![]() |
Ảnh minh họa nguồn Internet |
Tôi vừa đọc tin tức về một đồng nghiệp trẻ - mới hơn 40 tuổi - ra đi vì ung thư phổi. Vợ khóc hết nước mắt, con thơ dại đứng ngơ ngác bên di ảnh bố. Điếu thuốc chính là nguyên nhân đưa đến cảnh chia lìa này sau 20 năm anh nghiện nó. Hút từ hồi sinh viên, hút vì “đàn ông thì phải làm vài điếu cho ngầu”, hút vì rẻ quá, tiện quá, hút lúc nào không biết, nghiện lúc nào không hay… và bệnh lúc nào cũng không kịp trở tay.
Buồn. Nhưng cũng không lạ. Bởi cậu ý chỉ là một trong hơn 100 nghìn sinh mạng ở Việt Nam rời bỏ cuộc sống mỗi năm vì điếu thuốc, trong đó, 84 nghìn người là hút trực tiếp, còn 18 nghìn chỉ “hít ké” cũng bị “lên đường”! Ai bảo thuốc lá chỉ hại người hút? Mà là… độc cả làng!
Chồng cô bạn tôi cũng nghiện thuốc lá lâu năm, bị bệnh tim nặng, phải mổ. Bác sĩ bảo hút thuốc lá là nguyên nhân, nhưng vẫn tiếp tục hút. Thế là sắp tới gia đình lại chuẩn bị khoảng 1 tỷ để thay van tim lần 2 cho ông ấy.
Cả nước đang có khoảng 16 triệu người hút thuốc lá - như những ống khói mini ở khắp mọi nơi! Mà, thuốc lá có tới 69 chất gây ung thư, nên hút nhiều mà bảo không “dính” mới lạ. Ngoài ung thư, thuốc lá còn gây ra đột quỵ, nhồi máu cơ tim, phổi tắc nghẽn mãn tính vv… Chả trách sao nhiều người đột quỵ thế!
Thuốc lá độc hại, nên bệnh do thuốc lá ở Việt Nam rất nhiều, nhưng lại có nghịch lý rất buồn cười ở nước ta là thuốc lá rẻ như cho: Một bao thuốc giá chỉ 7.000-8.000 đồng, tức là rẻ hơn cả một hộp sữa cho trẻ con, rẻ hơn cả bữa sáng gói xôi, ổ bánh mì. Với mức giá như cho ấy, chẳng trách gì từ cậu học sinh cấp 2, đến bác xe ôm, anh công nhân, rồi cả chú doanh nhân… ai cũng có thể hút. Hút vì rẻ. Hút vì dễ mua. Và rồi nghiện lúc nào chẳng biết.
Mà rẻ là do thuế thuốc lá quá thấp. Lâu nay, Việt Nam cứ “lạc lõng” với mức thuế thuốc lá chỉ 36%, bất chấp mức bình quân của thế giới là 62%, còn WHO khuyến nghị là 75%.
Ai cũng hiểu muốn hút ít đi, thì giá phải đắt lên, để người hút phải... nghĩ lại mỗi lần châm lửa, vì “đau ví”, như mấy bạn YouTuber kể sang Sri Lanka phải mua với số giá quy ra tiền Việt khoảng 300.000 đồng/bao, hay Singapore là 270.000 đồng/bao, Thái Lan 110.000 đồng/bao, Philippine 80.000 đồng/bao, nên ai cũng hút rất rụt rè.
Khi giá thuốc càng cao thì người nghèo càng rụt rè hơn, kiểu “thôi để tiền đó mua cho con hộp sữa, hơn là mua ung thư vào người”. Thế là vừa cứu ví tiền của họ, vừa cứu họ khỏi bệnh tật.
Thế nhưng, cũng rất nghịch lý là cứ nhắc đến chuyện tăng thuế thuốc lá, là y như rằng có người nhăn mặt, phản đối, như thể đang “động vào lợi ích” ghê gớm lắm. Trong khi, ở các nước văn minh, họ đánh thuế cực cao vào thuốc lá để hạn chế người hút, đồng thời thu về ngân sách lớn đầu tư cho y tế.
Tôi từng sang Thái Lan công tác. Ở đó, thuế thuốc lá lên tới gần 79% giá bán lẻ, còn Philippines thì nâng thuế 340% so với trước. Kết quả là người hút giảm, tiền thu thuế tăng, và họ lấy số tiền đó nâng cấp bệnh viện, mua máy móc, cải thiện bảo hiểm y tế, phục vụ dân. Một chính sách vừa có tác động y tế, vừa tác động kinh tế, gọi là lợi đôi đường.
Trong khi Việt Nam, thuế thuốc lá chưa bằng một nửa của Thái Lan. So với mức WHO khuyến cáo thì chúng ta còn quá xa. Chính mức thuế thấp này khiến giá thuốc lá rẻ mạt và người ta hút tràn lan.
Chưa kể, thiệt hại từ thuốc lá nó KHỦNG KHIẾP lắm!
