Rừng hoa anh đào, rừng thông, nhà rông, rượu cần, cơm lam, khoai, bắp, thịt nướng, cồng chiêng - xoang và thi ca ở Khu Đồi Thông, đường mang tên Quốc Tổ Hùng Vương đã giục giã chúng tôi những du khách, cánh văn nghệ sĩ, báo chí từ Quảng Nam, Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Gia Lai, Huế, Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh...về với Tuần Văn hóa- Du lịch Măng Đen (Kon Plông, Kon Tum) từ ngày 24.12. Thời tiết đỏng đảnh lạnh nhiều mưa lắm nên hoa anh đào hồng phấn - một đặc sản của Măng Đen nở muộn, nhưng không gian văn hóa sử thi cộng đồng ở nơi đây do đồng bào các dân tộc các xã Hiếu, Măng Cành, Đăk Tăng, Đăk Ring và Thị trấn Măng Đen đã nở hoa lòng, ấm nóng nồng nàn bao con mắt hiếu kỳ say đắm với thiên đường văn hóa và du lịch sinh thái, lịch sử, truyền thống Măng Đen.
Biểu diễn múa xoang ở Không gian đồi thông Măng đen |
" Yêu sao chưa về? Say sao chưa đến? Hỡi người thương mến, em ở nơi nao? Mây trôi phiêu bồng. Thông hát chờ mong. Em về dưới nớ. Anh đợi Kon Plông. Chợt nhớ con đường. Núi nhớ mù sương. Ta ươm hoa thắm cho đất dậy hương. Đã yêu thì về. Đã say thì đến. Yêu nhau thì về. Say nhau thì về. Cùng về Măng Đen" Nghe giọng ca bản địa, ca sĩ Đinh Tạm kiêm người dẫn chương trình Măng Đen không gian thiên đường Tây Nguyên hát bài Ngẫu hứng Măng Đen của người bạn thơ Đặng Ngọc Khoa ( báo Thanh Niên) và bạn nhạc, nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa cùng với các cháu thiếu niên đội múa xoang đã làm cho nhiều khán giả muốn nhún nhảy múa hát theo. So với nhiều lần trẩy hội Măng Đen, các chương trình hoạt động năm nay chào mừng sự kiện trọng đại 110 năm thành lập tỉnh Kon Tum thật đa dạng, phong phú, hấp dẫn và đặc sắc như tham quan các vườn hoa anh đào; bảo tồn và phục hồi cấy mô các giống lan; triển lãm văn hóa truyền thống Tây Nguyên; diễn tấu cồng chiêng- xoang, các nhạc cụ truyền thống; thực hành không gian trà đạo. Dưới bàn tay đạo diễn của các ê kíp, nhất là nhà thiết kế Mịnh Hạnh, nhà sưu tầm cổ vật Táy Nguyên, Đặng Minh Tâm, các chương trình đã nâng tầm lên từ hoang dã dân gian đến đẳng cấp nghệ thuật. Năm nhà rông mô phỏng của các dân tộc, các sắc màu thổ cẩm, các quả bí, chè xanh cùng bếp nướng khoai, bắp, bánh tráng, thịt trâu, bò, heo, gà hòa với bàng bạc mù sương làm lễ hội thêm tưng bừng náo động.
Chủ tịch UBND huyện Kon Plông, Đặng quang Hà với phóng viên báo Văn nghệ và Tài Nguyên môi trường |
Các tinh hoa đặc sản tinh thần, vật chất có sẵn của văn hóa bản địa đều được phô diễn, quảng bá một cách đồng điệu, hòa quyện với không gian thông reo, đào nở của xứ lạnh bằng phẳng, rộng lớn Măng Âm dương hài hòa, giữa sôi động, náo nhiệt ấy có Không gian Trà đạo Đông Trường Sơn bên những gốc chè xanh 70 - 80 năm tuổi của anh Nguyễn Công Hội. Trà sạch, trà ngon này không phải từ những vùng chè danh tiếng Tây Bắc, Thái Nguyên mà ngay chính vùng chè ở xã Hiếu, Kon Plông. " Mắt nhìn nhau đối ẩm. Giữa đào, thông Măng Đen. Ấm tự tình hò hẹn. Nghe đất trời diệu thâm. Nâng chén ĐôngTrường Sơn. Nâng hương hoa Trà Việt. Thấy ấm lòng thao thiết Thấy đời xanh, thơm hơn", nhà kinh doanh, trang trí hoa Đào Hà My ở Đà Nẵng, gốc xứ Nghệ chợt ngẫu hứng mấy câu thơ làm tiệc trà có thêm thần sắc. Là người từng học và làm ở Nhật 7 năm, anh Đặng Đình Khánh rất sành điệu nâng chến lên ngang mũi hít hà rồi nhấm nháp, rồi khà: Ơ hay, trà chủ Nguyễn Công Hội nói đây là trà mộc xã Hiếu mà sao nghe ngon đậm đà chát ngọt nơi cổ họng. Thua kém gì các danh trà đâu". Không đợi sáng mai thưởng thức trà Ô Long của người xã Hiếu trồng và chế tác, tôi nâng chén lên thông, lên hoa anh đào mời chén trà tâm giữa lòng đại ngàn. Trà ngon phải thưởng thức cùng hồn thiêng sông núi cảnh vật thiên nhiên cùng người tri âm, tri kỷ Măng Đen thì còn ngon, càng ngon. Với lễ hội Tuần Văn hóa, Du lịch Măng Đen cũng vậy, thành công là ở chỗ chung lòng, chung sức của toàn thể cộng đồng. Trả lời sự thăm dò của chị Lê Thị Thu thành viên của Hội duyên dáng áo dài Việt Nam tại Đà Nẵng về yếu tố xã hội hóa ở lễ hội Măng Đen, anh Bùi Viết Hà, chủ nhân của Khách sạn Bạch Dương nhiều năm gắn bó với Măng Đen tâm sự: "Các nhà báo, nhà văn, nhà thiết kế áo dài Đà Nẵng biết không, mấy ngày hôm nay giữa mưa, rét ướt lạnh, Chủ tịch, Phó Chủ tịch và các anh chị trong các ban ngành đoàn thể đều xắn tay áo lên bưng kê cây cảnh, trang trí sân khấu, nhà rông, vườn hoa, không gian văn hóa. Các cô giáo các trường xúm xít nhau mân mê từng ốc vít, múi điện để bắt trên các cây thông cho lung linh dịu sáng. Anh Đặng Quang Hà, Chủ tịch huyện có tiếng là miệng nói, tay làm, sát sao kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo từng việc nên không ai chểnh mảng.
Tiếp chúng tôi tại Không gian Trà đạo Nguyễn Công Hội, giám đốc Hợp tác xã Trà Đông Trường Sơn, anh Hà, Chủ tịch Ủy bân nhán huyện một lần nữa xác định: Tuần lễ Văn hóa, Du lịch Măng Đen là của toàn hệ thống chính trị, văn hóa, xã hội và các tầng lớp nhân dân. Đồng bào các dân tộc ở huyện vừa là diễn viên vừa là khán giả. Các già làng huy động các cổ vật, hiện vật, thổ cẩm, cồng chiẻng kể cả các đặc sản tiêu biểu sẵn có của làng về trung tâm huyện để trưng bày, trình diễn, quảng bá ra với du khách. 9g30 ngày 26.12, trời nắng lên ấm áp. Chúng tôi về Khách sạn Đồi Thông thăm cây mai anh đào đầu tiên của Măng Đen hé nụ. Nhà thơ Nguyễn Đức Hưng, chuyên viên kiểm soát bệnh tật thuộc Trung tâm y tế huyện Kon Plông khoe: Măng Đen chúng tôi có nhiều chủng loại đào như đào thất thốn, đào phai, đào gốc, nhưng chủ công vẫn là mai anh đào có nhiều ở Khu 37 hộ, hồ Đăk Ke, khu trung tâm huyện. Đây là nguồn cảm hứng chủ đạo về hoa của anh em văn nghệ sĩ Kon Tum chúng tôi.
Tạm biệt Măng Đen, những cánh hoa mai anh đào như vẫy tay chào chúng tôi trong gió, trong nắng mai. Văng vẳng trong tôi lời tâm đắc của Chủ tịch huyện: "Kon Plông chúng tôi chú trọng phát triển kinh tế bền vững phải dựa vào văn hóa bản địa và giữ gìn môi trường sinh thái, có kế hoạch trồng thêm thông dọc tỉnh lộ, các không gian đồi, các trụ sở cơ quan, các doanh nghiệp: vận động các doanh nhân, doanh nghiệp phát triển khuôn viên, vườn mai anh đào. Riêng huyện sẽ ươm mai anh đào phát cho dân trồng. Có thế, Măng Đen sẽ thay mặt cho Kon Tum và các tỉnh Tây Nguyên tổ chức trẩy hội hoa anh đào"
Lê Anh Dũng