Chuyên đề

Học cười. Truyện kí của Trần Quốc Toàn

Trần Quốc Toàn
Văn học nhà trường
08:00 | 20/11/2024
Baovannghe.vn - Thầy nói say sưa: “Quê tôi có loài chim thổ huyết làm tổ. Tôi đã từng xin theo chân, soi đuốc cho người bóc yến, chỉ vì muốn tận mắt nhìn thấy những giọt máu còn dính trên mái ấm gia đình mà chim yến mẹ rút ruột xây trên vách đá cheo leo cho con mình!”
aa

Mãi sau này tôi mới biết, sau 1954 thầy Ngãi vượt tuyến, bơi qua sông Bến Hải ra Bắc. Anh con trai miền Nam tị nạn chính trị kiểu ấy, được nhận vào học đại học tổng hợp Hà Nội khóa một, khóa hai gì đó, khóa học của những sinh viên bây giờ đang rất nổi tiếng, đang là những giáo sư đầu ngành. Thầy tôi học giỏi nhưng vì có viết báo tường hơi mạnh tay, nói những điều chưa nên nói, thành ra lạc thời, lỡ thế. Lẽ ra được giữ lại trường làm trợ giáo thì phải điều về Thành Sơn dạy trường cấp hai Phùng Hưng. Tôi là học sinh trường ấy, được học thầy một năm lớp bảy, cuối cấp. Thầy dạy hay, nhờ kiến thức rất rộng. Dạy “Bài ca chim báo bão” của Gorki mà mở ra được, cả cái chết của con thiên nga trong nhạc kịch Traicopxki, mở ra vẻ ngang tàng của cánh chim Việt Nguyễn Hữu Cầu, “bay thẳng cánh muôn trùng Tiêu Hán, phá vòng vây bạn với kim ô”. Chưa hết, vẫn chỉ giảng bài ấy mà thầy ngâm thơ Nguyễn Khuyến như khóc, “năm canh máu chảy đêm hè vắng/ sáu khắc hồn tan bóng nguyệt mờ” để, theo dòng “máu chảy” kia mà kể tới chuyện ở quê nhà. Thầy nói say sưa: “Quê tôi có loài chim thổ huyết làm tổ. Tôi đã từng xin theo chân, soi đuốc cho người bóc yến, chỉ vì muốn tận mắt nhìn thấy những giọt máu còn dính trên mái ấm gia đình mà chim yến mẹ rút ruột xây trên vách đá cheo leo cho con mình!”

Thầy Ngãi đã dạy hay, lại đẹp trai. Miệng rộng, hàm rắng trắng khít, đều tăm tắp. Đến bây giờ, nhớ các giờ văn của thầy là nhớ vẻ sáng láng từ cái miệng cười ấy. Đến bây giờ tôi mới hiểu, ngày ấy có những điều thầy không nói ra được bằng lời với chúng tôi, thì thầy cười. Có những giờ, cười nhiều hơn nói. Như cái giờ dạy một bài kí, mới đưa vào sách phụ lục văn học, kể chuyện một chị vợ bộ đội làm ở trại lợn nông trường, con chị sốt phát ban, nóng đến 39 độ nhưng lợn nái của nông trường trở dạ đẻ, thế là nâng cao tinh thần trách nhiệm, mẹ để con đấy, chạy đi hộ sinh lợn. Phía giống lợn, thì mẹ tròn con vuông, còn bên con người thì, cội xanh lá vàng, con chết, khiến bà mẹ chinh phụ chẳng con giọt máu để bám víu mà hóa đá chờ chồng.

