Thế là Hoàng Cầm rời bỏ nhân gian cưỡi hạc đi vân du vào cõi tiên từ ngày 6 tháng 5 năm 2010. Sớm hơn rất nhiều so với dự định của ông vào hồi tháng 5 năm 2003. Khi ông hẹn tới đầu thế kỷ 22 - Vâng, thế kỷ 22, sẽ cùng Nguyễn Đình Thi thức giấc vào nửa đêm nào đó ở chốn đào nguyên để cùng lắng nghe một đám thanh nữ hình như đẹp lắm và đông lắm đang hát véo von. Người thơ đã ra đi mà cơ sự còn để lại bao nhiêu vương vấn ở cuộc đời vốn lắm bể dâu này. Người ta vẫn ca hát và ngẫm ngợi về thơ ông như khi ông còn sống và đương nhiên có những lời bàn thật trái ngược nhau. Năm 1997, khi Hoàng Cầm 75 tuổi, Lê Đạt nhớ lại một buổi sáng, không nói rõ năm tháng nào, nhưng có lẽ vào hồi mới tiếp quản Thủ đô, cùng chàng Nguyễn Bính ra Hàng Bè ăn thịt chó. Giữa hai miếng chả đặc sản thơm phức, Đạt bất chợt hỏi Bính: Trong dòng thơ dân dã sau cậu là ai? Bính trả lời tắp lự: Sau tao là thằng Cầm! Rồi tì tì uống tiếp. Rồi lại bỗng đặt chén xuống nói như quát: Thằng Cầm cũng bằng tao! Lê Đạt giống như Nguyễn Bính cho rằng: trong hàng ngũ các nhà thơ thời kháng Pháp, ngoài Tố Hữu ra có lẽ ít người nổi tiếng như Cầm.