Tuy nhiên, các nhà làm phim cần phải xử lí chất liệu vay mượn ấy sao cho hài hòa, phù hợp thị hiếu của khán giả và hoàn cảnh, môi trường văn hóa trong nước.
Thời gian trở lại đây, khán giả Việt Nam không khỏi tự hào khi nhiều bộ phim điện ảnh, truyền hình nước nhà được xuất hiện trên thị trường giải trí quốc tế. Đó là những bộ phim được công chiếu tại rạp, hay phát sóng trên các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix và nhận về nhiều đánh giá tích cực từ bạn bè quốc tế. Để nâng cao chất lượng hình ảnh, âm thanh cho từng bộ phim, các nhà làm phim đã đầu tư, ứng dụng công nghệ sản xuất và kỹ thuật quay phim hiện đại, tiên tiến. Cùng với đó, những kịch bản phim - yếu tố quan trọng quyết định đến thành công của bộ phim cũng được nhiều nhà làm phim tìm tòi, nghiên cứu và mua bản quyền từ nước ngoài.
Nhiều thị trường giải trí lớn mạnh gần chúng ta như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan… từ lâu cũng đã bắt tay làm lại các tác phẩm truyền hình nổi tiếng của nước ngoài. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ! Ngay từ những năm 2000, thị trường giải trí trong nước đã xuất hiện nhiều bộ phim Việt hóa từ nguyên tác nước ngoài. Có thể nhắc tới một số cái tên như “Cô gái xấu xí” (chuyển thể từ “Betty la Fea”, Colombia), “Cầu vồng tình yêu” (“Vinh quang gia tộc”, Hàn Quốc), “Anh em nhà bác sĩ” (“Medical Brothers”, Hàn Quốc)… Thay vì có cái nhìn khắt khe, khán giả lại đón nhận rất nồng nhiệt những bộ phim chuyển thể ấy. Một phần vì khán giả như được hoài niệm, vừa được tranh luận và có những trải nghiệm mới mẻ sau khi xem những bộ phim như vậy.
Thời gian trở lại đây, xu hướng làm phim remake càng trở nên mạnh mẽ hơn, khi mà hàng loạt phim được chiếu trên sóng giờ vàng của các kênh VTV1, VTV3 hay phát sóng trên ứng dụng VieOn đều chuyển thể từ kịch bản từ những tác phẩm điện ảnh ăn khách của nước ngoài. Có cảm nhận: dường như, các bộ phim chuyển thể đang “áp đảo” so với những bộ phim có kịch bản gốc từ Việt Nam. Một số tác phẩm có màu sắc mới mẻ, phù hợp với “khẩu vị” khán giả Việt, giành được những giải thưởng danh giá. Có thể kể đến phim “Cuộc đời vẫn đẹp sao” vinh dự đạt giải Cánh diều bạc năm 2024 cho hạng mục Phim truyền hình xuất sắc nhất. Chính nhờ kịch bản hấp dẫn, phim đã đưa các diễn viên Thanh Hương (vai Luyến), Tô Dũng (vai Điền), Thanh Quý (vai bà Tình) chạm tới giải thưởng Cánh diều vàng cho các hạng mục Nữ diễn diễn viên chính xuất sắc, Nam diễn viên phụ xuất sắc và Nữ diễn viên phụ xuất sắc. Còn phim “Tiệm ăn của quỷ” đã lọt top 10 các bộ phim có nhiều người xem trên nền tảng Netflix ở nhiều quốc gia như Singapore, Indonesia, Malaysia… trong những ngày đầu ra mắt. Trên nền tảng bình chọn và đánh giá phim uy tín IMDb, “Tiệm ăn của quỷ” nhận số điểm trung bình 7,2/10.
Lý giải sự nở rộ các dự án phim truyền hình remake, nhà biên kịch Phạm Đình Hải - phim “Địa đạo” nhận định: “Theo tôi biết thì kịch bản hay luôn thiếu. Tình trạng thiếu kịch bản hay ở nước ta nghiêm trọng hơn. Trước đây chúng ta không quá thiếu, đó là do nhu cầu kịch bản của chúng ta chưa cao và nguồn cung dồi dào hơn. Còn hiện tại nhu cầu tăng cao do khán giả xem phim nước ngoài nhiều, tiếp xúc với nhiều tác phẩm hay, nên không chấp nhận những phim có kịch bản dở”.