Là tôi theo bệnh nghề nghiệp của anh viết văn nghĩ xa như thế, chứ bài học ấy thầy tôi chỉ ghi cái tên lên bảng, rồi không hề lạc đề, thầy kể chuyện bà mẹ trong cổ tích Anđecxen, quyết đi vào cõi chết đòi bằng được quyền sống cho con mình. Kể xong chuyện ấy thì trống trường đổ hồi, thầy mới sực tỉnh “Hết giờ rồi à? Thôi các em về nhà đọc lấy nha. Lớn lên các em sẽ hiểu chuyện này!” Chỉ giảng có thế! Rồi thầy cười như xin lỗi về sư lan man đến cháy giáo án của mình!

Học cười. Truyện kí của Trần Quốc Toàn
Tôi là học sinh nông thôn - Ảnh minh họa từ Pixabay

Tôi là học sinh nông thôn, nhà tôi làm kinh tế mới trong xóm núi Ba Trại, vì thế đi học muộn, hết lớp bảy đã đủ tuổi lính, tình nguyện nhập ngũ, thành anh bộ đội, xa thầy từ ngày ấy. Một lần có dịp đưa tân binh lên huấn luyện trên Ba Vì. Qua Thành Sơn, tôi xin phép thủ trưởng đơn vị, rẽ thăm thầy Ngãi. Chưa đến trường Phùng Hưng, mới chỉ qua chợ thị xã đã gặp thầy. Thầy tôi quần đùi áo may ô, ngồi trong cái lều thợ rèn, lợp lá, cất liền vào vách tường chợ, đang đánh chấu liềm. Một bà nông dân ngồi bên, chắc là chờ lấy cái liềm kia. Bà cụ răng đen, và còn mặc váy, thứ thời trang đề mốt đê “cái thúng mà thủng hai đầu”. Ban đầu tôi còn bán tin bán nghi, nhưng nhìn trên tường chợ trong lều, thấy hai tay áo đại cán ka ki, thứ áo thầy vẫn mặc những ngày lên lớp, thò ra khỏi mấy tờ họa báo Liên Xô được dán thành cái túi, thì tôi biết là mình không nhầm. Tôi tiến vào lò rèn, dõng dạc kiểu lính tráng:

- Thưa thầy! Em chào thầy ạ!

Thầy Ngãi nhìn lên, vẫn nụ cười ngày nào. Thầy dừng tay dũa:

- Chắc ông nhầm! Tôi là Ngãi thợ rèn chợ Nghệ!

Thầy nói như hét lên cho ông thợ sửa đồng hồ, đặt cái tủ trước cửa lều, phía bên phải, đang liếc “ông dòm” gắn trên mắt về phía thầy trò chúng tôi, nghe được rõ. Và bên trái, hai bác xe thồ mới kéo vào bà hàng nước. Chỉ uống nước mà không thấy hút thuốc lào, cho dù điếu cầy, những hai ba cái để trong một sọt nhỏ quây bằng cót.

- Thưa thầy. Em là Ngữ, học sinh giỏi văn cấp tỉnh, học thầy lớp bảy xê trường Phùng Hưng.

Thầy Ngãi vẫn cười với tôi rồi mới nói. To hơn:

- Đồng chí bộ đội nhầm rồi. Tôi chưa bao giờ dạy học.

Một thiếu phụ đang thụt bễ, mặt lọ lem mà vẫn xinh đẹp lắm, dừng tay thụt, nói với tôi, cũng lớn tiếng:

- Chắc bác bộ đội nhầm nhà em với ai rồi. Đang phiên chợ, công ăn việc làm là quý. Xin bác thứ lỗi!

Tôi đành trở lui đuổi theo đơn vị. Nhưng khi việc đóng quân đã ổn định, tôi lại xuống núi, về Thành Sơn, tìm mấy người bạn cùng lớp vốn là người ở đấy, hỏi cho biết tại sao mới sáu bảy năm tôi xa đất này, thầy tôi lại thành bác thợ rèn.

Thì ra, tôi nhập ngũ được một vài năm, không biết vì lí do gì, thầy Ngãi phải tập trung cải tạo. Người thì bảo thầy có tư tưởng hữu khuynh, xét lại, hay đem những chuyện ủy mị, “Người thứ bốn mốt” “Khi đàn sếu bay qua…” kể trong lớp. Lại có người bảo thầy cực tả, trong nhà có sách “Mao Trạch Đông luận văn nghệ”, bản tiếng Hoa. Nhưng, trong sự kết tội của dư luận, tuyệt nhiên không có chữ tham ô hay hủ hóa! Cải tạo xong, thầy Ngãi lại được tự do, và có thêm nghề thợ rèn như bạn đọc đã biết.

Sau này thầy mới nói tôi hay, ngày ấy thầy nhận ra tôi ngay, em Ngữ, nhưng không muốn tôi liên lụy với một thằng tù, dù là tù không án, thầy và cả cô cũng hiểu ý thầy, đuổi tôi như thế. Chúng bạn sống gần chợ Nghệ còn kể, thấy trò cũ từ xa là thầy tìm đường rẽ, tránh cho các cán bộ cái sự phải chào một thằng phạm. Không kịp tìm đường rẽ thì cái anh tù không án ấy, cúi đầu giả điếc, có chào cũng không nghe vì đang bận cười một mình. Biết thầy đã muốn thế, tôi không dám tìm gặp nữa.

Mãi sau 1975 đất nước thống nhất, tôi mới lại về Thành Sơn kiếm tìm, thì thầy tôi lại đã hồi hương, ở đường Bãi Cát, thị trấn Yến, cách Nha Trang gần 50 cây số.

Tôi viết thư thăm, thành kính “Không bao giờ em quên miệng cười của thầy. Cười ha ha dấn thân vào cuộc vui chung. Cười mím miệng chối từ cám dỗ và đe dọa. Cười thầm ngẫm nghĩ. Cười cay độc nhạo báng chính mình để cạch đến già những sắc nhọn mình chót dại cắn xé người khác.” Tôi chưa kể với thầy, trong đời lính, nhiều lần tới phiên đứng bếp tiểu đội, tính chắt vụng nước cơm tự bồi dưỡng. Nhưng nhớ chuyện anh chồng ăn vụng chè đỗ đen, rồi đổ mồ hôi mực, nhơ nhớp trước mặt vợ mình, thầy đã kể cho nghe, lại bật cười, chịu đói, quyết không hớt váng kiểu ấy. Có một lần tỉnh lại giữa bãi bom, thấy mình nát bấy, tay mình sờ phải ruột của mình, chết khiếp, nhưng lại nhớ thầy đã kể, trong thế chiến hai, một anh lính Tây, rơi vào hoàn cảnh như thế. Anh ta, một tay giữ đám lòng ruột còn nóng, tay kia đưa cao, lớn tiếng giã từ mẹ và Tổ quốc. Đồng đội nghe thấy thì vô cùng cảm phục. Vội sơ cứu, đưa ngay vào bệnh viện dã chiến. Bác sĩ quân y đặt người chiến binh dũng cảm lên bàn giải phẫu, rồi theo đường ruột đã bộc lộ mà tìm vết thương trên vùng bụng. Chỉ thấy máu mà không vết thương. Thì ra, gan ruột kia chỉ là bộ đồ lòng của một con ngựa chiến, hơi bom ném vào chỗ ấy. Nhớ lại chuyện tiếu lâm Tây thầy kể, tôi bật cười, đủ dũng khí tự kiểm tra chính mình, và bỗng thấy khỏe như chưa thương tích gì. Máu thịt trên người chỉ là gan ruột đồng đội. Tôi lật úp mình bò đi, tìm đường về đơn vị.

Thầy tôi viết thư trả lời. Thư có đoạn: “Thì thầy vẫn cười, Ngữ ơi! Nhưng móm mém rồi. Chỉ dám cười thầm. Là cười mình: Rầu hùm, hàm… thiếc chẳng cài/ vai năm tấc, gánh nụ cười không răng! Cũng là biện chứng cơ thể nhà văn ạ, răng lợi giúp mình từ chối cái mà bụng dạ thèm khát nhưng đã chẳng kham nổi.”

