Văn hóa nghệ thuật

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa

Huyền Chi
Sách
15:19 | 27/09/2024
Sáng 26/9/2024, tại Hội trường Viện Văn học đã diễn ra buổi tọa đàm khoa học với chủ đề Người đọc trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình, nhà thơ và các độc giả yêu văn chương.
aa

Trong thời kỳ của chuyển đổi số và toàn cầu hóa, văn học Việt Nam đã và đang có những biến đổi mạnh mẽ. Vai trò của người đọc cũng ngày càng trở nên quan trọng khi không chỉ là người tiếp nhận tác phẩm mà còn tích cực tham gia vào quá trình sáng tạo, giao lưu, quảng bá văn chương. Nhận thức được thực tế đó, Viện Văn học tổ chức Tọa đàm khoa học với chủ đề Người đọc trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại nhằm tạo diễn đàn để trao đổi về vai trò, tầm ảnh hưởng của người đọc trong quá trình sáng tạo, phát triển văn học; xem xét sự ảnh hưởng của các yếu tố như thị hiếu thẩm mỹ, thị trường sách, mạng xã hội, công nghệ số... tới thói quen/ xu hướng đọc của độc giả; từ đó, thảo luận về những cơ hội và thách thức mà độc giả hiện đại đang phải đối mặt, đề xuất những giải pháp nhằm xây dựng một cộng đồng người đọc chất lượng, đa dạng, năng động, gắn kết, góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của văn học Việt Nam trong thời kỳ mới.

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
Tọa đàm “Người đọc trong đời sống văn học Việt Nam hiện đại” ngày 26/9/2024

Chủ đề của Tọa đàm đã thu hút được sự chú ý của những người quan tâm tới vấn đề tiếp nhận văn học và đời sống văn học đương đại, bao gồm các nhà nghiên cứu, nhà phê bình, nhà báo, nhà thơ và sinh viên đến từ Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương; Viện Thông tin Khoa học Xã hội Việt Nam; Viện Nghiên cứu Hán Nôm; Viện Văn học; Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội); Trường Trường Đại học Văn hóa Hà Nội; Trường Đại học Thủ đô; Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II; Báo Nhân dân và Tạp chí Khoa học Xã hội Việt Nam. Trong số các bài viết được gửi đến, Ban Tổ chức đã lựa chọn 08 bài viết để trình bày tại buổi Tọa đàm vào sáng 26/9/2024.

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
TS. Phạm Văn Ánh và TS. Vũ Thị Thu Hà chủ trì Tọa đàm

Trong phần trình bày về vấn đề người viết và người đọc, PGS.TS. Nguyễn Văn Dân (Viện Thông tin Khoa học xã hội) nhấn mạnh rằng cơ chế thị trường tác động mạnh đến việc sáng tác và xuất bản sách, đó là điều kiện để những nghiên cứu về người đọc và sự tiếp nhận của người đọc xuất hiện. Theo nhà nghiên cứu, nói về văn hóa đọc là nói về khả năng tiếp nhận và lĩnh hội của người đọc, chứ không phải là số lượng người đọc. Vì khả năng tiếp nhận và lĩnh hội của người đọc sẽ tác động trở lại đối với văn hóa viết, nên PGS.TS. Nguyễn Văn Dân cho rằng nếu muốn phát triển văn hóa đọc, trước hết cần phát triển văn hóa viết. Từ đó, PGS.TS. Nguyễn Văn Dân đặt ra một số yêu cầu đối với người cầm bút để góp phần vào việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam.

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh thảo luận về vấn đề người đọc từ góc độ ký hiệu học văn chương

Cũng thảo luận về những vấn đề của người đọc và người viết như PGS.TS. Nguyễn Văn Dân, nhưng PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh (Viện Văn học) xem xét các vấn đề này từ góc độ của ký hiệu học văn chương. Những diễn giải của PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh cho thấy ký hiệu học xem người đọc như một thành tố trong khuôn khổ của văn bản, người viết giả định rằng người đọc sẽ hiểu được các mã văn hóa, các công thức, điển cố, điển tích mà người viết sử dụng trong văn bản. Do vậy, việc nghiên cứu về người đọc, theo PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh, sẽ dịch chuyển trọng tâm của nghiên cứu văn học sang nghiên cứu các quy chế đọc, hay nói cách khác, nghiên cứu các siêu văn bản.

