Sự kiện & Bình luận

GS. Hà Mạnh Quân: Nhiều việc cần làm để văn học Việt Nam ra thế giới

Tiếng nói nhà văn
08:32 | 07/11/2020
Tôi được biết đến Giáo sư Hà Mạnh Quân từ nhiều năm trước, khi đọc các bài báo khoa học của anh trên các tạp chí văn học quốc tế. Khả năng viết tiếng Anh lưu loát và tầm nhìn sâu rộng của Quân về văn chương khiến tôi cứ nghĩ anh lớn lên ở Mỹ. Gần đây, khi các dự án văn học cho chúng tôi cơ hội hợp tác với nhau, tôi có dịp trò chuyện với Quân và thấy rằng dù đã sống và làm việc ở Mỹ 20 năm qua, Quân là một người Việt Nam theo đầy đủ tất cả các ý nghĩa. Anh có tiếng cười rổn rảng, giọng nói đậm chất Đà Lạt và đặc biệt là một tình yêu mãnh liệt dành cho văn học Việt Nam.
aa

Tôi được biết đến Giáo sư Hà Mạnh Quân từ nhiều năm trước, khi đọc các bài báo khoa học của anh trên các tạp chí văn học quốc tế. Khả năng viết tiếng Anh lưu loát và tầm nhìn sâu rộng của Quân về văn chương khiến tôi cứ nghĩ anh lớn lên ở Mỹ. Gần đây, khi các dự án văn học cho chúng tôi cơ hội hợp tác với nhau, tôi có dịp trò chuyện với Quân và thấy rằng dù đã sống và làm việc ở Mỹ 20 năm qua, Quân là một người Việt Nam theo đầy đủ tất cả các ý nghĩa. Anh có tiếng cười rổn rảng, giọng nói đậm chất Đà Lạt và đặc biệt là một tình yêu mãnh liệt dành cho văn học Việt Nam.

* Chào Giáo sư Hà Mạnh Quân, cảm ơn bạn về những nỗ lực không mệt mỏi trong việc dịch và giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới. Một thành công gần đây của bạn là việc ra mắt của tuyển tập Other Moons. Bạn có thể giới thiệu đôi nét về tuyển tập này và lý do bạn bỏ ra nhiều năm trời của tuổi thanh xuân để dịch và giới thiệu?

- Other Moons (Những vầng trăng khác) là một tuyển tập gồm 20 truyện ngắn về chiến tranh Việt Nam và thời hậu chiến do tôi chọn lọc và chuyển ngữ. Hầu hết các tác phẩm đã được xuất bản trong các tuyển tập truyện ngắn hay ở Việt Nam, hoặc trên các báo và tạp chí như Văn nghệ Quân đội, Cửa Việt, Sông Hương, Thanh Niên, Tuổi Trẻ, Nhân Dân, v.v.. Tôi có đưa vào truyện ngắn Mảnh trăng cuối rừng (Nguyễn Minh Châu) vì năm học lớp 12, tôi rất thích tác phẩm này, và có lẽ đây là tác phẩm duy nhất được viết trước 1975 trong Other Moons. Tựa đề của cuốn sách cũng là lấy cảm hứng từ truyện ngắn này vì tôi nhận thấy mặc dù chiến tranh khốc liệt, và người dân Việt chịu nhiều tang thương mất mát, nhưng bom đạn không thể xóa đi tình yêu, sự lãng mạn của nguời Việt, và hình ảnh ánh trăng trong thi ca Việt Nam luôn gắn liền với điều này. Những tác phẩm còn lại được viết bởi những nhà văn đã từng tham gia chiến đấu và những cây bút trẻ sinh ra và lớn lên sau khi hòa bình lập lại, nhưng họ vẫn quan tâm đến lịch sử và phản ánh cuộc sống, nỗi niềm trăn trở của những người bình dị trong thời kỳ hậu chiến. Văn học chiến tranh đa phần được viết bởi nhà văn nam, vì họ là đối tượng tham gia trực tiếp vào trận chiến và có thể phản ánh rõ nét đời lính chiến. Tuy nhiên, cũng có những nhà văn nữ xuất sắc như Nguyễn Thị Ấm, Nguyễn Ngọc Tư, Thu Trân, Võ Thị Hảo... Đa số nhân vật trong các tác phẩm tôi chọn lọc là hình ảnh người phụ nữ, mẹ già, vợ lính chiến, trẻ em - những con người bình dị ở hậu phương nhưng số phận và cuộc đời bị giày vò, ám ảnh, và bi kịch hóa bởi bàn tay vô cảm của bóng ma chiến tranh. Tuyển tập Other Moons đa dạng về chủ đề, và độc giả Mỹ có thể hiểu thêm về tàn tích của chất độc màu da cam, việc tìm hài cốt liệt sĩ, xung đột trong gia đình, và cuộc sống khó khăn của những cựu chiến binh và thương bệnh binh sau khi chiến tranh kết thúc.

Ở khoa ngữ văn Anh ở nhiều trường đại học Mỹ, môn học văn học về chiến tranh Việt Nam được giảng dạy khá phổ biến. Tuy nhiên, đa phần các tác phẩm được chọn cho sinh viên đọc được viết bởi người Mỹ và người Mỹ gốc Việt. Nếu có chăng tác phẩm của nhà văn Việt Nam thì quanh đi quẩn lại cũng chỉ có Nỗi buồn chiến tranh (Bảo Ninh), và một số tác phẩm khác. Để môn học này phong phú hơn, tôi quyết định dịch tuyển tập này, với hy vọng giúp người Mỹ hiểu thêm về quan điểm, nỗi niềm, và cuộc sống của người Việt Nam như thế nào về cuộc chiến này.

* Được một nhà xuất bản uy tín hàng đầu trong học thuật - Columbia University Press – đỡ đầu cho quyển sách này là vinh dự hiếm có với một tuyển tập đến từ Việt Nam. Bạn có thể cho biết cơ duyên hợp tác với nhà xuất bản này và những gì bạn học hỏi từ họ? Nếu một dịch giả có bản thảo dịch hay, muốn tìm đường xuất bản ở Mỹ, bạn khuyên họ điều gì?

- Phải nói là Other Moons “có duyên” với nhà xuất bản Đại học Columbia (New York). Cách đây khoảng ba năm, Đại học Columbia “khai trương” chương trình Việt Nam học, và từ trước tới nay, nhà xuất bản này chưa in bất cứ một tác phẩm nào của văn học Việt Nam, mặc dù họ đã xuất bản khá nhiều văn học dịch của nhiều quốc gia. Khi bản thảo hoàn tất, tôi nộp cho khoảng bảy nhà xuất bản và may mắn Đại học Columbia có nhã ý xem xét và thẩm định công trình của tôi. Họ là nhà xuất bản trả lời nhanh nhất về quyết định in sách. Một trong những yếu tố then chốt là họ muốn đẩy mạnh ngành Việt Nam học tại trường, và cuốn sách của tôi góp phần vào sứ mệnh này. Sau khi bản thảo của tôi được thẩm định và phản biện bởi ba học giả hàng đầu ở Mỹ về lĩnh vực này, họ đánh giá cao tuyển tập Other Moons và yêu cầu tôi viết lời giới thiệu cho mỗi tác phẩm để người đọc hiểu rõ bối cảnh của từng truyện ngắn.

Để được xuất bản văn học dịch với một trường đại học Mỹ không dễ và đơn giản. Không phải nhà xuất bản nào cũng xét duyệt công trình dịch, mà dịch giả phải tìm hiểu xem mỗi nhà xuất bản ưu tiên xuất bản cái gì. Tôi nghĩ có ba yếu tố then chốt để “xuất khẩu” thành công văn học Việt Nam sang Mỹ: bản thân tác phẩm được chọn dịch phải hay, xuất sắc về nội dung, có tư tưởng triết lý cao; chất lượng bản dịch phải mượt mà, văn phong trau chuốt nhưng tự nhiên để người Mỹ có thể cảm thụ; bản thân dịch giả phải tự hỏi vì sao công trình này có giá trị và vì sao người Mỹ quan tâm đến tác phẩm này?

* Bạn có thể cho biết về những dự án dịch đang thực hiện, về những tác giả bạn chọn giới thiệu cũng như tiêu chí của các dự án này? Bạn có khó khăn nào trong việc tìm tác phẩm phù hợp với các tiêu chí đó?

- Hiện tại, tôi vừa hoàn tất tuyển tập 14 truyện ngắn về chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh. Cộng tác của tôi là nhà văn Việt kiều Cab Trần - anh là sinh viên cũ của tôi và có bằng thạc sĩ sáng tác của Đại học Michigan. Bảo Ninh là một tên tuổi lớn, và sau khi trao đổi với tác giả và xin tác quyền, tôi quyết định dịch truyện ngắn của anh. Hiện tại ông tổng biên tập của tạp chí văn học nổi tiếng nhất ở Mỹ, The Paris Review, đang đọc bản thảo và sau đó sẽ viết lời giới thiệu cho tuyển tập này. Chắc khoảng sau lễ Giáng sinh, tôi tìm nhà xuất bản cho công trình này và tin chắc nó sẽ thành công.

Cách đây hai tháng, tôi nảy sinh ý tưởng mới: chọn lọc và dịch 20-25 truyện ngắn đương đại của nhà văn nữ Việt Nam, tập trung vào thân phận người phụ nữ, chủ nghĩa gia trưởng, khát vọng tự do của phụ nữ, nữ quyền, những rào cản về văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, xã hội và gia đình trong xã hội Việt Nam từ sau năm 2000. Cộng sự của tôi là tiến sĩ Võ Hương Quỳnh (Đại học Hawaii) và từng là giảng viên Đại học Sư phạm Tp. Hồ Chí Minh. Tuyển tập này có tên Longing (Bến đợi), và trong đó có một số tác phẩm đoạt giải cao ở Việt Nam cũng như tác phẩm viết về phụ nữ dân tộc thiểu số. Ngoài những nhà văn nữ có tên tuổi như Dạ Ngân, Võ Thị Xuân Hà, Trần Thùy Mai... chúng tôi cũng muốn giới thiệu một số cây bút nữ trẻ nhiều triển vọng. Vì chủ đề về người phụ nữ đa sắc màu, và chúng tôi không thể phản ánh hết được, nên chúng tôi chỉ chọn những “sắc màu” tiêu biểu liên quan đến phụ nữ Việt Nam trong 20 năm trở lại đây. Đáng tiếc là chúng tôi chưa chọn được truyện ngắn đặc sắc nào về đồng tính nữ, người mẹ Việt Nam anh hùng, hay nhân vật nữ mạnh mẽ dám đi ngược lại với tiêu chí được xã hội cho là “chuẩn mực” để khẳng định chính mình trong thời buổi kinh tế thị trường. Một điểm yếu mà tôi nhận thấy trong những bài gửi cho tôi xét duyệt là nhiều nhà văn lặp đi lặp lại những chủ đề na ná nhau, không có sự đột phá về nội dung và phong cách. Đa số các tác phẩm quá thiên về cảm xúc nhưng tư tưởng, triết lý chưa đủ độ sâu.

* Bạn nghĩ gì về vị thế của văn học Việt Nam so với văn học thế giới trong những năm qua? Việt Nam hiện có rất ít các chương trình đào tạo viết văn bậc đại học hoặc trên đại học, trong khi ở các nước phát triển, viết văn là ngành thu hút khá đông đảo sự quan tâm của người học. Theo bạn, tại sao có thực trạng khác biệt này?

- So với văn học thế giới thì rộng quá. Tôi chỉ cần so văn học Việt Nam với văn học các nước châu Á láng giềng thì đã thấy văn học Việt Nam quá thiệt thòi. Ở Mỹ, văn học của Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc được dịch và xuất bản rất nhiều, và nhiều trường đại học Mỹ mở ngành đào tạo về văn hóa, đất nước con người của những quốc gia này. Rất nhiều dịch giả người Mỹ đọc và dịch văn học Á châu sang tiếng Anh, tuy nhiên đối với văn học Việt Nam thì hình như ít người Mỹ đủ am hiểu tiếng Việt để chuyển ngữ.

Nhiều người Việt quan niệm viết văn thì nghèo, nên sinh viên ít ai chọn ngành sáng tác văn học, vả lại nghề viết văn ở Việt Nam hơi bạc. Do đó, đa phần các trường đại học Việt Nam không mở ngành này vì lo không có sinh viên theo học. Ở Mỹ, ngành này khá phổ biến, và sinh viên có thể vừa học chuyên ngành kinh doanh vừa đăng ký ngành học phụ là sáng tác. Giảng viên là những người có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ về sáng tác, cũng có khi là những tác giả nổi tiếng trực tiếp đứng lớp. Vì vậy cho thấy ngoài một số ít nhà văn thiên bẩm, đa số phải được đào tạo bài bản và chuyên nghiệp. Tôi thấy đồng nghiệp ở Mỹ của tôi khi viết một cuốn tiểu thuyết, họ phải thực hiện một công trình nghiên cứu có khi ba đến năm năm, rồi mới viết. Sáng tác văn học ở Mỹ thường vừa kết hợp cả nghiên cứu và sáng tác, chứ không đơn thuần là viết theo cảm xúc, hay cảm nhận cá nhân. Các tác phẩm đoạt giải cao trên thế giới xưa nay đều có một triết lý, tư tưởng lớn, hay có giá trị cao về lịch sử.

* Chính phủ Việt Nam luôn mong muốn có nhiều hơn các dự án văn học được dịch và giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Tuy nhiên, tất cả những gì chúng ta làm được cho tới giờ vẫn chưa thật sự để lại dấu ấn nổi bật. Bạn đề xuất gì để việc giới thiệu văn học Việt Nam ra thế giới hiệu quả hơn nữa?

- Sứ mệnh này đòi hỏi nhiều yếu tố. (1) Bản thân tác phẩm được chọn dịch phải có “chất”, có “hồn”, có chiều sâu. (2) Phải có dịch giả yêu văn học Việt Nam và khả năng sử dụng ngôn ngữ thành thạo. Tôi nhấn mạnh rằng giỏi tiếng Anh chưa chắc dịch văn chương được, vì dịch văn khác với dịch văn bản thông thường . (3) Nhà văn phải được “cởi trói” để ngòi bút không bị ràng buộc về tư tưởng. (4) Khuyến khích giới trẻ yêu thích văn hóa đọc viết để ươm mầm cho những tài năng sau này. Ít đọc, ít viết thì không bao giờ viết hay, viết sâu sắc được. (5) Trả công và vinh danh xứng đáng những người dấn thân vào việc dịch và xuất khẩu văn học Việt Nam ra thế giới.

GS-TS. Hà Mạnh Quân sinh năm 1979, tốt nghiệp thủ khoa ngành ngôn ngữ Anh tại Đại học Đà Lạt năm 2000, sau đó nhận học bổng của Mỹ trong 10 năm liên tiếp để hoàn thành ba bằng thạc sĩ và một bằng tiến sĩ. Ông được Đại học Montana (Mỹ) phong hàm giáo sư năm 40 tuổi và hiện đang là phó khoa, kiêm chủ nhiệm bộ môn Văn học Anh-Mỹ tại đây. Lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy chính của ông là văn học Mỹ, đặc biệt là văn học của người Mỹ da màu, văn học về chiến tranh Việt Nam, và dịch thuật văn chương. Ngoài hơn 25 bài báo khoa học, ông đã dịch và xuất bản rất nhiều truyện ngắn Việt Nam giai đoạn 1930-1945 riêng lẻ trên nhiều tạp chí văn học ở Mỹ và Anh Quốc.

Nguyễn Phan Quế Mai (Thực hiện)

* Tên bài do Vannghe online đặt


Thiên tính Nguyễn Bính

Thiên tính Nguyễn Bính

Baovannghe.vn - Phải chăng sự khởi nguồn góp phần tạo nên thiên tính Nguyễn Bính là sự giao duyên hồn nhiên mà tình tứ giữa chất quê, tình quê và hồn quê trong thơ ông ngay từ Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy. Sự giao duyên như trời phú, trời cho ấy đã khiến cánh bướm đa tình Nguyễn Bính sớm chập chờn lay động và giăng mắc cái sinh khí nơi thôn hương quê mình...
Bản tin Văn nghệ ngày 25/11/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 25/11/2024

Baovannghe.vn - Festival khẳng định quyết tâm, nỗ lực của tỉnh Ninh Bình trong phát triển công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí, kinh tế di sản...
Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Ông Hữu họa sĩ. Truyện ngắn dự thi của Đỗ Hữu Khôi

Baovannghe.vn- Họa sĩ Hữu luôn có cách nói ví von bằng hình ảnh, rất mộc mạc, dễ hiểu, không lần nào giống lần nào. Là họa sĩ nổi tiếng, nhưng ông khác hẳn các họa sĩ cùng thời. Không quần xanh, áo đỏ, phụ kiện rủng rẻng, không râu dài, tóc búi cua hay cạo trọc, không xe nọ, đồng hồ kia...
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII quyết nghị nhiều nội dung quan trọng

Baovannghe.vn - Với tinh thần làm việc khẩn trương, trách nhiệm cao, Trung ương đã thảo luận, thống nhất các vấn đề quan trọng.
Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Cũng tại mùa đông. Truyện ngắn của Lê Minh Hà

Baovannghe.vn- Bờ Hồ là nơi ông biết nhất. Ngôi nhà nơi ông được sinh ra ngay Hàng Bài, nhìn qua là Tràng Tiền Plaza, xưa là Bách hóa tổng hợp, xưa hơn là nhà Goda. Bà mẹ ông lúc còn sống vẫn gọi là nhà Goda, bảo vào đó đếm cũng ra hơn trăm thứ hàng hóa, hơn một bách, mỗi tội ông nhà nước chỉ bày chẳng thấy bán. Mười năm cấp một hai ba trường ông học loanh quanh nơi này cả.