Sau thư ấy tôi nhờ anh bạn cũ cùng trung đoàn, vốn là lính trinh sát, tới điều nghiên tại chỗ, mới biết thầy tôi còn khỏe nhờ gần nửa đời làm thợ, tay chân lúc nào cũng có tinh thần thể dục. Cái lưng vẫn giữ được thẳng, dù đã ngoài bảy mươi. Nhưng không giữ được bộ răng. Đau thế! Một người quen nói bằng nụ cười, bây giờ miệng cười lại trống hoác. Anh bạn tôi còn khéo gợi chuyện để biết, sau giải phóng, thầy tôi có vào làm cán bộ chuyên môn cho Sở giáo dục vài năm, nhưng rồi một lần, theo ông giám đốc ra sân bay đón một giáo sư thỉnh giảng từ Hà Nội bay vào. Ông giáo sư thấy thằng Ngãi bạn cùng lớp thì ôm chầm lấy, quên cả chuyện bắt tay chào đồng chí giám đốc. Thất thố của ông bạn đồng môn, thầy tôi lại gánh chịu, phải kết thúc sớm hợp đồng lao động! Tuổi thợ rèn hết rồi, con cái chẳng có, đành về ăn bám bà vợ Thành Sơn, theo thầy vào đây chạy chợ. Thanh đạm lại hoàn thanh đạm, đến tiền trồng răng cũng không, ăn uống có phần khó khăn. Cái “hàm thiếc” chẳng phải không muốn cài, mà chẳng thể cài.

Tôi lại nhờ anh bạn trinh sát ra chợ Đầm, Nha Trang hỏi giá làm một hàm răng. Chỉ là một triệu rưỡi. Nhưng lúc ấy chưa “mở cửa”, một triệu rưỡi là to lắm, mấy phân vàng chứ ít đâu, tôi phải vận động mấy người bạn cựu chiến binh cũng là trò Thành Sơn của thầy Ngãi mới có được số ấy. Lại còn gửi dôi ra hai trăm để thầy tầu xe từ thị trấn Yến xuống thành phố Nha Trang, trồng răng.

Học cười. Truyện kí của Trần Quốc Toàn
Đấy là khi lớp được nghe thầy kể chuyện bà già đi chợ Cầu Đông - Ảnh minh họa từ Pixabay

Cơ may, mới đây, được đơn vị cử đi tham gia một trại viết, mở ở Nha Trang, tôi vội tìm ngay ra thị trấn Yến thăm thầy tôi. Hai thầy trò ôm nhau như hai người bạn. Nhưng tôi giữ lễ, vội lùi ra, kính thầy. Thầy Ngãi ngoảnh bên trái, rồi bên phải, lúng túng như muốn giấu hai gò má hóp không rằng. Chẳng để tôi phải hỏi, thầy phân bua:

- Thầy xin lỗi các em, chẳng giữ được mình, thành ra móm mém thế này. Nhưng xin hiểu cho thầy, hồi nhận được tiền các em gửi, cô các em kia - thầy tôi chỉ lên bàn thờ có hai cánh màn gió vải xô trắng đã ngả màu cháo lòng nhưng còn sạch như mới. Cô các em ung thư giai đoạn cuối, bệnh viện động viên thầy, nên đưa về nhà, bà cụ thích gì ông cứ cho ăn thứ ấy. Cô các em, thương chồng nghèo chẳng thích ăn gì. Nhưng cô thích gì thầy biết! Cô các em theo chồng từ Thành Sơn về đất Yến này mà chưa từng biết miếng yến là thế nào. Với lại thầy nghĩ, bà ấy đi rồi thì còn cười với ai nữa mà răng với lợi. Thế là thầy dùng số tiền các em cho, làm cho bà ấy chén yến. Thầy cũng đã ăn yến bao giờ đâu mà biết giá cả. Cũng tưởng chỉ hết số tiền tầu xe các em cho thêm. Ai dè đắt đến thế. Cũng là vì mình tham. Đã giá chợ đen, lại đòi thứ thượng hảo hạng. Cho nên – thầy tôi cười, mếu máo - số các em cho, thầy vẫn để trên bàn thờ kia, nhưng chỉ còn tiền xe, tiên…tiền nhe răng thì hết!