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
TS. Mai Thị Hồng Tuyết trình bày về vấn đề người đọc cụ thể và cộng đồng diễn giải

Tham luận Người đọc cụ thể và cộng đồng diễn giải trong tiếp nhận văn học của TS. Mai Thị Hồng Tuyết (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội II) đã cụ thể hóa một số vấn đề lý thuyết mà PGS.TS. Trịnh Bá Đĩnh đã đề cập đến trong phần trình bày của mình. Nói đến người đọc cụ thể trong tiếp nhận văn học, TS. Mai Thị Hồng Tuyết đưa ra những ví dụ sinh động về việc những người đọc khác nhau dùng kinh nghiệm sống, trải nghiệm tâm lý, tri thức văn chương... để giải mã hệ thống ký hiệu trong tác phẩm, tạo nên sự phân tầng, sự đa dạng trong việc tiếp nhận văn chương hiện nay. TS. Mai Thị Hồng Tuyết cũng đề cập đến sức mạnh của cộng đồng diễn giải và những yếu tố tham gia vào việc hình thành cộng đồng diễn giải như vô thức cộng đồng, sức ép của cộng đồng và sự lây nhiễm. TS. Mai Thị Hồng Tuyết lưu ý rằng không phải lúc nào cộng đồng diễn giải cũng áp chế người đọc cụ thể và định hướng người đọc cụ thể, mà trong một số trường hợp, những người đọc cụ thể xuất sắc có thể đặt nền móng cho sự hình thành của một cộng đồng diễn giải mới.

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
PGS.TS. Lê Thời Tân diễn giải về vấn đề độc giả trong quan niệm của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp

Sau ba phần trình bày về các vấn đề lý thuyết, Tọa đàm chuyển sang những nghiên cứu trường hợp. PGS.TS. Lê Thời Tân (Đại học Thủ đô) tập trung vào một tiểu luận không được Nguyễn Huy Thiệp công bố nhưng mới đây đã được đưa vào tập di cảo của nhà văn. Trong tiểu luận này, Nguyễn Huy Thiệp nhiều lần đặt câu hỏi “Văn học có thực sự có sức mạnh không?”. PGS.TS. Lê Thời Tân cho rằng câu hỏi này không chỉ nói về chức năng, giá trị của văn học, mà còn chạm đến vấn đề tiêu thụ/ tiếp nhận của người đọc, vì văn chương phải được đọc, được tiêu thụ thì người viết mới trở thành nhà văn. PGS.TS. Lê Thời Tân lưu ý đến nhận định của Nguyễn Huy Thiệp về mối quan hệ cộng sinh giữa nhà văn, người bán sách, người viết các bài điểm sách và những dạng độc giả mà Nguyễn Huy Thiệp gặp phải/ gặp được trong cuộc đời cầm bút của ông, bao gồm loại độc giả “dễ kích động” - những người cảm thấy Nguyễn Huy Thiệp đang “động chạm” đến họ; loại độc giả “tích cực” như bạn đọc yêu văn chương, nhà giáo, nhà thơ, người lao động - những người dành tình cảm trìu mến cho Nguyễn Huy Thiệp; và loại độc giả “ngự lâm quân” - những người đọc chuyên nghiệp song không phải lúc nào cũng cởi mở về tư tưởng. Những suy tư của Nguyễn Huy Thiệp về sức mạnh của văn chương, theo PGS.TS. Lê Thời Tân, là cái nhìn thấu thị đối với một số vấn đề của việc sáng tác và tiếp nhận văn học trong đời sống đương đại như cái tâm và sự khách quan của những người đọc chuyên nghiệp; những “chuẩn mực” trong lý luận, phê bình văn học; lý tưởng về chân mệnh của văn chương...

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
TS. Ngô Viết Hoàn trình bày tham luận “Sản nghiệp hóa văn học và người đọc văn học trong thời đại công nghiệp văn hóa”

TS. Ngô Viết Hoàn (Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) có một phần trình bày công phu về sản nghiệp hoá văn học và người đọc văn học trong thời đại công nghiệp văn hoá. TS. Ngô Viết Hoàn nhấn mạnh rằng internet, podcast, audiobook trong thời đại hiện nay cho phép người đọc có những lựa chọn đọc đa dạng hơn thay vì chỉ có các định dạng in ấn. Một số xu hướng đọc hiện nay đã được TS. Ngô Viết Hoàn chỉ ra như sản nghiệp hóa văn học (qua các sàn thương mại điện tử, hội sách), cá nhân hóa văn học, đọc theo sự đề xuất của các nền tảng truyền thông xã hội (Facebook, Twitter, Tik Tok). TS. Ngô Viết Hoàn cũng lưu ý rằng độc giả ngày nay không chỉ là người tiếp nhận mà còn tham gia vào quá trình tạo ra tác phẩm (chẳng hạn, tài trợ kinh phí xuất bản), định hình xu hướng đọc và tôn vinh tác phẩm. Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo, người đọc AI là một vấn đề được TS. Ngô Viết Hoàn quan tâm và bàn đến trong phần trình bày của mình. Từ đó, nhà nghiên cứu này cho rằng trong tương lai, việc đọc có thể nghiêng về phía thụ cảm các giá trị thẩm mỹ hơn là tìm kiếm các dữ liệu.

