiểu thuyết Thương ngàn của Vĩnh Quyền (Nxb. Trẻ, 2023) đau đáu một nỗi âu lo sinh thái.

Thế giới không bình yên, thảm hoạ từ trên trời rơi xuống, từ dưới đất tràn lên, bùng cháy, bục vỡ, chôn vùi tất cả. Con người đang trả giá cho những ứng xử sai lầm đối với tự nhiên. Làm sao có thể không xốn xang khi nhìn thấy hình ảnh người mẹ già đổ bóng trong ánh chiều cuối năm tịch mịch vừa vái nắm nhang thơm tứ phương vừa khản giọng gọi tên đứa con bất hạnh đang ẩn nghẹt đâu đó dưới những vỡ nát núi rừng sông suối Rào Trăng:

“Tịch mịch rừng xanh Rào Trăng

lỗ chỗ vết lở phơi lòng đỏ

tịch mịch sông đục Rào Trăng

vỡ đôi bờ khúc trầm xa biển

tịch mịch bùn bãi Rào Trăng

thê thiết chiều mẹ khấn tên con

nơi đâu vùi lạc nơi đâu

xác dại hồn khôn mẹ rước về”.

Toàn tác phẩm là những mất mát đầy ám ảnh xoay quanh một quỹ đạo, đó là rừng. Mất đất là mất nước, nhưng mất rừng là mất cả hành tinh, mất luôn cả nhân loại. Thông điệp mang tính toàn cầu đó khiến tiểu thuyết của Vĩnh Quyền thật sự đã “lắng nghe tiếng khóc của Trái đất” trong bối cảnh khủng hoảng môi trường hiện nay.

Vấn đề sinh thái được Vĩnh Quyền đan lồng trong những ký ức về lịch sử triều Nguyễn với phong trào “Tây Sơn hy vọng” nhưng kết thúc bằng vô vọng và phong trào Cần vương cũng nhuốm màu tuyệt vọng; đan lồng trong truyền thuyết “Mùa săn máu” đầy thiêng liêng nhưng không kém phần tàn bạo và nghiệt ngã của dân tộc Katu vốn sống thẳng như cau, sống thơm như quế luôn xem rừng là mẹ-thiêng-liêng, là thần linh của bản làng; đan lồng trong cuộc chơi trốn tìm vời vợi những vì sao lạ ở ngoại vi hệ Mặt trời của các nhà khoa học thiên văn như tìm kiếm chốn dung thân cho nhân loại nếu chẳng may Trái đất này nổ tung... Các tuyến truyện được mở ra, nới rộng thêm không gian, thời gian nghệ thuật và biến cố của câu chuyện, đồng thời, cung cấp thêm cho người đọc nhiều kiến thức về văn hoá và khoa học. Nhờ thế, câu chuyện về rừng tăng thêm phần hấp dẫn.

Ký ức quá khứ và ký ức tương lai; ký ức cá nhân và ký ức cộng đồng; sự kiện môi trường trong nước và thế giới; câu chuyện thời sự và câu chuyện lịch sử; nỗi lo băng bó vết thương của thế giới tự nhiên hôm nay và cảnh báo thảm hoạ vũ trụ năm tỷ năm sau hoà quyện trong nhau từ nhiều người kể chuyện, nhiều hình thức trần thuật (chuyện kể dân gian, hát lý dân gian, ký sự lịch sử, ghi chép cá nhân, chúc thư, tin nhắn, thông tin báo chí, cứ liệu khoa học,…). Nén chặt bấy nhiêu vấn đề đó trong 170 trang viết khiến tiểu thuyết Thương ngàn có sự tiết chế như một bài thơ nhưng cũng giàu sức gợi mở của ý tại ngôn ngoại giống như thơ.

Cốt cách, phong cách, căn tính văn học của Vĩnh Quyền vẫn là chất quý tộc điệu nghệ, sang trọng riêng biệt được thể hiện qua không gian, nếp sống và tính cách Huế với những nhân vật đàn ông ba đời biết yêu thương, nâng niu tôn trọng thiên nhiên và phụ nữ; những nhân vật đàn bà chỉ hé lộ một chút hình tướng và nội tâm cũng đủ để thế giới này hồn xiêu phách lạc vì si mê. Tất cả họ đều có cái thú điền viên tao nhã lẫn những bí ẩn trong sâu thẳm tâm hồn đầy cuốn hút; hoặc có cái dáng vẻ phong trần pha chút kiêu bạc vừa buông tuồng phóng túng đa tình vừa nề nếp nghiêm trang. Bao giờ cũng vậy, điểm xuyết, chấm phá vài nét Huế thôi, nhưng đó chính là ADN nghệ thuật đủ để Vĩnh Quyền tỏ rõ phong thái của mình

Về bút pháp cũng như cấu trúc văn bản nghệ thuật, Thương ngàn chưa vượt trội so với các tiểu thuyết Mảnh vỡ của mảnh vỡ và Trong vô tận của chính tác giả Vĩnh Quyền. Tuy nhiên, “viết vì một thế giới lâm nguy”, nỗi âu lo sinh thái trong tư tưởng sáng tác đã khiến Thương ngàn có một vị trí quan trọng trong dòng văn chương sinh thái còn thưa thớt và non trẻ của văn học Việt.

Nguyễn Thị Tịnh Thy

Nguồn Văn nghệ số 23/2023


Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Thời tiết ngày 20/9: Thanh Hóa - Quảng Trị tiếp tục có mưa lớn diện rộng

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, từ đêm 19/9 - 20/9, mưa lớn xảy ra tại khu vực từ Thanh Hóa - Quảng Trị
Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Báo Văn nghệ nhận Tặng thưởng của Ban Bí thư về hoạt động tuyên truyền lý luận, phê bình VHNT năm 2023

Baovannghe.vn - Tối ngày 19.9.2024 Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã tổ chức lễ trao Tặng thưởng các tác phẩm lý luận, phê bình VHNT năm 2023, tại Nhà hát Hồ Gươm (Hà Nội)
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.