Chuyên đề

70 năm Hội nghị Hòa bình thế giới và nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Phần Lan

Võ Xuân Quế
Tư liệu 06:00 | 04/07/2025
Baovannghe.vn - Cách đây đúng 70 năm, tháng 6 năm 1955, Hội nghị Hòa bình thế giới lần thứ ba được tổ chức ở Helsinki (Phần Lan). Hội nghị đã quy tụ 1841 đại biểu từ 68 nước trên khắp các châu lục, trong đó có Việt Nam.
aa

Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 12 thành viên đại diện cho các thành phần khác nhau, do bác sĩ Lê Đình Thám, Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa dẫn đầu.

Trong các thành viên chính thức của đoàn có một số nhân vật đáng chú ý, như: Dương Đức Hiền, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nguyễn Xuân Thủy (Xuân Thủy), Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Lê Văn Thiêm, Trưởng khoa Khoa học, Đại học Hà Nội và Nguyễn Tuân, Tổng Thư ký Hội Văn học và Nghệ thuật Việt Nam.

Nguyễn Tuân là 1 trong 62 nhà văn của tất cả các đoàn tham gia hội nghị, trong đó có một số nhà văn nổi tiếng, được biết với bạn đọc Việt Nam, như: Alexander Fadeev và Konstantin Fedin (Liên Xô), Nazim Hikmet (Thổ Nhĩ Kỳ). Và nhờ sự có mặt của nhà văn Nguyễn Tuân mà ngày nay chúng ta được biết về sự tham gia của một đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị quốc tế này.

“Chúng tôi ở đây mười ngày, mỗi ngày họp trả tiền ăn mỗi người là sáu đồng đôla, nó là cái tiêu chuẩn đã khá cao của đoàn đại biểu ta đi hoạt động quốc tế. Mỗi ngày ăn ba bữa, khẩu phần thừa thãi bổ béo; nghi thức lúc ăn thật là trang trọng: đồ sứ, pha lê, khăn bàn trắng muốt, quanh bàn ăn chốc chốc lại cử nhạc, những chị đưa món ăn trông đẹp như rượu rót trong các truyện thần thoại phương Bắc này. Tôi hào hứng làm việc liền liền ở Đại hội Hòa bình thế giới, cơ thể nhịp đều, tâm trí có nhiều sáng kiến.” (Nguyễn Tuân, Phở)

70 năm Hội nghị Hòa bình thế giới và nhà văn Việt Nam đầu tiên đến Phần Lan
Trưởng đoàn, bác sĩ Lê Đình Thám (ngồi thứ 3 từ trái qua) và nhà văn Nguyễn Tuân (đứng ngoài cùng bên phải) trong đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Hòa bình thế giới Helsinki 1955.

Ảnh: Võ Xuân Quế chụp lại từ Tư liệu của Trung tâm Lưu trữ nhân dân Phần Lan

Nhưng, trong tùy bút nổi tiếng đó, Nguyễn Tuân chỉ viết “Từ hôm xách va ly ra tàu qua nước này nước khác, thế là mấy tháng rồi; ở nhà đã hoàn thành tiếp quản Hải Phòng rồi, đất đai miền Bắc giải phóng toàn bộ rồi...” Vậy nên chúng ta không biết được hội nghị diễn ra khi nào, trong thời gian bao lâu, đoàn Việt Nam đến Helsinki lúc nào và bằng phương tiện gì. Vì thế có người mến mộ Nguyễn Tuân từng nghĩ nhà văn và đoàn đại biểu Việt Nam đã “vượt đại dương” đến Helsinki bằng tàu biển!

Thật may, Cơ quan Lưu trữ nhân dân Phần Lan hiện còn lưu giữ tất cả những tư liệu, hiện vật liên quan đến Hội nghị này. Trong số hàng trăm trang văn bản của Hội nghị, có một mẩu giấy chỉ bằng một nửa tờ A4, trên đó có ghi các thông tin cho biết: Đoàn đại biểu Việt Nam đến Helsinki bằng tàu hỏa lúc 23 giờ 30 phút (được sửa lại bằng mực xanh viết tay: 20 phút) ngày 19.6 cùng với đoàn đại biểu Liên Xô và Trung Quốc. Tất cả gồm 106 người. Nơi đến là ga tàu hỏa trung tâm Helsinki.

Như vậy đoàn Việt Nam đã đi bằng tàu hỏa đến Bắc Kinh, sau đó đi từ Bắc Kinh đến Moscow rồi từ đó đi đến Helsinki qua St. Petersburg.

Trong phần chú thích dưới một bức ảnh chụp đoàn Việt Nam, in trong bản tin số 3, ngày 23-6 bằng tiếng Pháp của hội nghị có viết: “Đoàn đại biểu Việt Nam gồm 12 thành viên chính thức và 5 quan sát viên đến Helsinki sau chuyến đi 12 ngày, chuyến đi đã đưa họ từ Bắc Kinh đến thủ đô Phần Lan.”

