Sáng tác

Đi làng mùa rẫy chín. Tản văn của Ngọc Tấn

Ngọc Tấn
Tản văn
15:00 | 31/01/2025
Baovannghe.vn - Bắt đầu là những cơn gió. Những cơn gió bất thường mọc lên như bão.
aa

Rừng rùng mình giũ sạch cái khối hơi ẩm tích đọng từ những cơn mưa lê thê để ló ra sắc vàng cháy của dã quỳ. Mùa rẫy chín…

Tôi về làng Dit Prông tìm Rơ Lan Bă. Ông là cán bộ hoạt động Cách mạng lâu năm và cũng là một nghệ nhân có tiếng. Đường vào Dít Prông ngợp giữa hai bức tường dã quỳ rừng rực. Từng mảng lúa chín nhấp nhô giữa triền xanh ngăn ngắt. Trong cái nắng rất mỏng của mùa khô mới chớm, cảm giác như là những dải vàng được ai dát ra giữa lưng chừng dốc. Tiếng mõ đuổi chim, tiếng suối đàn t’rưng lảnh lót như vờn thêm sắc vàng cho từng gié lúa. Thỉnh thoảng một tiếng hú vọng đến để liền sau đó là những tiếng hú đáp trả, dài như níu cả hai bờ núi. Đại ngàn tĩnh mịch như chợt ấm lên…

Nhà Rơ Lan Bă ở ngay đầu làng. Đó là một ngôi nhà dài mái tranh đã mòn vì mưa nắng. Đã quen với phong tục, tôi cứ tự nhiên mở tấm liếp cửa khép hờ để ba lô vào rồi đi một vòng quanh làng. Đang mùa tuốt lúa, giờ này ai có sức đã lên rẫy hết. Từng đàn lợn sề nhởn nhơ quanh những vũng nước nhoét nhoe dưới gầm sàn. Cơm đổ trắng đất mà chúng chẳng buồn ăn… Đã thấy bắt đầu cái no đủ đến thừa mứa như một sự bù trừ cho những chuỗi ngày vất vả với rẫy nương…

Đi làng mùa rẫy chín. Tản văn của Ngọc Tấn
Mùa vàng. Ảnh minh họa: Pixabay

Là nguồn sống chủ yếu của người Tây Nguyên nhưng lại rất mong manh trong điều kiện tự nhiên không kém phần khắc nghiệt, cây lúa rẫy bởi vậy với đồng bào cũng có hồn, có thần (Yang H’ri) theo quan niệm “vạn vật hữu linh”. Người Tây Nguyên có nhiều lễ hội nhưng tựu trung được phân thành hai hệ thống: Lễ hội dành cho cây lúa rẫy và lễ hội cho một đời người. Trong vòng đời 7 tháng, cây lúa rẫy được dành cho đến 9 lễ hội thì đủ chứng tỏ sự tôn vinh đến nhọc nhằn cái nguồn sống nuôi mình… Trừ một đôi lễ mang tính cộng đồng được tổ chức tại làng, phần lớn chúng được tổ chức trên rẫy. Là nơi trú ngụ của các Yang và hồn lúa, rẫy với đồng bào là cả một thế giới tâm linh; là vùng đất phải được giữ gìn thanh khiết. Bất cứ sự uế tạp nào xảy ra trên rẫy cũng có thể khiến các Yang bất bình, hồn lúa giận dỗi bỏ đi…

Từ tháng 5 dương lịch cho đến mùa suốt lúa, quãng này ai xuống làng thường chỉ gặp người già và trẻ nhỏ. Người lớn đã ở hết trong rẫy. Nhà rẫy lúc này mới là nơi ở chính. Toàn bộ nhu cầu cuộc sống đã được rẫy cung cấp. Tuyệt vời nhất là vào kì lúa trổ bông ngậm sữa. Hương thơm ngọt ngào của lúa không chỉ quyến rũ các loài chim mà còn dẫn dụ các loài gặm nhấm mò về. Thỏ rừng và nhiều nhất là chuột. Những chú chuột rừng béo múp, lông vàng khé. Làm sạch lông rồi đặt lên bếp than hồng, mỡ nhểu tong tả, mùi thơm nưng nức cả gian chòi. Thêm một ché rượu gao (*) sẽ được mở nắp. Bên bếp lửa rừng rực, xé miếng thịt chuột nướng chấm muối giã ớt hiểm trộn lá é rồi nhấp một ngụm rượu gao, nhìn ra bốn bề rừng núi mịt mùng trong làn mưa trắng xóa, chợt thấy cuộc đời thật thanh khiết, đáng sống biết bao… Thế nên với đồng bào, đây là những thứ lộc mà cha ông ban tặng. Chỉ những ai làm tròn bổn phận giữ gìn hồn lúa mới được hưởng tròn vẹn hạnh phúc này…

Loanh quanh giữa ngôi làng vắng mãi cũng chán, tôi quyết định ra rẫy tìm Rơ Lan Bă. Chẳng cần phải hỏi đường đi, cứ theo những sợi dây giăng từ đầu làng ra rẫy. Đó là dây đồng bào chăng để hồn lúa biết mà theo về nhà. Men theo những sợi dây dẫn hồn lúa non cây số, những ô lúa vàng như chiếu trải, rưng rức chín đã hiện ra trước mắt tôi. Mỗi ô có khoảng bốn, năm người đang cặm cụi tuốt lúa. Tôi đi tới ô rẫy gần nhất để mục sở thị kiểu thu thoạch lần đầu được thấy trong đời. Họ đeo mỗi người một chiếc gùi nhỏ trước bụng, tay trái nắm chặt đầu bông, tay phải tuốt hạt vào gùi, thong thả từng bông, cứ như là nhẩn nha niềm sung sướng. Với đồng bào cắt ngang thân lúa như người Kinh là cắt rời hồn lúa; đập lúa là làm làm đau hồn lúa, thần lúa sẽ sợ hãi bỏ đi – và như thế sẽ mất mùa đói khát. Còn việc làm rơi rụng lúa trong khi tuốt - ấy cũng là để trả ơn đất đã có công nuôi dưỡng cây lúa sinh thành…

Rẫy nhà Rơ Lan Bă bên kia suối. Thấy còn phải đi thêm non cây số nữa, tôi đành quay về… Nắng mỏng dần từng lớp, hoàng hôn chớm thoa son trên những dãy núi xa mờ cũng là lúc một ngày mùa sắp kết thúc. Trên con đường dẫn vào làng đã thấy xuất hiện những dáng người cõng gùi đi liêu xiêu, chậm rãi như đếm từng bước một. Người lớn đã về! Như mọc lên từ đất, lũ trẻ con túa ra. Cái làng thiếp ngủ ban trưa như bỗng bừng thức dậy. Trên mỗi cầu thang nhà tiếng giã gạo đan nhau thình thịch. Lúc này những người đi buôn làng cũng bắt đầu đi từng nhà cất tiếng chào mời, đổi chác. Đồng bào dân tộc vốn không biết chế biến bất kì một thứ bánh kẹo gì, bởi vậy kẹo, bánh đa, bánh rán… toàn những thứ không chỉ hấp dẫn trẻ con mà cả người lớn nữa. Không một đồng tiền mặt nào, tất cả đều “hàng đổi hàng”. Một lon gạo là năm chiếc kẹo chanh hoặc hai chiếc bánh đa nướng, hoặc ba chiếc bánh rán… Chẳng ai tiếc, chẳng ai suy tính thiệt hơn. Dường như ai cũng thả tự do cái nhu cầu hưởng thụ của mình trong mùa no đủ - dù có thể chỉ vài tháng sau mùa suốt lúa không ít nhà phải ăn sắn hay củ mài thay cơm…

Đến nhà đã thấy ông Bă ngồi đợi bên tô thịt dúi luộc và ghè rượu nhỏ đã châm nước sẵn. Mấy người đàn ông đi qua ngõ nhìn vào. Chẳng đợi mời, họ cứ tự nhiên nhập cuộc. Phải bao nhiêu “cang” tôi không thể nhớ, chỉ biết không được qua “tua’’, không được để dở “cang’’; uống rồi mỗi người lại phải hát một bài…

Sáng hôm sau tôi thức dậy trên sàn nhà với tấm chăn chiên lấm lem bụi đất. Rửa mặt mũi xong đã lại thấy ông Bă bê lên nồi cơm cùng một tô thịt dúi có ngọn. “Thịt dúi ở đâu mà nhiều thế?” Ông cười: “Người làng nghe tin có khách nên gửi cho đấy mà.” Nói rồi ông đi xuống nhà dưới bê lên ghè rượu mới. Thấy tôi tỏ vẻ sợ hãi, ông cười: “Uống cho cái chân lên núi được khỏe, uống để mai mốt còn gặp nhau ăn cốm mới, mừng lúa mới rồi còn Pơ thi (bỏ mả) nữa chứ!”

Đúng vậy, đây chỉ mới là khúc dạo đầu. Hãy còn chưa đến quãng thời gian mà bà con gọi là “năm ăn tháng uống”: Lá rừng như cũng nhuốm hơi men, ngõ làng đâu cũng người chân nam đá chân chiêu rồi vạ vật với giấc ngủ hồn nhiên nơi gầm nhà, gốc cây vệ đường mà cũng chẳng ai lấy làm điều…

Chợt bâng khuâng nhớ mùa lúa rẫy, nhớ cái màu vàng miên man trên thung đồi mà thuở ấy chưa ai nghĩ rằng đó là biểu tượng của lạc hậu, đói nghèo…

(*) rượu được cất từ cây gao.

Ngọc Tấn | Báo Văn nghệ

Bản tin Văn nghệ ngày 22/3/2025

Bản tin Văn nghệ ngày 22/3/2025

Baovannghe.vn - Giờ Trái đất năm 2025 sẽ diễn ra từ 20 giờ 30 phút đến 21 giờ 30 phút, thứ 7 ngày 22/3/2025, với thông điệp Chuyển dịch xanh – Tương lai xanh
Thư gửi về quá khứ. Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tân

Thư gửi về quá khứ. Truyện ngắn của Nguyễn Trọng Tân

Baovannghe.vn - Tôi viết những dòng này về đêm. Ngoài cánh song kia thành phố đã trong lành trở lại vì sức làm việc của hàng trăm loài cây xanh và cả vì sự lành hiền của con người trong khi ngủ.
Đọc truyện: Con gà trống - Truyện ngắn của Tao Kim Hai

Đọc truyện: Con gà trống - Truyện ngắn của Tao Kim Hai

Baovannghe.vn - Giọng đọc: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Anh Hai Sài Gòn - Tản văn của Trương Thị Bách Mỵ

Anh Hai Sài Gòn - Tản văn của Trương Thị Bách Mỵ

Baovannghe.vn - Năm đó, anh Hai nhớ không? Là năm đầu tiên mà em cứ trông anh đi đâu đó, vắng mặt giờ chuẩn bị dọn cơm, để em được chạy khắp xóm mà dõng dạc kêu to: “Anh Nai ơi, anh Nai, mời anh Nai về ăn cơm!”
Người đàn bà gánh muối! - Thơ Tô Hằng Thanh

Người đàn bà gánh muối! - Thơ Tô Hằng Thanh

Baovannghe.vn- Chiếc đòn gánh oằn vai ngày tháng/ Nắng cháy da đong từng giọt mồ hôi