Diễn đàn lý luận

Hoàng Đăng Khoa và phê bình đối thoại

PHÙNG GIA THẾ
Chân dung văn học
07:00 | 04/07/2024
Hoàng Đăng Khoa sinh năm 1977 tại Quảng Bình. Năm 1999, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và bắt đầu dạy học ở Quảng Bình. Từ năm 2013 chuyển công tác ra Hà Nội. Hiện là Trưởng ban Lí luận phê bình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
aa

Hoàng Đăng Khoa sinh năm 1977 tại Quảng Bình. Năm 1999, tốt nghiệp Đại học Sư phạm Huế và bắt đầu dạy học ở Quảng Bình. Từ năm 2013 chuyển công tác ra Hà Nội. Hiện là Trưởng ban Lí luận phê bình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Tác phẩm đã xuất bản: Kiếp lá (thơ, Nxb Thuận Hoá, 2005); Gặp (phê bình văn học, Nxb Quân đội nhân dân, 2016); Khát vọng mùa (thơ, Nxb Hội Nhà văn, 2016); Phiêu lưu chữ (phê bình văn học, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2017); Bên gốc đại Nhà số 4 (phê bình và đối thoại văn học, Nxb Lao động, 2017); Song hành & đối thoại (đối thoại văn học, Nxb Tổng hợp TP.Hồ Chí Minh, 2018); Đứng về phe cái khác (đối thoại văn học, Nxb Hội Nhà văn, 2020); Những tờ sạch (phê bình và tiểu luận, Nxb Văn học, 2023). Hoàng Đăng Khoa từng nhận tặng thưởng thường niên của Hội đồng Lí luận phê bình văn học nghệ thuật Trung ương (2017); Giải thưởng văn học nghệ thuật, báo chí 5 năm (2014 - 2019) của Bộ Quốc phòng; Giải thưởng Lưu Trọng Lư của tỉnh Quảng Bình (2021), Giải thưởng thơ của Tạp chí Sông Hương (2023)…

Hoàng Đăng Khoa và phê bình đối thoại
Hoàng Đăng Khoa

1. Tôi biết Hoàng Đăng Khoa từ hơn chục năm nay. Chúng tôi cùng tuổi, thêm chút cộng cảm của những người tỉnh lẻ buổi đầu, vài điểm riêng chung, dần dà trở nên thân thiết. Khoa dạy phổ thông ở Quảng Bình chừng hơn chục năm, sau vì đam mê viết lách mà bỏ ra Hà Nội. Ngày đầu gặp Khoa, tôi đùa anh câu cửa miệng “Ai xui cậu ra đây”. Khoa cười, bảo giời đày. Không hiểu sao, tôi thấy nụ cười Khoa luôn phảng phất buồn, cười càng to, lại càng buồn. Trong công việc và tình bạn, tôi luôn tin cậy Khoa. Điều thầm kín riêng tư tôi cũng không ngại hỏi anh, bởi tôi biết Khoa luôn hồi đáp chân thành. Tình bạn nhiều khi quan trọng hơn phê bình văn học. Thế là, dầu bận, chúng tôi vẫn dành thời gian cho nhau, năm một hay vài, ở nhà tôi Xuân Hòa hay Hà Nội chỗ Khoa, có khi cũng tùy duyên, tùy việc. Nói điều này điều nọ, tôi không bao giờ phải giữ ý với Khoa. Khoa chừng mực, chân thành, tuy vẫn ẩn tàng đâu đó bên trong một nụ cười dí dỏm. Anh kể chuyện tửng tưng [thực ra là kể lại theo lời người khác, kể mà không đính kèm bất kỳ một bình luận gì] một nhà văn bị vợ đánh ghen phải cởi trần chạy ra khỏi nhà trong đêm, một nhà văn ở nước ngoài đôn đáo về nước dưới vỏ bọc tọa đàm văn chương, thực chất là thăm bồ, hay một nhà văn nọ mấy năm “được mời” vào Hội nhưng bỏ phiếu thì năm nào cũng trượt…

Đời người ta thường tự mua cái mệt vào mình. Điều này càng đúng với Khoa. Đang dạy học thì năm 2003 đi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Đang yên ổn ở quê thì đùng cái chuyển ra Hà Nội. Ra Hà Nội một hồi, lại quay về lấy vợ ở quê, để rồi anh bộ đội viết văn cứ cách tuần lại đi đi về về hai đầu quê - phố. Ra Hà Nội thì vùi đầu vào sách vở, công việc, làm biên tập, đi đây đó giảng dạy, làm diễn giả, thỉnh thoảng lên đài phát thanh hay truyền hình làm vài “talk show”, cũng là cách răn mình phải đọc, để “hòa mạng đời mình” vào không gian văn chương đương đại.

