Lưng dựa Bạch Mã sơn, mặt hướng về Đông hải, những ngọn núi trên dãy Hải Vân lớp lớp tràn theo nhau cùng lao ra biển lớn. Con đường thiên lý mà tổ tiên phát lối dọn cây từ sáu trăm; năm trước vẫn còn đây. Phải mất hàng mấy trăm năm con đường ấy mới vượt qua được ngọn đèo kỳ vĩ này để khai mở quốc thổ vào phía Đàng Trong. Trong hành trình mở cõi của các bậc tiền nhân, những câu chuyện bi hùng bao thế kỷ qua còn in dấu đó đây trong trang chính sử hay lưu truyền nơi bình dân thôn dã. Trên đỉnh ngàn năm mây trắng, tượng hình Hải Vân quan sừng sững giữa trời. Hình ảnh đó chạm vào nơi sâu thẳm nhất của người đối diện dòng cảm khái lịch sử…
Hải Vân Quan. Nguồn Internet |
Từ đỉnh Hải Vân trong chiều khói sóng này, mới thấy nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường ít nhiều có lý khi phát hiện ra những nguyên cớ lịch sử trong điệu Lý Qua Đèo nổi tiếng. Ông Tường cho rằng, điệu hát lý lưu hành trong dân gian này là cảm xúc đồng vọng vận mệnh thời cuộc của dân tộc. Trong mỗi luyến láy giai điệu và ý tứ ca từ của khúc dân ca có chứa cả thân phận lịch sử khi ngọn đèo Hải Vân trở thành chứng tích của đám cưới Huyền Trân.
“Dắt bạn qua đèo…”, như nhiều người liên tưởng, là hình ảnh vua Sinhavaman II - Chế Mân rước người vợ Việt về xứ Chàm đầu thế kỷ XIV. Thực tình cũng khó mà phân giải, bởi bánh xe lịch sử đã lăn qua đất này hàng mấy trăm năm trước và điệu Lý ấy thì mặc nhiên tồn tại trong không gian nghệ thuật dân gian. Cũng không mấy người nghe bài Lý Qua Đèo mà nhớ đến Công chúa Huyền Trân, chỉ biết rằng, ngắm chứng tích Hải Vân, đọc câu “thiên hạ đệ nhất hùng quan” trên đỉnh ải chiều nay lòng chợt nao nao về miền quá vãng và những cơ duyên lịch sử xảy ra trên mảnh đất này. Đèo xưa vẫn đây, ải cũ trơ gan tuế nguyệt, biển khơi trùng trùng trước mặt, lòng chợt rung lên cảm thức về thời đã xa, thời mà tổ tiên khăn gói vượt rừng thẳm, sông sâu hành phương nam mở cõi. Thời mà từ đó văn hóa nước mình đón nhận, hòa nhập, tiếp biến, song hành, tạo một nét riêng cho văn minh Đại Việt ở xứ Đàng Trong…
Ngày cuối tuần, lang thang theo con đường cũ leo lên đỉnh đèo. Cứ ngỡ sau khi có hầm đường bộ thì đường lên Hải Vân quan sẽ hoang vắng lắm, hóa ra không phải. Giữa không gian di tích cơ man nào là xe, là người, rất đông du khách mà trong đó một lượng lớn là người ngoại quốc. Họ dắt díu nhau leo những bậc đá cheo leo lên đỉnh cửa ải. Họ sờ lên rêu phong tường cũ. Họ say sưa ngắm đồn lũy xưa, ngắm vịnh biển Đà Nẵng bao la trước mặt, ngắm núi rừng giữa mây trắng đỉnh đèo, những áng mây lững lờ trôi xuôi từ dãy Bạch Mã. Họ hỏi rất nhiều, tìm rất kỹ về cửa ải, về đồn Nhất và ngọn đèo chiến lược cực kỳ quan trọng này. Không biết các hướng dẫn viên du lịch đã thỏa mãn cho du khách những gì, chỉ cảm nhận rằng, rất nhiều người đã tỏ ra hứng thú với câu chuyện về di tích Hải Vân quan, về những biến cố lịch sử đã xảy ra nơi đây từ hàng trăm năm trước. Cũng như những du khách, trong tôi không biết tự bao giờ đã nảy sinh những dòng cảm thức khi trí nhớ nhắc về đèo Hải Vân. Mỗi lần qua lại nơi này, những câu chuyện xa xưa cứ tự nhiên hiện về. Cũng như hôm nay tôi lại lên đèo và neo đậu vào tâm hồn mình những liên tưởng thú vị…
Lật lại sử xưa, năm 1293, sau khi đánh tan quân Nguyên Mông lần thứ hai, vua Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con là Trần Anh Tông, ngài thăng vị Thái Thượng Hoàng và quyết chí tu hành. Năm 1301, Trần Nhân Tông có một cuộc viễn du sang đất Chiêm Thành tìm đạo và lưu lại kinh đô Đồ Bàn đến hơn chín tháng. Không biết Phật Hoàng đã hứa hẹn điều gì với Chế Mân trong khoảng thời gian làm khách mà năm 1306 đã xảy ra cuộc hôn nhân cung đình nổi tiếng, công chúa Huyền Trân nhà Trần đã trở thành thê tử của Chiêm vương. Sính lễ Anh Tông nhận được từ em rể của mình là hai châu Ô, Lý. Hai “mâm quả” Chế Mân sai Chế Bồ Đài dâng đến Thăng Long là vùng đất đai rộng lớn từ sông Gianh đến sông Thu Bồn. Cuộc hôn nhân lịch sử giữa công chúa Đại Việt và quốc vương Chiêm Thành có nhuốm màu sắc chính trị hay không, ai mà thấu được, khi chuyện cũ xảy ra cách nay đã ngoài bảy trăm năm. Chỉ biết rằng, từ cuộc hôn nhân cung đình này đã mang về cho Đại Việt một miền quốc thổ phương nam. Châu Lý, châu Ô của nhà Chiêm đã biến thành Thuận Châu và Hóa Châu của Đại Việt. Trong vùng đất ấy có ba cửa biển chiến lược: Cửa Việt (Quảng Trị), Cửa Tư Hiền (Huế), Cửa Đại (Quảng Nam); các vựa lúa: Triệu Hải, Phong Quảng và Điện Bàn; và một ngọn đèo chiến lược: Hải Vân! Cũng biết rằng, cảm hứng từ đám cưới Huyền Trân từng ai oán thê lương trong nghệ thuật Việt. Bên kia Hải Vân, phía Huế, vẫn còn vọng câu Nam Bình khóc cho người Việt nữ rũ áo cố hương đi làm dâu xứ Chàm: “Nước non ngàn dặm ra đi - Cái tình chi - Mượn màu son phấn - Đền nợ Ô - Li…” Câu ca nghe buồn hiu buồn hắt cùng điệu Lý Qua Đèo vọng âm da diết như càng làm sâu thẳm hơn cái cảnh, cái tình của mây gió Hải Vân…
Bầu trời miền Trung vốn đã nhiều mây mà đỉnh đèo Hải Vân lại là nơi mây tụ. Rất nhiều buổi chiều tôi ngồi ở phía bờ nam sông Hàn và nhìn lên phía ấy. Hải Vân đúng là “ải mây” như cách gọi người xưa. Mây la đà theo lớp lớp núi non choài ra phía biển. Mây hòa trong khói sóng của vịnh Đà Nẵng. Mây cũng biết tựa vào nhau dựng lên lớp lớp như xây thành trong những ngày động biển. Bầu trời mây Hải Vân dào lên nỗi ám ảnh điều gì lạ lắm. Mây khói ấy như nhắc nhở ngươi đương thời về một ngọn đèo gắn liền với những biến cố lịch sử dân tộc, những dòng ký ức nhiều tầng, nhiều đoạn của thời gian đã lùi ngược về xa. Nhìn lên đỉnh đèo trong thời hiện tại mà như thấy còn đó hình ảnh những đoàn lưu dân lầm lũi từ giã cố hương vượt rừng thẳm núi sâu, vượt tai ương, dã thú về phương nam khẩn hoang mở đất. Như còn đó hình ảnh những hùng binh trấn ải, đứng ở điểm cao yết hầu mà mở rộng “thiên lý nhãn” canh giữ biên cương từ phía biển khơi. Như còn đó trùng trùng những đoàn quân chinh phạt, trên ngựa dưới thuyền có thời xuôi nam, có thời ngược bắc. Dưới chân ngọn đèo này còn vọng tiếng đại bác liên quân viễn chinh Pháp và Tây Ban Nha mở đầu cuộc xâm lăng đất nước ta vào ngày 31-12-1858; tiếng sóng vỗ còn lưu dấu uất hận những tên lính Mỹ đầu tiên từ hạm đội bảy đổ bộ vào trút mưa bom bão đạn lên mảnh đất thân yêu này từ tháng 3-1965…
Theo dòng lịch sử: Năm 1307, Hải Vân đã có tên trên bản đồ Đại Việt bởi công trạng nhà Trần; năm 1470, Hoàng đế Lê Thánh Tông vi hành qua đây đã gửi tặng câu “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Mãi đến năm Minh Mạng thứ bảy - 1826, tên “Hải Vân Quan” được nhà vua cho khắc lên cổng đá đỉnh đèo. Sách Đại Nam thực lục chính biên, viết: “Phía trước, phía sau đều đặt một cửa quan. Ngạch trước viết ba chữ “Hải Vân Quan”, ngạch sau viết sáu chữ “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”. Cửa trước cao và dài đều 15 thước ngang 17 thước 5 tấc, cửa sau cao 15 thước dài 11 thước ngang 18 thước 1 tấc, cửa tò vò đều cao 10 thước 8 tấc, ngang 8 thước 1 tấc. Phía tả hữu cửa quan, xếp đá làm tường, trước sau tiếp nhau”. Minh Mạng thực sự là vị vua có tầm nhìn chiến lược “quan phòng vệ quốc”, thể hiện qua việc ông cho phái biền binh gồm 4 đội Hữu sai và hai đội Ứng sai cùng súng ống đạn dược và thiết bị quan trắc trang bị tại đây để kịp thời phi báo khi có động ở phía Đàng Trong hay từ phía biển khơi. Lịch sử nhiều thời ghi nhận, Hải Vân quan đã phát huy hữu hiệu tác dụng của những con mắt thần trông đất, giữ nước.
Qua bao biến thiên lịch sử, đèo Hải Vân với những dấu tích xưa huy hoàng vẫn còn hiện hữu với thời gian. Dưới triều Nguyễn, Hải Vân quan là niềm tự hào to lớn của vương triều. Năm 1835, vua Minh Mạng đã cho khắc Hải Vân quan cùng với sông Vĩnh Điện và cửa Hàn Giang lên Dụ Đỉnh (một trong cửu đỉnh) để làm quốc bảo tượng trưng cho vẻ đẹp non sông và sức mạnh vương triều. Suốt bao chặng đường dài dựng và giữ nước, đèo Hải Vân và Hải Vân quan đã đi vào cuộc sống của người Việt, đi vào tâm thức, đi vào nghệ thuật bởi sự trân trọng, bởi cảm xúc, bởi tình yêu…
*
Cuối chiều sương đã nhẹ buông, mây cũng chuyển màu, không gian như nhuốm nỗi u hoài. Đứng chênh vênh bên mép đèo ngắm Hải Vân quan mà một nỗi buồn lan tỏa. Di tích “đệ nhất hùng quan” giờ đây đã biến thành phế tích. Những bức tường mục bởi nắng mưa gió bão như đang chực đổ xuống. Những viên đá chông chênh ghép tạm làm lối đi. Cây dại cỏ hôi um tùm khắp nơi. Bên những bức đại tự in đậm dấu ấn lịch sử của các bậc đế vương là những dòng chữ nguyệch ngoạc đủ gam màu “ái, ố” của đám hậu nhân vô lối. Hàng rong lấn du khách và rác thải chất thành từng đống. Vài ba cô cậu bạo gan và cạn nghĩ leo lên các đỉnh cao của di tích mà hò hét và chụp ảnh selfie. Bao năm tháng đi qua, mưa nắng, bão tố vẫn đi qua nơi này và Hải Vân quan sừng sững nhường kia vẫn phải hứng chịu sự tàn phá khắc nghiệt của thời gian…
Hãy làm tất cả mọi điều có thể để giữ Hải Vân quan cho hôm nay và cho cả mai sau. Để con cháu sau này vẫn được chiêm ngắm chứng tích trên đỉnh đèo mây trắng để cảm khái về cổ sử, nhớ về những thời binh lửa can qua, thửa ông cha vượt rừng rậm, núi cao, mang gươm đi mở mang bờ cõi sơn hà…
Nguồn Văn nghệ số 35+36/2019