Một thời nặng gánh thương đau
Làng như mảnh vá áo nâu bạc sờn
Một thời đau lưỡi cuốc mòn
Củ khoai lẫn với mảnh bom, vỏ đồng!...
Cho tới hôm nay, cái khối sắt quả tạ ấy vẫn nằm lù lù bên đầu cầu làng tôi. Hơn bốn chục năm trời, làng nước đổi thay, bao thứ chuyển dời nhưng nó vẫn nguyên vẹn chỗ cũ không hề xê dịch. Nó là quả búa đóng trụ cầu hình trái cân nghe nói nặng hơn bốn tấn, của kíp công binh công chánh chi đó thi công cầu bỏ lại. Năm đó cầu sắp làm xong thì giặc giã súng đạn ập tới. Đám công nhân bỏ của chạy lấy người. Cục tạ bị bỏ nằm nghiêng, một phần lún xuống đất, trên đầu nó có cái khoen tròn để cần cẩu xà-lan móc cáp. Hình dạng ban đêm chập choạng dòm y hệt một người lính mang ba lô thu lu ngồi gác bên chân cầu. Rứa là suốt những năm súng nổ, nó lãnh đủ không biết cơ mang nào là đạn của cả hai phía. Người làng tôi chúa nói trạng cho nên từ thời đó, bao nhiêu câu chuyện cười chảy nước mắt được sinh ra quanh cái “thằng lính” da sắt mình đồng, kiên cường bất tử đó. Có đêm súng nổ rầm rầm, sáng ngày không nghe ai thương vong khóc lóc, nhưng ra coi cái cục tạ thấy lăm nhăm chi chít dấu đạn, mấy người già cứ đứng chắp tay van vái lia lịa. Rồi có chú bác còn nghiêm nghị phán, chính nó là “hình nhân nhân thế mạng”, là tấm bia đỡ đạn cho dân làng. Rồi tới ngày làng tế, mấy bác áo the khăn xếp còn đem hương hoa phẩm vật ra cúng bái lạy tạ, còn đốt cả đống áo binh vàng mã! Nó nghiễm nhiên trở thành “tượng đài” của làng. Tới ngày đất nước hòa bình độc lập, nó lại được nâng thêm tầm giá trị bởi mấy câu nói của bác Khoai cán bộ tập kết miền Bắc mới về làng, một người điềm đạm mực thước: Mũ cối dép cao su, áo phin trắng quần si pha lon, mang xắc-cốt. Bác cưỡi xe đạp Thống Nhất dừng ngay chân cầu, sờ tay lên “bức tượng” đạn băm lỗ chỗ, vẻ mặt đầy xúc động, nói pha giọng Bắc nhấn mạnh: “Cán bộ và bà con ta phải kiên quyết bảo vệ và lưu giữ… Đây là… chứng tích của chiến tranh, là biểu tượng thành đồng của… làng ta anh hùng!...”
Hình ảnh minh họa. Nguồn pinterest |
Tới mấy năm đói khổ sau đó, đường ray, tà vẹt đường tàu còn bị rút bán sắt vụn. Có mấy tay anh chị râu ria hầm hố - những ông vua phế liệu chiến tranh chuyên cưa bom, cắt xe tăng máy bay từ xứ mô đã mò tới âm mưu tìm cách rinh “bức tượng” cả đống tiền này, nhưng đều bị dân làng phát hiện đuổi chạy không kịp. Ít lâu sau, vợ chồng Mụ Thợ Rèn ra dựng lều gần bên làm cái lò rèn, nó có được mái che, được bảo quản cho tới hôm nay.
