Sự kiện & Bình luận

Khát vọng Nam Trà My

Bút ký phóng sự 19:09 | 09/04/2017
Tách ra từ huyện Trà My năm 2003, Nam Trà My “sở hữu” tất cả những gì khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam: đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, cái đói chực chờ quanh năm với 87% hộ nghèo - một con số kinh khủng; các nhu cầu thiết yếu của cơ sở hạ tầng còn rất “sơ khai” Mười bốn năm, Nam Trà My đã có sự bứt phá ngoạn mục. Đã từng bước hoàn thiện và bám theo các huyện bạn, tất nhiên là với các huyện miền núi. Đường đã thông, đường Nam Quảng Nam được hoàn chỉnh, quốc lộ 40B, nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh qua ngõ Tu Mơ Rông (Kon Tum) giúp Nam Trà My thoát cảnh khó khăn bí bách
aa

Nam Trà My - khó khăn & thách thức

Tách ra từ huyện Trà My năm 2003, Nam Trà My “sở hữu” tất cả những gì khó khăn nhất của tỉnh Quảng Nam: đời sống nhân dân vô cùng khó khăn, cái đói chực chờ quanh năm với 87% hộ nghèo - một con số kinh khủng; các nhu cầu thiết yếu của cơ sở hạ tầng còn rất “sơ khai”. Điện, đường, trường, trạm vẫn còn trong quá trình xây dựng từng bước. Ngay cái nhu cầu tối thiểu là nơi làm việc của các cơ quan của huyện vẫn là vấn đề nan giải. Tắk Pỏr mới chỉ là một cụm dân cư nhỏ bé nằm bên bờ sông Tranh, lọt thỏm giữa bốn bề núi, không dễ kiếm cho ra một mặt bằng “cho nên hình nên dáng” để xây dựng mà nhu cầu xây dựng cho một huyện lỵ mới mẻ vô cùng “mênh mông”. Khi lên đây làm buổi giới thiệu tập thơ “Đường quê hương” của nhà thơ Đinh Mươk, khi ấy là đại biểu quốc hội, bí thư huyện uỷ, người dân tộc Cadong, chúng tôi tận mắt chứng kiến những khó khăn không dễ gì “lấp đầy” của “trung tâm huyện“ và của cả huyện. Và cảm thấy “phía trước” vô cùng mơ hồ và ái ngại cho một vùng đất từng một thời rạng rỡ trong công cuộc kháng chiến, cứu nước. Nói bắt đầu từ con số không là cách nói vô cùng chuẩn xác dành cho Nam Trà My cái buổi đầu ấy. Mười bốn năm, Nam Trà My đã có sự bứt phá ngoạn mục. Đã từng bước hoàn thiện và bám theo các huyện bạn, tất nhiên là với các huyện miền núi. Đường đã thông, đường Nam Quảng Nam được hoàn chỉnh, quốc lộ 40B, nối quốc lộ 1A với đường Hồ Chí Minh qua ngõ Tu Mơ Rông (Kon Tum) giúp Nam Trà My thoát cảnh khó khăn bí bách của đất vùng đất chẳng khác gì “đất Ba Thục” thời Tam quốc vốn chỉ ra vô một cách bằng con đường “sạn đạo” là tỉnh lộ 616.