Nhà xa, mẹ già, vợ trẻ, con nhỏ, Hà Nội “đêm đêm thấp thỏm nỗi nhà”, thế mà Khoa vẫn dành tiền nhuận bút từ sách của mình làm ra cái quỹ học bổng “Khát vọng mùa”, chủ yếu phụ giúp các cháu học sinh con nông dân nghèo hiếu học ở quê có thêm động lực. Bạn bè văn chương trong Nam ngoài Bắc, nước ngoài nước trong thấy Khoa dễ tính, cũng dập dìu. Khoa không quá ham chơi, nhưng cả nể, trọng tình, thành ra cũng… mệt. Mà thôi, cách chơi là do mỗi người tự chọn mà…

Hoàng Đăng Khoa đóng nhiều vai, cũng đổi vai nhiều. Một anh giáo dạy văn, một nhà thơ, một người lính, rồi trưởng ban phê bình của một tạp chí lớn. Song ngẫm ra, vai nào thì trục xoay của Khoa cũng đều liên quan đến văn chương, lấy văn chương làm tâm mệnh. Điều mừng nhất ở Khoa mà tôi thấy là từ một giáo khổ trường… tỉnh đến nay, anh đã có một bước tiến dài về chuyên môn. Trong đời sống phê bình văn học nhiều bề bộn hôm nay, anh đã xác định được một chỗ đứng riêng vững chắc…

2. Hoàng Đăng Khoa sáng tác khá nhiều, tuy khác nhau về thời điểm, chủ yếu là thơ. Đến nay, Khoa đã in 2 tập thơ và từng nhận một vài giải thưởng về thơ. Tuy nhiên, bạn văn chủ yếu biết đến anh với danh xưng nhà phê bình văn học. Có lẽ, khi nhận ra thơ là duyên phận, không phải bản mệnh dễ gọi mời, Khoa tập trung cho phê bình, một “công việc chuyên môn” có thể “làm được” thường xuyên. Khoa viết phê bình đều đặn. Từ khi đầu quân về Nhà số 4 đến nay, anh đã in 6 cuốn tiểu luận - phê bình, hiện đang tổ chức bản thảo cho một tập (thuần) tiểu luận.

Phê bình văn học của Hoàng Đăng Khoa không dùng dằng, ba phải, mà chuyển hướng dứt khoát về cái mới. Những tiểu luận như Hướng đến một tư duy lí luận văn học động và mở, Cái mới thường vượt biên không có giấy thông hành... có thể xem là những “tuyên ngôn” mang tính xác quyết của Hoàng Đăng Khoa. Tôi cho điều này vô cùng quan trọng, không chỉ với cá nhân anh, mà còn với “nhãn quan phê bình” Nhà số 4 (mà anh là một trong số những người gác cổng). Cái mới trong phê bình của Khoa trước hết nằm ở quan điểm, cái nhìn. Khoa chịu đọc, nghiền ngẫm và vận dụng các lý thuyết văn chương hiện đại. Công việc hối thúc, sức ép của người gác gôn tạp chí, sự dồn đuổi của đồng nghiệp khiến anh phải “xay lúa giã gạo” hằng đêm, để có được ngày thơ thới. Phê bình của Khoa có bóng dáng thuyết nữ quyền, phân tâm học, hậu hiện đại. Anh cũng tìm được những phác đồ ngầm trong tư tưởng của Bakhtin, Foucault, Barthes…

Phê bình của Hoàng Đăng Khoa cũng mới từ đối tượng. Những năm qua, anh không ngừng đồng hành cùng đời sống sáng tác đương đại bộn bề. Ngòi bút Hoàng Đăng Khoa điểm nhịp gần như đầy đủ các gương mặt mới. Ngoài tác giả, anh cũng quan tâm đến các khuynh hướng và vấn đề thời sự của văn chương (Góp lời bàn về thơ cách tân đương đại, Đọc thơ cách tân: Rất cần một tâm thế không định kiến, Về thái độ cực đoan trong sáng tác và phê bình thơ cách tân, Văn xuôi nữ: Nỗ lực làm mới hay tự đánh mất “đặc sản tâm hồn”?, Văn trẻ: Ồn ào và lặng lẽ, Người viết trẻ tự vẽ những đường bay, Văn học trong kỉ nguyên số, Nghiên cứu phê bình hôm nay: Vắng bóng tác phẩm hay vắng bóng người đọc?, Giải thưởng văn chương: Làm sao để không mất giá?…)

Đời người có những duyên may. Có lẽ, về Nhà số 4 là một duyên may của Khoa. Anh hợp tạng với không gian ấy, và đến lượt mình, nó giúp anh an toàn và thuận lợi trong việc tạo lập lối đi riêng.

Phê bình của Hoàng Đăng Khoa khá đa dạng, song trước hết là phê bình báo chí. Ưu điểm của kiểu phê bình này là sự nhanh nhạy, bám sát thực tiễn, bao quát nhanh, việc này cũng gắn với công việc của anh. Tuy nhiên, dường như không thỏa mãn với lối viết ngắn, bó khuôn, Khoa luôn mở biên để tìm đến những lối viết chuyên sâu và phóng khoáng hơn. Anh không muốn giẫm chân vào phê bình thù tạc. Không phải ngẫu nhiên, Khoa luôn có xu hướng vượt lên lối bình văn, hướng đến tư duy phân tích. Loạt bài về Cánh đồng bất tận của Khoa (Cánh đồng bất tận - từ góc nhìn hậu hiện đại, Cánh đồng bất tận - từ góc nhìn phân tâm học, Cánh đồng bất tận - từ góc nhìn nữ quyền luận…) là thí dụ điển hình.

Hoàng Đăng Khoa dường như không muốn cố định mình vào một thể cách cụ thể nào song lối viết phổ biến của anh thiên về mĩ cảm, tinh tế, thường xuyên sử dụng thủ pháp di nhòe. Nhan đề của Khoa phảng phất chất nghệ sĩ: Gặp, Phiêu lưu chữ, Đứng về phe cái khác, Những tờ sạch… Cách dùng từ, diễn đạt luôn sáng tạo, dụng công.

Một điểm nhấn đáng chú ý trong phê bình của Hoàng Đăng Khoa là cảm hứng/tinh thần đối thoại, mặc dầu ở thời điểm này, Khoa chưa thiết tạo được một “phê bình đối thoại” riêng. Phê bình đối thoại của Hoàng Đăng Khoa khởi phát từ hai ý. Một là do công việc, phải trao đổi thường xuyên với nhân vật trên mục “Quán văn”, “Trò chuyện cuối tháng”. Hai là, ý hướng về một cuộc tương tác nhiều chiều với bạn văn về các vấn đề văn chương đương đại. Không khó để nhận ra, đối thoại của Hoàng Đăng Khoa liên quan đến mọi chiều kích của văn chương: tác giả, tác phẩm, vấn đề, khuynh hướng, trào lưu, sáng tác, dịch thuật, lí thuyết, phê bình, xuất bản…, thậm chí cả các vấn đề văn hóa. Nếu Song hành và đối thoại hướng chủ yếu đến các “tác giả trẻ” - trẻ tuổi, trẻ lòng (Nguyễn Đình Tú, Phong Điệp, Nguyễn Ngọc Thuần, Đặng Thiều Quang, Uông Triều, Nguyễn Xuân Thủy, Nguyễn Thị Kim Hòa, Hiệu Constant, Lữ Mai, Hoàng Công Danh, Nhật Phi, Đoàn Cầm Thi, Trần Huyền Sâm, Nguyễn Thanh Tâm, Phan Tuấn Anh, Nguyễn Mạnh Tiến…), thì Đứng về phe cái khác lại hướng chủ yếu đến những cái tên mà uy tín nghề nghiệp của họ đã được cộng đồng khẳng định (Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Hà, Tạ Duy Anh, Hoàng Vũ Thuật, Nguyễn Tham Thiện Kế, Mai Văn Phấn, Trịnh Lữ, Trần Đình Sử, Lã Nguyên, Đỗ Lai Thúy, Trương Đăng Dung, Lê Huy Bắc, Phan Huy Dũng…)

Với cách đối thoại sát ván, dồn đuổi, Hoàng Đăng Khoa khiến đối tượng phải gan ruột nói ra những suy nghĩ của mình, chí ít cũng phải suy nghĩ nghiêm túc và trách nhiệm về chủ đề đối thoại.

Hoàng Đăng Khoa là người liên tài. Anh không phân biệt thế hệ, trong nước/hải ngoại, trung tâm/ngoại vi. Trong đối thoại, Khoa chủ ý sắp xếp vấn đề và nhân vật một cách linh hoạt để không “làm mệt” người đọc. Tất nhiên, dầu sao đây cũng là kiểu “phê bình đối thoại của tôi”, chứ không phải, và cũng không thể là cuộc “đối thoại của chúng ta” với toàn bộ nền văn học. Hoàng Đăng Khoa viết: “Tôi tự tin định danh thể loại cho cuốn sách của mình là ‘phê bình đối thoại’, tức là phê bình bằng cách đối thoại, thông qua đối thoại. “Đối thoại” ở đây không chỉ hiểu theo nghĩa hẹp thông thường là vấn đáp trực tiếp, hiển lộ, mà còn theo nghĩa rộng nhất của từ này như quan điểm của Bakhtin, gián tiếp, ngầm ẩn, và khơi vẫy cả người đọc cùng đứng vào trường đối thoại”.