Làng tôi hồi chiến tranh nghĩ cũng lạ. Làng có bốn phe nhưng phe Nhứt phe Nhì hoàn toàn “mất an ninh”, do Việt Cộng kiểm soát. Phe Ba vùng đệm “xôi đậu”. Chỉ có phe Tư, ban ngày lính tráng đầy đường, nhưng quá chạng vạng là du kích tới từng nhà kêu đi họp, nghe cán bộ ở Khu về phổ biến chủ trương đường lối rầm rầm. Người đi họp phần đông là mấy ông già bà cả tuổi tác lụm cụm. Đàn ông trai tráng lớp thoát ly, lớp bị bắt quân dịch. Quá tuổi quân dịch nhưng còn sáu mươi trở xuống cũng phải cầm súng vô lực lượng Nhân dân tự vệ. Rất nhiều nhà có người tham gia cả hai bên là chuyện thường. Như trường hợp nhà bác Nậy, anh Chạy theo du kích, anh Đua mang súng nghĩa quân, còn bác Nậy phải vô Dân vệ.
Ở tuổi cháu nội cháu ngoại cả bầy, ai nấy kêu bằng ông cả. Tối ngày sấp mặt ngoài đồng, chiều về chưa kịp chao cặp cẳng lấm bùn, lùa vội miếng cơm, cột vội cái cửa chuồng trâu là mấy ông mấy bác í ới nhau, ba chân bốn cẳng cho kịp tập trung, chậm trễ là ăn phạt. Tập trung không đúng giờ cũng vô cùng nguy hiểm, bởi chạng vạng xuống là cái anh dân vệ với anh du kích dòm y chang nhau, cũng chân đất áo nâu, quần đen nón lá. Mới xảy ra tình trạng bên ni tưởng bên tê, bắn lầm nhau, chết oan hoài! Có lần nghĩa quân nổ súng, gục hai mạng. Tưởng hạ được hai Việt cộng, tới dòm kỹ té ra hai dân vệ, chú Chắc với bác Lội, tay còn cầm củ khoai nóng hổi! Cũng do sợ trễ giờ tập trung, hai người băng tắt đường đồng, vừa lù ra khỏi vạt mía là lãnh đạn. Phe nhà bắn phe ta. Oan ức hơn nữa, người nổ súng chính là anh Ló cháu kêu chú Chắc bằng cậu ruột! Sáng ngày nghe tin động trời, dì Nếp mạ anh Ló ngã lăn ra khóc không thành tiếng. Anh Ló vác súng trốn biệt ngoài xã mấy ngày không ló mặt về nhà. Mấy ngày liền anh như điên như dại. Còn bác Lội thì cả họ Đặng khóc lóc kêu trời không thấu. Bác Lội là trưởng họ. Ngày mai giỗ chạp họ Đặng nên lúc chiều bác dẫn đàn con cháu tảo mộ ngoài cồn tới tối mịt. Về nhà còn lo sắp đặt việc mổ heo nấu xôi tới quên giờ vác súng đi gác… Ngày giỗ họ thành ra ngày đám tang bác. Cả đoàn thầy chùa áo vàng áo nâu còn ra chỗ bác ngã xuống tụng kinh làm lễ “triệu hồn nhập tự giải oan”.
Có lần bác Nậy bị trễ giờ tập trung, bác co cẳng chạy thình thịch muốn đứt hơi, vừa tới nơi giơ tay báo cáo: “Xin lỗi, xin lỗi cán bộ!... Trâu đẻ, trâu đẻ!...”. Thằng Bằm phó ấp an ninh kiêm chỉ huy trưởng dân vệ vốn có bà con xa, kêu bác tới bằng ông, hắn dộng báng súng xuống đất, phồng mang trợn ngược: “Đù mạ… Vợ ông đẻ cũng rứa thôi! Không lỗi phải, không “on đơ” chi hết!... Chấp hành quân luật! Bò ba vòng quanh cột cờ!... Kỷ luật là kỷ luật!…
Trong làng bảy chục phần trăm gia đình bị xếp vô loại “ăn cơm quốc gia, thờ ma cộng sản” nên nhà ai có việc đám tiệc, kỵ giỗ lớn nhỏ đều phải trình báo, xin phép. Mà mỗi nhà một năm hơn chục cái kỵ là chuyện thường, xin phép có kỵ cũng là dịp được cớ mua đồ tiếp tế Việt cộng. Tụi hắn luôn chặn đường tra khảo, rình rập đủ trò ... Hôm bác Nậy lập cập xin phép ngày mơi nhà có đám kỵ, thằng Bằm dòm bác phùng mang trợn mắt: “Đù mạ! Chớ kỵ cái chó chi mà kỵ mãi rứa ôông!... Tổ chức cho Việt cộng ăn hứ!...”. Bác giận tím mặt “Ui cha là cái đồ đất nẻ chui lên, đồ trời đánh thánh vật!”. Tay bác cầm điếu thuốc run bần bật như cầm vía! Hắn chửi cả trung đội dân vệ tuổi đáng cha chú chẳng ai dám hé răng nhưng đụng tới kỵ giỗ là đụng tới tổ tiên ông mệ, tới người khuất mày khuất mặt!... Bác rủa thầm, phải cho hắn một trận ra xương!
Lực lượng dân vệ trong làng đa số thuộc thành phần “liên hệ Việt cộng”, “không tin tưởng”, sau này có lệnh không ai được mang súng về nhà, thường tới giờ tập trung mới được nhận súng ống. Tới sáng là phải nộp lại. Mấy bác mấy ông cũng như mấy tấm bia đỡ đạn cho tụi hắn mặc sức suốt đêm rượu chè bài bạc.
Đêm đó bác Nậy chờ tới phiên gác một mình nửa đêm, bất thình lình nổ khan hai phát ca-bin ra phía hàng rào ấp chiến lược rồi lập tức hô: “Xung phong! Xung phong!... Việt cộng, Việt cộng vô anh em ơi!...”. Thằng Bằm chỉ huy mấy toán sau lao tới. Chờ lúc đội hình hỗn loạn, bác quay mũi súng nhắm ngay hắn. Lúc đầu bác nhắm ngay ót, nhưng nghĩ lại, cái thằng “vô đầu vô vị” nhưng mà…cũng cháu chắt mình. Tội nghiệp hắn còn bầy con dại. Thôi tha!... Thằng Bằm xua lực lượng tiến lên bắn xối xả ra phía ruộng…
Trời chưa sáng, tiếng loa phóng thanh đã dội khắp làng: “…Vào lúc 12 giờ 30 phút đêm qua, một toán Cộng quân đã đột nhập vào ấp chiến lược bị quân ta phát hiện. Sau một hồi giao tranh ác liệt, lực lượng Nhân dân tự vệ đã chiến đấu đánh bật, gây thiệt hại lớn cho quân địch...”
Sáng ngày, xã tổ chức buổi mít-tin trọng thể, có cả quận trưởng về dự. Dọc đường làng đỏ rực băng cờ, với khẩu hiệu hùng hồn: HOAN HÔ TINH THẦN CHIẾN ĐẤU DŨNG CẢM CỦA LỰC LƯỢNG NHÂN DÂN TỰ VỆ!
Lâu nay biết tỏng bác có thằng con theo du kích, tụi hắn ghét cay ghét đắng. Nhiều lần giở giọng hăm dọa, rồi vận động bác kêu gọi anh Chạy ra chiêu hồi, được chánh phủ quốc gia khoan hồng, trọng thưởng, rồi bác được miễn đi gác dân vệ luôn. Bác nói: “Tau không biết, tụi bây giỏi lên độn lên rú mà kêu!”. Nên lần nào tập dượt quân sự, tập bò lết hắn cũng gây sự nắm áo đá mông bác thẳng cẳng!...
Thực ra anh Chạy theo du kích quanh quẩn trong làng, trong căn cứ ở phe Nhứt phe Nhì. Việc nặng ngoài đồng ban ngày như cày cuốc, gánh phân trâu ra ruộng đã có anh Đua phụ bác. Đêm hôm anh Chạy vẫn về nhà, nhứt là tới mùa gặt hái. Cả ngày bác Nậy với anh Đua gánh lúa mới cắt từ ngoài đồng về cho tới tối mịt, chất sẵn giữa sân rồi hai cha con lật đật xách súng đi. Quá chạng vạng anh Chạy về tắt sau vườn, lui cui mở chuồng dắt trâu ra đạp lúa. Anh mặc cái áo lính cũ của anh Đua, đội nón lá sùm sụp. Tới lúc trâu dừng lại ị, anh phải tự bưng trạc tới hứng, im thin thít chẳng dám lên tiếng kêu trong nhà. Xong anh xảy rơm lên đụn, tới gần sáng lại vác súng đi… Cả ba cha con cùng cất súng ống chỗ góc bồ lúa tối om. Bác Nậy tới tuổi mắt mũi quờ quạng, có lần lật đật vớ nhầm khẩu AK của anh Chạy khoác vội sau lưng, hối hả sợ trễ giờ. Ra tới đầu xóm gặp chú Lặn đi đàng sau phát hiện cái băng đạn cong cong: “Oa cha, răng eng Nậy mang súng Việt cộng?”. Chết cha, bác điếng hồn co cẳng chạy vô đổi lại. Cái khẩu AR15 của anh Đua còn dễ phân biệt, chớ thằng AK với ca-bin thân gỗ giống nhau. Hú hồn hú vía! May phước, bác mà mang tới chỗ tập họp thằng Bằm thấy được là không on-đơ chi hết, chắc chắn hắn xử tử hình bác cái bụp ngay tại chỗ khỏi cần kêu án.
Chớ không như anh Chạy, lâu lâu vẫn xin lựu đạn M26 của anh Đua đem chia anh em du kích. Anh Đua nói “Mi xin rồi rình quăng tụi tau à!” Anh Chạy nói: “Mô, tau lên đường quan quăng xe tụi Mỹ chơi!” Mỗi lần anh Đua lãnh hàng quân tiếp vụ đều quăng cho anh Chạy mấy bao thuốc Ruby có hình thằng lính cộng hòa bồng súng, mấy lon thịt hộp, cơm sấy… Anh nói, anh em bây chia nhau mà ăn mà hút, đừng cho cấp trên thấy. Anh Chạy nói mi cho tau cây đèn pin ngoéo tau tặng đồng chí chỉ huy tau! Anh Đua nói ua, nghe nói Việt cộng có đèn pin của Nga xô Trung cộng ngon lắm mà! Anh Chạy nói chắc bộ đội chánh quy mới được phát thôi, tụi tau du kích mần chi có!... À, mi biết đồng chí chỉ huy của tau là ai không? Là anh Thệ đó, mi nhớ anh Thệ không? Anh Thệ con bác Cằn trong phe Nhì cùng một họ với mình, cái năm đi chạp mả họ trong bãi trời lạnh cóng, anh Thệ cho mi với tau thuốc xắc quấn hút đó nhớ chưa?...”
Anh Đua ngồi im lặng gật gật nhớ lại hồi năm chín mười tuổi. Mỗi năm cứ tới mùng ba tháng chạp là bác Nậy dắt hai anh em đi giỗ họ Dương, đi chạp mả họ ngoài cồn ngoài bãi lạnh thấu xương. Người lớn vác cuốc vác rựa còn con nít tụi anh đứa cầm hương, đứa cầm con cúi rơm huơ huơ cho cháy lửa ngọn để mấy ông mấy bác thắp hương, thắp thuốc hút. Mộ họ tám chín đời nay cả mấy trăm ngôi, nhưng đàn con cháu đông đúc nên tảo tới gần trưa là xong. Cả đoàn băng đồng hướng về ngôi từ đường cổ kính uy nghi nhất làng nằm quay mặt ra đồng. Con nít tụi anh háo hức nhất là cái giờ xôi thịt dọn ra. Các bậc trưởng lão đầu họ ngồi tràng kỷ, chén kiểu đũa mun. Hàng chú bác ngồi từng chiếu, đũa tre chén đất. Còn con nít tụi anh ngồi ngoài thềm gạch, không có đũa, chỉ được bốc bằng tay. Cả bầy xúm tròn, hau háu mâm “thịt côi xôi dưới” đầy ú ụ. Anh Chạy nói: “Răng thịt mỡ nhiều rứa bay?”. Anh Thệ lớn hơn vài tuổi ngồi chung mâm làm chỉ huy, cú vô đầu anh Chạy cái cốc: “Con nít thì rứa thôi, mới mốt lớn được ăn nạc!... Tau là anh tụi mi nghe chưa, đứa mô lộn xộn tau nói Họ đuổi về!”. Tới lúc bụng xôi thịt căng tròn, mấy anh em kéo ra sau vườn, ngồi chạc ba cây ổi, anh Thệ nói với anh Chạy anh Đua: “Ông cố tau với ông cố bây cùng một ông sơ đẻ ra, biết chưa? Nên tau với bây là anh em cùng máu cùng mủ dòng họ, biết chưa?...”