Một góc trung tâm huyện lỵ Nam Trà My hôm nay Ảnh Internet

Mở được đường là đã cơ bản thoát khỏi thế bí cho vùng rừng núi xa xôi này. Khu trung tâm huyện lỵ bây giờ cơ bản đã ra vẻ một thị trấn miền núi. Đa số trường học đã bắt đầu kiên cố hoá, tầng hoá. Các nhu cầu về y tế đã được nâng cấp đáng kể. Việc giao thương buôn bán cũng phát triển nhờ sự thông thương bởi con đường hơn trăm cây số nối với Tam Kỳ. Nhìn bộ mặt Tắk Pỏr là thấy được sự phát triển của thương nghiệp Nam Trà My, khác xa cảnh dăm hàng quán lèo tèo hồi chúng tôi lên khi Nam Trà My vừa chia tách. Nhưng vẫn còn vô vàn khó khăn của một huyện miền núi non trẻ. Hỏi tại sao Tắc Pỏr – Trà Mai chưa “lên thị trấn” thì câu trả lời là số hộ nghèo còn quá nhiều. Và bao nhiêu cái thiếu khác nữa so với tiêu chuẩn một thị trấn, Tắk Pỏr mà còn như thế các xã xung quanh còn khó khăn gấp bội phần. Nhiều thôn chưa có đường đi như các thôn dưới chân núi Ngọc Linh. Hỏi lên vùng sâm Ngọc Linh mất bao lâu thì câu trả lời rằng hết 7-8 tiếng đồng hồ, đường toàn dốc núi dựng đứng! Mùa khô đã xa xôi, mùa mưa lũ càng cực khổ gấp bội. Ngay cả quốc lộ 40B năm vừa rồi mưa lũ làm sạt mấy đoạn khiến giao thông bị ách tắc cả mấy ngày trời. Rừng thì mênh mông cũng khó ‘”quản” cho ra “quản”. Dân muốn thì cứ vào rừng mà “khai thác”. Muôn sự cứ ngó vào rừng. Mà rừng thì có hạn. Đã thấy sự cạn kiệt của các quả đồi trên khi chúng tôi lên thăm thôn 1 xã Trà Linh, đây cũng là thôn duy nhất của xã vùng chân núi Ngọc Linh không có rừng đến độ huyện phải “mượn” rừng của thôn 2 để một số hộ dân ươm trồng sâm núi. Nghèo khó nên ước mơ cũng nhỏ bé theo. Hỏi một thanh niên còn khá ít tuổi rằng có ước mơ gì thì câu trả lời rằng chỉ mong được có vợ, sinh con giống như cha mẹ mình vậy thôi, ngoài ra chả có mơ ước gì thêm (?). Câu trả lời nghe thật buồn! Việc trồng trọt vốn chưa có sự thay đổi nào đáng kể, chăn nuôi thì èo uột. Nhiều hộ gia đình chúng tôi tới thăm chẳng thấy nuôi heo nuôi gà gì cả. Có lẽ họ không có đủ lương thực để chăn nuôi hoặc việc chăn nuôi đem lại quá ít lợi ích. Chủ tịch UBND huyện Hồ Quang Bửu cho biết, huyện có 26 ngàn người gồm các dân tộc Xê đăng, Ca dong, Mơ nông và Kinh mà có đến 4.409 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 66, 23 %. Đa số các hộ nghèo là người dân thiểu số. Vì thế, để phát triển kinh tế Nam Trà My phải có những quyết sách táo bạo và đúng đắn mới nhanh chóng vượt ra hỏi các rào cản nghèo khó đang bao vây vùng đất này.

Câu chuyện của Sâm

Câu chuyện của sâm Ngọc Linh là câu chuyện huyền thoại. Khởi từ cây sâm K5 hồi kháng chiến chống Mỹ hoặc xưa hơn là cây “thuốc dấu” của đồng bào, sau này sâm Ngọc Linh được gắn với nhiều mỹ từ nhưng tôi cứ thích ba chữ mà chủ tịch UBND huyện Hồ Quang Bửu hay nhắc tới: Cây “thoát nghèo”! Từ vùng trồng sâm của rất ít người mà tiêu biểu là các tỷ phú Hồ Văn Du với hơn 5 ha sâm (nếu bán theo giá thấp nhất 50 triệu/kg thì cũng có trong tay 6 triệu đôla!), việc “nhân ra” cho dân 7/10 xã trên toàn huyện cùng trồng sâm thì quả là một ý tưởng vô cùng nhân văn và ấn tượng. Đã từng có những vướng mắc trong việc trồng, chăm sóc, phát triển, tranh chấp và quản lý vùng trồng sâm kéo dài mấy chục năm và đã từng gây ra nhiều hệ luỵ không hay nên có lẽ những người quản lý ở địa phương đã nhận ra vấn đề và tầm quan trọng của cây sâm núi Ngọc Linh. Phát triển trên diện rộng với sự tham gia của “cả huyện” là kế hoạch vô cùng táo bạo, không dễ thực hiện nhưng nếu làm được sẽ mở ra một hướng mới cho cây sâm huyền thoại. Đã có sự gắn kết giữa việc phát triển rộng vùng sâm với việc bảo vệ rừng, làm thế nào để có độ che phủ trên 70% và thảm thực vật dày trên độ cao từ 1.500 đến 2.300 mét để trồng sâm là một cái đích khắt khe để mọi người dân hướng đến, để có đất để mà trồng sâm, để có đất mà thoát nghèo và hơn thế, làm giàu. So sánh thôn 1 với các thôn khác của xã Trà Linh sẽ thấy một bài học để bảo tồn và phát triển rừng. Hơn thế, bảo vệ môi trường là một mục tiêu gắn kết khác như là một chỉnh thể cho các vùng sâm. Người trồng sâm vốn sốngở vùng lõi các khu rừng già nên có ý thức bảo vệ rừng rất cao, họ đặt ra luật lệ riêng để phạt những ai chặt phá hay đốt rừng vì thế phát triển rộng vùng sâm sẽ làm thay đổi thói quen của người dân, khiến họ dần hình thành ý thức chăm sóc, bảo vệ rừng tốt hơn. Sâm Ngọc Linh đã có tiếng nói với thế giới. Nhiều chuyên gia nước ngoài đã đến nghiên cứu và đã có nhiều kết luận khả quan về chất lượng của sâm núi Ngọc Linh. Những ghi nhận về sâm Ngọc Linh quả thật đáng nể: “Trên độ cao 1.200 đến 2.100 mét, sâm Ngọc Linh mọc dày thành đám dưới tán rừng dọc theo các suối ẩm trên đất nhiều mùn.

