Cả trường thi nhau viết báo tường về ước mơ của mình.
Báo tường là bức tường xây theo kiểu bia tiến sĩ ngày xưa, ngay giữa sân trường. Báo tường cao, vừa tầm tay dán, tầm mắt đọc của học sinh, lại có mái che nắng che mưa. Giờ ra chơi, các bạn xúm vào đọc báo tường. Đọc cả từ hai phía trước, sau, đằng lưng, đằng ngực. Lúc ấy, từ trên lầu hai nhìn xuống, báo tường giống như một tán cây chữ, sum suê trái người.
Trên báo tường, Hùng mơ làm bác sĩ. Hùng vẽ trong bài thi một hiệp sĩ áo trắng, múa ống tiêm như múa kiếm, đâm con Covid – 19. Minh mơ làm phi công. Minh vẽ mình ngồi trong buồng lái, tay cầm lái, tay trái đưa lên chào, lại thêm dòng chữ: “Tổ lái chúng em kính chào thầy cô giáo trường ta.”
Thái mơ làm thủy thủ thì vẽ mình đứng trên boong tàu, đưa tay lên mũ đính hình mỏ neo, hai dải mũ đang dậy sóng.
Ước mơ - Ảnh từ internet |
Đúng lúc mấy đứa lớp tôi xúm nhau đọc ước mơ thủy thủ thì gió từ ngoài sông Sài Gòn ùa vào, cả trăm ước mơ cùng vẫy tay.
Tôi hỏi Thiên Cầm: “Bạn ước mơ gì?”
“Đứng bếp!” – Cầm trả lời. Cả nhóm ngạc nhiên:
“Ủa! Nhà nào chẳng có bếp, sao phải ước?”
Vậy mà giải Nhất lại rơi vào Thiên Cầm. Bạn Cầm viết lên tờ giấy tô màu lửa bếp: “Tôi mơ làm đầu bếp giỏi cỡ ông ngoại, bộ đội anh nuôi. Ông tôi khoét đất nấu vạc cơm đại táo bự tổ chảng! Đầu bếp ông ngoại kém gì phò mã Thạch Sanh! Phò mã nấu cơm niêu nhà chòi mà có cơm thứ thiệt, đủ nuôi quân 18 nước chịu thua nước mình!”
Cô hiệu trưởng trao thưởng cho Thiên Cầm và khen: “Ước mơ thật như chuyện nhà mà hay như cổ tích!” Cô nói thêm: “Nước ta có loại gạo ngon nhất thế giới. Rất cần những người mơ làm đầu bếp để biến gạo thành cơm.”
Thơ Trần Quốc Toàn Heo mẹ chí tình - Truyện ngắn của Trần Quốc Toàn Vầng trăng cổ tích - Thơ Trần Quốc Toàn Về cuốn sách "Vài kinh nghiệm sáng tác cho thiếu nhi" Chùm thơ thiếu nhi của Lê Hồng Thiện |
Trần Quốc Toàn | Báo Văn nghệ