Diễn đàn lý luận

Nhà văn Đại tá Quân đội Phạm Quang Đẩu "Lời tự bạch đẹp đẽ"

Huy Thắng
Chuyện văn chuyện đời
19:00 | 04/08/2024
Baovannghe.vn - Đại tá Quân đội Phạm Quang Đẩu là một nhà văn, nhưng bạn bè thân thiết thường đùa, gọi anh là “Đẩu bóng bàn”. Có nguyên do, anh là người mê bóng bàn. Kể từ khi còn nhỏ tuổi đến tận những ngày này, đã vào hàng “xưa nay hiếm”, vậy mà vẫn không thể thiếu môn thể thao này. Đến nhà anh, chính giữa phòng khách thấy treo đầy những kỷ vật, từ huy chương vàng, bạc, cúp các loại, huy hiệu, kỉ niệm chương... Ấy là các phần thưởng mà anh giành được trong các cuộc thi đấu bóng bàn, từ nghiệp dư toàn quân hay lão tướng, từ Hội nhà báo toàn quốc hoặc Hà Nội… Dễ có đến hơn 3,4 chục chiếc.
aa

Đại tá Quân đội Phạm Quang Đẩu là một nhà văn, nhưng bạn bè thân thiết thường đùa, gọi anh là “Đẩu bóng bàn”. Có nguyên do, anh là người mê bóng bàn. Kể từ khi còn nhỏ tuổi đến tận những ngày này, đã vào hàng “xưa nay hiếm”, vậy mà vẫn không thể thiếu môn thể thao này. Đến nhà anh, chính giữa phòng khách thấy treo đầy những kỷ vật, từ huy chương vàng, bạc, cúp các loại, huy hiệu, kỉ niệm chương... Ấy là các phần thưởng mà anh giành được trong các cuộc thi đấu bóng bàn, từ nghiệp dư toàn quân hay lão tướng, từ Hội nhà báo toàn quốc hoặc Hà Nội… Dễ có đến hơn 3,4 chục chiếc.

Là người viết văn chuyên nghiệp, nhưng Phạm Quang Đẩu dường như ít nói chuyện về văn chương mà thay vào đó là chuyện thể thao, và nhất thiết không thể thiếu câu chuyện về bóng bàn. Anh vào chuyện một cách say sưa. Bạn bè đều biết, tuy chỉ là người chơi bóng nghiệp dư nhưng trình độ bóng bàn của anh từng khiến nhiều vận động viên, kể cả những vận động viên chuyên nghiệp, cũng phải nể bởi lối đánh “rất khó chịu”, lì lợm, sắc sảo của anh. Anh cũng mê bóng đá. Nhiều đêm 1,2 giờ sáng vẫn thức giấc để xem hết một trận đấu bóng quốc tế phát trên tivi, còn mỗi khi nói về bóng bàn thì gương mặt hồng hào của anh như bừng sáng, sinh động hẳn lên.

Thực ra Phạm Quang Đẩu đam mê văn chương từ khi còn đi học. Vốn là kĩ sư cơ khí, tốt nghiệp đại học kĩ thuật năm 1970, mới theo nghề được hơn 10 năm, nhưng đi theo tiếng gọi của văn chương nên anh xin chuyển sang báo Quân đội Nhân dân rồi phụ trách trang chuyên đề số cuối tuần. Với anh, dù trong lĩnh vực văn chương hay báo chí luôn thể hiện sự nhanh nhậy, mạch lạc, chặt chẽ và tinh tế của một người nhiều kinh nghiệm trong phân tích tâm lý nhân vật, khai thác sự kiện với tư duy sắc sảo và tinh tế. Lịch làm việc của Phạm Quang Đẩu được anh đề ra và thực hiện một cách rất nghiêm túc. Hàng ngày khoảng 3, 4 giờ sáng anh trở dậy, sau một vài động tác thể dục, rồi anh ngồi vào bàn viết và làm việc liên tục cho đến 7, 8 giờ sáng. Vệ sinh cá nhân xong anh đi ăn sáng rồi đến những nơi cần đến, hoặc là tòa soạn báo, hay gặp gỡ các nhân chứng trong bài viết, rồi giao lưu bạn bè. Còn tất cả các buổi chiều hàng ngày anh dành cho bóng bàn, đến tận tối, Về nhà tắm rửa, ăn cơm, quây quần gia đình một lát rồi đi ngủ sớm… Anh giải thích về sự say mê bóng bàn của mình: “với tôi, văn chương là cuộc đời, nhưng bóng bàn đem lại cho tôi sức khỏe và để cân bằng tâm lý…”. Suốt mấy chục năm qua, Phạm Quang đẩu thực hiện quy định như thực hiện điều lệnh quân đội, cả khi công tác hay về hưu.

Nhà văn Phạm Quang Đẩu khi mới gặp tưởng người khó tính, nhưng thật ra anh lại rất dễ gần, cởi mở, thậm chí chỉ sau vài lần gặp, hợp nhau là thành thân. Tôi quen anh cũng tình cờ. Một lần đến báo Công an Nhân dân thấy anh đang đến lĩnh nhuận bút. Trông quen quen nhưng không nhớ gặp ở đâu. Khi ra cổng tòa soạn hỏi anh, anh tự giới thiệu: Tôi là Đẩu, Phạm Quang Đẩu. Đến đây thì tôi nhớ ra là đã gặp anh tại căn hộ của nhà thơ Phạm Đình Ân, cùng khu tập thể với tôi, ngày Đẩu mới ra cuốn tiểu thuyết Đánh đu cùng số phận, đem tặng bạn. Tôi nhắc lại làm anh cũng nhớ ra, nhân đó rủ tôi ra quán làm vại bia hơi.

Nhà văn Đại tá Quân đội Phạm Quang Đẩu
Nhà văn Phạm Quang Đẩu

Tôi và Phạm Quang Đẩu thân nhau từ đó. Cứ vài ngày lại gọi nhau cà phê hoặc bia hơi, rồi lúc tôi đến anh, lúc anh lên tôi, nhưng thường anh lên tôi vì nghĩ tôi cao tuổi hơn, đỡ cho tôi phải đi xa… Tiếp xúc với anh lâu, tôi nhận thấy Phạm Quang Đẩu là người tình nghĩa. Có lần tôi đã kể cho anh nghe một chuyện cách nay đã mấy chục năm. Ngày ấy tôi tham gia nghĩa vụ quân sự và có viết một bài báo rồi gửi về báo Quân đội Nhân dân. Ít lâu sau tôi nhận được thư trả lời của người biên tập, kí tên là Vũ Hồ. Người biên tập nói, bài có thể dùng nhưng phải sửa thêm. Ông gửi kèm trở lại bài viết đã được sửa. Nói thì ngượng, bản thảo của tôi mầu xanh, chỗ sửa chữa của biên tập mầu đỏ. Nhìn bản thảo không rõ mầu xanh hay đỏ nhiều hơn, chứng tỏ người biên tập đọc và sửa rất kĩ. Nghe tôi kể, anh Đẩu nói ngay: Đúng là ngày trước người biên tập thường rất chu đáo, cẩn thận, ngày nay bọn tôi phải học các anh ấy rất nhiều… Anh còn bảo: Bác Vũ Hồ hiện còn sống nhưng cao tuổi, sức khỏe yếu, đi lại cũng khó khăn… Rồi anh chủ động lên lịch đưa tôi đến thăm ông Vũ Hồ, hồi ấy đang sống cùng gia đình ở phố Hàng Mành. Nghe Đẩu giới thiệu và nhắc lại chuyện cũ, không biết còn nhớ hay đã quên, chỉ thấy nhà báo già nhìn tôi cười cười, nụ cười rất lành hiền. Tôi cảm động vì nhờ anh Đẩu mà tôi được gặp người biên tập đã để lại trong tôi những ấn tượng không thể nào quên. Tưởng hai nhà báo quân đội quen nhau lâu vì cùng trong một tòa soạn, nhưng đến lúc ấy thì tôi mới biết khi Phạm Quang Đẩu về báo thì ông Vũ Hồ đang chuẩn bị về hưu, và cũng không cùng phòng biên tập. Vậy mà suốt nhiều năm qua Đẩu do yêu quý người đàn anh nên vẫn luôn qua lại thăm hỏi.

Phạm Quang Đẩu không phải là người viết sớm. Mãi đến năm 1983, khi đã ngoài ba mươi tuổi anh mới ra mắt tập truyện ngắn đầu tiên, và cũng phải tới gần 10 năm sau anh mới có cuốn tiểu thuyết xuất bản. Cuốn mới nhất vừa xuất bản trong tháng 9 mới rồi là cuốn tiểu thuyết Cồn Dương, do Nhà xuất bản Công An nhân dân ấn hành. Anh tự nhận tạng mình phải về già mới viết được. Quả vậy, từ năm 2007 sau khi về hưu anh mới viết khỏe. Trong cuộc đời văn chương của mình, anh đã viết được 12 tiểu thuyết, 8 cuốn trong đó đã xuất bản, 2 tập truyện ngắn, 2 tập thơ và cả ngàn bài báo. Nhiều tác phẩm được dư luận chú ý, trong đó có 2 cuốn được giải thưởng. Năm 2010 Phạm Quang Đẩu nhận giải thưởng văn học Mê Kông của hội nhà văn 3 nước Đông Dương với cuốn tiểu thuyết Một ngày là 10 năm. Sau đó anh là một trong 2 tác giả nhận giải A trong cuộc thi viết Tiểu thuyết, Truyện về đề tài Vì an ninh tổ quốc và bình yên cuộc sống nhân kỉ niệm 70 năm ngày truyền thống Công an nhân dân do Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Công an tổ chức với cuốn tiểu thuyết Đơn tuyến, cuốn sách viết về cuộc đời hoạt động của nhà tình báo kiêm nhà toán học, thiếu tướng, giáo sư Nguyễn Đình Ngọc, cùng một cuốn đang trong diện xét giải. Phải công nhận Phạm Quang Đẩu là người có tài trong xây dựng nhân vật. Đã có một nghiên cứu sinh đã nói về khả năng này của anh trong một luận văn thạc sĩ của mình.

Nhà văn Đại tá Quân đội Phạm Quang Đẩu

Nhà văn Phạm Quang Đẩu (đứng thứ tư, từ trái sang) và các đồng nghiệp ở “Phố nhà binh”

Ảnh tư liệu.

Phạm Quang Đẩu cũng 2 lần được giải cao trong cuộc thi truyện ngắn của Hội Nhà văn Việt Nam, rồi anh còn nhận giải của Đài Tiếng nói Việt Nam với bài viết về đề tài Chống tệ nạn xã hội. Trong cuộc thi viết tôn vinh các nhà khoa học công nghệ của báo Thế giới mới anh cũng có giải thưởng. Phạm Quang Đẩu cũng là tác giả duy nhất 3 lần đoạt giải trong cuộc thi viết về đề tài Sự hy sinh thầm lặng của báo Sức khỏe và đời sống… Vậy là cùng với các giải thưởng về bóng bàn, Phạm Quang Đẩu cũng có nhiều giải thưởng về văn chương và báo chí. Bởi thế nhiều người nhận xét anh là người “có duyên với giải thưởng”…

Từ nhiều năm nay, Phạm Quang Đẩu đã về hưu, nhưng lúc nào cũng thấy anh luôn bận rộn. Lịch hàng ngày phủ kín vậy, nhưng có ai tin cậy nhờ đọc tác phẩm hay giúp sửa chữa những trang viết của họ thì anh không bao giờ ngại khó mà từ chối. Chị Bùi Phương Hạnh là giảng viên trường đại học Bách khoa Hà Nội nhưng yêu văn chương và vẫn âm thầm viết. Một lần chị mạnh dạn đưa anh đọc bản thảo một cuốn tiểu thuyết của mình. Tuy còn nhiều chỗ phải sửa, nhưng nhận thấy bản thảo có nhiều yếu tố một cuốn tiểu thuyết hay, nên Phạm Quang Đẩu đã rất nhiệt thành bàn bạc kĩ với tác giả để cùng sửa chữa. Cuối cùng cuốn Ngày ấy chưa xa của Phương Hạnh ra đời tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn. Người đầu tiên chị Bùi Phương Hạnh đem sách đến tặng chính là thầy Phạm Quang Đẩu.

Một lần đến nhà tôi chơi, thấy trên bàn có cuốn Bông hồng vàng của Pauxtopxki, lập tức Đẩu liền lấy ra và đọc cho tôi một đoạn mà anh tâm đắc. Đoạn đó là: “Tôi sống và làm việc, yêu, đau khổ, hy vọng, mơ ước..., chỉ biết chắc một điều rằng, sớm hay muộn, trong tuổi trưởng thành, thậm chí cả trong tuổi già, tôi sẽ viết. Tôi viết không phải vì đặt ra cho mình nhiệm vụ ấy, mà bản chất tôi đòi hỏi phải như vậy... Và bởi vì đối với tôi văn học là một hiện tượng đẹp đẽ nhất thế giới…

Và phải chăng đó cũng chính là tự bạch của nhà văn Phạm Quang Đẩu…

Huy Thắng | Báo Văn nghệ

Nhà văn Mai Phương, đã sống và tin yêu mãnh liệt Nhà văn Đỗ Chu với những người Mẹ Chiếc xe đạp của mẹ. Tản văn của nhà văn Nguyễn Hiệp Nhà văn Sơn Tùng "Sen xanh một đoá" Nhà văn Chu Lai: Thao thức với phần đời chiến trận
Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Yêu người cây mở đất - Thơ Chung Tiến Lực

Baovannghe.vn- Như những mũi lao cắm vào vùng ngập mặn/ Mầm sống gieo trên sóng nước hoang sơ
Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Nên bị gai đâm - Tản văn của Chu Văn Sơn

Baovannghe.vn - Và ta cứ yên trí đi qua thế giới này với bước chân quen xéo lên cỏ hoa. Thỉnh thoảng bàn chân nên bị gai đâm, để ta được giật mình: Tổn thương là rỉ máu.
Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Trịnh Hoài Đức - Nhà thơ, nhà viết kịch tài hoa

Baovannghe.vn - Kịch Trịnh Hoài Đức ngoài chất hài ý nhị, sâu cay, cười ra nước mắt còn bao hàm cả triết lý sâu sắc về thế giới quan, nhân sinh quan... Thơ của ông như gieo vào lòng người cái tình sâu lắng, ngôn ngữ giản dị mà nhân văn đa nghĩa đầy tính bác học...
Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Microsoft ra mắt nhà xuất bản sách in truyền thống

Baovannghe.vn - Tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới - Microsoft đã chính thức bước chân vào ngành xuất bản sách với việc ra mắt 8080 Books, một nhà xuất bản được thiết kế để thúc đẩy sự đổi mới trong xuất bản và kể chuyện. Được đặt tên theo bộ vi xử lý Intel 8080 – nền tảng cho sự khởi đầu của Microsoft trong thập niên 1970 – 8080 Books không chỉ là một cột mốc mới trong chiến lược đa dạng hóa của công ty mà còn đại diện cho tham vọng đưa công nghệ vào thay đổi ngành xuất bản vốn còn nhiều hạn chế.
Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Trong y, một tảng băng trôi. Truyện ngắn của Hiền Trang

Baovannghe.vn- Đối diện nhau, con cá mập và Tử thần, kẻ bị giết và kẻ giết, con mồi và gã thợ săn, đối tượng của cái chết và tay sai của cái chết, con cá mập nằm sóng soại trên sàn thuyền, Tử thần thì đứng thẳng hiên ngang, một trục hoành - một trục tung, tạo thành một hệ tọa độ bất đắc dĩ giữa biển xanh sâu thẳm, mỗi kẻ đeo đuổi những huyễn tưởng khác nhau, nhưng sau rốt đều xuất phát cùng từ một gốc: ám ảnh về những trò ảo thuật.