Sau hội nghị Moving beyond the War: New Directions in the Study of Vietnam (Tiến lên sau cuộc chiến: Những hướng mới trong nghiên cứu về Việt Nam) diễn ra tại Đại học Pennsylvania (Anh Quốc) vào tháng 4 năm 2000, các học giả trên khắp thế giới tiếp tục có những tham luận nghiên cứu về Việt Nam tại hội thảo khoa học Vietnam: Beyond the Frontiers (Việt Nam: Bên ngoài những đường biên) được tổ chức vào tháng 5 năm 2001 tại Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á (UCLA - Mỹ).
Và như một cuộc đối thoại quốc tế về Việt Nam giữa các nhà sử học lừng danh đến từ Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ... cuốn sách Việt Nam: Lịch sử không biên giới do Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid chủ biên quy tụ các tham luận tại hội thảo Việt Nam: Bên ngoài những đường biên, mở ra những tri thức sâu sắc và mới mẻ về sự tương tác giữa bản sắc Việt Nam - Chăm - Khmer - Pháp... trên bán đảo Đông Dương trong hơn 1.000 năm.
Cuốn sách "Việt Nam: Lịch sử không biên giới" - Ảnh: Omega+ |
Theo Trần Tuyết Nhung và Anthony Reid trong phần Nhập đề - Tạo dựng những bản sắc lịch sử Việt Nam, hiếm có nền sử học nào mang dấu ấn dân tộc đậm nét như sử học về Việt Nam trong thế kỷ XX. Gia nhập trận chiến cam go vì sinh tồn và bản sắc dân tộc suốt phần lớn thế kỷ này, các nhà Việt Nam học trên thế giới chủ yếu tập trung vào dòng trần thuật vĩ mô về cuộc đấu tranh dân tộc chống lại Trung Quốc, Pháp và Mỹ. Chỉ tới gần đây, một thế hệ nhà sử học mới bắt đầu khám phá những phức hợp văn hóa và chính trị trong mối quan hệ giữa nhiều dân tộc sống trên bán đảo Đông Dương. Cuốn sách Việt Nam: Lịch sử không biên giới là một bước tiến nữa của thế hệ đó.
Ngoài ra, giới sử học phương Tây trước đây thường viết về Việt Nam với tư thế hoàn toàn tách rời khỏi sử học Việt Nam, cũng như xa lánh sử học thực dân Pháp. Những gì công bố ở Trung Quốc và Nhật Bản gần như không được các học giả phương Tây biết đến. Và cuốn sách Việt Nam: Lịch sử không biên giới là tác phẩm tiêu biểu về cuộc đối thoại đang tiếp diễn giữa các nhà sử học được đào tạo, hoặc được đào tạo một phần ở Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Mỹ.
Các học giả nổi bật trong đối thoại này có thể kể đến Giáo sư Phan Huy Lê - bậc lão thành trong giới sử học Việt Nam, hậu duệ của một gia tộc trí thức nổi tiếng, với sự nghiệp trải suốt tiến trình của nền sử học thời Việt Nam độc lập. Một đại diện khác của thế hệ đi trước là học giả đầu ngành về nghiên cứu Việt Nam - Yu Insun, người Hàn Quốc - được đào tạo về lịch sử Việt Nam và Đông Nam Á ở Nhật Bản, Mỹ; đã mang đến một quan điểm độc đáo về các nguồn sử liệu.
Nhìn chung, cuốn sách Việt Nam: Lịch sử không biên giới phù hợp với mọi độc giả yêu thích, tìm hiểu, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam. Xuyên suốt 4 chương sách, các nhà sử học đã đưa ra tóm lược các nghiên cứu về sở hữu đất đai tại làng, nhấn mạnh vai trò của làng trong cách mạng và bản sắc Việt Nam (Việt Nam); thách thức các trần thuật truyền thống về bản sắc và quyền lực Việt Nam so với Trung Hoa (Kiến tạo Việt đối lập Hán); xem xét lịch sử của Đàng Trong và sự tương tác với người Chăm, Khmer và Thượng, đồng thời tranh luận về vai trò của các vùng biên giới và sự đa nguyên trong lịch sử của khu vực này (Sự đa dạng của vùng đất phương Nam); nghiên cứu về Philiphê Bỉnh, sự tham gia của người Việt trong Thế chiến thứ nhất, nhân vật Pigneau de Béhaine - Nhóm bài viết này gợi ra vài nét phức hợp nơi những cuộc chạm trán và phát hiện ra nhau giữa người Việt và người Âu, những tự sự cá nhân có thể tôn màu cho trần thuật quốc gia nhưng cũng có thể lật đổ chúng, những lịch sử của vùng đất bị tàn phá nhưng vẫn phong phú đáng ngạc nhiên của thế giới không thể bị giới hạn bởi những mục tiêu của hiện tại... (Những cuộc chạm trán Việt - Âu).
Hân My | Báo Văn nghệ
------------
Bài viết cùng chuyên mục: