Cụ thể, Quốc hội quyết nghị xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao vớitổng mức đầu tư của dự án là 1.713.548 tỷ đồng, nhằm đảm bảo sự hiện đại, đồng bộ, đáp ứng nhu cầu vận tải, tạo động lực quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững.
Đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết- Ảnh: Quochoi.vn |
Ngoài số vốn lớn, Quốc hội cũng cho phép dự án được sử dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Cụ thể:
- Thủ tướng Chính phủ được quyết định phát hành trái phiếu Vhinhs phủ để bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư hằng năm cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ. Đồng thời được huy động vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi nước ngoài để thực hiện dự án và không phải lập đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài…
- Ngoài ra, Dự án được sử dụng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương hằng năm (nếu có) và các nguồn vốn hợp pháp khác cho dự án trong trường hợp dự toán ngân sách nhà nước bố trí hằng năm không đáp ứng tiến độ.
- Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách Trung ương giữa các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để bố trí vốn cho dự án. Dự án không phải thực hiện việc thẩm định khả năng cân đối vốn theo quy định của Luật Đầu tư công.
Dự án có tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541km; điểm đầu tại ga Ngọc Hồi (Thủ đô Hà Nội), điểm cuối tại ga Thủ Thiêm (TP Hồ Chí Minh). Tuyến đường sắt đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Thủ đô Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, TP Hồ Chí Minh. Tuyến đường sắt sẽ đầu tư mới toàn tuyến đường đôi khổ 1.435mm, tốc độ thiết kế 350km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa... Sơ bộ tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án khoảng 10.827 ha; sơ bộ số dân tái định cư khoảng 120.836 người. Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là 1.713.548 tỷ đồng. Nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn và nguồn vốn hợp pháp khác. Về tiến độ thực hiện, dự án sẽ được lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án năm 2035. |
Cùng với các quy định trên, Nghị quyết cũng đưa ra những quy định cụ thể về phát triển, khai thác quỹ đất; khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng; bãi đổ chất thải rắn xây dựng; phát triển khoa học, công nghệ và tuyển dụng đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực cho Dự án; công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Tại các phiên họp diễn ra ngày 6/11 và 13/11, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã trở đi, trở lại trên bàn nghị sự với những thảo luận, phản biện khoa học về có hay không sự cần thiết của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam trong mạng lưới giao thông cả nước.
Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam đã được nghiên cứu, chuẩn bị đầu tư khoảng 18 năm. Đây là dự án trọng điểm có thời gian nghiên cứu lâu nhất ừ trước đến nay của Chính phủ, cahưa kể đến việc tham khảo kinh nghiệm tại một số quốc gia có phát triển đường sắt tốc độ cao trên thế giới để hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi. Đồng thời, đây cũng là dự án đã được Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương thảo luận rất kỹ lưỡng về chủ trương đầu tư, các yếu tố, điều kiện để triển khai Dự án trước khi xin chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Do đó, tại kỳ họp thứ Tám, với số biểu quyết đồng ý cao, Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam được thông qua sẽ là tiền đề quan trọng để việc triển khai đường sắt tốc độ cao cả nước sớm trở thành hiện thực. Từ đó sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cả nước. Đặc biệt là thúc đẩy phát triển logistic hàng hóa Bắc – Nam, không còn những điểm nghẽn giao thông như hiện nay.