Thầy gieo vần xe - nhe kết chuyện, theo lối đăng đối chữ nghĩa như thế, cốt để tôi cười. Cười như ngày nào chúng tôi cười muốn vỡ lớp, cười đến cả trường Phùng Hưng biết lớp chúng tôi đang vui. Đấy là khi lớp được nghe thầy kể chuyện bà già đi chợ Cầu Đông, xem bói kiếm chồng, ông thầy bói mù, mở lời răng sáng mà cho ý kiến “lợi thì có lợi nhưng răng chẳng còn.” Thầy lại đang chọc cười, mua vui cho trò, nhưng chỉ thầy cười, còn trò thì muốn khóc.

Để giấu sự yếu đuối của mình, tôi tìm ra bàn thờ thắp nhang. Trên ấy trong cái đĩa sứ dùng để bày ngũ quả mỗi dịp cúng giỗ, có một phong bao đỏ, thứ bao lì xì của người Nam Bộ mỗi dịp Tết về. Trên mặt bao, đè lên hàng chữ Tầu là một dòng Quốc ngữ. Chữ thầy Ngãi, vẫn viết thảo như ngày nào hạ bút trong ô “lời phê” của các bài tập làm văn. Thầy viết sáu chữ, “Trò chu cấp học phí cười” và một dấu chấm rất đậm mực, hình giọt lệ.

(Rút từ tập “Phố Hàng Thương Hàng Nhớ”, Nxb Dân trí, 2024)

Trần Quốc Toàn | Báo Văn nghệ

Hôm nay (20/11) Quốc hội bước vào đợt 2 kỳ họp thứ Tám

Hôm nay (20/11) Quốc hội bước vào đợt 2 kỳ họp thứ Tám

Baovannghe.vn - Trong ngày làm việc đầu tiên của đợt 2, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà giáo, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân
Khai mạc  "Tuần phim kỷ niệm 80 năm thành lập Quân độ Nhân dân Việt Nam"

Khai mạc "Tuần phim kỷ niệm 80 năm thành lập Quân độ Nhân dân Việt Nam"

Baovannghe.vn- Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân do Cục Tuyên huấn (Tổng Cục Chính trị) tổ chức đã khai mạc tối 19/11 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia, Hà Nội
Chuẩn bị thành lập "Hội Văn học nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam"

Chuẩn bị thành lập "Hội Văn học nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam"

Baovannghe.vn - Ngày 19/11Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tổ chức Hội nghị triển khai công tác thành lập Hội Văn học nghệ thuật Quân đội nhân dân Việt Nam.
Hàng xóm . Truyện ngắn của Thu Loan

Hàng xóm . Truyện ngắn của Thu Loan

Baovannghe.vn - Chồng hỏi hôm nay ăn rau gì? Làm gì có rau gì! Đang dịch covid có phải ngày thường đâu, muốn gì được nấy. Nga nhăn mặt lại thấy thương chồng.
Giao thoa và phát triển nghệ thuật Múa qua "Liên hoan Múa Châu Á năm 2024"

Giao thoa và phát triển nghệ thuật Múa qua "Liên hoan Múa Châu Á năm 2024"

Baovannghe.vn - Để nghệ thuật Múa của Việt Nam có thể hội nhập và bắt kịp xu hướng thế giới, Bộ VHTT&DL đã ban hành Quyết định 3415/QĐ-BVHTTDL về việc tổ chức Liên hoan Múa Châu Á năm 2024.