Dân ca Quan họ Bắc Ninh được UNESCO tôn vinh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Đức Toàn |
Đây là nội dung đã được đưa ra tại cuộc họp Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập xây dựng Chiến lược Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do Thứ trưởng Hồ An Phong chủ trì vừa diễn ra tại Hà Nội. Quan điểm được đưa ra trong cuộc hóp chính là nhìn nhận một cách thấu đáo yêu cầu đặt ra trong xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong giai đoạn tới, đáp ứng với sự phát triển mạnh mẽ của thế giới và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, nhiệm vụ thúc đẩy sự phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng đồng bộ và hiện đại đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, đồng thời quảng bá sự đa dạng của văn hóa Việt Nam, tiếp tục phát huy nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.
Trước đó, tổ soạn thảo, biên tập đã thống nhất xác định các đầu mối, thời gian thực hiện, thời gian triển khai và các từ ngữ sử dụng trong Kế hoạch phải rất chính xác. Các nhiệm vụ phải được xác định rõ ràng, hợp lý để sắp xếp nguồn lực, không có những nội dung trùng lặp với mục tiêu. Đồng thời đưa ra những đề xuất nhiệm vụ và giải pháp chung, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm đối với từng ngành công nghiệp văn hóa. Tại cuộc làm việc, Thứ trưởng đề nghị các đơn vị rà soát lại các thông tin thật chính xác, có thêm nhiều phiên làm việc để tập hợp các ý kiến, tiếp tục phối hợp để hoàn thiện việc xây dựng Chiến lược phát triển đảm bảo các yêu cầu đặt ra bao gồm:
Về mục tiêu, Công nghiệp văn hóa là ngành kết hợp sự sáng tạo, ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ, sử dụng các giá trị văn hóa và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cùng kỹ năng kinh doanh để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ mang giá trị văn hóa và kinh tế, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam bao gồm 12 ngành: (1) điện ảnh; (2) du lịch văn hóa; (3) nghệ thuật biểu diễn; (4) mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm; (5) quảng cáo; (6) kiến trúc; (7) thiết kế; (8) thời trang; (9) thủ công mỹ nghệ; (10) xuất bản; (11) truyền hình và phát thanh; (12) phần mềm và các trò chơi giải trí. |
Mục tiêu là phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trở thành ngành kinh tế quan trọng, góp phần quảng bá văn hóa và khẳng định thương hiệu, vị thế quốc gia của Việt Nam trên trường quốc tế.
Về yêu cầu đạt được
Phát triển có trọng tâm, trọng điểm, dựa trên tư duy sắc bén, hành động sắc sảo, lựa chọn tinh hoa, đột phá phát triển để các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa đáp ứng được các yếu tố sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp, lành mạnh, cạnh tranh, bền vững trên nền tảng dân tộc, khoa học, đại chúng nhằm quảng bá, lan tỏa các giá trị văn hóa, lịch sử đất nước, con người Việt Nam, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững, thúc đẩy giao lưu, hội nhập quốc tế và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Đến năm 2030, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam trở thành ngành kinh tế quan trọng, trong đó tập trung phát triển có trọng tâm, trọng điểm một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế nhằm đạt mục tiêu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% GDP.
Đến năm 2024, định vị công nghiệp văn hóa là ngành công nghiệp chủ chốt, phấn đấu doanh thu đóng góp 9% GDP, thu hút 6 triệu lao động, chiếm tỷ trọng 9% trong tổng lực lượng lao động của nền kinh tế.
Định vị Việt Nam trong kỷ nguyên thông minh
Mục tiêu tiếp theo là Việt Nam trở thành quốc gia đứng đầu về phát triển công nghiệp văn hóa trong khu vực Đông Nam Á và là một trong những quốc gia có ngành công nghiệp văn hóa phát triển trong khu vực Châu Á. Các ngành công nghiệp văn hóa góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế sáng tạo của quốc gia và định vị Việt Nam trên bản đồ phát triển của thế giới trong kỷ nguyên thông minh.
Như vậy có thể thấy, Phát triển công nghiệp văn hóa là động lực mới cho nền kinh tế và hoàn toàn phủ hợp với chủ trương xuyên suốt của Đảng trong các kỳ Đại hội.
Trước đó, để cụ thể hóa các Nghị quyết của Đảng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa ở Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (Quyết định số 1755/QĐ-TTg). Và nay, sau hơn 8 năm triển khai Quyết định số 1755/QĐ-TTg, Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa cần được bổ sung và có những hướng đi và quyết sách mới.
Do đó, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị, việc xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm đưa ra những giải pháp, chiến lược cụ thể để tạo "sức bật" cho các ngành công nghiệp văn hóa của nước ta trong thời gian tới. Do đó, Chiến lược phải khẳng định được tiềm năng, giá trị, đóng góp của các ngành CNVH trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Với những ý kiến đóng tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hồ An Phong đề nghị Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu nghiêm túc nhằm đảm bảo tiến độ, chất lượng xây dựng Dự thảo Chiến lược một cách đồng bộ và đạt hiệu quả cao nhất.
-------------
Bài viết cùng chuyên mục: