Diễn đàn lý luận

Hình ảnh Hà Nội trong tạp văn Nguyễn Ngọc Tiến

Hà Vinh Tâm
Lý luận phê bình
19:30 | 03/07/2024
Trong những năm gần đây, Nguyễn Ngọc Tiến là một trong số ít các nhà văn rất được dư luận chú ý. Hơn một phần tư thế kỉ cầm bút cùng với những trải nghiệm cuộc sống của một nhà báo và bằng sự lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc của một nhà văn đầy trách nhiệm, Nguyễn Ngọc Tiến đã dần định hình cho mình một phong cách nghệ thuật riêng: suy tư sâu sắc, trải nghiệm phong phú, lối viết tự nhiên, linh hoạt.
aa

Trong những năm gần đây, Nguyễn Ngọc Tiến là một trong số ít các nhà văn rất được dư luận chú ý. Hơn một phần tư thế kỉ cầm bút cùng với những trải nghiệm cuộc sống của một nhà báo và bằng sự lao động nghệ thuật miệt mài, nghiêm túc của một nhà văn đầy trách nhiệm, Nguyễn Ngọc Tiến đã dần định hình cho mình một phong cách nghệ thuật riêng: suy tư sâu sắc, trải nghiệm phong phú, lối viết tự nhiên, linh hoạt. Sức sáng tạo rất dồi dào, mạnh mẽ của nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến được thể hiện ở bốn tập tạp văn ra đời liên tiếp: Đi dọc Hà Nội (Nxb Thời đại, 2013), Đi xuyên Hà Nội (Nxb Trẻ, 2015), Đi ngang Hà Nội (Nxb Trẻ, 2017), 5678 bước chân quanh hồ Gươm (Nxb Trẻ, 2017). Trong đó, hai cuốn sách Đi ngang Hà NộiĐi dọc Hà Nội đã mang lại cho anh Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội. Qua bốn tập sách, chúng ta thấy hiện lên một hình ảnh Hà Nội rất riêng, một Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến.

Hình ảnh Hà Nội  trong tạp văn Nguyễn Ngọc Tiến
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến

Dưới ngòi bút của Nguyễn Ngọc Tiến, Hà Nội được nhìn nhận, khám phá trong suốt chiều dài lịch sử. Viết kí về lịch sử thì tác giả phải tìm hiểu các sự kiện được ghi chép chính xác trong sách, báo đã ấn hành hoặc gặp gỡ các nhà nghiên cứu, người cao tuổi sống lâu năm ở Hà Nội. Mọi sự vật, hiện tượng liên quan đến Hà Nội đều được Nguyễn Ngọc Tiến cẩn trọng khai thác, lựa chọn góc nhìn theo hai chiều lịch đại và đồng đại để khắc họa toàn diện, cụ thể hơn chân dung của thành phố nghìn năm tuổi. Những trang văn của anh không chỉ mang lại cho bạn đọc cảm xúc yêu mến Hà Nội mà còn mang lại những hiểu biết, những kiến thức sâu sắc về mảnh đất này. Đó là tập hợp những bài viết sinh động, phong phú, có tính chất khảo cứu về những sự kiện - hiện tượng đã và đang diễn ra ở Thăng Long - Hà Nội.

Hà Nội hiện lên trong trang văn của Nguyễn Ngọc Tiến với tư cách là một không gian địa lí - văn hóa đặc biệt. Trước hết là không gian được mở ra với từng bước chân “5678 bước chân quanh hồ Gươm”. Mỗi bước chân là một góc nhìn về Hà Nội. Tác giả đã giải thích cách đặt nhan đề ở lời tựa cuốn sách: “Sở dĩ đặt tên sách như vậy vì tôi đi dạo quanh hồ Gươm hết từng ấy bước chân. (…) Tuy nhiên, ngoài chuyện không đầu không cuối, tôi cũng lan man những điều tôi đọc trong sách, tôi chứng kiến và cảm nhận được về Thăng Long - Hà Nội.”(1) Cuốn sách đã mở ra một không gian văn hóa độc nhất vô nhị theo từng chồng lớp lịch sử. Qua cuốn sách, người đọc được chứng kiến thêm Hà Nội của nhiều góc cạnh: những bước hình thành nên thành phố kiểu phương Tây do người Pháp lập, những thú chơi hay phong tục của thời trước, những công trình văn hóa kiến trúc Hà Nội, những phận người mưu sinh quanh hồ Gươm và những thăng trầm lịch sử.