Trong một tư liệu khác có ghi đoàn Việt Nam rời Helsinki ngày 30-6. Như vậy, kể từ ngày đến là 19-6 cho đến ngày rời đi, đoàn đại biểu Việt Nam ở Phần Lan tất cả 10 ngày, đúng như nhà văn Nguyễn Tuân đã viết: “Chúng tôi ở đây mười ngày mỗi ngày họp trả tiền ăn mỗi người là sáu đồng đôla, nó là cái tiêu chuẩn đã khá cao của đoàn đại biểu ta đi hoạt động quốc tế.”

Ba đại biểu của đoàn Việt Nam là Lê Đình Thám, Phan Van Chuong (Phan Văn Chương) và Pham Khac Quang (Phạm Khắc Quảng) đã tham gia đoàn Chủ tịch cùng với 143 đại biểu khác, điều khiển các phiên họp của Hội nghị. Trong số hàng trăm tấm ảnh chụp hội nghị còn lưu giữ, có một số ảnh chụp đoàn Việt Nam, người xuất hiện nhiều nhất là trưởng đoàn Lê Đình Thám, trong đó có ảnh ông đang đọc tham luận tại hội nghị.

Đặc biệt Bản tin số 3 (bằng tiếng Pháp) của hội nghị có in bài phát biểu của ông Lê Đình Thám và lời chào mừng của Ủy ban Bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam gửi hội nghị. Ngoài ra, một số tư liệu khác cho biết trong thời gian hội nghị, đoàn Việt Nam có các cuộc gặp với đoàn Algeria (ngày 23-6). Các đoàn Việt Nam, Campuchia và Pháp có cuộc gặp gỡ và cuối buổi gặp hai đoàn Việt Nam và Campuchia đã tặng quà lưu niệm cho đoàn Pháp (ngày 28-6).

Một tư liệu của hội nghị còn cho biết trong hội trường dựng một cây thông thẳng tắp cao hàng chục mét được đưa từ rừng ở một làng cách Helsinki gần 100km về để biểu thị lòng hiếu khách của nước chủ nhà. Sau khi hội nghị kết thúc, cây thông này được cắt ra từng mẩu nhỏ và tặng cho các đoàn làm kỉ niệm. Tôi chợt nghĩ không biết đoàn Việt Nam có nhận và mang về vật lưu niệm đó không.

Nhiều tấm ảnh đen trắng chụp lúc các đại biểu ăn uống, giải lao. Mặc dù đã trải qua 70 năm, song chất lượng ảnh vẫn còn tốt, đủ để nhận rõ những gì mà nhà văn Nguyễn Tuân miêu tả trong Phở là không quá lời.

Trong thời gian hội nghị, các đoàn đại biểu đã tham dự ngày lễ hội Hạ chí (Juhannus) ở Helsinki và Espoo. Một tư liệu cho biết chiều tối ngày 26-6 đoàn Việt Nam cùng với đoàn Trung Quốc, một số đại biểu đoàn Ấn Độ và một số đại biểu đoàn Pháp đã đến dự đêm hội hạ chí ở Otaniemi, một vịnh ở Espoo, giáp Helsinki. Nguyễn Tuân cũng tham gia sự kiện này nên ông đã viết trong tùy bút Phở: “Quanh hồ khu Ô-ta-ni-ê-mi, chúng tôi ngồi dưới rừng thông xanh phân tích với nhau xem tại sao lòng dạ mấy người đang thấy nhớ thương một cái gì xa xôi lắm… Có người bèn chỉ tay thẳng xuống nền cỏ bờ hồ Phần Lan, buông thõng một câu: Bây giờ có ngay một gánh phở đỗ bên bờ hồ này, thì tớ đả luôn sáu bát!”

Nguyễn Tuân từng kể với nhà văn Phan Hồng Giang rằng: “Ở xa quê hương nhớ cái gì?… Nhớ cái mùi vị không nơi nào trên trái đất này có - mùi vị phở - rồi viết ra.” Nhưng, hai năm sau Phở mới được đăng trong 2 số đầu tiên trên tạp chí Văn của Hội Nhà văn Việt Nam, số 1 và số 2 ra ngày 10-5 và 17-5-1957, tức chỉ một tháng sau ngày Hội Nhà văn ra đời.

Có thể nói rằng, nếu như không có tùy bút Phở của Nguyễn Tuân thì ngày nay chúng ta không biết Việt Nam từng có một đoàn đại biểu tham dự Hội nghị Hòa bình thế giới ở Helsinki cách đây 70 năm. Ngược lại cũng có thể khẳng định rằng nếu như Nguyễn Tuân không có mặt ở Helsinki trong 10 ngày hội nghị đó thì chắc rằng bạn đọc không được thưởng thức tác phẩm Phở đặc sắc của ông. Bởi lẽ ẩm thực của đất nước Bắc Âu này không hợp với khẩu vị của ông và đa phần người Việt khiến ông và các thành viên trong đoàn thèm nhớ món quê nhà, nhất là phở.

