Văn hóa nghệ thuật

Kamel Daoud: Thiên thần văn học hay kẻ phản bội bán linh hồn cho Pháp?

Bùi Tùng Linh
Sách 09:11 | 06/11/2024
Baovannghe.vn - Giải Goncourt 2024, giải thưởng danh giá của văn học Pháp, đã thuộc về Kamel Daoud với tác phẩm Houris. Đây là sự kiện đánh dấu một bước tiến cho văn học Algeria, nhưng cũng dấy lên làn sóng tranh cãi nảy lửa ngay tại quê hương ông. Trong mắt công chúng Algeria, Kamel Daoud là một nhân vật gây tranh cãi: một thiên tài văn học hay là “kẻ phản bội” đã bán linh hồn mình cho Pháp?
aa

Sự nghiệp văn chương và tiếng nói gây tranh cãi

Kamel Daoud, một nhà văn và nhà báo Algeria, nổi tiếng với các tác phẩm phê phán mạnh mẽ những vấn đề chính trị, xã hội, và tôn giáo của đất nước. Daoud không ngần ngại bày tỏ quan điểm của mình, đặc biệt là về tôn giáo và vai trò của tôn giáo trong xã hội thế tục. Chính lập trường này đã khiến ông gặp phải nhiều chỉ trích, đặc biệt là từ giới lãnh đạo Algeria, một bộ phận công chúng, cũng như giới giáo sĩ và những những tín đồ Hồi giáo.

Kamel Daoud: Thiên thần văn học hay kẻ phản bội bán linh hồn cho Pháp?
Tác giả Kamel Daoud trong vòng vây của báo chí sau khi đoạt giải Goncourt 2024. Ảnh: livreshebdo.

Houris (Thiên nữ), tác phẩm giành giải Goncourt 2024 của ông, là một minh chứng cho tầm nhìn táo bạo này. Tiểu thuyết tập trung vào thập kỷ đẫm máu ở Algeria từ 1991-2002, thời kỳ mà chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan đã gieo rắc nỗi kinh hoàng. Hiến chương hòa bình và hòa giải dân tộc của Algeria quy định cấm thảo luận công khai về cuộc nội chiến tàn khốc này, cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của khoảng 60.000 đến 200.000 người và khiến hàng nghìn người mất tích. Daoud không chỉ tái hiện lại những bi kịch của thời kỳ này mà còn nêu bật lên các xung đột xã hội mà tôn giáo đã tạo ra.

Nên cũng không có gì lạ khi cuốn sách đoạt giải thưởng danh giá của ông không được đón nhận tại Algeria. Trong khi ông được vinh danh tại Pháp, truyền thông Algeria im lặng hoàn toàn sau khi giải Goncourt được công bố. Nhiều nhà báo Algeria giấu tên tiết lộ rằng chính quyền đã gây áp lực nặng nề để ngăn cuốn sách của Daoud tiếp cận người đọc trong nước, và nhà xuất bản Gallimard – đơn vị phát hành Houris – cũng bị cấm tham gia Hội chợ Sách Quốc tế Algiers (SILA).

Đối với nhiều người Algeria, Daoud là một “kẻ phản bội,” và các quan điểm của ông đã bị coi là xúc phạm đến đất nước và tôn giáo. Trong một bài báo trên Le Monde năm 2016, ông quy trách nhiệm cho các vụ tấn công tình dục tại Cologne, Đức, cho “mối quan hệ bệnh hoạn với phụ nữ” của thanh niên Ả Rập và Hồi giáo, khiến dư luận Algeria nổi giận.

Lập trường của Daoud không chỉ khiến ông trở thành kẻ thù trong mắt một bộ phận công chúng Algeria mà còn đặt ông vào tình thế nguy hiểm. Ông đã từng bị một giáo sĩ cực đoan phát động fatwa vào năm 2014, kêu gọi cái chết của ông vì những bài viết phê phán Hồi giáo. Những lời đe dọa này khiến ông phải cẩn trọng khi trở về Algeria, và ông ngày càng sống khép kín tại Pháp, nơi ông được bảo vệ và tự do sáng tác. Fatwa ấy không chỉ là lời đe dọa cá nhân mà còn là lời cảnh báo cho bất kỳ ai có ý định phản biện về tôn giáo và các vấn đề xã hội tại Algeria.

Mối quan hệ giữa văn học và chính trị

Giải thưởng Goncourt 2024 dành cho Houris không chỉ tôn vinh giá trị văn học mà còn có ý nghĩa chính trị. Cuốn sách này lên tiếng về thời kỳ đen tối của Algeria, một chủ đề mà chính quyền đã cố gắng che giấu và ngăn chặn việc thảo luận công khai. Nhưng giải thưởng dành cho Kamel Daoud, cũng chính là để cách để các nhà văn khẳng định họ có quyền thể hiện tiếng nói độc lập và góc nhìn riêng biệt. Việc được tự do sáng tác không chỉ giúp nhà văn khai thác và phản ánh đa dạng các khía cạnh của xã hội mà còn góp phần thúc đẩy sự hiểu biết và sự đổi mới văn hóa.

Kamel Daoud: Thiên thần văn học hay kẻ phản bội bán linh hồn cho Pháp?
Éric-Emmanuel Schmitt, thành viên giám khảo, nhận xét rằng: “Có những cuốn sách được Goncourt tôn vinh nhưng cũng có những cuốn sách tôn vinh Goncourt. Ảnh: viceversamag

Một số người cho rằng giải Goncourt 2024 trao cho Daoud là “giải thưởng chính trị,” khi mối quan hệ giữa Algeria và Pháp đang căng thẳng. Antoine Gallimard, chủ tịch của nhà xuất bản Gallimard, chia sẻ rằng Houris là một tác phẩm văn học xuất sắc và cũng là “một thông điệp chính trị mạnh mẽ.” Ông nói: “Thật hiếm có khi một cuốn sách vừa mang giá trị văn học cao vừa truyền tải thông điệp sâu sắc như vậy.”

Ban giám khảo giải Goncourt 2024 cũng đánh giá cao tiểu thuyết Houris ở cả khía cạnh văn học và xã hội. Éric-Emmanuel Schmitt, thành viên giám khảo, nhận xét rằng: “Có những cuốn sách được Goncourt tôn vinh nhưng cũng có những cuốn sách tôn vinh Goncourt. Houris là một ví dụ điển hình cho điều đó.” Didier Decoin, một thành viên giám khảo khác, nói thêm: “Đây là một cuốn sách rất, rất hay, không chỉ phản ánh những sự kiện nghiêm trọng đã xảy ra ở Algeria mà còn mở rộng tầm nhìn của chúng ta về các vấn đề sâu sắc của xã hội.”

Cuộc tranh cãi xung quanh Kamel Daoud không chỉ phản ánh sự phân chia xã hội Algeria mà còn cho thấy cách mà văn học có thể trở thành công cụ phê phán và phản biện mạnh mẽ. Daoud có thể được coi là một thiên thần văn học, người dùng ngòi bút để khám phá những góc khuất của xã hội. Nhưng đối với nhiều người khác, ông là kẻ phản bội, người đã quay lưng lại với quê hương và văn hóa gốc để tìm kiếm sự nổi tiếng ở Pháp. Dù là thiên thần hay ác quỷ, tài năng của Daoud là không thể phủ nhận. Ông đã viết nên những tác phẩm mạnh mẽ, vừa lôi cuốn vừa gây tranh cãi, mở ra những cuộc thảo luận cần thiết cho xã hội Algeria và thế giới Pháp ngữ.

Ra mắt phim mới nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2025

Ra mắt phim mới nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2025

Baovannghe.vn - Nhân mùa Vu Lan báo hiếu 2025, phim điện ảnh Phá đám: Sinh nhật mẹ - một câu chuyện của Bột Creative Hub vừa chính thức công bố loạt poster, với dàn diễn viên gồm: nghệ sĩ Ái Như, Thành Hội, Bé Sam, Hoàng Phi, NSƯT Hữu Châu, Huy Khánh, Ngọc Sơn.
Lai Châu có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

Lai Châu có thêm 4 Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025

Baovannghe.vn - Sáng 14/7, tại xã Khổng Lào, tỉnh Lai Châu đã tổ chức công bố Quyết định và trao chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2025.
Việt Nam gặt hái nhiều thành công tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 12

Việt Nam gặt hái nhiều thành công tại Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 12

Baovannghe.vn - Liên hoan Nghệ thuật châu Á lần thứ 12 diễn ra tại Singapore từ ngày 11 đến hết ngày 20/07/2025, với hơn 2.000 thí sinh từ 14 quốc gia khác nhau ở khu vực Châu Á – Thái Bình dương tham dự và tranh tài.
Loài hoa để nhớ, để thương

Loài hoa để nhớ, để thương

Baovannghe.vn - Một ngày đầu hạ, tôi mở vội cửa sổ lớp học để bắt đầu những tiết dạy ôn tập cho học sinh. Bất giác, nhìn thấy mấy đoá hoa bằng lăng tím ngát. Giữa cái nắng oi ả phương Nam, sắc tím của hoa bằng lăng nổi bật giữa những kẽ lá xanh, khẽ khàng rung rinh theo gió.
Bài thơ "Một giọt người" của Văn Thùy

Bài thơ "Một giọt người" của Văn Thùy

Baovannghe.vn - Bên cạnh những bài lục bát tài hoa lúng liếng giễu nhại rất đặc trưng, Văn Thùy cũng có những ngậm ngùi lắng đọng nao lòng. “Một giọt người”, thi phẩm thấm đẫm tình đời, tiêu biểu cho phía lắng đọng ấy.