Mấy năm sau đó giặc giã súng đạn liên miên, không được đi giỗ họ nhưng anh Đua vẫn nhớ câu nói đó của anh Thệ tới giờ chừ!... Một lúc anh Đua vỗ vai anh Chạy: “Ờ, rứa mơi mốt tau xin cho anh Thệ cái ra đi ô “ấp chiến lược” để anh nghe đài Hà Nội!... Dưng mà mi nói anh đừng tấn công trung đội tau nghe, tụi tau thường nằm quanh cồn Bộn gần cống Trộ!...
Nghĩa quân là thứ mười anh sợ chết hết mười. Lương tiền, thực phẩm, đồ quân tiếp vụ chánh phủ phát hàng tháng đều nhận đủ nhưng nghe tiếng AK nổ là anh mô anh nấy như thằn lằn đứt đuôi. Sợ bỏ mạng mình đã đành nhưng “bên tê” cũng anh em ruột thịt, trong làng trong họ cả. Như thằng Ló bắn lầm cậu ruột, cả đời còn ân hận. Đêm ngủ cứ la ú ớ rồi ngồi dậy đấm vô ngực mình gầm gừ như chó dại: “Tau giết cậu như giết mạ tau! Tau phải chết, chết hai lần chưa hết tội!”.
Có đêm nghe “cắc cù cắc cù” phía cầu, anh em yên chí núp kỹ trong lô cốt, khều nhau cười hú hí: “Lại xung phong cục sắt nữa rồi!”. Sáng sớm mấy chú mấy bác tào lao nói trạng được dịp ra đầu cầu bốc trời. Còn ra bộ diễn tả ba bốn anh Việt cộng quần đùi dép cao su bò lúp xúp dưới ruộng lên, kẹp khẩu AK trườn lên dốc cầu, núp dưới kè đá tảng an toàn. Kê súng lên, chọn cự ly chính xác. Khai hỏa! Ua, đạn vô đầu hắn răng tóe lửa rào rào rứa? Ờ, thì hắn đội mũ sắt mà! Hà hà...
Dân tình ba hoa khoác lác cho vui đã đành, nhưng một lúc sau tiếng loa truyền thanh xã treo trên cây sầu đâu gần đó bỗng oang oang: Mời đồng bào nghe tin chiến sự địa phương: Vào 23 giờ đêm qua một toán Cộng quân bất ngờ nổ súng tấn công nhằm phá hủy cây cầu giao thông huyết mạch quân sự trên địa bàn chúng ta. Âm mưu của địch đã bị lực lượng nghĩa quân bẻ gãy từ đầu… Quân địch thất bại thảm hại, bên ta hoàn toàn vô sự!...Mấy ngày sau liền có công văn khẩn của chỉ huy trưởng chi khu quân sự quận gởi về. Lệnh cho lực lượng nghĩa quân phải bố trí ít nhất hai tiểu đội hàng đêm túc trựcquanh khu vực cầu, sẵn sàng chiến đấu.
Mấy ngày sau đó anh Đua có vẻ gì đó hơi buồn. Anh ít nói, nhưng cứ lầm lụi mấy công việc nặng nề. Sáng vừa vác súng về cất là anh vác cuốc phăm phăm ra ruộng, ở trần hì hụi bổ giật từng tảng đất khô nứt nẻ. Buổi chiều anh gánh hai trạc phân trâu oằn vai chạy bình bịch ra đổ đống sẵn trên bờ ruộng. Mùa màng tới nơi, cố gánh vác giúp cha việc nào hay việc nấy… Anh ngồi giữa đồng lấy nón quạt mồ hôi nhìn xa xăm, hai đêm nữa là tới phiên tiểu đội anh gác cầu…
Mang súng vô nghĩa quân gần hai năm nay nhưng quả tình anh chưa bắn phát đạn nào. Nay lại sắp đối diện mũi súng đối phương. Không còn đường thoái! Mấy thằng bộ binh đi trận sợ chết, đào ngũ về làng trốn chui trốn nhũi. Còn anh là lính làng, biết trốn đường mô! Đêm qua anh trằn trọc cả đêm. Hay là bỏ súng trốn theo anh Chạy cho xong, có anh có em? Không được! Anh mà nhảy qua Việt cộng là bác Nậy bị bắt trói ngay lập tức chớ yên à? Anh đang mang súng quốc gia sờ sờ, bác Nậy cũng đang mang súng dân vệ còn bị còn bị nó khủng bố đấm đá, hăm he đủ điều, huống hồ!... Cứ nghĩ đến cha già sắp lên tuổi thọ sáu mươi bị giải qua ban 2, bị chúng treo ngược cho “đi máy bay”, rồi đổ xà bông, nhốt cô-nét… anh cắn răng lắc đầu đau lòng không chịu nỗi! Hôm qua mấy anh em trong tiểu đội bàn bạc chiến thuật phục kích gác cầu. Còn tính tới cả trường hợp bị tấn công, bị tiêu diệt gọn. Thằng Đực bạn anh đứng dậy bỏ đi hùng hồn tuyên bố: “Đù mạ, tau sẽ đăng nhập ngũ Sư đoàn 1 bộ binh! Đường mô cũng chết, đường mô “ngủm củ tỏi” cha tau cũng được lãnh tiền tử, vợ con tau được hưởng chế độ cô nhi quả phụ!... Nhưng bộ binh, thủy quân lục chiến…dòm oai phong lẫm liệt, chết tan thây còn được nghe kèn thổi!” - Ấy là hôm trước, anh Đồng đi lính hắc báo tử trận trong Quảng, quan tài phủ cờ ba sọc đỏ được đưa về tận làng. Lần đầu tiên anh chứng kiến buổi lễ truy điệu tử sĩ trận vong. Hai hàng lính chỉnh tề mang huy hiệu con beo đen đội mũ nồi đen mang kèn đồng sáng loángđứng hai bên quan tài. Rầm rập nổi những khúc nhạc xung trận hùng tráng đến rợn người. Anh Đực đứng coi, nắm tay vung lên nói: “Đù mạ chết rứa mới chết chớ! Mơi tau đăng đi biệt động quân!”
Xế chiều anh Đua uể oải hai cái trạc không lững thững vô tới nhà gặp bác Nậy đang lui cui trước sân. Bác đang bện rơm làm hai thằng bù nhìn đặng canh đám đậu xanh nửa sào đang bị bầy bồ chao liệng tới rập rình ăn hại. Thấy bóng anh bác hỏi, có áo quần chi cũ gần rách đem cho cha. Anh nói, đồ lính được không cha? Lính tráng chi cũng được!... Vác hai thằng người nộm ra cắm đám đậu xong cũng tới giờ anh vác súng đi.