Đó là không gian tự nhiên độc đáo: “Hà Nội có nghĩa là thành phố trong sông. Nhưng không chỉ có sông Hồng mà Hà Nội xưa bị bao quanh bởi các sông Tô Lịch, Kim Ngưu, Thiên Phù. Trong lòng Hà Nội lại có rất nhiều hồ. Phía Bắc có hồ Tây, dịch sang phía đông một chút có hồ Mã Cảnh, hồ Hàng Than, Huyền Thiên, xuống một chút là Diên Hưng rồi Lục Thủy. Các hồ này nối với nhau bằng những con lạch tạo ra những con đường thủy trong thành phố.”(2)

Đó còn là không gian xã hội - lịch sử với một bề dày trầm tích gắn liền với phố Lê Thạch, chùa Báo Ân, bưu điện, khách sạn “Đờ La Hiên” Bờ Hồ, hiệu ảnh Quốc tế, đền Ngọc Sơn. Những trang tạp văn Nguyễn Ngọc Tiến đã tái hiện được một không gian Hà Nội xưa trong sự đối chiếu với Hà Nội ngày nay trong mỗi câu chuyện được kể. Trong Đi xuyên Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến đã nói rõ nguồn gốc sông Nhĩ Hà: “Sông Hồng đoạn chảy qua Thăng Long - Hà Nội uốn lượn quanh co như nhĩ tai nên người ta gọi là Nhĩ Hà (có người gọi là Nhị Hà).” Anh kể về lịch sử Thăng Long gắn liền với dòng sông Hồng để cuối văn bản này tác giả chia sẻ nỗi niềm day dứt của mình: “Ước mơ một Hà Nội quay mặt về phía sông không còn con đê ngăn cách để chiều chiều ra “nghe tiếng sông Hồng thở than” là mong muốn không chỉ của giới kiến trúc sư mà chủ tịch thành phố Trần Duy Hưng (1954 - 1976) từng ao ước như vậy. Sang đầu thế kỷ XXI, sông Hồng hầu như không còn lũ vì khởi nguồn nằm bên kia biên giới bị khai thác quá mức. Nên chăng cho phá đê.”(3) Nhà văn Nguyễn Ngọc Tiến đã có góc nhìn về Hà Nội nhận thấy Hà Nội hiện nay rất khác so với Hà Nội ngày xưa, từ kiến trúc, phố phường, đến diện tích. Tuy nhiên, sự thay đổi đó là do quy luật cuộc sống, nếu không có những thay đổi trên, Hà Nội sẽ không nhộn nhịp và sầm uất như bây giờ. Anh tâm sự: “Kí ức trong tôi về Hà Nội là những con đường dài rợp bóng cây xanh, tiếng tàu điện leng leng, mùi hoa sữa thơm nồng, ánh mắt háo hức của tôi khi lần đầu được ăn phở Bờ Hồ... Tôi luôn mơ về một Hà Nội thơm phức như thế...”(4)

Hà Nội được nhìn nhận khám phá từ đời sống vật chất đến tinh thần, từ cái tổng thể đến cái cụ thể, cá thể. Ở Đi dọc Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến đã tập hợp 38 câu chuyện về Hà Nội, chú ý lịch sử của những hiện tượng thân quen trong đời sống: Từ Mơ Cơm đến phố Hàng Cơm, Răng đen, răng trắng và răng… tetracycline, Người mẫu thời trang Hà Nội xưa, Điều còn ít biết về Nhà hát Lớn, Những ngã tư và những cột đèn, Vườn hoa và công viên, Câu đối và chữ… Tập sách Đi xuyên Hà Nội có 35 câu chuyện về Hà Nội xoay quanh các chủ đề: Người Thăng Long - Hà Nội di cư, Chuyện dòng họ trên đất Hà Nội, ngõ Hà Nội, tỉnh Hà Nội và thành phố Hà Nội… Có những câu chuyện gọi hẳn mốc thời gian lịch sử cụ thể, đặc biệt gắn liền với Hà Nội: Đinh Hợi, Tết ra đi; Quý Sửu, Tết trở về; Hà Nội tháng 4-1975… Qua cuốn sách, tác giả cho chúng ta thấy rõ hơn những khúc quanh, những bước chuyển mình lịch sử của Thủ đô. Đi ngang Hà Nội là tập sách tập hợp 31 câu chuyện về Hà Nội liên quan đến: Thời tem phiếu, Ô tô - biểu trưng quyền lực, Nhảy đầm, Xe máy...5678 bước chân quanh hồ Gươm, tác giả theo chiều kim đồng hồ mà kể theo tiến trình thời gian, bắt đầu từ tượng Lý Thái Tổ - vị vua có công đầu xây dựng Thăng Long. Mạch truyện tuân theo tiến trình con đường vòng quanh Bờ Hồ, nơi cả hơn trăm năm qua chứng kiến bao sự thăng trầm của thời cuộc, nơi phô bày những nét đặc trưng của Hà Nội gắn liền với những số phận cụ thể. Bên cạnh việc chú ý đến những vấn đề lớn, quan trọng của Hà Nội, anh còn quan tâm đến cả những mảng đời sống không mấy ai để tâm, đề cập đến như chuyện… hố xí tự hoại có từ bao giờ. Bằng cách làm đó, anh đã phục dựng nên bức tranh Hà Nội đa chiều theo chiều dài lịch sử từ xưa đến nay.

Trong những cuốn sách viết về Hà Nội, Nguyễn Ngọc Tiến kể lại rành rọt, tỉ mỉ, cụ thể cả những câu chuyện hưng phế của thời đại, những phận đời nổi trôi có thực theo thời cuộc hay những dấu mốc lịch sử quan trọng diễn ra trên mảnh đất Hà thành. Mỗi câu chuyện ấy đều gắn liền với những con người cụ thể (anh gọi là “thị dân”) nhưng có tác động rất lớn đến đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần của Hà Nội. Mỗi câu chuyện là một dấu ấn, một cột mốc làm nên lịch sử vùng đất “ngàn năm văn hiến” này. Chẳng hạn khi nói về Thân phận hoa loa kèn, Nguyễn Ngọc Tiến đã viết: “Thói quen tiểu tư sản thành thị ngấm vào Hà Nội, nên dù thiếu ăn thì giáp tết vẫn rủ nhau lên Ngọc Hà ngắm hoa, mua hoa.”(5) Từ đó tác giả nhận xét: “Đất kinh kì không chỉ trồng hoa mà còn biết chơi hoa từ lâu.”(6) Hoặc như chuyện xe đạp nhập vào Việt Nam, anh cung cấp thông tin cụ thể là xe đạp có từ bao giờ, ai là người sở hữu chiếc xe đầu tiên, xe đạp sản xuất ở Việt Nam ra sao, rồi bi kịch cuộc đời liên quan đến xe đạp thời bao cấp... Hoặc câu chuyện về đĩa than: “Cũng năm này, người đầu tiên ở Hà Nội mua chiếc máy quay đĩa hiệu Gramophone loa đồng vểnh lên là cụ Hàn Liên. Cụ vừa chơi vừa buôn đồ cổ ở phố Lê Thái Tổ. (…) Năm 1922, Pathé tiến ra Hà Nội thu ca trù.”(7) Những con người có danh tính rõ ràng liên tiếp được nhắc đến: bác sĩ Trần Duy Hưng, phóng viên Bùi Dư, nhà văn Vũ Bão, ông Hùng, Trần Hải Đăng, Trần Nhật Tân, Đỗ Ngọc Giao, nhạc sĩ An Thuyên… gắn liền với nhu cầu chơi đĩa than theo thời gian. Nguyễn Ngọc Tiến đã dẫn lời của một nhân chứng lịch sử - ông Ninh, “người được đánh giá là thẩm âm tốt, am hiểu về âm nhạc và hiện cung cấp đĩa cho rất nhiều người chơi, thì: “Cách đây chục năm, số người chơi đĩa than ở Hà Nội không nhiều nhưng hiện tại Hà Nội có hàng trăm, trong số đó có rất nhiều người chơi chuyên nghiệp.”(8) Rõ ràng, Nguyễn Ngọc Tiến đã tiếp nối trang sử kí phong tục về thành phố lâu đời của mình.

Tóm lại, với lối viết tự nhiên, dung dị, sinh động và linh hoạt, nhà văn gợi cho độc giả một cái nhìn mới về Hà Nội trong suốt chiều dài lịch sử. Ở mỗi câu chuyện, Nguyễn Ngọc Tiến đều muốn khám phá, lí giải nguồn gốc những sự vật, hiện tượng liên quan đến Hà Nội, đều muốn lật tung lên từng ngóc ngách về mảng đời sống của Hà Nội để chiêm nghiệm, trăn trở, suy tư... Có thể nói qua bốn cuốn tạp văn, Nguyễn Ngọc Tiến thực sự đã thể hiện thế mạnh riêng, dấu ấn riêng của mình như một cây đại thụ lớn viết về Hà Nội.

HÀ VĨNH TÂM

(1), (2). Nguyễn Ngọc Tiến (2015), 5678 bước chân quanh Hồ Gươm, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr5-tr7.

(3). Nguyễn Ngọc Tiến (2015), Đi xuyên Hà Nội, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr179.

(4). Lạc Thành (2016), https://www.nguoiduatin.vn/nv-nguyen-ngoc-tien-toi-luon-mo-ve-mot-ha-noi-thom-phuc-nhu-the-a302379.html.

(5), (6). Nguyễn Ngọc Tiến (2013), Đi dọc Hà Nội, Nxb Thời đại, TP. Hồ Chí Minh, tr158, tr159.

(7), (8). Nguyễn Ngọc Tiến (2017), Đi ngang Hà Nội, Nxb Trẻ, TP. Hồ Chí Minh, tr128, tr135.

Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Baovannghe.vn- Luôn có cuối năm/ Luôn bề bộn cuối năm
Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Baovannghe.vn - Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu đến từ Huế, TP.HCM, Nam Bộ được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử.
Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Baovannghe.vn - Hội An sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động và diễu hành chào mừng 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024).
Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Baovannghe.vn - Giải đấu năm nay thu hút sự tham gia của gần 200 vận động viên đến từ 40 cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trên khắp cả nước
Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Baovannghe.vn - Hội nghị TƯ quán triệt Nghị quyết 18, theo định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.