Phải vậy chăng mà ngay cả ở những bài tiểu luận - phê bình (không mang hình thức của trò chuyện/ đối thoại), thì tinh thần đối thoại của Hoàng Đăng Khoa cũng hoặc ít hoặc nhiều, hoặc đậm hoặc nhạt được phơi mở. Vì vậy, tiểu luận - phê bình của Khoa không hướng đến áp đặt/ đóng khung chân lí, mà cốt làm lung lay/ phân rã trong người đọc một nhận thức mang tính mặc định nào đó…

Ngoài sáng tác thơ, viết phê bình, Hoàng Đăng Khoa còn viết nhiều tản văn, tùy văn độc đáo (File đời dự thảo, Người chết ngang và đóa buồn văn chương nở dọc, Đúng sai cuộc người, Kí ức nưng nức, Khi mùi hương gợi mở đường “đi tìm nhân dạng”, Giếng đời bí ẩn, Nắng dại…) Ở đây, thủ pháp di nhòe khiến bài viết của Khoa không còn định vị trong một thể loại cụ thể nào. Lối viết của Khoa hơi chú trọng làm mới từ ngữ và diễn đạt, đôi khi gây cảm giác không quen, có người không thích, cho rằng nó thiếu đi giản dị. Cũng như trong thơ, anh hơi phô bày việc lạ hóa từ ngữ, câu thơ. Khoa đọc nhiều, văn bản của anh chịt chằng “liên văn bản”, tuy nhiên thiết nghĩ cũng cần tiết chế…

Phê bình thế hệ 7x đang định hình, chưa xong xuôi, đây đó bắt đầu độ chín, mà chưa chín rộ. Có nhiều điều tiếc và một điều mong. Tiếc vì một thế hệ có cơ hội chuyển mình song bởi những lí do khác nhau, chưa nhập cuộc một cách chăm chú và sung mãn nhất. Tiếc vì một thế hệ nhiều đam mê, nhưng phần nhiều làm phê bình tay ngang, cơ bản vẫn đang trong giai đoạn định hình, ít người tìm được con đường học thuật riêng. Và mong phê bình 7x chớp lấy “cơ hội cuối cùng” (trước khi quá ngưỡng) để dịch chuyển, ngõ hầu tạo ra những cú hích, thậm chí bước ngoặt trong phê bình văn học. Trong bối cảnh ấy, có thể khẳng định, Hoàng Đăng Khoa đã có những đóng góp đáng kể vào phê bình văn chương, một công việc nhọc nhằn và đầy duyên phận.

PHÙNG GIA THẾ

Mấy vấn đề phương pháp luận phê bình… NHÀ PHÊ BÌNH THỤY KHUÊ: Văn học Việt Nam không thiếu nhân tài Khai mạc trại viết nghiên cứu phê bình về văn học "Đề tài chiến tranh cách mạng và người lính"
Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Đọc truyện: Cây cột nhà bay trên sông. Truyện ngắn dự thi của Lê Hòa

Baovannghe.vn - Đọc truyện: Hà Phương; Đồ họa: Thùy Dương
Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Công điện của Thủ tướng Phạm Minh Chính: Ứng phó bão số 4 và hoàn lưu sau bão

Baovannghe.vn - Thủ tướng Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 98/CĐ-TTg ngày 18/9/2024 chỉ đạo tập trung ứng phó áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lũ.
Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Tái hiện lịch sử từ khảo cổ học

Trong số các nhà văn nữ Việt Nam đương đại, nhà văn Vũ Thanh Lịch, Phó giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, là cây bút văn xuôi có nội lực sung mãn. Chị là tác giả của nhiều truyện ngắn hay, ghi dấu trong lòng bạn đọc mà “Nhà Thánh” - giải nhất Cuộc thi truyện ngắn Lửa mới 2018-2019 do Tạp chí Văn nghệ Quân đội tổ chức là một minh chứng tiêu biểu.
Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Mùa thu. Truyện ngắn của Như Bình

Baovannghe.vn - Bà ngoại chỉ nói: "Đừng thúc ép gì nhiều. Phải tội. Đời người bạc, phận mỏng, biết sao được số trời. Mày làm thế không sợ chuốc khổ cho con bé".
Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4  trên khu vực trung Lào

Áp thấp nhiệt đới suy yếu từ Bão số 4 trên khu vực trung Lào

Baovannghe.vn - Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, sáng sớm nay (19/9), áp thấp nhiệt đới trên khu vực phía Đông Bắc quần đảo Hoàng Sa đã mạnh lên thành bão - cơn bão số 4 năm 2024.