Một số vườn sâm Ngọc Linh ở Nam Trà My Ảnh Internet

Sâm Ngọc Linh cũng là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác, trong khi sâm Triều Tiên có khoảng 25 saponin. Những kết quả nghiên cứu, phân lập thành phần hóa học mới nhất được công bố còn kéo dài danh sách saponin của sâm Ngọc Linh hơn nữa, lên tổng cộng 52 loại. Như vậy, sâm Việt Nam là một trong những loại sâm có hàm lượng saponin nhiều nhất, tương tự một số cây sâm quý đã từng được nghiên cứu sử dụng từ lâu trên thế giới.

Hợp chất hóa học đa dạng và tác dụng thực tiễn đối với sức khỏe của con người khiến sâm Ngọc Linh hiện nay được bán trên thị trường với giá càng ngày càng cao, thậm chí còn cao hơn sâm Triều Tiên nhiều lần”. Ở lễ hội sâm lần thứ 13, năm 2015, tại huyện Hamyang, tỉnh Gyeongsang (Hàn Quốc), sâm núi Ngọc Linh, Quảng Nam đã được nhắc đến. Tại lễ hội của huyện Gyeongsang các nghi lễ tôn vinh sâm đã được các nghệ nhân địa phương thể hiện tạo nên nét độc đáo của lễ hội. Phần đặc sắc của lễ hội chính là phần trưng bày các sản phẩm rất đa dạng được chế biến từ sâm của Hàn Quốc và nhiều quốc gia khác như Nhật Bản, Mỹ, Canada, Hàn Quốc… Lễ hội dành cho Sâm Ngọc Linh Quảng Nam lời mời trọng thị cho lễ hội sâm quốc tế sẽ diễn ra vào năm 2020 tại đây. Ở Nam Trà My, sau lễ hội sâm tại Hamyang, hàng loạt công việc đã được huyện khẩn trương thực hiện. Các công việc như lập đề án “Phát triển vùng sâm gốc Ngọc Linh”, đã được chính phủ phê duyệt năm 2016 với kinh phí 9.000 tỷ đồng, trong đó 7.000 tỷ từ xã hội hóa và 2.000 tỷ từ ngân sách. Cơ chế của tỉnh và của huyện về việc cho người dân vay vốn ưu đãi để trồng sâm sớm được triển khai. Vùng trồng sâm 17.000 ha trải rộng trên địa bàn 7 xã cũng đã được quy hoạch, nhiều nơi có sự điều chỉnh hợp lý để mọi người dân đều có cơ hội tham gia trồng sâm. Riêng năm 2016 huyện tổ chức khảo sát, đo đạc, khoanh vẽ, cắm mốc, phân lô để thực hiện công tác cho thuê dịch vụ môi trường rừng trồng sâm giai đoạn 1 tại địa bàn các xã Trà Linh, Trà Nam, Trà Cang với diện tích 932,16 ha / 39 nhóm với 769 hộ. Nhiều làng đã phát triển việc trồng sâm nam như Takbang, Mô Cai, Tak Pu…Các vườn ươm sâm giống như Trại sâm giống Tắc Ngohay Trại dược liệu Trà Linh- vườn cung ứng sâm giống của tỉnh- đang tích cực ươm giống để kịp thời cung ứng cây giống cho các xã.Năm 2017, theo kế hoạch, huyện sẽ cung cấp 1000 cây sâm giống cho các hộ nghèo. Ngoài ra, còn có 6 doanh nghiệp tham gia đầu tư để trồng và phát triển vùng sâm.Dù chưa thể được như huyện Gyeongsang, nơi xe buýt có thể chạy đến tận vườn sâm, nhưng Nam Trà My cũng cố gắng mở thêm 50 cây số đường (với kinh phí 480 tỷ) chạy từ trung tâm huyện đến đỉnh núi ở cao độ cao khoảng 2.000m và xuyên qua luôn Mường Hoong (Đắk Glei, Kon Tum) trong năm 2017-2018. Khi ấy, việc đến với đỉnh cao Ngọc Linh sẽ không còn cách trở như bây giờ, tất nhiên việc bảo vệ các vườn sâm sẽ khó khăn hơn nhưng chỉ có thế mới có cơ hội phát triển cây sâm như Hàn Quốc được. Nằm trong chuỗi hoạt động của Hành trình di sản Quảng Nam năm 2017, Lễ hội Sâm núi Ngọc Linh với chủ đề “Huyền thoại Ngọc Linh”sẽ diễn ra từ ngày 9 đến 13 tháng 6 này với phần lễ khắc họa về một số nét văn hóa đặc trưng của đồng bào, hoạt cảnh về “Huyền thoại cây sâm Ngọc Linh” như: Lễ rước biểu tượng Sâm Ngọc Linh, tái hiện lễ cúng thần núi, thần Sâm, Lễ mừng vào mùa sâm, tái hiện lễ cưới dân tộc địa phương… Phần hội là các chương trình giao lưu ẩm thực, tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm dược liệu đặc trưng. Chương trình lễ hội còn có hoạt động du lịch khám phá sự huyền bí trên đỉnh Ngọc Linh, thăm quan vườn sâm Tắc Ngo, giao lưu văn hóa – nghệ thuật cồng chiêng, trải nghiệm homestay cùng đồng bào Xê Đăng… Mục đích của lễ hội là nhằm quảng bá những đặc trưng văn hóa, những loài cây dược liệu qúy hiếm của huyện, những danh lam thắng cảnh của quê hương tới công chúng mọi miền. Lễ hội là dịp để tạo cầu nối để các doanh nghiệp thúc đẩy đầu tư khai thác tiềm năng thế mạnh về dược liệu và các dịch vụ du lịch sinh thái, du lịch khám phá, nghỉ dưỡng, những nét độc đáo của Nam Trà My chưa được khai thác đúng mức.