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
TS. Nguyễn Thế Bắc nhấn mạnh người đọc là yếu tố quyết định sự hình thành và phát triển của thể loại truyện trinh thám ở Việt Nam

TS. Nguyễn Thế Bắc (Hội đồng Lý luận, Phê bình Văn học, Nghệ thuật Trung ương) tập trung vào vấn đề người đọc và sự phát triển thể loại truyện trinh thám ở Việt Nam. Từ những quan sát của mình, TS. Nguyễn Thế Bắc cho rằng người đọc là yếu tố quyết định, tác động đến sự hình thành và phát triển của thể loại truyện trinh thám ở Việt Nam. Người đọc ở đây bao gồm cả độc giả phổ thông lẫn độc giả chuyên nghiệp - các nhà nghiên cứu, phê bình văn học. Để làm rõ hơn luận điểm đó, TS. Nguyễn Thế Bắc chỉ ra rằng trong 5 năm trở lại đây, có đến 10 hội thảo, tọa đàm về truyện trinh thám được tổ chức và nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và luận văn/luận án liên quan đến thể loại này. Bên cạnh đó, mạng xã hội cũng tạo điều kiện cho sự thành lập các hội, nhóm độc giả yêu thích truyện trinh thám. Những yếu tố này đặt nền tảng cho mối tương tác ngày càng mật thiết giữa người đọc, nhà văn và các đơn vị xuất bản, dẫn đến sự ra đời của ngày càng nhiều đầu sách trinh thám. Mặc dù mảng truyện trinh thám vẫn khá lép vế so với các mảng khác, nhưng TS. Nguyễn Thế Bắc nhận định rằng thể loại này vẫn có đóng góp nhất định cho sự phát triển của nền công nghiệp văn hóa ở Việt Nam.

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
Nhà báo Nguyễn Quang Hưng đặt vấn đề “cứu lấy sự dễ dãi của bạn đọc thơ”

Trong khi đó, nhà báo Nguyễn Quang Hưng (Báo Nhân dân) chú ý đến người đọc của thể loại thơ ở thời kỳ đương đại. Tác giả cho rằng trong bối cảnh sáng tác thơ đang trở thành một xu hướng như ở Việt Nam hiện nay, việc xuất bản thơ dường như dễ dàng hơn và có thể dẫn đến nguy cơ hạ thấp thẩm mỹ của bạn đọc. Để “cứu lấy sự dễ dãi của bạn đọc thơ”, nhà báo Nguyễn Quang Hưng đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao thẩm mỹ của bạn đọc như người đọc chuyên nghiệp nên lan tỏa tri thức qua các cổng thông tin, diễn đàn để công chúng tiếp cận một cách thuận lợi hơn; cần có những thay đổi, bổ sung trong việc dạy môn Văn ở nhà trường; cải tiến nội dung và cách ra đề thi của môn Văn.

Phần trình bày cuối cùng của buổi Tọa đàm là Khi quyền lực thuộc về người tiêu thụ: Tiếp nhận câu chuyện dân gian Thạch Sanh trong văn hóa Việt Nam đương đại của ThS. Mai Thị Thu Huyền (Viện Văn học). Khảo sát sách giáo khoa, truyện cổ tích, tuyển tập truyện cổ tích, truyện tranh, các bài viết trên mạng xã hội, phim điện ảnh, phim hoạt hình, tiểu phẩm hài và truyện đam mĩ có liên quan đến câu chuyện Thạch Sanh ở Việt Nam kể từ năm 1975 cho đến nay, ThS. Mai Thị Thu Huyền nhận thấy câu chuyện này đã được các nhà giáo dục, nhà nghiên cứu, phụ huynh học sinh thiêng hóa như một tác phẩm thể hiện ước mơ, quan điểm sống và những truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng xuất hiện những cách hình dung và định nghĩa mới về câu chuyện này, khiến hình tượng Thạch Sanh và các mối quan hệ của nhân vật đó không những bị thay đổi đáng kể so với phiên bản gốc mà còn trở nên đời thường hơn, trần tục hơn. Theo ThS. Mai Thị Thu Huyền, hai khuynh hướng tiếp nhận trái ngược nhau đối với câu chuyện dân gian Thạch Sanh là chỉ dấu cho thấy tính đa nguyên của văn hóa Việt Nam đương đại, nơi mà các thế hệ, các nhóm xã hội, các cộng đồng khác nhau có những cách đọc, diễn giải và tiếp nhận khác nhau đối với cùng một đối tượng. Lý giải về hiện tượng thú vị này, ThS. Mai Thị Thu Huyền cho rằng những văn bản liên quan đến câu chuyện Thạch Sanh từ 1975 - nay đều là những thương phẩm văn hóa được sản xuất cho thị trường và hướng đến thị trường trong bối cảnh người tiêu thụ đã nắm giữ những quyền lực nhất định.

