Sự kiện & Bình luận

Làm giàu tư tưởng, tình cảm của nhân dân (*)

Đào Duy Tùng
Tiếng nói nhà văn
17:00 | 12/04/2025
Baovannghe.vn- Bài phát biểu của đồng chí Đào Duy Tùng nguyên Ủy viên Bộ Chính trị BCH Trung ương Đảng, tại lễ kỷ niệm 45 năm báo Văn nghệ (12-4-1993)
aa

Thưa các đồng chí,

Hôm nay, trong bầu không khí đầm ấm thân tình của Lễ kỷ niệm 45 năm ngày báo Văn nghệ ra số đầu tiên, tôi rất vui mừng được gặp mặt đại biểu nhiều thế hệ văn nghệ sĩ. Cho phép tôi thay mặt Bộ Chính trị và Ban Bí thư Trung ương Đảng chúc các đồng chí dồi dào sức khỏe, dồi dào sức sáng tạo, đóng góp nhiều giá trị tinh thần cao quý cho sự nghiệp lớn của nhân dân và dân tộc ta trong giai đoạn có tính bước ngoặt này của quá trình phát triển đi lên, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh.

Chúc Tuần báo Văn nghệ bước sang tuổi tráng niên phát huy hơn nữa thành tựu qua 45 năm hoạt động, vững vàng trước những thử thách mới, cải tiến nội dung và hình thức, phấn đấu cho diễn đàn của Hội Nhà văn mỗi ngày một phong phú, lành mạnh, sâu sắc và hấp dẫn, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đổi mới báo chí và văn học, nghệ thuật nước nhà.

Với tiền thân là tờ báo Tiên phong - cơ quan của Hội Văn hóa Cứu quốc, một tổ chức văn hóa cách mạng đầu tiên dưới sự lãnh đạo của Đảng - báo Văn nghệ là diễn đàn sớm nhất của giới văn học nghệ thuật cách mạng nước ta, là hạt nhân tập hợp, đoàn kết, phát huy tài năng của văn nghệ sĩ từ Cách mạng Tháng Tám và những năm đầu kháng chiến chống Pháp.

Cùng với thời gian, các thế hệ văn nghệ sĩ Việt Nam đã góp phần làm nên gương mặt của nền văn nghệ mới, với những giá trị nhân văn sâu sắc. Qua báo Văn nghệ, nhiều sáng tác hay đã đến với bạn đọc trong và ngoài nước, thể hiện sinh động tài năng và tâm huyết của văn nghệ sĩ gắn bó với cuộc sống của nhân dân. Nhiều tài năng trẻ được chú ý phát hiện và khuyến khích. Nhiều cuộc thảo luận sôi nổi và thẳng thắn đã diễn ra nhằm bảo vệ đường lối văn nghệ của Đảng, góp phần phát triển nền văn nghệ dân tộc và cách mạng. Từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay, Tuần báo Văn nghệ đã phản ánh những tìm tòi mới, phong cách mới, bút pháp mới, góp phần làm phong phú thêm nền văn học nước ta. Gần đây, báo đã có cố gắng biểu dương những nhân tố mới, đồng thời phát hiện và phê phán những mặt tiêu cực của xã hội. Một số cuộc thảo luận gần đây về tình hình văn học hiện nay và về một số tác phẩm do báo tổ chức, có tác dụng tích cực.

Tuy vậy, trong công tác của mình, do nhiều nguyên nhân, báo cũng mắc một số khuyết điểm, sai lầm. Việc các đồng chí phân tích những khuyết điểm sai lầm ấy để rút ra những bài học kinh nghiệm là cần thiết. Vấn đề là kiên quyết sửa chữa, để tờ báo ngày càng xứng đáng với vị trí của mình, đáp ứng tốt nhiệm vụ phát triển văn học trong giai đoạn mới, đồng thời phát huy tính tích cực xã hội của các hoạt động văn hóa văn nghệ, giúp cho mỗi người, mỗi tổ chức có thêm những tư tưởng, tình cảm mới góp phần vào sự nghiệp đổi mới của đất nước. Cần phê phán những xu hướng quay lưng với quá khứ, tách rời văn nghệ với chính trị, khai thác một chiều cái xấu, cái ác, chạy theo những thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng... Tất cả những biểu hiện đó chẳng những xa lạ với bản chất cuộc sống mà còn phương hại đến chính sự phát triển văn học nghệ thuật.

Các nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV thể hiện những yêu cầu phát triển trước mắt và lâu dài của đất nước, trong đó tập trung vào nhân tố con người. Không có gì thuộc về con người mà xa lạ với nhà văn. Các đồng chí nghiên cứu Nghị quyết Trung ương IV “Về một số nhiệm vụ trước mắt của văn hóa văn nghệ” thấy rõ mối liên hệ với các nghị quyết về giáo dục và đào tạo, về dân số và kế hoạch hóa gia đình, về chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân, về thế hệ trẻ, toàn là những vấn đề nhằm đem lại hạnh phúc và sự phát triển con người. “Vì Tổ quốc - Vì chủ nghĩa xã hội”, vì hạnh phúc của nhân dân, hướng con người vươn tới sự hoàn thiện - đó là mối quan tâm hàng đầu của nhà văn. Và ở đây, có sự gặp gỡ giữa những nhu cầu của cuộc sống, nguyện vọng của nhân dân với thiên chức cao quý của nhà văn. Tiếp tục đổi mới và phát triển sự nghiệp văn hóa văn nghệ là tư tưởng chủ đạo của Nghị quyết Trung ương lần này. Phát huy cái được, cái tốt, phát huy mọi tiềm năng sáng tạo để phát triển. Phê phán, chấn chỉnh những cái sai, cái dở, cái lệch lạc cũng là nhằm dọn đường phát triển cho cái tốt đẹp, cái mới. Trong bài phát biểu khai mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ IV, khi đề cập nhiệm vụ của văn hóa văn nghệ hiện nay, đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười yêu cầu “các hoạt động văn hóa phải được phát triển lành mạnh, phong phú và đa dạng”. Ở đây, có sự nhất trí giữa yêu cầu của xã hội với cái tâm của nhà văn, nhất trí giữa yêu cầu phát triển nội tại của văn học với trách nhiệm xã hội của người cầm bút. Và như thế không phải là gò bó hay xiết lại. Đảng và nhân dân tôn trọng chân trời sáng tạo của các đồng chí. Có điều là tự do sáng tác, tự do phê bình phải gắn liền với trách nhiệm nhà văn vì lợi ích của đất nước, của dân tộc. Câu hỏi “viết gì? và viết cho ai? mãi mãi vẫn còn nguyên giá trị gợi mở.

Vấn đề đặt ra cho toàn giới chúng ta hiện nay là nắm chắc và vận dụng nhuần nhuyễn những tư tưởng, quan điểm của Nghị quyết Trung ương, nâng cao tư tưởng, tình cảm và bản lĩnh sáng tạo, đoàn kết tập hợp đội ngũ, phấn đấu có thêm nhiều tác phẩm có giá trị đáp ứng yêu cầu và trình độ mới của nhân dân và sự phát triển đất nước. Thể chế hóa và xã hội hóa các chủ trương, biện pháp đề ra trong Nghị quyết của Trung ương là việc làm không thể chậm trễ. Nhưng, về phía sáng tạo, thì không thể trông chờ. Bởi sáng tạo là nhu cầu thường trực của văn nghệ sĩ. Và cuộc sống cũng đang hàng ngày vận động, phát triển, cung cấp chất liệu và thôi thúc các nhà nghệ sĩ phản ánh và sáng tạo. Cuộc sống bao giờ cũng có hai mặt - sáng và tối. Mặt sáng có nhiều, song mặt tối không phải là ít. Đó là trở ngại cho công cuộc đổi mới của đất nước. Đảng đang lãnh đạo đấu tranh đẩy lùi bóng tối, đẩy lùi tiêu cực. Bởi những cái đó hoàn toàn xa lạ với bản chất cuộc sống chúng ta mong muốn, xa lạ với tiêu chí xã hội mà chúng ta đang phấn đấu xây dựng.

Phê phán cái xấu, cái ác, cái thoái hóa, bằng sức mạnh văn học nghệ thuật là công việc của các đồng chí, chắc chắn được xã hội đồng tình. Phê phán cái xấu, cái ác là nhằm mục tiêu phát triển cái đúng, cái tốt, cái đẹp. Tôi rất đồng ý với ý kiến của nhiều nhà văn: Phê phán cái ác không phải để chìm trong cái ác, khuất phục trước cái ác, càng không thể coi cái ác như một thuộc tính vĩnh cửu ở con người. Lại cần thấy rằng đất nước ta từ Đại hội Đảng lần thứ VI đến nay, kinh tế khá dần lên, đời sống được cải thiện từng bước, nhân tố mới xuất hiện ngày càng nhiều trên khắp các lĩnh vực. Đó là kết quả của đổi mới mà mọi người đều cảm nhận được. Nói văn học phản ánh hiện thực trước hết là phản ánh nét chính yếu đó. Có thể có e ngại là biểu dương cái mới, cái tích cực dễ sa vào hời hợt, thiếu sâu sắc hoặc có thể phiến diện chăng? Chắc không phải vậy. Nếu như thể hiện được một nhân tố mới, một đốm sáng của ngày hôm nay là kết quả của quá trình đấu tranh không dễ dàng giữa cái mới với cái cũ, là kết quả của bao nhiêu vật vã, tìm tòi thì tác phẩm sẽ càng nhiều sức thuyết phục. Ở đây không hề có sự đối lập giữa tính sử thi, cái cao cả với cái bình thường của đời sống. Vấn đề là ở chỗ đứng và tầm nhìn của nhà văn. Vấn đề không phải là bôi đen hay tô hồng, mà là sự thật.

Nhưng sự thật là thế nào? Và phản ánh sự thật là thế nào? Tôi hiểu cái phi lý, có khi cũng có gốc rễ nhất định trong hiện thực và người ta có thể viện dẫn vô vàn hiện tượng để chứng minh cho điều mà họ muốn chứng minh. Khó khăn trong việc phản ánh hiện thực là ở đó. Phản ánh hiện thực vì vậy không thể không nắm cho được cái bản chất, tính quy luật và xu hướng của nó, kể cả xu hướng chưa thể hiện rõ nét trong hiện thực. Trước hiện thực bề bộn, ngổn ngang, chằng chịt, ta dễ nhầm lẫn hiện tượng với bản chất. Vì vậy trong khi không đơn giản hóa bức tranh hiện thực, trong khi miêu tả cuộc sống bề bộn, ngổn ngang, vẫn không nên quên tìm cho ra đâu là dòng chính. Sự chuyển động của xã hội ta qua mấy năm đổi mới cũng như kinh nghiệm cải tổ, cải cách ở các nước là những hiện thực lớn giúp khảo nghiệm và làm rõ ranh giới đúng, sai hay, dở, tốt, xấu và do đó chắc chắn giúp chúng ta tìm tòi định hướng đúng đắn trong bối cảnh phức tạp hiện nay.

Sự nghiệp đổi mới của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã đạt những thắng lợi bước đầu rất quan trọng đang đứng trước cơ hội mới và cả những khó khăn và thách thức mới. Điều chủ yếu là thực tiễn đã chỉ rõ con đường mà nhân dân ta lựa chọn là hoàn toàn đúng. Đất nước ta, nhân dân ta đang cần có thêm những động lực mới, những nguồn năng lượng mới về tinh thần để vượt qua mọi trở ngại, từng bước phấn đấu đạt bằng được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội văn minh, con người hạnh phúc.