Nam Trà My đang háo hức chờ đón lễ hội về loài “cây thoát nghèo” Ảnh Internet

Hy vọng không lâu Nam Trà My sẽ chạm đến những cột mốc huyện đã đặt ra như cái đích sẽ tham dự lễ hội sâm toàn thế giới tổ chức vào năm 2020 tại Hàn Quốc. Khi ấy, Sâm Ngọc Linh đã có một vị trí xứng đáng của thương hiệu quốc gia thứ nhì, sau lúa gạo Việt Nam. Loại sâm ấy có xuất xứ cụ thể: Vùng đất của “Cao Sơn Ngọc Quế Trà My” vốn đã nổi tiếng từ rất lâu!


Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc - Cả đời đau đáu với quê hương

Nhà sưu tập Nguyễn Mạnh Phúc - Cả đời đau đáu với quê hương

Baovannghe.vn - Trên căn gác tầng hai xinh xắn trong con ngõ nhỏ phố Hòa Mã (Hà Nội), chúng tôi bắt gặp trên tường nhiều tranh Nguyễn Mạnh Phúc sưu tập của các tác giả tên tuổi, trong đó có nhiều tranh của danh họa Bùi Xuân Phái, đặc biệt có bức sơn dầu nổi tiếng Cô gái mặc áo đen họa tiết kỷ hà trắng, vẽ chân dung Mai Trang từ năm 1988, bức vẽ cuối cùng của Bùi Xuân Phái, tác phẩm được ví như một Mona Lisa của Việt Nam.
Hiến pháp sửa đổi năm 2025: Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước

Hiến pháp sửa đổi năm 2025: Nền tảng pháp lý vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước

Baovannghe.vn - Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là văn kiện pháp lý có giá trị cao nhất, phản ánh ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân, đồng thời là nền tảng chính trị, pháp lý cho sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.
Ở quê - Thơ Tô Thi Vân

Ở quê - Thơ Tô Thi Vân

Baovannghe.vn- Nhà không nuôi mèo/ Chim sẻ sà vào chiếu nhặt cơm rơi
Máy giặt - Thơ Hoàng Ngọc Châu

Máy giặt - Thơ Hoàng Ngọc Châu

Baovannghe.vn- Những bộ áo thường ngày/ Quay trong máy giặt/ Bong bóng mắt
Bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Bảo vệ Tổ quốc trong kỷ nguyên mới

Baovannghe.vn - Chiều 3/7 tại trụ sở Bộ Công an (TP Hà Nội) đã diễn ra Hội thảo khoa học cấp Quốc gia “Sự phát triển của Việt Nam trong kỷ nguyên mới và những vấn đề đặt ra đối với sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc - Lý luận và thực tiễn”.