1. Thể loại khoa học viễn tưởng luôn có sức hấp dẫn đối với đại chúng bởi nó đưa người đọc vào những không gian kì bí, vừa logic vừa phi logic, từ đó kích thích tưởng tượng của người đọc, khiến người đọc vừa thích thú, vừa hồi hộp.
Đặc biệt, nhiều tác phẩm khoa học viễn tưởng đã vượt ra bên ngoài địa hạt ngôn từ, được chuyển thể thành phim và nhanh chóng trở thành bom tấn trong lĩnh vực điện ảnh. Cũng giống như fantasy, khoa học viễn tưởng (sci-fi) là một thể loại có một sự hiện diện hết sức khiêm nhường trong đời sống văn chương Việt cho đến trước khi các bản dịch truyện, tiểu thuyết cùng điện ảnh giả tưởng thế giới được giới thiệu, phát hành và gây nên những cơn sốt trong công chúng độc giả trẻ. Sự cập nhật những bước tiến mới của thể loại khoa học viễn tưởng đương thời, bởi thế, chính là một thành tựu mà văn học dịch đem lại trong giai đoạn này. Những năm đầu thế kỉ XXI, có thể nói, thực sự là khoảng thời gian rực rỡ về mảng dịch thuật truyện viễn tưởng, đồng thời cũng là thời kì nở rộ của truyện viễn tưởng Việt.
Một số tác phẩm văn học thể loại khoa học viễn tưởng. Ảnh minh họa |
Trước đó, trong khoảng từ những năm sau 1945 cho đến trước 2000, khoa học viễn tưởng đã được dịch, chủ yếu là các tác phẩm của Nga và Liên Xô như Vùng đất Xan-nhi-cốp, Những cuộc phiêu lưu của Xe-muy-en Pinh, Bột mì vĩnh cửu, Ở xứ cỏ rậm... Một số tác phẩm sci-fi kinh điển Âu - Mĩ cũng đã được dịch ở Việt Nam trước đó như Kẻ vượt thời gian của H.G.Wells hay du hành về không gian như Hai vạn dặm dưới đáy biển của Jules Verne. Từ nửa cuối thế kỉ XX, bản thân khoa học viễn tưởng trên thế giới đã có những bước chuyển mình quan trọng, bứt thoát khỏi mô thức và quán tính cũ của thể loại này. Thay vì ca ngợi các phát minh, văn học viễn tưởng thế giới đề cập nhiều hơn đến hệ lụy của các phát minh, vấn đề đạo đức khi đối diện với những thành công về kĩ thuật và công nghệ, và đặc biệt, sự khủng hoảng về nhân tính. Nhiều tác phẩm văn chương viễn tưởng viết về hiểm họa và nguy cơ sinh thái, cũng như đặt lại vấn đề về mối quan hệ giữa con người với thế giới tự nhiên đã được dịch, chẳng hạn: Mùi Adam của Jean-Christophe Rufin (Nxb Phụ nữ, 2012), bộ ba Kiến, Ngày của kiến và Cách mạng kiến của Bernard Werber (Nhã Nam, 2014). Những tác phẩm như Chuyện người tùy nữ của Margaret Atwood (Nhã Nam, 2009), Chúng tôi của Zevgeny Zamyatin (Tao Đàn, 2017), Thế giới mới tươi đẹp của Aldous Huxley (2017, Phương Nam), Đấu trường sinh tử của Suzanne Collins (Nhã Nam, 2018), 451oF của Ray Bradbury (Nhã Nam, 2018)… lại đặt vấn đề về sự nguy hiểm của một nhà nước toàn trị dùng công nghệ để kiểm soát người dân một cách phi nhân, bạo lực. Việc dịch truyện viễn tưởng sang tiếng Việt, như thế, có thể nói, đã thực sự mang tính cập nhật và gần như chuyển tải được những nhánh truyện viễn tưởng mới đáng chú ý của thời hiện tại. Nhìn từ các tác phẩm khoa học viễn tưởng đã được chuyển ngữ, có thể thấy, các nhà văn của thể loại này đang càng lúc càng ý thức sâu sắc hơn về tính cảnh báo và phản biện của thể loại. Điều này khiến sci-fi có sự chất vấn lại với chính những mô thức, mô-tip cũ của nó. Sự chuyển mình này của khoa học viễn tưởng, đương nhiên, có những tác động rõ nét đến các sáng tác thuộc thể loại này ở Việt Nam.
Khoa học giả tưởng ở Việt Nam, nếu truy nguồn gốc, có thể thấy lác đác một vài hiện tượng được xuất bản từ những năm đầu thế kỉ XX, chẳng hạn các ấn phẩm như Thám hiểm mặt trăng, Trên Hỏa tinh (1941) của Vũ Tinh (Hoa-mai xuất bản, phỏng theo tác phẩm trong tủ sách Livres Roses của Pháp). Sang giai đoạn 1945 - 1975 có thể kể tới Lưu Văn Khuê với Hành tinh màu da cam (1981). Đến đầu thế kỉ XXI, cuộc đổ bộ của dòng văn chương giả tưởng thế giới có thể nói là nguyên nhân cốt yếu đưa đến sự nở rộ của thể loại này trong văn học Việt Nam đương đại. Những cái tên như Phan Hồn Nhiên, Hà Thủy Nguyên, Cao Việt Quỳnh, Bùi Chí Vinh, Nguyễn Bình, hay có thể kể thêm Trần Tiễn Cao Đăng là minh chứng cho điều đó, dù phải thừa nhận, chưa hẳn tất cả những thể nghiệm này đã có được ngay thành công trong khả năng định hình một dòng mạch văn học giả tưởng mạnh mẽ và độc đáo trong đời sống văn chương Việt.
Dễ nhận thấy, đa số tác phẩm viễn tưởng Việt đều chịu ảnh hưởng sâu rộng của các tác phẩm nước ngoài. Một tác phẩm tiêu biểu cho dạng thức mô phỏng hay vay mượn các yếu tố viễn tưởng phương Tây là trường hợp tác giả nhỏ tuổi Nguyễn Bình với cuốn tiểu thuyết dày 200 trang Cuộc chiến với hành tinh Fantom. Dấu ấn của một độc giả và một ngòi bút quốc tế thể hiện khá rõ qua sáng tác của Nguyễn Bình: từ cốt truyện một nhóm thanh thiếu niên đứng lên bảo vệ trái đất đến việc xây dựng tất cả các nhân vật anh hùng đều mang quốc tịch Mĩ, từ những hiểu biết về lịch sử thế giới đến các mẫu hình viễn tưởng như người ngoài hành tinh, đĩa bay, chiến tranh vũ trụ… Khi được hỏi vì sao không xây dựng nhân vật là người Việt Nam, Nguyễn Bình cho biết, là bởi các địa danh, các sự kiện khoa học do thế giới công bố dễ dàng được tra cứu trên internet hơn, và khối lượng kiến thức về chúng cũng nhiều hơn, vì vậy cậu chọn phác họa nhân vật và câu chuyện theo cách “hướng ngoại”. Nói cách khác, những mô thức tiêu biểu nhất của một tác phẩm viễn tưởng phương Tây đã được sử dụng lại và giữ nguyên cấu trúc trong các tác phẩm như Cuộc chiến với hành tinh Fantom - một hướng mô phỏng truyện viễn tưởng sơ giản nhất của văn chương Việt. Hướng đi này được tiếp nối nhưng dưới một hình thức có phần nhuần nhuyễn và thoát dần ra khỏi được “cái bóng” của truyện viễn tưởng Anh - Mĩ hơn qua các sáng tác của những tác giả trẻ sau này như Cao Việt Quỳnh, với bộ ba ấn phẩm Người sao chổi: Cuộc tấn công của đội quân sao hỏa, Cuộc chiến vòng quanh thế giới, Cuộc nổi dậy của robot. Bối cảnh không gian toàn cầu (Pháp, Anh, Ai Cập…) cùng các mô-tip quen thuộc như vòng quanh thế giới, giải cứu trái đất, siêu năng lực, trí tuệ nhân tạo… dù vẫn được tái lặp, nhưng một nỗ lực “Việt hóa” thể loại đã được manh nha khi những địa danh cụ thể và mang tính thân quen hơn đã bước đầu trở thành bối cảnh cho các diễn biến trong truyện: hòn đảo Bông Lúa, thị trấn Rừng Sác, sân bay Cần Giờ… Ở Hà Thủy Nguyên, tính đối thoại với bộ khung giả tưởng phương Tây đã bước đầu trở thành ý thức của nhà văn trong quá trình viết truyện. Với Thiên Mã, Hà Thủy Nguyên gần như muốn thách thức lại sự phân chia fantasy/ sci-fi vốn đuợc xem là hai nhánh riêng biệt của văn chương hư cấu. Người viết gần như muốn giải bỏ toàn bộ các mã thần thoại và tìm cách lí giải lại chúng dưới điểm nhìn khoa học. Và đương nhiên, không thể không nhắc tới Phan Hồn Nhiên với những dấn thân và nỗ lực làm mới không ngừng đối với tiểu loại này. Cô tin rằng cũng như fantasy, sci-fi là “lãnh địa của những người viết trẻ, bởi tinh thần tự do, cơ hội dấn thân, tính bay bổng, vượt qua rào cản và khả năng thử nghiệm rộng lớn mà hai thể loại này mang đến”. Những công nghệ đầy tính cập nhật như nhân bản vô tính, kĩ thuật di truyền, những tri thức vi sinh phức tạp, và máy móc tối tân…, tất cả đều hiện diện trong truyện của Phan Hồn Nhiên. Bên cạnh đó, mỗi tác phẩm của cô còn là một câu chuyện về hành trình “coming age” của giới trẻ Việt, gắn với những lựa chọn về thái độ và giá trị sống.
2. Việt Nam không (và không thể) nằm ngoài vòng xoáy công nghệ toàn cầu trong thế kỉ XXI. Đây cũng chính là tiền đề để việc dịch và tiếp nhận các tác phẩm viễn tưởng mang tinh thần hậu-nhân văn của phương Tây được thúc đẩy trong thời điểm này, trong đó có thể kể tới một số ấn phẩm văn học dịch tiêu biểu như: Thế giới mới tươi đẹp của Aldous Huxley (2017), Mãi đừng xa tôi của Ishiguro Kazuo (2018), Người máy có mơ về cừu điện không? của Phillip K.Dick (2020)… Các tác phẩm khoa học giả tưởng theo khuynh hướng hậu nhân văn, dù chỉ mới manh nha ở Việt Nam nhưng ngay từ đầu đã có được những dấu ấn rất riêng và đặc biệt gắn kết với đời sống Việt. Ấn phẩm Nym-Tôi của tương lai của Nguyễn Phi Vân được phân tích dưới đây là một ví dụ như thế.
Dù vậy, trước khi đi sâu vào tác phẩm của Nguyễn Phi Vân như một trường hợp tiêu biểu của thể loại viễn tưởng hậu nhân văn đương đại, có lẽ không thể bỏ qua vở kịch Hoa cúc xanh trên đầm lầy của Lưu Quang Vũ - một tác phẩm tiên phong về cyborg của văn học Việt Nam. Chịu ảnh hưởng từ truyện ngắn Hoa cúc xanh và vở kịch R.U.R (Các robot toàn năng của Rossum) của Karel Capek, lần đầu tiên, Lưu Quang Vũ đã đưa những vấn đề về người máy, trí tuệ nhân tạo, đi kèm với đó là nhân tính và tham vọng dùng công nghệ để đoạt quyền tối thượng của Chúa... vào văn chương Việt. Các robot trong R.U.R hay Hoa cúc xanh trên đầm lầy, đương nhiên, cũng không nằm ngoài mục đích ấy. Tất cả robot lao động trong kịch của Kapek hay “robot vệ sĩ” và “robot bác học” trong kịch của Lưu Quang Vũ đều là những nhân vật đậm tính chức năng như thế. Sự tạo thành và vận hành của chúng tưởng chừng tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc mà Asimov từng đặt ra khi ông nói về việc tạo hình robot trong truyện viễn tưởng: (1) robot không gây thương tích cho con người, hoặc, thụ động cho phép con người làm hại; (2) robot phải tuân theo mệnh lệnh của con người đưa ra trừ trường hợp những mệnh lệnh ấy trái với luật tắc; (3) robot phải bảo vệ sự tồn tại của chính nó miễn là việc bảo vệ đó không xung đột với luật tắc (1) và (2). Đối lập lại với những nguyên tắc có tham vọng bảo toàn một vị thế toàn năng bất khả xâm phạm ấy của giống người (human beings), Karel Kapek bắt chúng ta phải đối mặt với những câu hỏi mang tính đạo đức khi ý thức lại việc chúng ta đã khiến robot (hay cyborg) trở nên ngày một giống với chính mình (từ nhân hình cho đến trí tuệ) nhưng đồng thời lại cũng “nô lệ hóa” chúng, bóc lột chúng như bóc lột một giống người mạt hạng và không tiếng nói. Cách đặt vấn đề này của Kapek khởi đầu cho những chất vấn về tính cao cả của cái gọi là “chủ nghĩa nhân văn”, ngay khi xem xét lại mối quan hệ của con người với người máy. Chủ đề này cũng được Lưu Quang Vũ nối tiếp trong tác phẩm của mình khi ông để chính những cyborg đứng lên đặt câu hỏi về sự giam cầm, việc bị tước đoạt tự do và cảnh sống phục tùng mà họ phải chịu. Đó là Vân B, một họa sĩ - người máy được kĩ sư Hoàng tạo ra chỉ để lao động nghệ thuật và cống hiến những thành tựu ấy cho sự thưởng ngoạn của con người.
Chưa phải là một tác phẩm thực sự xuất sắc, nhưng Nym-tôi của tương lai của Nguyễn Phi Vân có lẽ sẽ là một khởi đầu đáng kể cho hướng viết hậu nhân văn của thể loại khoa học viễn tưởng ở Việt Nam. Chọn điểm nhìn từ một người máy, đường phân giới tưởng chừng tuyệt đối mà con người từng tự tin giữa người và máy bị nghi ngờ hơn bao giờ hết. Trong cảm nhận của Nym - nhân vật chính trong truyện, cậu bé robot tự thấy mình mỗi lúc một “người hơn hẳn”, hay thậm chí, giúp con người tự phản tỉnh về chính sự robot hóa của bản thân mình.
Từ góc nhìn của một người máy, tác phẩm của Nguyễn Phi Vân đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết và sát sườn với xã hội Việt Nam đương đại như việc giáo dục nhồi nhét: “Thế kỉ XXI rồi, đâu còn thời gian để loanh quanh, ôm mớ kiến thức cũ sì mơ tương lai bất định”; nỗi cô đơn do bạn bè trên mạng thì nhiều, ngoài đời thì ít: “Nym thấy mấy bạn sao mới độ tuổi này mà cô đơn quá. Sinh ra đã là công dân số, hiện diện sôi nổi online nhưng kiếm một người nói chuyện hổng có ra. (…) Bạn bè thì đong bằng thúng, tính bằng đơn vị trăm, ngàn. Nhưng chỉ like dạo và ấn mặt cười mặt dữ”; sự đứt gãy các mối quan hệ trong gia đình: “Buổi tối ấm cúng của ngày xưa giờ trở thành sự hội ngộ của những con người không liên quan”. Và sự đổ vỡ trong quan hệ giữa người với người càng lớn, sự lấn chiếm của máy móc vào những địa hạt riêng tư ngày càng cao.
Sau khi mượn lời một nhân vật robot giả tưởng để dẫn dắt người đọc qua vô số những thành tựu và thực tiễn công nghệ của “kỉ nguyên tech”, Nym khép lại bằng một “bức thư tay gửi từ tương lai”. “Người mẹ viễn tưởng” này đã chọn một phương thức “non-tech” nhất để truyền tải những suy nghĩ và tâm sự của mình. Điều ấy không phải ngẫu nhiên. Bởi cá tính của mỗi con người, sự khác biệt của từng cá nhân (trong thế đối lập với tính hàng loạt và lập trình của máy móc) được thể hiện ở đâu rõ hơn là những nét bút. Cũng trong bức thư này, người mẹ ấy nhắc tới những cảm giác tinh tế và liên tưởng mà không một máy móc nào dù thông minh đến đâu có thể có được: “Lá thư tay mẹ viết cho con vì không công nghệ nào chở nổi yêu thương của mẹ. Robot, AI làm sao nghe hạt gạo xúc xắc cười?”. Và cái giả thiết về một “người mẹ số” được đưa ra như một phép thử cho khả năng thay thế một người mẹ bằng xương bằng thịt đang phải đối mặt với sự chia cắt sinh li tử biệt với đứa con mình yêu thương: “Hôm qua, một bạn bot của công ti Afterlife - Kiếp sau gọi điện bán cho mẹ gói dịch vụ ‘người mẹ số’ làm quà cho con khi mẹ sẽ ra đi”. Sự tái hiện hình hài, giọng nói, và mô hình tương tác, ở một tương lai không xa, đã là hoàn toàn có thể: “Công nghệ có thể lục tung mạng xã hội, tìm kiếm ngôn từ, video, ráp lại thành bản copy số, có giọng nói và cách tương tác chẳng khác gì người thật”. Nhưng những nhịp rung động thầm kín sâu xa nhất trong lòng người mẹ, những mâu thuẫn vô cùng của yêu thương bảo bọc và mong chờ con khôn lớn, những lắng lo thấp thỏm không nói nên lời…, tất cả những điều ấy đều không thể chuyển hóa thành dữ liệu, không thể thành những ứng dụng có thể cài đặt trên máy móc: “Mẹ đi rồi, ‘người mẹ số’ có thấp thỏm trong lòng khi nghe con tâm tình bao ước vọng tương lai? Có cố dằn nén âu lo, mong chờ nhìn con mình bình an, hạnh phúc? Mẹ đi rồi, con sẽ muốn giữ riêng cho mình điều gì nhỉ? Tiếng càm ràm, giọt lặng lẽ, áng hân hoan, hay nỗi đau một chiều mưa như trút? Số ảo nào chở được tình yêu thật?...”. Và có lẽ, chính việc lưu giữ những ấn tượng rất riêng về mẹ sẽ khiến đứa con, dù thuộc thế hệ “tương lai của thực tế ảo tăng cường”, vẫn giữ được trong mình phần căn cốt nhất của một con người.
Công nghệ vốn và vẫn luôn là chìa khóa và xương sống của truyện khoa học viễn tưởng. Nếu như trước kia chỉ công dân của các nước có tiềm lực khoa học lớn mới được thụ hưởng những thành tựu khoa học đầu tiên và từ đó, có nhiều tiền đề hơn để nuôi dưỡng tưởng tượng về công nghệ mới, thì bây giờ, công chúng và người sáng tạo Việt Nam có một vị thế khá bình đẳng so với các nước khác trên thế giới. Cảm thức về một đời sống hậu nhân văn gắn với sự khủng hoảng về căn tính nhân văn cũng là một vấn đề sát sườn và không hề xa lạ với mỗi chúng ta. Và điều kiện ấy, rất có thể, sẽ hứa hẹn một bước đi mới cho truyện viễn tưởng Việt Nam trong tương lai gần.
Nguồn VNQĐ