Đêm đó anh Đua với anh Chót tiểu đội trưởng bí mật bàn bạc một kế hoạch chiến lược chi đó vô cùng quan trọng. Tiểu đội trưởng vỗ vai anh Đua nhất trí tiến hành. Còn ban ngày cả trung đội được phân công thay phiên nhau vác đá chất thành cái lô-cốt dã chiến kín đáo dưới gầm chân cầu. Cái lô-cốt được coi là tạm an toàn kiên cố, nhưng trớ trêu nó không phải địa điểm lợi thế phục kích chiến đấu, nó như cái hang ếch để núp là chính và chỉ có một hướng là… bắn xuống sông! Thì lâu nay mấy trận nổ súng của lực lượng nghĩa quân đa số bắn khơi khơi trên trời dưới đất cả. Ban đêm lâu lâu cứ nghe chó sủa hướng chân núi phía Liễu Nam là các anh đang bài bạc hoặc núp kỹ ngủ phè từ các căn hầm lao lên rụp rụp xung phong. Các mũi súng hướng ra cồn mồ nhả đạn, tiểu liên trung liên, M79 đua nhau giòn giã. Rồi trái sáng bụp xẹt bắn lên sáng rực cả cồn mồ giữa đồng, những bia mộ ẩn hiện như người bò lúp xúp. “Xung phong, tiến anh em ơi!”. Chó càng sủa súng càng nổ. Tới sáng mai cả trung đội đang sắp hàng điểm danh, chào cờ trước sân ủy ban xã thì một đoàn bà con dân làng kéo tới. Dẫn đầu là bác Rột vác cây cuốc chĩa ba hằm hè tiến vô. Số là đêm qua, tấm bia triệu bằng đá chạm khắc công phu trên mộ ông nội bác lãnh trọn quả M79, tan nát. Tốp đàn bà cắp nón đứng chửi tới tấp: “Bắn cái mả cha bây!... Ông bà tau chết nằm không yên!... Rồi tụi bây bị ông mệ vặn cổ hết!...”. Trung đội trưởng Nớp khoác tay xoa dịu, dàn xếp: “Bà con ai thiệt hại cứ về làm đơn nộp. Chánh phủ sẽ giải quyết “bồi thường thiệt hại chiến tranh” cho bà con!... Lực lượng nghĩa quân tụi tui có nhiệm vụ đánh đuổi Việt cộng, giữ yên làng xóm!...Trong chiến đấu có sơ xuất nhưng chưa gây thiệt hại về nhân mạng! Mong bà con hết sức thông cảm!... Mai mốt lãnh tiền bồi thường, bà con sẽ đủ xây lăng to cho ông bà!”.
Đoàn người lục tục kéo về, lại tiếng loa oang oang buổi sáng: Mời đồng bào và các bạn nghe tin chiến sự. Vào lúc 0 giờ 30 đêm qua, hai tiểu đội Cộng quân từ hướng Liễu Thượng đã lọt ổ phục kích. Với kinh nghiệm thông minh trong chiến thuật, anh em nghĩa quân đã chủ động diệt ngay tên mang B40 và nổ súng bao vây gọn đội hình địch!... Phía địch tổn thất nặng nề… bên ta hoàn toàn vô sự!...
Bà con nháy mắt nhau cười phì. Bởi vào giờ đó đêm qua trong xóm, tại ngôi từ đường họ Đặng giữa vườn cam quýt um tùm đang diễn ra cuộc họp của cán bộ cấp trên và rất đông du kích trong làng. Mấy thím mấy o thức khuya nấu cả nồi bắp với nồi nước chè xanh phục vụ cuộc họp. Mấy chú mấy bác thì ngồi quanh nương dọc xóm hút thuốc vừa canh chừng vừa dòm ra cồn coi đèn pha bắn sáng rực, coi trận chiến bắn ma trơi ngoài cồn tới gần sáng…
Mấy đêm sau, chừng nửa đêm bỗng nghe từng loạt AK nổ giòn phía cầu. Tiếp theo là tiếng AR15, lựu đạn, M79 ùng oàng. Cả làng thót tim. Nhất là xóm nhà tranh chung quanh cầu. Lần này chắc đụng độ thiệt, không phải “xung phong cục sắt” nữa rồi! Bác Sung, chú Nốn, bác Hốt… mấy cây nói trạng mọi khi lại khều nhau uống trà thì thào, đêm tối như mực chẳng dám thắp đèn. “Chắc chắn máu đổ thiệt rồi, không “ba lơn” được nữa! Cả tiểu đội nghĩa quân nằm phục kích dưới cầu! Mô phật!...Lúc chạng vạng tui thấy tụi hắn thắp hương đỏ rực, van vái “tượng thằng lính”. Nếu xáp lá cà là bỏ mạng không ít. Rồi không chừng anh em bắn nhau cũng nên. Có khi thằng Chạy lại bắn thằng Đua, thằng Sau có thể “cắc bụp” thằng Chót… Súng đạn có lựa ai, mà cả làng này không ruột thịt cũng bà con, dòng họ máu mủ với nhau cả. Lại nói càn nói quẩn, có thiệt rủi ro lần này chắc ông Nậy mụ Nậy chết điên chết đứng, sống chi nổi!”
