Sự kiện & Bình luận

Huế thương

Bút ký phóng sự
09:45 | 13/03/2024
Khoảng đầu hè năm 1980, tôi được đơn vị cử vào Phú Bài, Huế học lớp nghiệp vụ thư viện ngắn hạn. Lớp học dành cho các đơn vị cấp Trung, Sư đoàn chưa có thủ thư trong toàn Quân khu. Xong khóa học chúng tôi trở về đơn vị
aa

Khoảng đầu hè năm 1980, tôi được đơn vị cử vào Phú Bài, Huế học lớp nghiệp vụ thư viện ngắn hạn. Lớp học dành cho các đơn vị cấp Trung, Sư đoàn chưa có thủ thư trong toàn Quân khu. Xong khóa học chúng tôi trở về đơn vị.

Sáng ấy, từ Phú Bài chúng tôi bắt xe đò về bến xe An Cựu, từ An Cựu nhảy xe lam đến Ga Huế. Các đồng đội mỗi người đi một hướng. Chỉ còn tôi và cậu Tuấn. Tuấn ở trung đoàn khác nhưng khá thân trong thời gian học. Cậu ấy về Thanh Hóa, tôi về Nghệ An, cùng đường. Xếp hàng ở ga mãi, rồi cũng mua được vé tàu chợ đi Vinh. Vé có nhưng tàu thì phải chờ đến 11 giờ đêm. Đành ngồi ở ga chờ thôi!

Trưa hè ở Huế khá oi ả, khách cũng vắng. Chủ yếu các chị, các bà buôn chuyến đường dài, hàng hóa ngổn ngang. Mọi thứ như ngưng trệ, uể oải. Có cậu bé bán đậu phụng luộc lại gạ hai chú bộ đội mua giúp cháu một lon. Cậu bé chừng mười một, mười hai tuổi trông rất dễ thương, gầy đen, mắt sáng, mặc cái áo sơ mi màu cháo lòng, quần xà lỏn.

Minh hoạ: Ngô Xuân Khôi

Hàng ế, dạo một vòng quanh ga xong cậu bé lại sà đến chỗ chúng tôi ngồi và năn nỉ hai chú mua giúp con đi, nể tình hai chú lại mua. Cứ như thế, chúng tôi đã mua không biết bao nhiêu lon đậu phụng luộc nữa, nhiều đến mức bữa trưa và bữa tối của hai anh lính trẻ được thay thế bằng món này. Thấy hai chú bộ đội thân thiện và bị gạ mua nhiều đậu phụng quá, mấy chị buôn đường dài còn đổi chôm chôm để các chị ăn đỡ đậu phụng cho.

Rảnh khách, cậu bé lại đến ngồi trò chuyện như thân thiết lâu lắm. Cậu bé bảo cháu tên Dương Văn Dũng, nhà ở số 9 đường Nguyễn Huệ. Tôi lấy sổ ra ký họa Dũng, thấy tôi vẽ Dũng bảo, cháu cũng biết vẽ đấy, tranh còn được treo ở nhà thiếu nhi thành phố nữa cơ. Dũng còn khoe: “Các chú được đi máy bay bao giờ chưa? Cháu đi rồi, trực thăng của Mỹ hẳn hoi nhé”.

Cuối chiều hôm ấy, không biết Dũng gửi rổ đậu phụng ở đâu, đi vào phòng chờ hai tay cầm hai cái kẹo bông to tướng, trắng xốp. Tiến lại chỗ chúng tôi, Dũng nói: “Con mời hai chú! Cảm ơn hai chú đã ủng hộ con cả ngày ni”. Cả hai chúng tôi đều rất bất ngờ và cảm động về hành động của bé Dũng. Trong khi chúng tôi thưởng thức món kẹo bông, Dũng nói: “Túi ni, trong trường Đồng Khánh có biểu diễn văn nghệ, con về tắm rửa, ăn cơm xong con ra đón hai chú đi xem cho vui. Gần lắm, đi bộ được mà”. Tuấn trêu: “Có chị gái không? Rủ đi luôn”. Dũng cười: “Mần chi có chị. Chỉ ba chú cháu mình thôi”.

Trong quá trình học chúng tôi đã vài lần dạo thăm các đền đài lăng tẩm nổi tiếng ở Huế. Với các anh lính trẻ ngoài Bắc vào như chúng tôi, mọi thứ ở miền Nam đều mới mẻ, lạ lẫm. Huế về đêm ra sao? Vừa tò mò vừa háo hức. Thay vì ngóng tàu chúng tôi ngồi chờ Dũng ra đón đi xem văn nghệ.

Chờ mãi, không thấy Dũng ra. Tuấn bảo tôi: “Hay ta cứ hỏi đường đi đến trường ấy xem cho giết thời gian. Ngồi chờ như ri oải lắm, rất sốt ruột”. Tôi ngần ngại: “Ba lô lếch thếch như hai thằng ngố, rầy chết đi được.”. “Mi chưa biết nữ sinh Đồng Khánh à? Đẹp nổi tiếng, diện áo dài nữa thì thôi rồi”. Lấy cớ mệt, cần ngủ một tý. Tôi ném ba lô vào góc tường, lấy mũ cối úp lên mặt, chập chờn mãi rồi cũng đánh được một giấc. Mãi 1 giờ đêm hôm ấy mới có tàu.

Tàu chợ chật như nêm cối, hàng hóa xen lẫn người nằm người ngồi, ngột ngạt mùi mồ hôi, mùi thực phẩm xen lẫn mùi xú uế rất đặc trưng của tàu chợ thuở ấy. Chúng tôi leo lên nóc tàu, trên ấy cũng đã đông nghịt người. Đứng trên nóc tàu tôi nhìn vào thành Huế. Tạm biệt cố đô, tạm biệt một ngày dài chờ đợi và nhiều cảm xúc. Tiếng còi tàu hú lên vài hồi giật cục u trầm, mỏi mệt. Tàu từ từ chuyển bánh về phía Bắc rồi nhanh dần lên như muốn cắt đêm đen thành hai nửa.

Dù trong khó khăn thì cuộc sống này vẫn luôn hấp dẫn mỗi chúng ta vì nó khi nào cũng ẩn chứa những bí mật bất ngờ phía trước. Ba tháng sau, đơn vị tôi được lệnh di chuyển vào phía Nam. Đây là một bất ngờ vì trước đấy chúng tôi chưa hề nghĩ đến điều này. Chúng tôi nhập ngũ theo Lệnh Tổng động viên khi chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra. Nay lại vào Nam, chắc đi Campuchia, chúng tôi đoán già đoán non vậy. Trên gương mặt nhiều đồng đội thoáng chút lo âu.

Cả sư đoàn di chuyển bằng tàu hỏa chia làm nhiều đợt. Khi đoàn tàu chúng tôi đến Huế đã chiều muộn. Tàu dừng ở đây khá lâu. Trung đoàn tôi là đơn vị pháo mặt đất 105 ly, ngoài các đại đội trực thuộc, có hai tiểu đoàn chính. Tiểu đoàn 1 chủ yếu lính đến từ Nghệ An, Thanh Hóa. Tiểu đoàn 2 phần lớn người Huế. Ngày ấy chưa có điện thoại như bây giờ, nhưng bằng cách nào đó người nhà của các chàng lính Huế ra ga đón tiễn khá đông. Có những cuộc chia ly bịn rịn, đẫm nước mắt. Họ nhìn nhau, níu giữ, ôm ghì như đây là lần cuối cùng trong đời bên nhau vậy. Ở nơi này nơi kia nghe vài tiếng xầm xì: thằng D, thằng T trốn rồi.

Những chàng lính trẻ không có người nhà ở ga này thì tò mò quan sát và dường như không giấu được nỗi ngậm ngùi. Tôi thoáng nghĩ, ở đây mình cũng có một người quen. Đang ngấp ngó nơi của sổ toa tàu, bỗng tôi nghe tiếng gọi: Chú Khôi! Giật mình quay lại. Trời ơi, Dũng của tôi đây rồi. Lần này không phải là đậu phụng luộc mà là một rổ con con quất hồng bì. Tôi nhảy xuống tàu kéo Dũng lên toa. “Giới thiệu với mọi người, đây là người nhà của mình. Mọi người mua quà ủng hộ nhé.” Loáng cái rổ quất hồng bì hết veo. Không hiểu sao lúc ấy tôi lại nảy ra được ý nghĩ kêu gọi anh em xung quanh ai còn lương khô đưa hết cho tôi. Được đâu năm, sáu phong lương khô to, tôi đưa hết cho Dũng. Dũng cho lương khô vào rổ rồi chạy vù đi. Một lúc sau Dũng quay lại với một rổ quất hồng bì mới. “Mời các chú, con không lấy tiền”. Mấy cậu lính bình luận: “Anh cu này chơi được đấy”. Dũng nói chân thành: “Con chỉ có rứa thôi. Các chú đi chiến đấu nỏ biết khi mô về”.

Ngày ấy chiến sự biên giới Tây Nam vẫn còn ác liệt, tàn quân Pôn Pốt vẫn chưa ngưng tiếng súng. Sau này chúng tôi mới biết tàu dừng ga Huế lâu là vì nhiều chiến sĩ tạt về thăm nhà rồi không trở ra nữa. Các chỉ huy phải về tận nhà vận động…

Khi tàu từ từ chuyển bánh, cả khoang tàu nơi tôi ngồi đều nhoài người ra phía Dũng. Dưới sân ga, Dũng đứng trân người, từ từ giơ tay vẫy nhẹ, rồi như không kìm nén được, Dũng òa khóc chạy theo tàu. Dáng Dũng gầy đen, đôi mắt sáng đẫm lệ một tay cầm cái rổ không, tay kia chới với vẫy, hình em chạy như bức tượng đồng tạc lên nền trời với ráng chiều đỏ au sân ga Huế. Hình ảnh ấy khắc sâu, ám ảnh mãi suốt đời tôi.

Chuyện xảy ra đã bốn mươi năm có lẻ. Hai lần gặp bé Dũng ở ga Huế trong hai hoàn cảnh khác nhau đều để lại trong tôi ấn tượng mạnh. Từ đó tôi mến Huế, và luôn thấy như mắc nợ. Một món nợ quá khứ không ai bắt mình phải trả. Cảnh vật, con người xứ Huế thơ mộng, trầm mặc và kín đáo, cứ ánh lên những nét đẹp bình dị mà không dễ gì quên.

Mỗi khi dọn nhà, giở trang sổ tay cũ đã mục tơi tả, bắt gặp trang ghi địa chỉ của Dũng tôi lại bần thần. Một ý nghĩ luôn khắc khoải trong tôi, nếu có dịp đến Huế sẽ tìm gặp bằng được Dương Văn Dũng để xem cuộc đời và số phận cậu bé năm xưa thế nào.

Từ ngày ấy đến tận năm 2002, nhân dip Festival Huế tôi mới có cơ hội trở lại Huế. Dịp ấy khách Tây, khách ta đến Huế khá đông việc đặt chỗ khách sạn cũng không dễ dàng. Buổi trưa đầu tiên đến Huế, đoàn chúng tôi xuôi Vĩ Dạ ăn cơm hến. Khi nhân viên nhà hàng ra để khách gọi món tôi thấy anh chàng này quen quá. Ngắm đi ngắm lại anh ta, tôi mạnh dạn hỏi: “Có phải Lê Văn Vinh không?”. Đang ghi ghi chép chép người kia ngừng tay, ngẩng lên nhìn tôi. “Khôi hả, trời ơi đi mô ri?” Giọng Huế đặc sệt, mừng rỡ, bất ngờ.

Lê Văn Vinh là đồng đội cũ của tôi ở Trung đoàn pháo binh 761. Vinh da trắng, đẹp trai, chơi đàn ghita hay. Ngày ấy tôi làm Ban Tuyên huấn Trung đoàn, Vinh hay tham gia đội văn nghệ của đơn vị. Tôi từng viết một vở kịch ngắn cho đội văn nghệ diễn. Vinh và tôi cùng nhiều anh em nữa cũng từng tập luyện “văn gừng” với nhau cả tháng trời để đi hội diễn Sư đoàn nên khá biết nhau.

Thời điểm ấy vợ Vinh làm ở khách sạn Lê Lợi. Khi biết chúng tôi chưa có chỗ ở Vinh bảo cứ về khách sạn Lê Lợi, Vinh sắp xếp được. Vợ Vinh tên Thủy làm lễ tân. Khi đến đấy, tôi thật sự choáng vì nàng Thủy quá xinh. Tôi trộm nghĩ, bà Hoàng Nam Phương có lẽ cũng chỉ đẹp đến rứa là cùng. Nhất là khi Thuỷ đứng ở quầy lễ tân, mặc áo dài, gương mặt trái xoan, tóc búi cao, giao tiếp với khách bằng tiếng Anh. Một nét đẹp sang trọng, cổ kính, rất Huế.

Trở lại câu chuyện, tôi nhờ luôn Vinh tìm hỏi địa chỉ Dương Văn Dũng. Hôm sau, khi cùng nhau đi ăn sáng Vinh bảo: “Đã hỏi về Dũng rồi. Rất buồn, có người biết và nói lại rằng Dũng chết đã lâu do bị ngã khi trèo dừa”. Tôi như người sụp hố và không muốn tin điều này. Không thể như thế được.

Mấy hôm sau tôi tự mày mò đi hỏi. Có người nói với tôi: Gia đình Dũng có người bảo lãnh đi Mỹ định cư rồi. Một người khác lại mách: Nhà Dũng đã đi vùng kinh tế mới ở Lâm Đồng hay Đắc Lắc từ rất lâu. Tôi muốn tin vào hai khả năng sau nhiều hơn. Nếu một trong hai điều sau là sự thật thì Dũng bây giờ cũng đã ngoài năm mươi tuổi. Em đang ở đâu Dũng ơi! Huế thương ơi! Dũng ở đâu?

Ngô Xuân Khôi


Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Thông cáo báo chí số 23, Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội khóa XV

Baovannghe.vn - Thứ Sáu, ngày 22/11/2024, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ 23 (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Quà tặng của chiến tranh - Truyện ngắn của Hoài Hương

Baovannghe.vn - Chiến dịch thần tốc như một cơn lốc không ngày không đêm, đơn vị vừa đánh vừa hành quân gần như xuyên dọc theo Quốc lộ 13 hướng về Sài Gòn mỗi ngày một gần thêm.
Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Lĩnh vực báo chí cần có những ưu đãi về thuế

Baovannghe.vn - Quốc hội tiếp tục chương trình làm việc ngày 22/11 với phiên thảo luận tổ về dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) và dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).
Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Trôi giữa hương sen nghịch mùa - Truyện ngắn của Đinh Thành Trung

Baovannghe.vn - Mây đen tan. Nắng nhẹ. Hương sen còn sót hòa cùng hương bùn đánh dạt mùi khói xe, đưa nụ cười của hai người đàn ông lấp đầy mi mắt đang nhìn về phía mặt trời.
Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Nhà thơ Anh Ngọc bình thơ "Thề non nước"

Baovannghe.vn - Bài thơ Thề non nước không chỉ là lời tự tình đằm thắm của một tâm hồn thủy chung, tin cậy mà còn cất giấu trong mình một bức tranh thiên nhiên tráng lệ và quyến rũ mê hồn vì một vẻ đẹp như sinh ra bởi con người và cũng chỉ dành để cho con người.