“Này, các cậu có thấy món ăn ở Phần Lan có nhiều cái rất kỳ quặc không. Thịt bò rán, lại phết mứt công-phi chua ngọt sắt lên trên. Cam chanh lại ăn kèm với cá gỏi. Cơm lại ướp vào tủ nước đá, mình thấy đĩa cơm có khói, lúc ăn buốt đến chân răng. Nghệ thuật ẩm thực tôi gọi tên là lối nấu nướng của trường phái lập thể. Cho nên tôi càng thấy cần phải trở về với món quà cổ điển rất tính chất dân tộc của ta, tức là phở.”

Thật ra, món “thịt bò rán” mà nhà văn được thưởng thức ở đây là thịt tuần lộc được ăn với mứt làm từ quả việt quất - món đặc sản nổi tiếng nhất của Phần Lan mà thường chỉ có khách quý mới được chiêu đãi. Chỉ vì nó không hợp với khẩu vị của Nguyễn Tuân cũng như nhiều người trong đoàn nên các vị thấy lạ và không ngon.

“Xứ Phần Lan rừng thông trùng trùng xanh ngắt, nước hồ biếc biếc, phụ nữ da trắng một màu tượng tuyết, gái trai quần áo len ngũ sắc người nào cũng như nai nịt sắp biểu diễn điền kinh. Mình thành ra lạc lõng vào một thế giới vật chất nó sạch sẽ quá, sạch đến cái mức tạo cho tôi một thứ nghi ngờ nơi đây là một ấn tượng giả tạo. Cảnh và người Hen-xanh-ky, ví phỏng đây đó lem nhem đi ít chút, có lẽ tôi dễ thân gần hơn.” Đó là một đoạn mở đầu trong tùy bút Phở.

Chuyến đi của Nguyễn Tuân và đoàn đại biểu Việt Nam tới Phần Lan diễn ra cách đây 70 năm, song ai đã từng một lần đến đất nước này khi đọc đoạn văn trên đều dễ dàng nhận thấy nhà văn đã miêu tả rất đúng cảnh sắc và con người Phần Lan, vào mùa hè. Bởi chỉ có vào mùa hè rừng thông mới “xanh ngắt” và nước hồ mới “biếc biếc một màu”, còn vào mùa đông thiên nhiên Phần Lan chỉ có màu trắng toát của tuyết hoặc màu xám xỉn, tối mờ với cây cối trụi lá vào những ngày không có tuyết và thiếu vắng ánh sáng mặt trời. Song sự sạch sẽ và ngăn nắp của phố phường nơi đây thì vẫn như xưa, thậm chí còn sạch hơn vào thời Nguyễn Tuân đến.

Chưa dám chắc Nguyễn Tuân là người Việt Nam đầu tiên đến Phần Lan, song tôi tin rằng ông là nhà văn Việt Nam đầu tiên có mặt ở xứ sở Bắc Âu này vào những ngày đêm trắng; và Nguyễn Tuân cũng là nhà văn Việt Nam đầu tiên viết về Helsinki cũng như ẩm thực của nước này.

Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Từ ngày em tới - Thơ Khuê Việt Trường

Baovannghe.vn- Ta vốn vậy, vốn quên điều cần nhớ/ Những sớm mai chạm phố với mặt trờ
Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Mời quý vị đón đọc báo Văn nghệ số 29/2025

Baovannghe.vn - Báo Văn nghệ số 29 ra ngày 19/7/2025 có các nội dung sau đây:
Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Điểm thi TN PTTH không "gây sốc" nhưng buộc các trường nhìn nhận lại cách dạy và học

Baovannghe.vn - Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, thành công của kỳ thi 2025 đến từ việc mạnh dạn đổi mới theo hướng đánh giá năng lực thay vì kiểm tra kiến thức thuần túy. Việc học sinh được chọn môn thi theo sở trường đã tạo cơ hội để các em phát huy năng lực cá nhân.
Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Triển lãm "Nối" - Sự giao thoa giữa di sản và nghệ thuật đương đại

Baovannghe.vn - Chiều 14/7, tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm Nối với sự hiện diện của đông đảo họa sĩ, khách mời và công chúng yêu mến nghệ thuật, đánh dấu chặng mở đầu cho hành trình nghệ thuật kéo dài hơn hai tuần giữa lòng di sản.
Tiểu ban Nội dung Triển lãm thành tựu Đất nước họp phiên thứ Nhất

Tiểu ban Nội dung Triển lãm thành tựu Đất nước họp phiên thứ Nhất

Baovannghe.vn - Thứ trưởng Tạ Quang Đông vừa chủ trì cuộc họp Tiểu ban Nội dung Triển lãm thành tựu Đất nước nhân dịp kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh.