Khuya.
Tôi lịm giấc mơ.
Ơ, hình như có tiếng sáo.
Tiếng sáo vang vọng núi rừng: Đêm qua sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, lối đi sáng tỏ/ Ta theo ngọn gió về nhà/ Mà hồn như còn ngủ ở thắt lưng em/ Đêm qua sao lượn vòng đổi chỗ/ Ngày đã rạng, đường đi sáng rõ/ Ta bám mây về nhà/ Mà hồn như còn ngủ trong tà áo em/...1 Tiếng sáo của chàng trai Mông si tình chợt ngân lên trong mơ khiến tôi thức tỉnh, lòng bồi hồi, miên man nhớ về miền Tây.
Mấy chục năm làm phóng viên báo Yên Bái, tôi đã ngược miền Tây không biết bao nhiêu lần. Bao nhiêu lần là bấy nhiêu kỷ niệm nhớ thương, là bấy nhiêu ký ức in đậm trong trái tim tôi như ngọn gió, như mây ngàn, như tiếng sơn ca hót khắc sâu vào đá núi, không thể phai mờ. Xưa, con đường từ thành phố Yên Bái, qua Văn Chấn, Nghĩa Lộ lên Mù Cang Chải gập ghềnh, khúc khuỷu, xe chạy chẳng khác gì chạy trên sóng biển cứ bập bềnh, nghiêng ngả, bên vách đá cành cây ngả sát sạt mép đường quệt ướt sượt má chàng lái xe, tiếng sơn ca hót ríu còi xe, hoa rừng thơm ngát lòng xe, lá cây rừng bay cuốn bánh xe lăn, xa xa những bản nhà sàn thấp thoáng dưới lùm cây, nghe tiếng thác suối đổ ào ào, chợt ngẩng lên, mắt chạm tầng tầng ruộng bậc thang, thoảng bóng người, núi non xa thẳm, hoang sơ, heo hút, gợi cảm giác buồn man mác. Bây giờ thì, ai dà, con đường chạy nuột êm từ thành phố Yên Bái lên tận phố núi Mù Cang Chải. Bên đường, tít hút hai trăm cây số vòng vèo, vút cao đèo dốc mà mở ra tưng bừng phố núi Mỵ, Ba Khe, Đồng Khê, Sơn Thịnh, Nghĩa Lộ, Liên Sơn, Gia Hội, Nậm Búng, Tú Lệ, Púng Luông, Mù Cang Chải. Vẫn thấp thoáng những bản nhà sàn nhưng xen vào đấy là trường học, trạm xá mái dâng đỏ tươi như hoa chuối rừng, men đường điểm xuyết khối nhà cao tầng kề bên quán sá với đủ thứ nhậu trên rừng dưới biển, nhà hàng với đủ thứ hàng nội, hàng ngoại, hàng nội thì khỏi nói, cứ gọi là tả pí lù la liệt, hàng ngoại thì bán đủ thứ hiện đại từ ô tô, xe máy, ti vi, tủ lạnh, vi tính, radio cho đến rượu Remy Martin, Chivas Regal, Hennessy, Cognac, Cham Panes, Martell, rồi mỹ phẩm Hàn Quốc, Hồng Kông, Italy, Pháp, Trung Quốc. Ô tô, xe máy ngược xuôi náo nức. Ánh điện đêm lấp lánh như sao trời. Ừ thì nhậu cho đã đời. Ừ thì mua sắm cho thỏa thích. Thì thôi! Mà sao với tôi bao chuyện chẳng “thì thôi” được. Là bởi, vào miền Tây, thế nào tôi cũng rẽ lên đèo Lũng Lô để nhớ về một thời tuổi trẻ nước Nam đi chiến dịch Điện Biên Phủ, vút cao “Đèo Lũng Lô anh hò chị hát/ Dù bom đạn xương tan thịt nát/ Không sờn lòng không tiếc tuổi xanh/... (thơ Tố Hữu). Vào miền Tây, tôi thường lên thăm Căng đồn Nghĩa Lộ, tượng đài sừng sững núi cao, nơi đây Tổ quốc ghi công 740 chiến sỹ cách mạng và bộ đội Cụ Hồ chiến đấu hy sinh anh dũng, mở toang “cánh cửa” vào Điện Biên Phủ, cùng toàn quân toàn dân ta đánh tan giặc Pháp xâm lược. Vào đền Nghĩa Lộ và chùa Ngọc Bích, tôi cúi đầu dâng nén hương trầm ngát thơm lên vong linh các tiền nhân đã hy sinh vì đại nghĩa dân tộc. Nặng lòng lắm, ở miền Tây về tôi mãi không quên tình người miền Tây, tình người thân thiện, đón khách nồng nhiệt, mời khách chân thành, thật lòng, tiễn khách lưu huyến. Tôi cứ thèm nhớ da diết vị thơm nồng rượu thóc La Pán Tẩn, ngọt nức mật ong Púng Luông, chua chát táo mèo Nậm Khắt và Háng Gàng; thèm nhớ vị ngọt mát của bưởi Phù Nham, cam Trần Phú, chè Suối Giàng chát ngọt sóng sánh hương rừng, nhãn lồng Sơn Thịnh ngọt lịm núi Trông Pác Mua; thèm nhớ mớ cỏ mần trầu, nắm rau dớn với măng ớt cay chợ Mường Lò; thèm đắm mình trong dòng suối khoáng nóng Trạm Tấu, Cò Cọi và Bản Hốc cho hồng hào, ấm mềm thân thể. Tôi còn chẳng “thì thôi” được cũng là bởi, hun hút xa vời kia là Mù Cang Chải, tuy nghèo nhất nhì cả nước, nhưng cả nước biết Mù Cang Chải. Biết những ngọn núi cao vút trời mây, nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, là ngọn La Háng 2.050m, Kể Cả 2.055m, Hấu Đề 2.240m, Tà Xua 2.282m, Trông Cai Đằng 2.499m, Phu Ba 2.512m, liền liền cùng các ngọn núi Khau Soong, Gia Hội, Nậm Búng, Suối Bu, núi Tè, Khấu Ly, Păng Dê, Chống Chùa... ở Văn Chấn, Trạm Tấu, với những cánh rừng già ngút ngát làm nên đại ngàn xanh mênh mông một góc trời Tây Bắc, nơi đại ngàn xanh đương cất giữ nhiều gen động, thực vật quí hiếm, nơi tạo ra nguồn sinh thủy vô tận mải miết chảy mãi xuống sông Hồng, sông Đà, đổ về châu thổ Bắc bộ lớp lớp phù sa ngọt lành, bồi đắp cho sự sống thêm tốt tươi. Riêng ba ngọn La Háng, Kể Cả, Phu Ba nằm gần trọn trong xã Chế Tạo, ở đây có Khu bảo tồn Loài/ Sinh cảnh Mù Cang Chải với rất nhiều loài động thực vật quí hiếm như rùa đất, rắn lửa, khiếu bạc má, niệc cổ hung, vượn đen..., nhiều lắm. Tôi đã từng cùng đoàn công tác của tỉnh Yên Bái đội mưa, dầm sương, chân trần vượt dốc Kim Nọi, Háng Gàng, Tà Dông, La Háng vào Chế Tạo, nhấc bước phát một từ sáu giờ sáng đến chín giờ đêm, ôi dô, long gối, nhừ chân, bã người, đêm đen thẳm, bập bùng đuốc lửa, cảm giác như phiêu diêu trong cõi hồng hoang, khiếp, tưởng cái thân siêu lả sắp làm thuốc bón cho cây rừng, ầy dà, thế mà sớm mai ra, ngó sương giăng mờ núi rừng, nghiêng tai nghe suối chảy rì rào lẫn ríu ran tiếng sơn ca hót, thì chợt bùng lên tiếng hú à-hú à-hú à..., tiếng hú à kéo thành tràng dài nghe như tiếng hú của người nguyên thủy, tiếng hú gọi đàn nối nhau đánh thức cả miền rừng thăm thẳm, tiếng hú gọi ban mai của bầy vượn đen, cái bầy vượn đen hiếm hoi được Tổ chức bảo tồn động thực vật hoang dã Quốc tế đưa vào sách đỏ. Còn biết, Mù Cang Chải có hồ thủy điện Hồ Bốn chặn dòng Nậm Kim, là gương trong cho núi soi mình; có Resort Mù Cang Chải - đẳng cấp quốc tế, bỗng mọc lên trên một ngọn đồi như mọc ra từ cổ tích, đẹp mê ly và độc đáo lắm; có cánh đồng hoa cải dầu mênh mông sắc vàng bên cánh rừng sơn tra ngút ngàn lúc lỉu trái; có động Nậm Khắt lạ hoắc; có cả khu danh thắng quốc gia ruộng bậc thang nằm trọn ba xã Chế Cu Nha, Dế Xu Phình, La Pán Tẩn. Cứ tháng mười, vào vụ lúa chín, những tràn ruộng bậc thang mênh mang không còn là ruộng nữa, không phải là lúa nữa, mà là thảm vàng cao nguyên, thảm vàng đổ tràn trụa lòng thung, thảm vàng vỗ sóng ngược núi, thảm vàng chảy miết quanh sườn đồi, thảm vàng giăng giăng thềm đá, thảm vàng bắc thang lên trời, chẳng thế mà các nhà nhiếp ảnh Yên Bái và cả nước, mùa nào cũng mò mẫm lên đây bấm máy, bấm cả Fly CAM nữa, bao nhiêu là ảnh, đặt toàn tên hay: Núi vàng, Mâm xôi vàng, Thung lũng vàng, Nấc thang vàng, Sóng vàng, Cơn lốc vàng, Ngai vàng, Xoáy vàng, Cổ tích vàng, nhiều tên Vàng nữa, rồi các chàng nghệ sỹ đem dự triển lãm khu vực, triển lãm quốc gia trúng khối huy chương Vàng, Bạc, Đồng, đem lại niềm vinh quang và tự hào cho nhà nghèo Mù Cang Chải, thật hãnh diện chứ lị. Mù Cang Chải còn có đèo Khau Phạ, cái sừng trời đấy, là một trong tứ đèo cùng với Pha Đin, Ô Quy Hồ, Mã Pì Lèng trứ danh Tây Bắc. Đèo Khau Phạ lên 20km, xuống 10km. Dân phượt, dân bay mới phát hiện liền cho làm Sân dù bay Khau Phạ ngay lưng chừng đèo, phía trên cánh đồng bậc thang Nậm Có. Dân bay chuyên nghiệp bay. Dân phượt bay. Người mơ ước được bay bay. Người hiếu kỳ bay. Người khắp cả nước bay. Người nước ngoài bay. Nhiều người bay lắm. Bay trên thảm vàng cao nguyên, bay trên mùa nước đổ, bay cùng gió cùng mây quanh ngọn núi Khau Phạ cao vút tầng trời, là nhất khoái bay thiên hạ. Ơ lạ! Bao nhiêu người già, trẻ em, con trai, con gái từ núi cao đồi thấp, ở khắp làng xa bản gần kéo nhau đến xem, vui phết. Thôi bay dù, xuống chân đèo Khau Phạ bên này là Tú Lệ, cánh đồng và phố núi Tú Lệ đẹp như tranh vẽ. Cánh đồng Tú Lệ của người Thái Văn Chấn lượn mềm hai bên dòng suối Nậm Đung. Kỳ lạ là, từ xửa xưa chỉ cánh đồng Tú Lệ mới có loại lúa nếp tan. Mùa lúa nếp tan hênh hênh vàng bông là lúc người Thái ngắt về làm cốm. Thứ cốm xanh nếp tan Tú Lệ sánh ngang cốm làng Vòng Hà Nội nhé, bao người qua đây từng thưởng thức đều khen hương vị cốm nếp tan Tú Lệ thích hơn cốm làng Vòng, bởi vì, cây lúa nếp tan ăn đất đá núi Pu Có, Khau Than, Pu Coong Khẩu, Khau Soong, uống nước suối trong lành Nậm Đung, có cả nước khoáng nóng từng làm hồng tươi nước da con gái Thái Tú Lệ, lại có bàn tay mềm mại của các cô gái Thái vung chày vừa khéo cho quả lúa thành hạt gạo mỏng đều, xanh mơ, ơi là hấp dẫn. Cốm nếp tan Tú Lệ ăn không đã dẻo, thơm, ngon, nếu đem nấu cháo vịt Tú Lệ nữa, thì thôi rồi, cứ gọi là đi đứt vài ba nậm rượu Tú Lệ nữa, chứ bỡn. Ăn cốm nếp tan Tú Lệ rồi, nên nhớ vào động Tiên Nữ mà ngắm nghía cái cơ ngơi kỳ thú triệu triệu năm của Sơn Thần nhờ cuộc hỏa sơn vô tiền khoáng hậu, vào động thỏa thích ngắm nhũ đá, tha hồ mà thả trí tưởng tượng, thấy đủ loài linh thú trên rừng núi với cả một câu chuyện ly kỳ về năm nàng Tiên Nữ ngự muôn năm lòng động, có cả hồ gương cho các nàng soi, có cả suối nguồn trong veo cho các nàng tắm, yên tâm là, có cả chàng Rùa, chàng Sư Tử đá canh gác bảo vệ các nàng. Tôi từng ngủ đêm Tú Lệ, dự hội lồng tồng, là hội xuống đồng, ngay trên khu ruộng khô còn thơm mùi rơm rạ. Ánh điện lung linh. Cờ, hoa rực rỡ. Loa đài vang vọng. Hội đông vui lắm. Người từ khắp các bản làng kéo đến, chân chen chân, vai kề vai, áo cóm trắng, áo chàm xanh, sao khủa hoa văn, màu hòa màu thành bức tranh thổ cẩm, rất thích, và tôi đã bị lạc trong bức tranh thổ cẩm ấy, rồi thả hồn theo tiếng khèn, tiếng sáo, cùng tiếng hát dân dã, tươi vui, ngọt ngào, ấm nồng của dân ca Thái, dân ca Tày, dân ca Khơmú, dân ca Dao, dân ca Mông. Bước chân ngơ ngẩn vào giữa hội xem hát hạn khuống2, tôi ngó lên sàn hoa hạn khuống3, ái chà, một xao tổn khuống4, bốn xao lắc sáy5, năm cô gái Thái, xinh ơi là xinh, các nàng rực rỡ bên ngọn lửa sàn, các nàng vừa quay sợi vừa hát đối đáp giao duyên với năm chàng trai bên cầu thang dưới sàn hoa hạn khuống. Chàng trai dưới sàn hoa vừa khèn vừa ngước lên, muốn cho mọi người dự hội cùng nghe liền hát bằng tiếng Kinh: À ớ-ớ-ớ ơ-ơ-ờ-ời.../ Anh ở bản xa nhìn thấy lửa/ Nhìn thấy bóng áo cóm của em/ Nhìn thấy má hồng muốn hỏi thăm/ Nhìn thấy sàn hoa muốn đến chơi/ Sàn hoa của người yêu đấy/... Em còn đơn thân thì hãy đến với anh/ Núi rừng sẽ xe duyên cho chúng mình/... Nghe thế, các xao noọng cười như nắc nẻ, và xao tổn khuống cùng các xao lắc xay liền hát đố bằng tiếng Thái mẹ đẻ: À ớ-ớ-ớ ơ-ơ-ờ-ời.../ Khan chung ngúa táy chưa vai lẩy bấu/ Chùng quái táy nga bả lẩy bấu/ Vai mạ tày dấư xao lẩy bấu/ Khan pú phựa cẳn tà vên lẩy bấu6/... Ầy dà! Lời hát giao duyên quyện thấm sương rừng, gió núi, cứ miên man mê mải. Ngọn lửa sàn hoa bập bùng. Xa quay. Sao bay. Ở ngoài kia, trai gái Mông xoắn xuýt xòe ô múa khèn, trai gái Tày, trai gái Dao, từng đôi, từng đôi, thì thầm mê mẩn tâm tình, cứ thế, đêm hội lồng tồng thành đêm thần thoại, suối Nậm Đung cũng long lanh mắt sóng, núi Khau Soong cũng nghiêng ngả tơ tình, muông thú rừng già ngơ ngẩn ngó đời dân gian sung sướng. Mấy mùa xuân liền tôi theo bạn đi xem hát hạn khuống ở Tú Lệ, rồi về xem xòe Nghĩa Lộ, xòe đại xòe cả nghìn sơn nữ Thái để ghi danh ghi-nét, cũng thích, nhưng không thích bằng xem xòe cổ, là cuộc xòe đêm trăng ở ngoài sân trước nhà sàn của người Thái họ Lò Mường Lò cơ - Mường Lò cùng với Mường Thanh, Mường Than, Mường Tấc làm nên tứ mường vựa thóc nổi tiếng Tây Bắc - múa xòe trong khoảnh sân còn ngổn ngang rơm rạ và thóc vàng thơm nức, xòe mừng được mùa, mừng cơm mới, là xòe cổ độc đáo sáu điệu: Khắm khen, Khắm khen mơi lẩu, Phá xí, Đổn hôn, Nhôm khăn, Ỏm lọm tốp mư. Những điệu xòe cổ Thái rất hay và nhân văn, thể hiện niềm vui, lòng hiếu khách, nỗi nhớ thương, tình đoàn kết gắn bó keo sơn, niềm ước mong một cuộc sống may mắn, ấm no, hạnh phúc. Với tộc người Thái thì “Không xòe không tốt lúa/ Không xòe thóc cạn bồ/ Không xòe trai gái không thành đôi”. Những điệu xòe cổ mê mị bởi những sơn nữ Thái chưa tằng cẩu7, còn đương thì gái tơ, mình thon vú dựng, áo cóm lóng lánh hàng cúc mắc pém, dây xà tích nhúng nhính trễ mông mẩy, tóc xanh mượt xỏa dài cạp váy, gương mặt tươi mởn hoa ban vừa hé nở, mắt to đen long lanh sao trời, miệng thắm hoa đào, chân nai thon dài, gót sen còn lấm bùn còn vương hạt thóc vàng đồng Mường Lò, cánh tay sải dài cánh chim én, bất ngờ, khi ngọn lửa hồng cháy lên bập bùng và tiếng trống tùng tùng tùng, tiếng khèn bè mì là rê ngân lên, pí lè ti tí tì, pí pặp pà pặp pà, nhạc chuông leng reng, thế là gót sen sơn nữ nhún nhẩy, thế là hai cánh tay với bàn tay thon mềm cùng dải khăn tha thướt như đôi cánh chim én bay lên, ôi giời, vòng xòe như gió cuốn, như mây sa, như hoa nở, như bướm lượn, như én bay, như lửa cháy, các sơn nữ xòe mà sao giống các thiên thần bay ra từ cổ tích, đẹp mê hồn. Xòe cho đến mê mệt thì các thiên thần xao noọng ríu rít kéo nhau lên nhà sàn, xúm quanh bếp lửa, hì hụi làm món ăn. Bàn tay mềm khéo khéo. Ơi là các món thơm ngon: pa pỉnh tộp - cá nướng, nhưa cáy mọ - thịt gà xôi, nhưa khoai mọ min - thịt trâu để ôi đem xôi, cay hỉn - rêu đá vùi than hồng... Với bao nhiêu là thứ rau rừng ngọt mát đem xôi chín tới, như: mắc pi cuội - hoa chuối rừng thái nhỏ, phắc cát choong - rau cải xoong, phắc nhả hút - cỏ mần trầu, phắc noók - rau má, phắc tanh - rau tòm bóp, phắc cút nặm - rau dớn, phắc hống - lá đu đủ, mắc quạnh - quả cà dại... Rau rừng xôi chín chấm với mắc khẻn là hạt sẻn giã nhỏ cho vào mẳm pa - nước mắm cá. Mọi thứ đặt vào lá chuối, ngả ra sàn, xếp quanh ché rượu cần. Ngọn lửa bập bùng. Các xao noọng và các chàng vít cong cần rượu. Món ngon ngút khói thơm. Nào ăn đi! Khoái khẩu kiểu Thái đây. Hút rượu cần nữa đi! Khắp nữa đi! À ới-ới-ới-ời-ời... Kha lị khảu lậu nháư nha mong, Nả coong luôn nha xẩư, Kin lẩu tánh tị, Y y tua phén din8/..., a a, mơi lẩu... mơi lẩu, lại vít cong cần rượu, ngả nghiêng, ngả nghiêng, sướng qua-á-á-á đi thôi!
Biêng biêng, tất cả lịm mơ bên ngọn lửa bập bùng.
Hôm sau, hoàng hôn vừa tím rịm núi Pú Chạng, tôi theo mấy chàng trai Thái xuống Noong Ỏ quăng chài. Noong Ỏ là nơi hợp lưu suối Nhì với suối Thia có bờ cát trắng dài, có thềm đá lô xô sóng nước, có lựng nước rộng nhiều cá to bơi thành đàn. Các chàng trai Thái đi mảng, vung rộng vòng chài úp chụp cả bóng núi với mặt trời làm dậy sóng long lanh ánh chiều. Tôi vừa xem quăng chài vừa ngó sang bờ xa, phía bên đồng Mường Lò, dưới bóng tre xanh, ới kìa, ríu rít các thiên thần xao noọng đi tắm suối Thia, váy cuốn cao, cười khúc khích, tóc xanh mượt xỏa dài theo dòng nước xanh, ôi giời ơi, là ngực trần hoa ban, nhũ hoa nõn nà sóng, nhu nhú sóng, nưng nức sóng, lô nhô sóng, bồng bềnh sóng, thấy rực cả người, tôi vờ ngoảnh ra vồng chài nhưng mắt bỗng xoay ra sau gáy, ơ sao thế, thôi nào, biến ngay, để yên cho các thiên thần xao noọng tắm Tiên như nghìn xưa vưỡn thế.
Gượng mãi mới về đến nhà!
Nhớ thương mờ trăng sao, suốt từ mùa màng Mường Lò lúa chín vàng thu cho đến tận giêng hai, khi cánh én xập xòe vương sương sớm, thì hoa đào rực rỡ hồng tươi cùng hoa ban bừng nở trắng ngần, hương hoa rủ rê ong bay, bướm lượn, là lúc khắp các bản làng vào mùa lễ hội, người Thái cúc cung làm lễ Xên bản xên mường, Xên lầu ló9, người Tày cùng người Thái náo nức mở hội lồng tồng, người Mông thao thức hội gầu tào, người Khơmú nhộn nhịp hội cầu mùa, người Dao mê mê lễ cấp sắc..., con người các tộc người dâng trào một sức sống mãnh liệt.
Thì mùa xuân, tôi lại vào miền Tây - nơi đại ngàn vời vợi xanh tươi sự sống!
________
1. Bài dân ca Mông được nghệ sỹ sáo Kim Vĩnh phổ nhạc cho sáo Mông.
2. Một cái sàn dựng bằng tre hình chữ nhật, diện tích chừng 24 m2, cao 1,5m, xung quanh có chấn song đan hình mắt cáo, trên sàn dựng năm cây nêu bằng tre, một chiếc xa quay sợi đặt bên cạnh bếp lửa, có cầu thang bắc lên sàn.
3. Hát giao duyên của người Thái
4. Xao tổn khuống: Cô gái Thái xinh đẹp, nết na nhất, có tài hát đối, chỉ huy cuộc hát giao duyên.
5. Xao lắc xáy: Bốn cô gái Thái xinh đẹp trong đội hát giao duyên.
6. Anh có đan phên chắn được hang thuồng luồng không/ Anh có dắt bò đi trên dây mây được không/ Anh có dắt trâu đi trên cành đa được không/ Anh có dồn ngựa đi trên mạng nhện được không/..
7. Tằng cẩu: Là búi tóc. Phong tục người Thái, con gái búi tóc đi lấy chồng.
8. Từ nay vựa thóc lớn chớ vơi/ Cơm coong to đừng mốc/ Rượu nồng căng đượm ân tình/ Vang vọng vui vẻ khắp bản mường/...
9. Xên bản xên mường là lễ hội cầu mùa, cầu phúc, cầu may. Xên lẩu ló là cúng rượu mừng măng mọc.
Nguồn Văn nghệ số 31/2020