Diễn đàn lý luận

Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một số thể loại văn học

Lý luận phê bình
10:12 | 11/05/2024
Hình tượng Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong một số thể loại văn học
aa

Viết về những vĩ nhân của dân tộc là một truyền thống của văn học Việt Nam. Trong mười thế kỉ văn học trung đại (từ thế kỉ X đến hết thế kỉ XIX), văn học Việt Nam đã có hẳn dòng thơ vịnh sử với hàng trăm, hàng nghìn bài về các bậc anh hùng vì nước vì dân. Trong hơn một thế kỉ văn học hiện đại (từ đầu thế kỉ XX đến nay), truyền thống ấy vẫn được duy trì, tiếp nối. Theo quan sát của tôi, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp là hai nhân vật lịch sử thời hiện đại được khắc họa nhiều nhất trong các loại hình nghệ thuật nói chung, văn học nói riêng. Bài viết này sẽ điểm qua những nét cơ bản nhất về hình tượng Đại tướng trong một số thể loại văn học.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp (ảnh Internet)

Về thơ

Tố Hữu có lẽ là nhà thơ đầu tiên viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Trong bài thơ nổi tiếng Hoan hô chiến sĩ Điện Biên, hình ảnh Đại tướng hiện lên gắn liền với các chiến sĩ vệ quốc và chiến công huyền thoại của dân tộc - trận Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”: Hoan hô chiến sĩ Điện Biên/ Hoan hô đồng chí Võ Nguyên Giáp/ Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp/ Vinh quang Tổ quốc chúng ta/ Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sau Hoan hô chiến sĩ Điện Biên của nhà thơ Tố Hữu, bài thơ viết về Đại tướng được nhiều người biết, ưa thích là Vị tướng già của nhà thơ Anh Ngọc. Ở bài thơ viết năm 1994 này, Anh Ngọc đã đưa ra một “công thức” khắc họa chân dung Đại tướng mà sau này đã trở nên phổ biến: nét bình dị xen lẫn huyền thoại. Ông khẳng định cuộc đời của Đại tướng một mặt là cuộc đời của một huyền thoại, mãi mãi được lưu truyền trong sử sách, một mặt là cuộc đời giản dị như bao cuộc đời khác trong kiếp nhân sinh vô thường: Một chân ông đã đặt vào lịch sử/ Một chân còn vương vấn với mùa thu.

Khi Đại tướng về với “cõi người hiền”, cả nước đã khóc thương bằng những vần thơ đẫm lệ. Trong những ngày quốc tang đầu tháng 10 năm 2013 đau buồn ấy, từ hàng nghìn bài thơ viếng Đại tướng của nhân dân và văn nghệ sĩ cả nước, nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo và các đồng sự Phạm Xuân Nguyên, Hồng Thanh Quang, Lê Thống Nhất đã tuyển chọn 103 bài (tương ứng số tuổi của Đại tướng) xuất bản tập thơ Tiễn Người vào bất tử. Tập thơ là tình yêu thương, kính trọng vô vàn của toàn thể nhân dân Việt Nam nói chung và văn nghệ sĩ Việt Nam nói riêng gửi tới Đại tướng. Mỗi bài thơ trong tập là một nén tâm nhang tưởng nhớ những chiến công vĩ đại và công đức vô lượng của Đại tướng. Cảm hứng chung của tập thơ là buồn bã, tiếc thương khi Đại tướng ra đi và tự hào vì non sông đất nước Việt Nam đã sinh ra một người con như Đại tướng. Tập thơ cũng phản ánh tâm nguyện phong Thánh cho Đại tướng của nhân dân như lời thơ bi hùng và tráng lệ của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong Bất tử: Thánh Gióng về trời. Thánh Giáp về quê/ Vì dân nước Người trở thành bất tử/ Thành núi thành mây thành ruộng, đồng, sông, bể/ Thành tượng hình chữ S trấn biển Đông/ Thành đền thờ trong mỗi tấm lòng dân/ Thành ngọn đuốc soi đường đêm tăm tối.

Về trường ca

Cho đến thời điểm hiện tại, theo hiểu biết của tôi, có hai trường ca viết về Đại tướng. Trường ca đầu tiên là Người anh cả của toàn quân của nhà thơ Hoàng Bình Trọng do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2009. Bản trường ca gồm 8 chương, khắc họa cuộc đời của Đại tướng từ khi sinh thành ở mảnh đất Quảng Bình nắng gió: Mời bạn cùng ta về An Xá/ Thăm một làng quê bình thường bé nhỏ/ Bên dòng Kiến Giang bé nhỏ bình thường/…/ Chính nơi đây Võ Nguyên Giáp ra đời/ Chính nơi đây anh tập đi những bước đầu tiên từ bàn ra ghế/ Anh vít cành na, anh vin cành khế/ Anh nhìn cái vạc, cái cò chao nắng ca dao..., cho đến khi lãnh đạo quân đội ta giành chiến thắng trong chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 lịch sử: Thần tốc! Thần tốc! Tướng Giáp đã lệnh truyền: Thần tốc!.../ Năm đạo hùng binh - năm cánh sao vàng…/ Tiến về Sài Gòn! Tiến về Sài Gòn... Ở trường ca này, Hoàng Bình Trọng đã làm nổi bật lên bản lĩnh, trí tuệ của Đại tướng trong cuộc đời cầm quân đánh giặc. “Nhất tướng công thành, vạn cốt khô”, hiểu rõ quy luật đó nên Đại tướng luôn trân quý đến từng giọt máu, giọt mồ hôi của người lính. Đại tướng luôn trăn trở tìm ra cách đánh để chiến thắng mà ít tổn thất nhất cho người lính của mình: Đại tướng đứng gập mình giữa quầng sáng ánh đèn bạch lạp/ Trước mắt là tấm bản đồ Điện Biên trải kín mặt bàn: Bộ đội ta chưa có kinh nghiệm đánh tập đoàn cứ điểm/ “Giải quyết nhanh ư?” Nếu theo kế sách cũ thì quân chủ lực của ta phải hi sinh hết các sư đoàn…/ Với Võ Nguyên Giáp, đây là bài toán khó tìm đáp số nhất trong suốt cuộc đời làm tướng...

Nhà thơ Hoàng Bình Trọng còn có một phát hiện rất tinh tế và chính xác về Đại tướng: là một nhân cách vĩ đại, nhưng thay vì làm vì tinh tú chói sáng đơn độc, Đại tướng luôn nâng đỡ, giúp những người lính cùng tỏa sáng. Ánh sáng của Người hòa cùng ánh sáng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng, hòa cùng dân tộc, đất nước Việt Nam anh hùng. Đó chính là thứ ánh sáng diệu kì nhất, không bao giờ tắt trên thế gian: Anh là châu ngọc và muốn tất cả lũ đàn em đều sáng trong như ngọc/ Anh là trầm hương và muốn tất cả lũ đàn em đều ngào ngạt mùi hương/ Anh một vĩ nhân và muốn tất cả lũ đàn em không được sống tầm thường.../ Đúng thế thật. Bởi Đại tướng Võ Nguyên Giáp là “Người anh cả của toàn quân”.

Bản trường ca thứ hai viết về Đại tướng là Đường tới Điện Biên Phủ của nhà thơ Nguyễn Hưng Hải. Trong bản trường ca này, bên cạnh việc khắc họa tài năng quân sự và tấm lòng với chiến sĩ, đồng đội của Đại tướng, Nguyễn Hưng Hải đã làm đậm cái tứ Đại tướng chính là người được Bác, được dân tộc, được lịch sử chọn để lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam chiến đấu và chiến thắng các kẻ thù xâm lược, giải phóng đất nước: Trong cái lán giữa rừng đâu chỉ một mình Tướng Giáp/ Tướng Giáp cầm quân có lịch sử đi cùng.

Về tiểu thuyết

Hiện tại có hai tiểu thuyết lấy Đại tướng làm nhân vật trung tâm là Không phải huyền thoại (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành năm 2007) của nhà văn Hữu Mai và Đường về Thăng Long (Nhà xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh năm 2019) của nhà văn Nguyễn Thế Quang. Không phải huyền thoại có kết cấu theo kiểu hồi cố. Tiểu thuyết được bắt đầu bằng hình ảnh Đại tướng trở về thăm lại chiến trường xưa Điện Biên Phủ rồi ngược dòng thời gian trở lại những ngày cách mạng mới giành chính quyền năm 1945 rồi xuôi 9 năm dòng lịch sử đến thời điểm kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ 1954, sau đó quay trở lại với cuộc hành trình về nguồn đầy cảm xúc của Đại tướng. Là người có mối quan hệ gắn bó với Đại tướng trong nhiều năm, đã từng chấp bút nhiều cuốn hồi ức của Đại tướng, nhà văn Hữu Mai có lợi thế lớn về nguồn tư liệu. Và ông đã tận dụng triệt để lợi thế này ở cuốn tiểu thuyết nằm trong chương trình vận động sáng tác tiểu thuyết về đề tài chiến tranh cách mạng và lực lượng vũ trang nhân dân (2001 - 2004) của Bộ Quốc phòng. Đọc Không phải huyền thoại, chúng ta bắt gặp nhiều chi tiết bên lề thú vị như việc Đại tướng rất thích bài thơ Tây Tiến và bản thân cũng đã từng làm một bài thơ lục bát về đoàn quân Tây Tiến: Sông Đà, sông Mã uốn dòng/ Ghềnh rêu thác bạc ghi công anh hào/ Con vàn tung cánh bay cao/ Ngọn cờ chỉ hướng, ngôi sao dẫn đường, hay như tình bạn thân thiết, tôn trọng tài năng của nhau giữa Đại tướng và cố vấn quân sự Trung Quốc Vi Quốc Thanh. Thành công nổi bật của nhà văn Hữu Mai trong hơn 800 trang sách dày dặn là khắc họa hình ảnh Đại tướng trên phương diện một nhà quân sự tài ba, lỗi lạc. Ông đã vẽ lại quá trình hình thành tư tưởng, nhận thức của Đại tướng về đường lối chiến tranh nhân dân, về tư duy và những quyết định của Người trong từng trận đánh cụ thể, mà tiêu biểu nhất là trận quyết chiến chiến lược ở Điện Biên Phủ một cách tường tận, tỉ mỉ, khoa học, sinh động. Qua những trang văn, bạn đọc thấy hiện lên một vị tướng “không phải huyền thoại”. Những phương thức tác chiến đánh giặc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp không có sẵn trong các binh thư tự cổ chí kim, không phải tự nhiên xuất hiện. Đó là thành quả của bao đêm thao thức, trằn trọc không ngủ nghiền ngẫm phân tích kĩ lưỡng đến từng chi tiết nhỏ nhất của cuộc chiến của Đại tướng. Đó cũng là kết tinh của công sức, lòng gan dạ của những chuyến đi thực tế, trinh sát ngay trước mũi tiến công rầm rộ của quân địch nhằm tìm ra cách đánh phù hợp trong hoàn cảnh phải lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều của Đại tướng. Và trên hết, những phương thức tác chiến ấy xuất phát từ niềm tin tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân và thắng lợi sau cùng của cách mạng, từ tình yêu những người đồng chí, đồng đội, từ mong muốn làm sao để ít tổn thất xương máu người lính nhất của Đại tướng. Tất cả những yếu tố đó đã hình thành nên phương thức tác chiến, phong cách cầm quân đánh giặc rất riêng, mang bản sắc, đặc trưng Võ Nguyên Giáp, không hề lẫn với bất cứ một danh tướng nào trên thế giới và trong lịch sử quân sự Việt Nam.

Ra đời sau, Đường về Thăng Long Nguyễn Thế Quang lại có cách tiếp cận khác về Đại tướng. Nhà văn thiên về xây dựng hình ảnh Đại tướng trên phương diện một nhà trí thức thông tuệ, lịch lãm. Tiểu thuyết tập trung tái hiện cuộc đời cách mạng của Đại tướng trong khoảng thời gian hơn một năm từ sau ngày độc lập 2/9/1945 cho đến những ngày cuối mùa đông năm 1946 lịch sử, giai đoạn nhà nước cách mạng non trẻ phải đối phó với vô số sức ép, hiểm nguy từ các đảng phái trong nước và các cường quốc bên ngoài. Bằng ngòi bút sắc sảo và tinh tế, Nguyễn Thế Quang đã khắc họa mối quan hệ giữa Đại tướng với các nhân vật trí thức lớn, nổi tiếng của nước nhà như Phan Anh, Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Tường Tam, Đặng Thai Mai, Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn Văn Huyên, Cao Xuân Huy… Thông qua những cuộc trao đổi, trò chuyện và tâm sự với những bậc thức giả đó, chân dung nhà trí thức Võ Nguyên Giáp thông minh, yêu nước, kiên định lập trường cách mạng, khéo léo trong ngoại giao, chân tình trong giao tiếp... dần hiện lên trước mắt bạn đọc. Chính nhờ sự tương liên, mến tài nhau của người trí thức mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thuyết phục luật sư Phan Anh tham gia Chính phủ cách mạng, khiến Nguyễn Tường Tam có cách nhìn đúng đắn hơn, thiện cảm hơn về Việt Minh... Mặt khác, ở tiểu thuyết này, Nguyễn Thế Quang đã làm mới hình ảnh Đại tướng bằng việc khai thác cuộc sống riêng tư. Đây là một hướng tiếp cận đầy táo bạo và đã đạt được những thành công nhất định của Nguyễn Thế Quang. Những trang viết về tình cảm vợ chồng của Đại tướng với người vợ đầu Nguyễn Thị Quang Thái rất cảm động, cung cấp một hình ảnh khác về Đại tướng: người chồng rất mực thương vợ, người cha rất mực thương con. Bên cạnh đó, Nguyễn Thế Quang cũng chú ý miêu tả quãng đời niên thiếu của Đại tướng khi còn là học sinh ở trường Quốc học Huế và những năm tháng đi dạy ở trường tư thục Thăng Long. Có thể nói Đường về Thăng Long là một sự bổ khuyết tuyệt vời cho Không phải huyền thoại, giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện hơn, sâu sắc hơn về Đại tướng.

Mặc dù có những khác biệt về cách tiếp cận hình tượng nhân vật và thi pháp tiểu thuyết nhưng cả Đường về Thăng Long và Không phải huyền thoại có điểm chung là khắc họa mối chân tình, mối quan hệ đặc biệt hiếm có giữa Đại tướng và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Cả hai cuốn tiểu thuyết đều làm nổi bật lên ba điểm lớn trong mối quan hệ giữa Đại tướng và Bác đó là: sự trân quý, kính phục của Đại tướng đối với Bác; sự tin tưởng tuyệt đối của Bác đối với tài năng và nhân phẩm Đại tướng; mối chân tình, gần gũi như người trong gia đình giữa Bác và Đại tướng. Mối quan hệ giữa Bác và Đại tướng vừa là mối quan hệ giữa người thầy vĩ đại và người học trò kiệt xuất, vừa là tình đồng chí, đồng đội giữa những con người có cùng lí tưởng cách mạng cao đẹp. Trong cả hai tiểu thuyết, Hồ Chí Minh - Võ Nguyên Giáp đã trở thành biểu tượng cho cách mạng Việt Nam, cho nhân dân Việt Nam trong thế kỉ XX.

Trên đây là một số tác phẩm văn học thuộc các thể loại khác nhau viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Với một người được nhân dân phong Thánh như Đại tướng, thiết nghĩ bao nhiêu tác phẩm viết về Người cũng là chưa đủ, cũng chưa thể phản ánh trọn vẹn sự vĩ đại của Người. Đại tướng mãi là nguồn cảm hứng cho các thế hệ văn nghệ sĩ nước nhà. Trong tương lai, chắc chắn sẽ có thêm nhiều tác phẩm văn học mới, hay, đưa ra những góc nhìn, kiến giải độc đáo về Đại tướng - Người Anh cả của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tâm Anh

Nguồn VNQĐ


Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Cuối năm - Thơ Hà Đức Hạnh

Baovannghe.vn- Luôn có cuối năm/ Luôn bề bộn cuối năm
Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Công bố hiện vật được vua Hàm Nghi mang theo sau biến cố thất thủ Kinh đô Huế

Baovannghe.vn - Hơn 300 hình ảnh, tư liệu, hiện vật tiêu biểu đến từ Huế, TP.HCM, Nam Bộ được giới thiệu tại triển lãm chuyên đề Phú Xuân - Gia Định, những dấu ấn lịch sử.
Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Bản tin Văn nghệ ngày 1/12/2024

Baovannghe.vn - Hội An sẽ tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao sôi động và diễu hành chào mừng 25 năm ngày Đô thị cổ Hội An được công nhận Di sản văn hóa thế giới (4/12/1999-4/12/2024).
Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Khai mạc Giải vô địch Bóng bàn Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ 17- Tranh cúp Sao Vàng 2024

Baovannghe.vn - Giải đấu năm nay thu hút sự tham gia của gần 200 vận động viên đến từ 40 cơ quan báo chí và các cấp Hội Nhà báo trên khắp cả nước
Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Đề xuất sắp xếp, tinh gọn bộ máy của hệ thống chính trị

Baovannghe.vn - Hội nghị TƯ quán triệt Nghị quyết 18, theo định hướng phương án sắp xếp, sáp nhập được Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Lê Minh Hưng nêu sẽ tối thiểu giảm được 5 bộ, 2 cơ quan trực thuộc Chính phủ.