Gà gáy sáng, mấy chú bác cứ thấp thỏm hồi hộp. Tai mắt cứ ngong ngóng phía đầu cầu nhưng chưa ai dám cả gan bén mảng tới trận địa còn hổi hổi mùi thuốc súng. Lãnh đạn như chơi. Không khí về sáng càng nặng nề, căng thẳng. Không có động tĩnh gì từ một tiểu đội nghĩa quân với một đống súng đạn đang phục kích dưới lô-cốt gầm cầu. Hay là?!...
Trong cái lành lạnh về sáng như có mùi tử khí, có cái rờn rợn của máu me chết chóc. Trời mờ mờ sáng. Mấy cặp mắt căng ra, thấp thỏm hồi hộp…
Hai lan can cầu màu đen hiện rõ dần. “Cái chi rứa?!!”. Một thân người vắt ngang thanh chéo lan can, tay chân buông thõng! Quần áo lính nghĩa quân, mang giày vải lính, đế cao su. Rõ ràng rồi! Cả ba người níu áo nhau lúp xúp bò tới. Lại một thân người nằm sóng soài cách cái “thằng lính” da sắt mình đồng chừng mấy bước. Hai mạng người tiêu vong! Mô phật! Còn ai nữa? Một tiểu đội lận mà, răng êm ru rứa!... Ba người sốt ruột bò sát tới hai cái xác đội mũ lính lưỡi trai sụp xuống mặt. Hai khẩu AR15 được đẽo bằng gỗ ván, sơn dầu hắc “Đứa mô đây, răng mang súng giả? Răng đầu cổ mặt mày bịt lại hết rứa?!...”. Giữa ngực áo thủng mấy lỗ, không thấy máu me, chỉ lồi ra mấy cọng rơm?!... “Oa cha cha!... Thằng lính bằng rơm!! Hai thằng lính gác người nộm mấy eng ơi!...”.
Bất ngờ từ dưới gầm cầu có tiếng lục đục. Đội hình còn đủ 12 mạng nghĩa quân, phóng ra khỏi lô-cốt giậm chân vỗ tay cười dậy cả khúc sông.
Nhìn xuống nước, cá chết nổi trắng dã bên mấy bụi lau lách do đêm qua rất nhiều trái M79 và lựu đạn được tung xuống.
Mặt trời lên. Tiếng loa cũng vang lên … Bằng chiến thuật “hình nhân thế mạng” lực lượng nghĩa quân đã đánh lừa được đối phương vào ổ phục kích. Giao tranh xảy ra ác liệt. Với hỏa lực mạnh bên ta đã uy hiếp, bẻ gãy và làm tê liệt cuộc tấn công của địch. Đối phương thảm bại hoàn toàn và rút khỏi trận địa…
Đó cũng là trận súng nổ cuối cùng ở làng tôi, cái “trận lính rơm” mà người làng vẫn nhắc đời, vẫn cười chảy nước mắt mỗi lần kể chuyện hồi chiến tranh.
Hơn một năm sau đó làng nước rùng rùng treo cờ giải phóng.
***
Anh Đua anh Chót…, những “anh hùng rơm” ngày xưa – Rồi anh Chạy anh Sau… nay cũng đã trên dưới sáu chục. Các anh vẫn còn vác cày vác cuốc ra đồng mỗi ngày. Chiều về vẫn ghé cái lều lò rèn đầu cầu, chỗ “thằng lính” da sắt mình đồng ngồi hóng gió sông. Tiếng cười vẫn nổ giòn như tiếng súng năm xưa.
VN22/2016