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
Truyện tranh, truyện đam mỹ và tiểu phẩm hài về Thạch Sanh - ba trong số các văn bản được ThS. Mai Thị Thu Huyền khảo sát

Những vấn đề được đề cập đến trong tám tham luận được trình bày tại Tọa đàm đã thu hút sự quan tâm của các đại biểu tham dự. Nhiều câu hỏi thú vị đã được đặt ra cho các tác giả tham luận, chẳng hạn: “Liệu có một cộng đồng diễn giải đơn nhất không?”, “Có sự chênh lệch quyền lực giữa các cộng đồng đọc hay không?”, “Tại sao người nữ lại phóng chiếu các ẩn ức tình dục vào mối tình nam - nam trong các câu chuyện đam mỹ?”, “Tình hình tiếp nhận thơ nước ngoài ở Việt Nam như thế nào?”, “Nên có những thiết chế nào cho việc đọc trong bối cảnh công nghệ số đang phát triển mạnh mẽ?”, “Tại sao lực lượng độc giả trinh thám chưa đông đảo như độc giả của các mảng khác?”, “Nên có những biện pháp gì để kích thích lượng người đọc của thể loại truyện trinh thám?”. Những định hướng và giải pháp cho việc phát triển văn hóa đọc ở Việt Nam trong thời gian tới cũng được thảo luận sôi nổi trong buổi Tọa đàm.

Người đọc trong bối cảnh chuyển đổi số và toàn cầu hóa
PGS.TS. Nguyễn Thị Huế phát biểu tại Tọa đàm

Sau khi tổng kết những vấn đề lý thuyết và thực tiễn về việc tiếp nhận các hiện tượng văn học được trình bày và thảo luận trong Tọa đàm, TS. Phạm Văn Ánh - Phó Viện trưởng Viện Văn học, Trưởng Ban Tổ chức Tọa đàm đánh giá cao các ý kiến tâm huyết và những góc nhìn mới mẻ của các nhà khoa học và các đại biểu. TS. Phạm Văn Ánh gửi lời cảm ơn chân thành tới các tác giả tham luận và các đại biểu, hi vọng rằng những sự kiện khoa học trong thời gian tới của Viện Văn học sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ của các nhà nghiên cứu, các nhà phê bình, những người cầm bút và những bạn đọc yêu văn chương.

Huyền Chi | Báo Văn nghệ

------------

Bài viết cùng chuyên mục:

Tọa đàm ra mắt sách "Nhật ký trong tù" Tọa đàm về tác phẩm của nhà văn Võ Minh Tổ chức Tọa đàm giao lưu văn học với nhà văn Pháp Tọa đàm nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh họa sĩ Dương Bích Liên Khúc Hải du chốn Long thành - Tọa đàm ra mắt sách "Cầm thư quán"
Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Bài viết của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm về "Chống lãng phí"

Baovannghe.vn - Trong mọi giai đoạn cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm công tác phòng, chống lãng phí, đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, kết luận về vấn đề này và lãnh đạo cả hệ thống chính trị, toàn dân tổ chức thực hiện đạt nhiều kết quả. Văn nghệ điện tử trân trọng giới thiệu nội dung bài viết “Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Tô Lâm.
Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Khéo dư nước mắt. Tạp bút của Đông Trình

Baovannghe.vn - Con đường ấy mang tên "Đông - Tây". Đơn giản là nó nối hai phương của một thành phố. Con đường lớn, đẹp, lối đi hai chiều.
Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024)

Baovannghe.vn - Kiến trúc Hà Nội - 70 năm Giải phóng Thủ đô (1954-2024) là cuốn sách có giá trị tổng quan và sâu sắc về các chặng đường phát triển của kiến trúc, đô thị Hà Nội.
Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Trầm ngâm quê nhà- Thơ Nguyễn Văn Hòa

Baovannghe.vn- Tôi từ thương nhớ mà đi/ Vọng trong ngày cũ xanh rì chiêm bao/ Nam non ướt ngọn mưa rào/ Nồm già nứt vách chênh chao nếp nhà
Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Chiều đã Chạp - Thơ Nguyên Hậu

Baovannghe.vn- Chầm chậm nhé trời chiều nay đã Chạp/ Người tha hương đã kịp về đâu/ Ai rửa phèn chua nhàu nhĩ áo nâu/ Rơi giấc phố tiếng dế ngày xa lắc