Đường lên cột mốc ba biên đâu chỉ dã quỳ, một loài cỏ dại không tên nào đó cũng rực vàng, chảy tràn miên miết trên những sườn đồi, bồng bềnh, dập dờn trong gió.
Cột mốc ba biên, còn gọi là cột mốc không số ở ngã ba Đông Dương thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum là một cột mốc đặc biệt, đánh dấu chủ quyền lãnh thổ Việt Nam với hai nước bạn Lào và Campuchia. Đây là điểm khởi đầu của biên giới Việt Nam – Campuchia và là điểm kết thúc của đường biên giới Việt Nam – Lào. Cột mốc được khởi công ngày 29/11/2007, khánh thành ngày 18/01/2008 và được kí tại Hiệp ước xác định giao điểm đường biên giới giữa nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Vương quốc Campuchia và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào ngày 26/8/2008 tại Hà Nội. Vị trí cột mốc nằm ở độ cao 1.086m, phía Việt Nam là tỉnh Kon Tum, phía Lào là tỉnh Attapư, phía Campuchia là tỉnh Ratanakiri.
Cột mốc ba biên ở ngã ba Đông Dương, huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Ảnh: Phạm Thanh Thúy |
Cuối tháng 11, cũng đúng thời điểm người ta thi công cột mốc năm 2007, dã quỳ vàng rực đất Tây Nguyên, dã quỳ cũng miết mải rực vàng giữa nền trời biên giới xanh lồng lộng. Nhà thơ Văn Công Hùng, “nhà dã quỳ học của Tây Nguyên” và nhà văn Đỗ Tiến Thụy, “người đã hiến trọn cho Tây Nguyên tuổi trẻ tươi xanh” không thể không lưu vào điện thoại những bông dã quỳ đẹp nhất biên cương, rồi “ganh” nhau xem ai mới tinh tế và giỏi tay nghề chụp được những chú ong mật dập dìu với hoa vàng.
Có đứng dưới nền trời xanh thẫm, nắng rót mật, hoa dã quỳ trổ vàng ở cột mốc ba biên, ngắm nhìn đất trời Tổ quốc, và chỉ chếch vài bước chân là nước bạn Campuchia, thêm vài bước chân nữa là sang đất bạn Lào … mới thấy lòng người trào dâng niềm xúc động vô ngần. Biên giới quốc gia, từ thẳm sâu trái tim mỗi người đã là một địa điểm, vùng đất thiêng liêng, là chủ quyền đất nước mà cha ông đã bảo vệ bằng máu xương. Nên đứng ở nơi thiêng liêng ấy, tự mỗi người Việt Nam đều tự chủ hành vi đúng mực. Chẳng dễ gì “một lúc đi du lịch qua ba quốc gia”, chẳng dễ gì một con gà cất tiếng gáy mà cả ba nước cùng nghe. Trên thế giới có bao cột mốc biên giới đặc biệt, nhưng cũng không nhiều nơi đặc biệt như thế.
Nhiều năm trước, nhà báo Đỗ Doãn Hoàng đã từng viết một kí sự tìm về nơi một tiếng gà ba nước cùng nghe. Thời điểm đó, vùng đất biên cương này còn hoang vu, gần như trắng dân, chưa có đường đi lối lại. Tác giả viết, để đến được địa điểm đặc biệt này đã phải trải qua bao vất vả khó khăn. Bây giờ, việc đến cột mốc ba biên không còn khó. Từ ngã ba Đông Dương, du khách có thể lái xe lên tận đỉnh núi, bước thêm 120 bậc đá là có thể đứng giữa đất trời lộng gió của ba quốc gia. Vì thế, hiện nay địa điểm này đã thu hút rất đông khách du lịch, cũng là nơi học sinh trên cả nước được đến thăm và tìm hiểu về chủ quyền đất nước.
Hoa dã quỳ ở Tây Nguyên - Ảnh: NamThiên Travel |
Tây Nguyên thấm đẫm huyền tích về các tộc người bản địa, mà người ta vẫn dùng cụm từ “người dân tộc tại chỗ”, trong chiến tranh rất đỗi kiêu hùng, trong thời bình cũng vô cùng phát triển. Một trong những đơn vị quân đội đứng chân trên địa bàn, đảm bảo an ninh biên giới, phát triển kinh tế của tỉnh Kon Tum là Công ty 732 thuộc Binh đoàn 15.
“Cuối năm 1972, với chiến thắng Plei Kần, lực lượng vũ trang cách mạng đã làm chủ một địa bàn chiến lược ở Bắc Tây Nguyên, nơi tiếp giáp biên giới ba nước Việt Nam – Lào – Campuchia, có đường Trường Sơn chạy qua, tạo nên cục diện chiến trường có lợi cho cuộc kháng chiến. Để bảo vệ vùng đất mới được giải phóng, xây dựng căn cứ hậu cần, sản xuất lương thực, thực phẩm cho Mặt trận Tây Nguyên (B3) và chiến trường miền Nam; đặc biệt là bảo vệ tuyến đường chi viện chiến lược Trường Sơn, Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã điều động một số đơn vị về đứng chân trên địa bàn này. Trên cơ sở đó, ngày 20 tháng 11 năm 1973, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 quyết định thành lập Trung đoàn 732.
Ra đời trong những năm tháng ác liệt của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn dã vượt qua khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng vĩ đại mùa Xuân năm 1975 mà đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, hoàn thành sứ mệnh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Bước vào giai đoạn mới của cách mạng, cán bộ, chiến sĩ của Trung đoàn, những con người được tôi luyện trong gian khổ, ác liệt của chiến tranh lại tiếp tục bám trụ cùng với đồng bào các dân tộc anh em bảo vệ vững chắc biên cương của Tổ quốc; ra sức lao động để hàn gắn vết thương chiến tranh; vượt qua khó khăn, gian khổ, thử thách để xây dựng cuộc sống mới trên địa bàn. Xây dựng đơn vị vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Từ đội quân sản xuất, sau 50 năm bám trụ trên địa bàn ngã ba biên giới, Trung đoàn 732 trước đây, nay là Công ty 732 thuộc Binh đoàn 15 Quân đội nhân dân Việt Nam là đơn vị sản xuất kinh tế khẳng định được vị thế trên thương trường. Danh hiệu Anh hùng Lao động vì có thành tích đặc biệt xuất sắc trong thời kì đổi mới càng khẳng định sự đóng góp của Công ty vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh – quốc phòng trên địa bàn ngã ba Đông Dương” - Lịch sử Công ty 732 (1973 – 2023).
Đã trải qua những năm tháng đạn bom khốc liệt, Kon Tum còn lưu dấu những mốc son lịch sử của chiến tranh. Cách cột mốc ba biên chừng 40km là Di tích chiến thắng Đăk Tô – Tân Cảnh. Một chiếc xe tăng được trưng bày ở điểm di tích này. Theo nhà văn Đỗ Tiến Thụy, đó là chiếc xe tăng anh hùng, là nguyên mẫu chiếc xe tăng trong bài thơ nổi tiếng “Trên một chiếc xe tăng” của nhà thơ Hữu Thỉnh. Và bài thơ ấy đã được nhạc sĩ Doãn Nho phổ nhạc, có tên “Năm anh em trên một chiếc xe tăng”. Lời thơ, điệu nhạc của ca khúc luôn vang lên khắp thành thị thôn làng Việt Nam mỗi dịp đất nước kỉ niệm chiến thắng mùa Xuân 1975, hay dịp kỉ niệm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam, 22-12. Thậm chí người ta hát vang bài hát trong bất cứ dịp liên hoan ca hát nào.
Hoa dã quỳ ở cột mốc ba biên. Ảnh: Phạm Thanh Thúy |
Miền đất máu lửa của hơn nửa thế kỉ, nay với bao mồ hôi, mất mát và những nỗ lực phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh quốc phòng của cán bộ công nhân Binh đoàn Xanh đã xanh ngát cao su, cà phê, điều, lúa nước, và … dã quỳ. Dã quỳ, trổ vàng rực rỡ giữa những ngày lịch sử tháng 11 của Công ty 732, loài hoa ấy đã đem đến cho miền đất này vẻ đẹp hoang dại và cháy bỏng. Quê tôi cũng có dã quỳ, nhưng người ta gọi đó là hoa cúc đắng. Có phải dã quỳ chính là loài cúc đắng trong câu thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật: “Cây cúc đắng quên lòng mình đang đắng/ Trổ hoa vàng dọc suối để ong bay”?
Tháng 11, Tây Nguyên, dã quỳ như lửa ấm…
Phạm Thanh Thúy | Báo Văn nghệ