Đảng và Nhà nước ta đang khuyến khích mọi công dân làm giàu cho đất nước, cho xã hội và cho bản thân mình. Làm giàu tư tưởng và tình cảm của nhân dân thì các văn nghệ sĩ có thể làm nhiều và có trách nhiệm hơn ai hết. Đoàn kết đội ngũ, tập hợp và phát huy mọi tài năng sáng tạo, phấn đấu cho sự ra đời của nhiều tác phẩm hay, có tính tư tưởng và tính nghệ thuật cao, có sức lay động lớn, góp phần làm giàu đời sống tinh thần của toàn xã hội, đó là điều mà nhân dân đang trông đợi ở các đồng chí.

Thưa các đồng chí,

Sáng tạo là công việc của cá nhân, không ai thay thế được. Mỗi nhà văn, mỗi nghệ sĩ, có cách sáng tạo nghệ thuật riêng của mình vì những mục đích cao quý của văn học nghệ thuật. Bầu không khí đầm ấm, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau sẽ tạo ra môi trường thuận lợi cho sáng tác. Mong rằng Hội Nhà văn chính là một môi trường như thế; Hội sẽ tìm được nhiều hình thức hoạt động thích hợp, làm cho Hội gắn bó với hội viên, cùng nhau thúc đẩy sáng tác và chăm sóc đội ngũ kế tiếp cho văn học ta. Mong tờ báo Văn nghệ, cơ quan ngôn luận của Hội Nhà văn thể hiện được phong phú những mục tiêu cao quý trên con đường đã chọn và đã được ghi trang trọng trên tiêu đề của báo: “Vì Tổ quốc - Vì chủ nghĩa xã hội”, đáp ứng ngày càng tốt yêu cầu của đông đảo bạn đọc.

Xin chúc các đồng chí sức khỏe và có nhiều sáng tạo mới.

Làm giàu tư tưởng, tình cảm của nhân dân (*)
Hình ảnh tại lễ kỳ niệm 75 năm Ngày báo Văn nghệ ra số đầu tiên. Ảnh TL

(*) Đầu đề do báo Văn nghệ đặt.

Bình luận

avatar-comment
50 năm Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh: Nhìn lại để bước tiếp

50 năm Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh: Nhìn lại để bước tiếp

Baovannghe.vn - Chiều 16/4, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tọa đàm “50 năm Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh - Phát huy truyền thống, tiếp nối tương lai” nhân kỷ niệm 50 năm Giải phóng Miền Nam thống nhât đất nước (30/4/1975-30/4/2025).
Kí ức - Thơ Bạch Diệp

Kí ức - Thơ Bạch Diệp

Baovannghe.vn- Mở về phía những ngọn đồi/ Khung cửa sổ của tôi
Đọc truyện: Tinh tuyển - Truyện ngắn của Dương Duy Ngữ

Đọc truyện: Tinh tuyển - Truyện ngắn của Dương Duy Ngữ

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Sáng tạo như là làm việc với ký ức

Sáng tạo như là làm việc với ký ức

Baovannghe.vn - “Tự chất vấn bản thân mình là ai” là một câu hỏi tạo ra bước ngoặt của cuộc đời. Đây là một câu hỏi cơ bản, tất cả mọi người rồi đều sẽ đối mặt vào một thời điểm nào đó trong đời, không chỉ riêng với những người làm sáng tạo.
Chênh chao nỗi nhớ hàng rào dâm bụt. Tản văn của Việt Phi

Chênh chao nỗi nhớ hàng rào dâm bụt. Tản văn của Việt Phi

Hoa dâm bụt khá to, mềm mại và quyến rũ. Màu đỏ rực nổi bật hẳn trên một thảm xanh ngắt của những chiếc vô cùng hấp dẫn. Cả ngày tôi chỉ quanh quẩn bên rào dâm bụt mà nhìn ngắm không chán mắt.