Mỗi năm cả nước “đốt” tới 108 nghìn tỷ đồng (tương đương 1,14% GDP) để điều trị các bệnh do thuốc lá gây ra như ung thư, đột quỵ, nhồi máu cơ tim... Trong khi thu từ thuế thuốc lá chỉ hơn 20.000 tỷ, bằng 1/5 số chi ra. Tức là, lỗ ròng khoảng 90.000 tỷ mỗi năm.
Mà càng trì hoãn tăng thuế thuốc lá, hoặc tăng không đáng kể, sẽ có thêm rất nhiều người vô tội mắc bệnh, thậm chí ra đi sớm vì thuốc lá.
Nói không ngoa chứ, hút thuốc xong, Nhà nước vừa mất tiền thuế, vừa phải bỏ tiền ra chữa bệnh cho dân, vừa mất người lao động ở tuổi sung sức nhất. Lỗ chồng lỗ!
Trong khi đó, chỉ cần tăng 2.000 đồng/bao từ năm 2026, ngân sách có thể thu thêm 24.000 tỷ mỗi năm. Nếu tăng tiếp lên 6.000 đồng/bao vào 2030, có thể thu về 40.000 tỷ đồng/năm - đủ để xây dựng, mở rộng hàng loạt bệnh viện, mua thêm máy thở, giường bệnh, để không còn cảnh 3 người nằm chung một giường như hiện nay.
Mà nếu mạnh dạn làm theo khuyến nghị của WHO là áp thuế 5.000 đồng/bao từ năm 2026, rồi tăng dần lên 15.000 đồng/bao vào 2030, thì Việt Nam có thể thu về 46.400 tỷ đồng mỗi năm. Với số tiền này, mỗi năm chúng ta xây được gần 10 bệnh viện kiểu Việt Đức, Bạch Mai cơ sở 2. Quá đủ để xóa sổ cảnh “người bệnh chen chúc, bác sĩ quá tải”.
Vấn đề là có dám làm không?
Ngày 11/6, Quốc hội tiếp tục bàn về việc tăng thuế thuốc lá. Đây là thời điểm vàng. Là lúc chúng ta phải cất tiếng nói, phải “làm áp lực lành mạnh” để các vị đại biểu thấy rằng: dân muốn bảo vệ sức khỏe, dân muốn thuốc lá khó tiếp cận hơn, dân muốn tiền thuế được sử dụng để đầu tư cho bệnh viện, cho y tế.
Chúng ta không cấm thuốc lá. Nhưng chúng ta có quyền khiến việc hút thuốc trở nên đắt đỏ, đáng suy nghĩ. Khi giá một bao thuốc là 80.000-300.000 như bên Sri Lanka, Singapore hay Philippines, thì người hút phải “nghĩ lại” mỗi lần châm lửa. Và điều kỳ diệu là, người nghèo sẽ tự bỏ thuốc. Rõ ràng, tăng thuế thuốc lá không làm nghèo người nghèo, mà ngược lại, cứu người nghèo khỏi cái bẫy nghèo – bệnh – chết do thuốc lá giăng sẵn.
Đó mới là chính sách nhân văn.
Đặc biệt, nếu tăng thuế sớm, tiền thu được không hề ít nhé. Chỉ cần tăng 2.000 đồng/bao từ 2026, là đã có 24.000 tỷ/năm. Nếu tăng tiếp lên 6.000 đồng/bao vào 2030, sẽ có tới 40.000 tỷ mỗi năm. Quá đủ để xây mới, nâng cấp bệnh viện, không còn cảnh 3 người/giường nữa.
Nếu Việt Nam mạnh dạn thực hiện theo WHO tư vấn là áp thuế TTĐB 5.000 đồng/bao từ 2026 và tăng dần thành 15 nghìn/bao vào 2030, thì chúng ta không chỉ giảm được số người hút thuốc xuống dưới 36% mà còn có số thu thuế không hề nhỏ là 46,4 nghìn tỷ đồng, đủ xây mỗi năm khoảng 10 cái dự án như Bệnh viện Việt Đức hay Bạch Mai cơ sở 2 ở Hà Nam, bệnh nhân không lo nằm ghép nữa. Số tiền này cũng bằng gần nửa mức ngân sách cần chi để phục vụ cho chủ trương miễn viện phí toàn dân mà Tổng Bí thư chỉ đạo.
Tăng thuế thuốc lá, vừa ngăn được bệnh tật, vừa có khoản thu rất cao để mà miễn viện phí cho dân, như Philipine làm, sao lại không? Đã đến lúc Việt Nam phải tăng thuế thuốc lá ở mức cao nhất để hội nhập, không thể “một mình một ngựa” mãi được.
Cũng xin lưu ý, cả 2 phương án tăng thuế thuốc lá mà Bộ Tài chính trình lên Quốc hội, đúng là tăng hơn trước, nhưng so với mức thuế mà WHO khuyến nghị đều chưa tới. Thế nên, hãy lấy mức của WHO làm chuẩn, không để thuốc lá rẻ như rau muống mà lại gây bệnh như thuốc độc!
“TĂNG NGAY, TĂNG NHANH, TĂNG MẠNH” là khuyến cáo với chúng ta.