![]() |
Phim “Cha tôi, Người ở lại”. Ảnh: TL |
Tuy vậy, không thể phủ nhận thực trạng vẫn còn không ít phim truyền hình trong nước sản xuất từ kịch bản gốc chưa thực sự “ghi điểm” trong lòng người xem. Thậm chí, một số phim có kịch bản thiếu logic, xử lí tình huống chưa thỏa mãn tâm lí khán giả. Không thể suy nghĩ đơn giản rằng, chỉ đơn thuần làm lại một bộ phim “ăn khách” ở nước ngoài thì nhất định sẽ tiếp tục hút khách ở thị trường trong nước. Chuyển thể thành phim Việt từ kịch bản nước ngoài hẳn chưa bao giờ là nơi dành cho những người có tư duy “ăn xổi”.
Thực tế, trước đây, phim truyền hình Việt Nam không thiếu những trường hợp thất bại sau khi làm lại từ kịch bản gốc. “Ngày ấy mình đã yêu” (chuyển thể từ “Discovery of Love”, Hàn Quốc), “Hậu duệ mặt trời” (chuyển thể từ tác phẩm cùng tên của Hàn Quốc)… là những bộ phim vấp phải không ít ý kiến trái chiều từ người xem. Do vậy, một bộ phim remake thành công phải vượt qua “cái bóng lớn” của tác phẩm gốc, khiến cho khán giả tò mò, thỏa mãn về mặt cảm xúc. Khi mới ra mắt trong thời gian gần đây, phim “Cha tôi, Người ở lại” hiện đang thường được cộng đồng mạng đặt lên bàn cân so sánh bản gốc của Trung Quốc với tựa đề“Lấy danh nghĩa người nhà”. Đặc biệt, mọi sự chú ý đổ dồn về 3 nhân vật chính: Nguyên (do Trần Nghĩa thủ vai), Việt (Thái Vũ), An (Ngọc Huyền). Nhưng sau những tập đầu phát sóng, nhiều khán giả đã dành lời khen “có cánh” cho sự thể hiện xuất sắc của các diễn viên, câu chuyện có nhiều màu sắc mới mẻ, khác biệt so với bản gốc.
Không chỉ phụ thuộc lối diễn xuất, để phim Việt gây dựng được dấu ấn riêng so với nguyên tác gốc, cần đưa vào những cá tính đậm chất Việt Nam. Đó là hình ảnh văn hóa truyền thống, đất nước, con người - tấm căn cước định vị Việt Nam trên trường quốc tế. Người xem được cảm nhận di sản nghề thêu truyền thống rất rõ nét trong phim “Hạnh phúc bị đánh cắp” (“Jang Bo-ri is Here!”, Hàn Quốc). Phim “Cha tôi, Người ở lại”cũng rất khéo léo khi đưa những làn điệu dân ca Bắc Bộ như hát văn, chèo và thanh âm đàn nguyệt trong những khung cảnh sinh hoạt hàng ngày của các nhân vật. Bên cạnh đó, xây dựng văn hóa gia đình, giáo dục con người, cách ứng xử cũng là yếu tố xuyên suốt nhiều bộ phim Việt. Điều đó làm cho khán giả cảm thấy các nhân vật, câu chuyện trở nên gần gũi, thiết thực hơn. Sự theo dõi và đánh giá công tâm của khán giả sẽ là “tấm gương” để các nhà làm phim, diễn viên soi chiếu, rút kinh nghiệm cho những dự án phim tiếp theo.
Trong bối cảnh nước ta đang từng bước hội nhập sâu rộng với thế giới trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa, việc mua bản quyền và làm lại cũng là cách để Việt Nam hòa chung nhịp đập với sự phát triển thị trường giải trí trên toàn cầu. Với mong muốn đem đến những sản phẩm văn hóa hấp dẫn cho khán giả trong nước, các nhà sản xuất nội dung không chỉ giới hạn ở phim truyền hình hay điện ảnh, mà ngay cả nhiều chương trình giải trí, cuộc thi sắc đẹp cũng có xu hướng tương tự. Dẫu vậy, không thể nói mua bản quyền là hướng đi an toàn cho ngành giải trí Việt Nam. Bởi nếu chỉ sản xuất các sản phẩm giải trí theo hướng “rập khuôn”, không có những sáng tạo mới mẻ, sản phẩm ấy rất có khả năng nhạt nhòa trong mắt khán giả, không gây được tiếng vang lớn và khó có khả năng sản xuất những mùa tiếp theo. Bên cạnh đó, cần phải tính đến kế hoạch, cơ chế tạo ra những kịch bản gốc được sản xuất trong nước, để những nhà biên kịch nước ta dám đầu tư thời gian, công sức làm nên những tác phẩm chất lượng, tạo ra nguồn cung dồi dào hơn cho điện ảnh nói riêng, ngành công nghiệp giải trí nói chung.